Yêu ghét đời phàm tục

Đọc “Dưới cột đèn rót một ấm trà”, tập truyện, Nguyễn Trương Quý, Nxb TRẺ, 2013 - Văn Nghệ số 17 ra ngày 26/4/2014.

Hàn Hoa Nguyễn Chí Hoan




Tập truyện ngắn đầu tay này của Nguyễn Trương Quý được anh đặt tên giống như các tập tạp văn của anh, khiến tôi nghĩ đến một sự tương đồng về các ý tưởng cũng như bút pháp. Nhưng đọc vào thì thấy cũng có nhiều khác biệt, và thế mạnh đối với Nguyễn Trương Quý lộ ra ở truyện hơn tạp văn. Câu trong truyện “Cười đùa đàn địch xôn xao” mà anh tự trích dẫn trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng văn chương giới trẻ, cũng gồm cả anh, phần đông là “thừa tinh tế mà thiếu can đảm”(-tr.176), thì đúng với tạp văn của anh hơn.

Những truyện trong tập này (15 truyện) đều là không “thiếu can đảm” chút nào, nhất là các truyện như “Phía Tây Hà Nội”, “Vết đâm”, “Đồ án tốt nghiệp”, “Rừng mái rừng mơ”, “Tiệc Tây”, “Người mắc chứng tiền đình”. Bởi vì nếu hiểu, theo cách nông nổi nhưng không nhất thiết đã sai, rằng sự thiếu can đảm của văn chương là lẩn tránh những cảm nhận gai góc về đời sống, thì các truyện nêu trên đã không lẩn tránh. Một niềm cảm thông xuyên suốt các giọng kể. Và là một niềm cảm thông u ám.

Mà nhìn chung tất cả các truyện trong tập đều như vậy, đều biểu lộ một tinh thần chung đã ngụ ý trong tên của tập truyện này. “Dưới cột đèn rót một ấm trà” là hình ảnh gợi ý những chuyện kể ở đây tựa như những chuyện được trao đổi, loan truyền, ngẫm nghĩ sẻ chia trong các nhóm người trên phố. Kiểu dư luận này hiếm khi thiếu sự phê phán, đặc biệt về tư cách và lối sống của những đối tượng được kể đến. Trong những truyện ngắn này, chân dung của đời phàm tục đương thời bị vẽ ra với đầy nỗi cám cảnh – thương xót cảm thông, nhưng chê trách.

Cái nhìn phê phán đó biểu hiện một cách điển hình ở truyện “Phía Tây Hà Nội”. Đây cũng là một trong mấy truyện nổi bật nhất của tập này. Truyện kể một tình huống kịch tính khi nữ nhân vật Linh được “ Nga, bạn cũ thời phổ thông, mời đi ăn sau mười mấy năm bặt tin.”(tr.90) Bút pháp truyện này,cũng như ở các truyện khác trong tập, là lối kể khách quan, nhằm để sự việc tự nói lên, nhã nhặn và đầy ngụ ý, bộc lộ qua nhiều lựa chọn hình ảnh xuất sắc. Thí dụ như hai câu mô tả vợ chồng Linh trước tòa nhà Keangnam, nơi Nga mời gia đình Linh đến ăn một bữa cơm nhà hàng Hàn Quốc: “Gió từ khoảng giữa các tòa tháp thổi bạt làm Linh một tay giữ váy, một tay bíu chồng. Hai người liêu xiêu bước đến cửa ra vào.” (tr.95)

Cảnh này đơn giản, nhưng nhấn mạnh ấn tượng cường điệu rất khéo ở hình ảnh hai người “liêu xiêu” trước một biểu tượng mới của cái “văn minh” tiêu thụ mới, cái “văn minh” sắp giật đứa con trai của họ khỏi tay họ. Bởi, bữa cơm Hàn Quốc trên tầng 70 mà Nga mời hầu như chỉ để dọn đường ngỏ lời xin đứa con trai của vợ chồng Linh.

Đoạn mô tả này chứa đựng một linh tính và dấu hiệu của sự biến chuyển bất thường. Do bởi ngay hai câu trước đó trần thuật ngắn gọn: hai đứa con của vợ chồng Linh đã chạy ào lên trước, về phía cửa vào tòa nhà. Sự hào hứng đó tương phản hình ảnh rụt rè của hai vợ chồng tựa như đang bị bỏ rơi lại. Hai tiếng “liêu xiêu” bởi thế là một biểu thị cường điệu về ấn tượng, dường như cố phát lộ một nỗi run rẩy nội tâm và trực giác của đôi nhân vật này.

Thực ra, lựa chọn ngôn từ cường điệu có phần không hợp với bút pháp kể khách quan. Trần thuật khách quan đòi hỏi sự chặt chẽ hơn nữa. Trong khi một bút pháp hiện thực theo thông lệ có thể chấp nhận lối biểu cảm tính ngữ trạng ngữ như là “liêu xiêu” , thì lối kể khách quan có thể đòi hỏi người viết phải tìm kiếm một góc nhìn sáng tạo hơn nhằm đẩy ra được những chi tiết, hay tình tiết gợi lên cảm giác “liêu xiêu” đó.

Ở trường đoạn cuối của truyện này thì việc kể khách quan đã làm tốt hơn nhiều về mức độ kìm nén của trần thuật, khi tình tiết và ý tưởng hàm ngụ của truyện xoay quanh ứng xử của nhân vật đứa con trai của vợ chồng Linh. Thông điệp đau đớn của truyện, nằm sâu trong lựa chọn của đứa con: nó hầu như chẳng cần phải cố gắng lựa chọn, mà dường như đâu đó trong đầu nó cái công-tắc cho đèn xanh đã lập tức bật xong rồi.

Lối trần thuật/ kể khách quan là một bút pháp mạnh mẽ của truyện ngắn hiện đại, mà tiêu biểu gần đây ta thấy ở các truyện ngắn mới được dịch và xuất bản của Raymond Carver. Mỗi tác giả sẽ đem lại một sắc thái phong cách riêng cho khuynh hướng kể truyện này, như ở các truyện của Ngô Phan Lưu, Lê Thanh Kỳ, Chu Thị Minh Huệ,...

Trong tập truyện ngắn này của Nguyễn Trương Qúy, một vài truyện không thực sự nổi bật lại cho thấy rõ nét hơn bút pháp kể khách quan, như truyện “Dòng chữ”. Truyện này thuật lại cảnh tan vỡ hôn nhân của một đôi vợ chồng trẻ mới cưới không bao lâu, chỉ vì một “dòng chữ” nặc danh trên cửa căn hộ của họ. Cảm giác phi lý của tình huống và các tình tiết truyện là rất rõ ràng, nhưng tính thuyết phục tự nhiên của truyện cũng rõ rệt chẳng kém. Nó đưa ra một kiến giải ngầm ẩn cho vấn nạn tỉ lệ ly hôn cao trong các gia đình trẻ hiện đại. Song, nó tránh được tính phàm tục của lối suy diễn nhân quả thô sơ và cảm tính mà chuyện kể hiện thực thông thường hay mắc phải.

Dường như Nguyễn Trương Qúy đã rèn luyện bút pháp trần thuật của anh qua các tạp văn báo chí một cách khá hiệu quả. Khi chuyển lối viết đó vào truyện ngắn, tác giả này tỏ ra rất ý thức về mức độ kiềm chế trong biểu đạt từ chương. Và điều đó dường như đúng đắn cho các chuyến đi văn học của anh vào cái đời sống mà anh thông hiểu, thông cảm, chia sẻ. Lối kể khách quan này là một lựa chọn sáng giá và cần được đào sâu hơn nữa. Đó là lối kể làm rõ được khoảng cách giữa cái giả và cái thật trong cuộc đời, cái khoảng cách mà văn chương giúp ta thấy và cảm nhận, chứ không phải suy diễn thuần cảm tính./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm