Lời tựa - Mỗi góc phố một người đang sống
Khi mới đến một thành phố, tôi thường bị hút vào các công trình nhà cửa, cung điện lâu đài hay di tích lịch sử. Quang cảnh kiến trúc, các điểm mốc không gian là những yếu tố đập vào mắt đầu tiên.
Nhưng sau khi trải nghiệm các không gian có phần lặp đi lặp lại ở nhiều đô thị với các thiết chế cơ bản mỗi nơi, lúc trở về tôi dần quên các chi tiết, các mái chóp, gác chuông hoặc các tranh tượng nguy nga đã nhường chỗ cho cảm giác nóng hay lạnh, sự khoáng đạt hay chật chội, và ấn tượng về phong tục sống của con người giữa những khung cảnh ấy. Một thành Viên hoàn hảo về kết hợp cổ kim, về cách nghệ sĩ ở đây cố gắng làm gì đó khác đi so với hàng trăm năm kinh điển của âm nhạc, của hội họa, và vẫn còn những chuyến tàu điện leng keng gợi nhớ Hà Nội thời trước. Một Venice không nhiều sửng sốt về những tòa nhà lộng lẫy mà vì cư dân ở đấy sống trong những ngóc ngách giông giống Hà Nội, đi lại bằng thuyền trên những con kênh (may chăng giống Hà Nội thời Kẻ Chợ xa xưa?) và không có xe máy – thứ khác hẳn với Hà Nội.
Tôi đã để tâm đến lối sống con người nhiều hơn, thay vì lê bước trong những bảo tàng mênh mông. Có những thành phố tôi chẳng xem gì nhiều nội thất bên trong mà đi lang thang ngoài các quảng trường, qua các đường phố nơi phô bày các sinh hoạt thường nhật. Cuối cùng, căn phòng khách sạn nào đã nằm, bữa trưa ở đâu, người ta mua bán với mình ra sao, đã thành ký ức quan trọng. Và Hà Nội, đối chứng cho mọi thành phố mà tôi tới, khiến tôi đặt câu hỏi, cái gì làm nên giá trị bất thành văn cho từng không gian sống? Mỗi con phố phải có gì hơn là nhà cửa, hàng cây, vỉa hè, nếu như không phải là ở đấy có những con người làm nên trạng thái sống của chúng. Không có họ thì phố cũng chỉ dần như bảo tàng hoang vắng, như thành phố Venice, nơi mà người dân đang dần rời bỏ. 30 năm qua, dân số thành phố này chỉ còn một nửa, còn giá cả đắt lên gấp đôi, gấp ba. Trong khi đó, dân số Hà Nội tăng lên hơn ba lần, cho dù giá nhà cũng tăng lên rất nhiều lần. Nghĩa là hoàn cảnh của đô thị Hà Nội hoàn toàn khác với Venice. Hà Nội vẫn trên đà sinh dưỡng của nó. Ấy là nhờ những con người, họ đã sử dụng và biến cải không gian đô thị để phục vụ cho cuộc sống của mình. Họ có thể là những nghệ sĩ, nhà văn, những người cả phố biết mặt, cả phường biết tên. Nhưng họ cũng có thể là những người làm các công việc rất bình thường, cắt tóc gội đầu, sửa chữa xe máy, buôn bán này nọ. Họ làm cho phố có sức sống.
***
Khi tôi biết nhận thức thì đã thấy Hà Nội rất khác, dù hồi đó thành phố vẫn còn “quê”. Nơi tôi sống vẫn còn rất nhiều ao hồ, thậm chí nhiều khu vực mênh mông của quận Đống Đa, Ba Đình vẫn còn là ruộng vườn. Hà Nội phố xá buôn bán chỉ có một chút ở những ngã tư đầu ô hay khu vực Bờ Hồ với những cửa hàng, cửa hiệu hay sáng đèn. Đến khi đi học, được đọc sách của Tô Hoài, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, nghe nhạc Đoàn Chuẩn, xem tranh Bùi Xuân Phái… tôi thấy một Hà Nội rất khác, một Hà Nội có nếp sống thị dân, có nhà hàng, cửa hiệu, người ta ăn mặc nhiều quần áo lạ, có lối ứng xử khác với thời tôi sống… Tôi thấy Hà Nội trong các tác phẩm này như một miền cổ tích quá xa xôi từ thế kỷ nào vậy, nhưng lớn lên mới biết hóa ra những người sống trong thời ấy, viết ra những tác phẩm đấy, có người vẫn đang sống cùng thời mình đây thôi.
Sự phát triển của Hà Nội có một khoảng đứt đoạn do đã trải qua những giai đoạn phát triển không bình thường: chiến tranh và đóng cửa, và đặc biệt là các quan niệm về giá trị của đô thị không được coi trọng, người ta không nhìn đô thị như một xã hội thị dân mà nhìn như một xã hội bao cấp kế hoạch tập trung, có vẻ cái gì cũng có mà cái gì cũng thiếu. Vì vậy, ngoài việc hòa mình với đời sống Hà Nội hiện tại, tôi cũng bỏ công tìm hiểu, hỏi han về cuộc sống của người Hà Nội xưa. Rất nhiều thứ được lấy làm đại diện cho bản sắc Hà Nội mới được xây dựng mau chóng trong vài thập niên đầu thế kỷ 20.
Ngắm nhìn những bức ảnh Hà Nội những năm 40, trong khung cảnh ngăn nắp được đông lại thành hình tượng đã ảnh hưởng rất lớn đến mỹ cảm của các thế hệ sau này, dường như nó toàn bích và giống “chân dung” bức ảnh các thành phố di sản khắp thế giới. Những ngôi nhà nhỏ bé với mái ngói lô xô vảy cá như đợt sóng, những nhà hát, bảo tàng, trụ sở… tất cả thành một quần thể dễ thương. Một thành phố như thể sinh ra để người ta đến du lịch. Nó bình yên, thơ mộng, cái gì cũng bé xinh, tỉ mỉ khiến bất cứ ai cũng yêu ngay được.
Tôi đặt câu hỏi, những phố Hà Nội bây giờ thì sao? Những con người ở đấy họ có tiếp tục công việc khiến người khác yêu không “ngay được” thì liệu có vớt vát bằng cách thấm dần theo thời gian không? Đã nhiều năm qua, nhiều người tìm đến tình yêu với Hà Nội – “hướng về thành phố xa xưa” ấy như một sự thoát ly thực tại, yêu một thứ thuộc về ký ức chứ không phải yêu một thực thể.
Nhưng thực thể sẽ trở thành một phần của ký ức. Nhạc tiền chiến chỉ hình thành và tồn tại không đầy hai thập niên ở Hà Nội nhưng hơn bảy mươi năm sau chúng vẫn còn được hát, cũng như những cuốn sách của thời trước được đọc lại. Nhiều thế hệ sinh sống ở Hà Nội đã cho thấy những gì họ làm ra có tính chất cá nhân lại có sức sống lâu hơn những công trình vật chất của xã hội. Không phải phố cổ sinh ra họ, không phải hồ Gươm là nơi họ sống gần, không phải họ có mùa thu, mà họ tạo ra một phố cổ của họ, hồ Gươm khi qua tay họ hình như mới đẹp và họ đã mang lại những cơn gió heo may dịu dàng cho mảnh đất không hẳn đã dễ sống này.
N.T.Q
Nhận xét