Từ soap-opera đến web-drama: cuộc phiêu lưu của truyền thông hội tụ

Thập niên vừa qua cho thấy một sự tăng trưởng ngoạn mục trong lĩnh vực số hóa và hội tụ truyền thông tại khu vực Đông và Đông Nam Á (hay còn gọi là Viễn Đông), song song với tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới của một số quốc gia, ví dụ như Trung Quốc và Việt Nam. Không đâu có thể chứng minh hoàn hảo hơn cho câu chuyện rằng kinh tế truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong khung cảnh của sự phát triển kinh tế như thị trường mênh mông này. Khu vực này là địa chỉ của những công xưởng chế tạo phần cứng lớn nhất toàn cầu và là nhà của những nhãn hiệu loại đình đám nhất trong lĩnh vực điện tử và công nghệ viễn thông, do vậy trở thành sân khấu lý tưởng cho truyền thông hội tụ trong kinh tế truyền thông.

Do đây là địa bàn của một số cơn bùng nổ kinh tế kéo dài nhất thế giới trong nhiều thập niên, vùng Viễn Đông cũng trải nghiệm sự thay đổi đột biến trong truyền thông. Trong bài viết của mình, tôi sẽ khảo sát một số sự tác động của truyền thông hội tụ tại Việt Nam gần đây, dưới làn sóng của đầu tư nước ngoài từ những nền kinh tế lớn nhất Đông Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tôi tập trung vào một số xu hướng đáng chú ý của các sản phẩm văn hóa nghe nhìn nhập khẩu từ các nước này vào Việt Nam, từ thể loại phim truyền hình truyền thống cho đến quyền lực đang lên của web-drama để chỉ ra phần nào công thức chung của truyền thông hội tụ. 

“OSHIN” – SỰ HỘI TỤ SƠ KHỞI

Khi bắt đầu chương trình Đổi Mới, chính quyền Việt Nam có một cơ hội lớn khi hai nhà đầu tư lớn nhất từ Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc đã trải qua một thời kỳ phát triển kinh tế rất thành công. Không để bị ảnh hưởng nhiều từ sự cấm vận của Mỹ lên Việt Nam vốn chỉ chấm dứt mãi tận năm 1994, hai nguồn sức mạnh kinh tế này đã trở thành những nhà đầu tư sớm nhất xây dựng nhà máy và vận hành chuỗi cung ứng chiều dọc trong nhiều lĩnh vực. (GRIPS, 2002). Không ngạc nhiên là họ mau chóng khởi sự hệ thống truyền thông của họ không chỉ ở vai trò hỗ trợ cho sản xuất mà còn là chìa khóa để chinh phục thị trường Việt Nam. Nhà chinh phục đầu tiên là một cô gái từ một bộ phim truyền hình. Khi loạt phim truyền hình drama Oshin của Nhật Bản được phát sóng trên truyền hình Việt Nam cũng như 85 nước khác, 297 tập phim dài 15 phút này trở thành hiện tượng trong xã hội Việt Nam suốt từ năm 1995 sang 1996. Thông qua câu chuyện tự thuật của một người phụ nữ từ lúc là một người giúp việc nhà đến khi trở thành người thành lập chuỗi siêu thị đầu tiên của Nhật, khán giả Việt đã có một hình dung đầy hấp dẫn và nhiều cảm xúc về một miền đất hứa như Nhật Bản. (Pettus, 2003). 



3 diễn viên đóng Oshin

Do độ dài của mỗi tập chỉ có 15 phút, mỗi buổi phát sóng dài bốn mươi phút sẽ dành phần thời lượng đắt giá còn lại cho quảng cáo. Vào lúc đó, hầu hết các spot quảng cáo đã thuộc về các thương hiệu Nhật như TV màn hình phẳng của Toshiba hay máy giặt Sanyo. Vậy khách hàng có thể mua những đồ điện máy đó ở đâu? Bên cạnh sự suy thoái của hệ thống bách hóa tổng hợp nhà nước và các khu chợ giời không mấy đáng tin cậy, một số siêu thị đã ra đời đúng lúc. Siêu thị đầu tiên ở Hà Nội, ‘Minimart Hanoi’, được mở vào tháng Ba 1995, trong khi cái đầu tiên ở Việt Nam được mở năm trước tại TPHCM (Mukherjee, 2015). Hơn thế nữa, vào năm sau đó, Nguyễn Kim, trung tâm điện máy gia dụng chuyên biệt đầu tiên được mở ở TPHCM với cam kết “chỉ bán đồ chính hãng, có bảo hành bằng văn bản” (VCCI, 2012). 

Cùng năm đó, Toshiba bắt đầu vận hành liên doanh với Việt Nam sản xuất và bán TV màu, và Sanyo thì cũng khánh thành nhà máy sản xuất máy giặt. Những đồ gia dụng này chính là những thứ ‘bạn trong nhà’ (housemate) với những bà nội trợ (housewives) và dĩ nhiên, những người giúp việc. Khán giả Việt Nam hẳn học được rằng họ đã trở thành một phần của một chuỗi cung ứng khác xa với hệ thống bao cấp lỗi thời trong quá khứ. Cặp song sinh sản phẩm giải trí và kỹ nghệ đến từ Nhật Bản minh họa khá xác đáng chuỗi cung ứng chiều dọc do nhà lý thuyết quản trị Michael Porter (1985) đã đề ra khi chương trình truyền hình tham gia “vào chuỗi cung ứng kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng” (Doyle, 2013: 20), giúp cho việc kinh doanh chạy từ những khâu đầu trong quy trình sản xuất đến khâu hoàn thành khi chúng được cung cấp hay bán cho khách hàng. 

Bộ phim truyền hình Nhật Bản Oshin không phải là bộ phim truyền hình nước ngoài đầu tiên giành được sự hâm mộ rộng rãi từ khán giả Việt (trước đó đã có những bộ phim mùi mẫn của Nam Mỹ hay phim Trung Quốc/các nước và khu vực nói tiếng Hoa), nhưng đây là một chương trình truyền hình thương mại đầu tiên có phần quảng cáo dài kèm theo. James Lull đã giải thích rằng nhà chức trách đã nhận ra quyền lực cứng của đồng tiền từ quảng cáo của nước ngoài và quyền lực mềm từ mức giá rẻ và hấp dẫn của những chương trình giải trí này. (Lull, 2000). Hơn thế, tên gọi ‘Oshin’ hay ‘ôsin’ trong cách phiên âm Việt Nam cũng đã trở thành biệt danh của những người phụ nữ giúp việc trong các ngôi nhà Hà Nội. Khi chính quyền cách mạng được thành lập năm 1945, họ tuyên bố xã hội XHCN không thể có mối quan hệ chủ-tớ, và coi việc thuê người giúp việc là việc phi nhân tính và hạ thấp nhân phẩm. 



Một hí họa quen thuộc về người giúp việc "ôsin" trên truyền thông VN

Những tên gọi cũ của người hầu trong thời kỳ Pháp thuộc như “con sen” cho các cô gái và “thằng ở” cho các cậu trai đã bị tuyệt chủng. Trong gần nửa thế kỷ, đời sống đô thị Hà Nội gần như không có thuật ngữ “người giúp việc”. Khi đổi mới kinh tế cho phép kinh tế tư nhân được vận hành, nhiều hộ gia đình giàu có và trung lưu ở thành phố lớn có nhu cầu lớn về người giúp việc. Bộ phim truyền hình Nhật đã tạo nên một cách gọi hợp thời để định danh cho họ. Các nhà quảng cáo dùng cả hình ảnh nhân vật chính để bán sản phẩm trên truyền hình và các băng video thu lại những tập phim đầu tiên còn được chiếu ngoài quán cà phê cũng như bán trong hiệu băng hình. Thêm vào đó, một số quán ăn và café lấy tên là “Ôsin”. Hai tác giả nổi tiếng nhất trong văn học đương đại Việt Nam, Hồ Anh Thái và Nguyễn Huy Thiệp viết truyện ngắn hài và kịch về công việc này. 

Pettus (2003) khẳng định rằng vào đầu thập niên 1990, các nhà đầu tư lớn nhất ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và nước đang lên - Trung Quốc – là những “hình mẫu hợp khẩu vị” của sự phát triển kiểu tư bản chủ nghĩa mà không phải bận tâm đến những hình mẫu ‘rủi ro’ từ Mỹ hay châu Âu, vì thế những bộ phim truyền hình châu Á vốn đầy những bài học đạo đức như Oshin có thể khích lệ “một sự ý thức về ‘các giá trị châu Á’ trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế” (Pettus, 2003: 169). Thực vậy, hiện tượng này không chỉ thể hiện một chuỗi khép kín gồm ba khâu từ tạo ra nội dung truyền thông, đóng gói thành sản phẩm và phân phối tới khách hàng, mà còn cho thấy sự hội tụ truyền thông trong khuôn khổ quốc gia đã vượt ra quy mô một bộ phim truyền hình để trở thành một thói quen văn hóa.


“BẢN TÌNH CA MÙA ĐÔNG” – PHẨM TÍNH NHIỀU TẦNG BẬC

Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 đã khiến chính phủ Hàn Quốc thay đổi chính sách kinh tế sang khuyến khích thứ quyền lực mềm của mình: xuất khẩu văn hóa. Sự thay đổi quan trọng này tạo nên một làn sóng đã càn quét qua toàn châu Á với tên gọi Hallyu (Hàn lưu hay Làn sóng Hàn Quốc). Việt Nam cũng là một nhà tiêu dùng đầy hứng khởi của cả hai sản phẩm công nghiệp lẫn văn hóa đến từ nhà đầu tư quen thuộc này.

Từ chỗ xếp thứ 5 trong danh sách đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam giai đoạn 1988-2000, Hàn Quốc đã thế chỗ Nhật Bản để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam năm 2015, với một khoản tăng lên trị giá 3 tỷ đôla Mỹ để xây dựng một nhà máy của Samsung Electronics. Vượt qua nhiều đối thủ Nhật Bản, Samsung đã trở thành một thế lực trong lĩnh vực sản xuất TV màn hình rộng kỹ thuật số và điện thoại di động thông minh, hai sản phẩm kỹ thuật số đòi hỏi một số tiêu chuẩn đa nền tảng để thích ứng với các thay đổi mau lẹ về kỹ thuật trong truyền thông. Trong số 28,7 triệu người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam 2014, Samsung là lựa chọn lớn nhất với thị phần chiếm hơn ¼ (IDC, 2015). Khung cảnh này xét trên bề mặt có thể gợi nên liên tưởng tới nhận định rằng “trong thế kỷ 21, khâu phân phối trở nên dần tiến một cách có định hướng tới các nền tảng số và các thiết bị di động khi các thói quen tiêu dùng truyền thông thay đổi trong việc lựa chọn những địa chỉ phân phối.” (Doyle, 2013: 21) [đoạn này cần đổi trích dẫn thích hợp]




Song song với quyền lực của đồng tiền đầu tư, vào thời điểm chuyển sang thế kỷ 21, sự tăng trưởng về độ phổ biến của phim truyền hình Hàn Quốc và K-pop cũng chinh phục người tiêu dùng Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác. Trong sức nóng của Hallyu, nhiều người Việt trẻ nhận thấy Hàn Quốc không chỉ là một hình mẫu hấp dẫn kỳ diệu để ngưỡng mộ và học theo, mà còn là một quốc gia đồng văn chia sẻ một không gian văn hóa Hán tự (Hán tự văn hóa quyển, Sinosphere) vốn không gây cảm giác đe dọa như Trung Quốc – láng giềng khổng lồ và kẻ thù cũ của VN. Mặc dù các bộ phim truyền hình tiếng Hoa cũng rất phổ biến ở Việt Nam, khán giả trẻ ưa thích vẻ bề ngoài thời trang hiện đại của phim truyền hình Hàn và K-pop. Giống với những người mẫu trên sàn diễn catwalk, những diễn viên của những loạt phim truyền hình thành công nhất như “Bản tình ca mùa đông” hay “Ngôi nhà hạnh phúc” đã trở thành đại sứ thương hiệu cho nhiều nhãn hàng từ đồ mỹ phẩm cho đến điện thoại di động. (Finacial Post, 2014). 



Fan Việt khóc khi đón thần tượng K-pop Hàn Quốc. Nguồn: ringring.vn

Bối cảnh của các bộ phim truyền hình này luôn đẹp đẽ thần tiên với phong cảnh tráng lệ hoặc các văn phòng sáng choang. Mối quan hệ lãng mạn giữa các nhân vật chính thường rất công thức khi họ phải vượt qua các ranh giới giai cấp để đến được với nhau. Các diễn viên xuất hiện có khi đồng thời xuất hiện trên các trang quảng cáo lẫn bản tin bên trong các tờ báo in và tạp chí. Trước, trong phần giải lao và sau chương trình truyền hình, các nhãn hàng Hàn Quốc dường như không chỉ là những đoạn quảng cáo bình thường mà còn là những clip rất bắt mắt. Trên Internet và mạng truyền thông xã hội, các câu lạc bộ người hâm mộ phát cuồng vì các chàng trai babyface và các cô gái da trắng sứ đến từ Seoul. Truyền thông nhà nước thì bực dọc với cảnh tượng các nhóm fan gào khóc khi đợi đón các ca sĩ K-pop ở sân bay, nhưng chính đài truyền hình trung ương VTV cũng lại phát sóng một chương trình thi tài do hãng Lotte đầu tư tài trợ, chọn người hát hay mà kỳ thực giống những ca sĩ K-pop nhất. (Thanh Niên, 2015; Đầu tư, 2014). Một số nhà “gác cổng” của xã hội lại nêu lên rằng các ngôi sao K-pop hát không giỏi và các bộ phim truyền hình có kịch bản thường quá ư ủy mị. Dẫu sao thì thông qua câu chuyện về cuộc viễn du nhiều trắc trở của một thế hệ mới ngoại hình bắt mắt này, những bộ phim truyền hình đã bán rất chạy một phẩm tính nhiều tầng bậc: lối sống hoàn hảo, món giải trí hấp dẫn và những hàng hóa đồ dùng tiện nghi. 


“NGHIỆN” THỂ LOẠI ĐANG LÊN

Là láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa Trung Hoa, vốn có gốc rễ từ thời gian đô hộ lâu dài của các triều đại phong kiến nước này hơn một ngàn năm trước. Sau khi “bình thường hóa quan hệ” năm 1991, sự liên đới về kinh tế tăng lên đột biến. Theo gót dòng chảy trao đổi thương mại, các sản phẩm văn hóa Trung Quốc cũng xuất khẩu sang Việt Nam với một khối lượng cực lớn. Năm 2015, Việt Nam có khoản thâm hụt thương mại ước chừng 32,3 tỷ đôla Mỹ với Trung Quốc, là con số cao nhất từ trước đến giờ (Viet Nam News, 2016). Hiển nhiên là các hàng hóa truyền thông như các bộ phim truyền hình và sách vở cũng có tình trạng tương tự. Mặc dù các nhà gác cửa văn hóa cho rằng “quảng bá văn hóa của một nước khác là một vấn đề rất nhạy cảm” nhưng nhiều kênh truyền hình nhà nước lại “phát sóng tám tiếng phim nước ngoài mỗi ngày, hầu hết là phim của Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông.” (Viet Nam News, 2013).

Tân Hoa xã (Xinhua), hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc đã công bố “giữa 2009-13, đã có 841 đầu sách Trung văn được được dịch và xuất bản ra tiếng Việt, trong đó 617 là sách [văn học] mạng. Hầu hết các tác phẩm văn chương mạng nổi bật nhất của Trung Quốc đều được dịch ra tiếng Việt, bao gồm các tiểu thuyết lãng mạn của gần 100 nhà văn mạng Trung Quốc.” (Xinhua, 2015). Nhiều tác giả trẻ Việt đã tìm thấy một công thức thành công trong việc tự xuất bản trên mạng với những câu chuyện và nhân vật tương tự vốn ưa chuộng những chủ đề tình yêu đồng giới cấm kị hay những cái gọi là truyện cổ tích tân thời. Cái tên chung của dòng sách này là “ngôn tình”, trong đó “đam mĩ” (danmei) thì được dùng để gọi những câu chuyện tình của người đồng tính nam, nhưng hầu hết được các tác giả nữ viết và dành cho độc giả nữ. 

Khi Internet xuất hiện ở Trung Quốc, nhiều cư dân mạng giới nữ ở đây đã bắt đầu gắn bó với thể loại mới mẻ đam mỹ. Lucifer’s Club (LC) - Cộng đồng văn học mạng Trung văn đầu tiên có mục đích khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ đam mỹ được thành lập năm 1999. Diễn đàn mạng này cung cấp tài khoản đăng nhập chỉ cho thành viên để cung cấp các tác phẩm vốn vi phạm sự kiểm duyệt của nhà nước. Một học giả Trung Quốc đã thống kê được có “khoảng 72.200 tác phẩm (bao gồm cả hoàn thành lẫn xêri đang viết) trong cơ sở dữ liệu” vào năm 2013. (Shih-Chen Chao, 2016). Có nhiều kiểu xếp hạng top 100 của mức độ ưa thích trên trang này: phổ biến nhất, nhiều click nhất, được tuyển chọn nhiều nhất, và nhiều “thích” nhất (tương tự như chức năng ‘like’ của Facebook). Cộng đồng này thực sự là một trường hợp nghiên cứu thú vị cho ý phân tích rằng “Với sự lan truyền của kỹ thuật số và sự tăng trưởng của Internet, đáng ghi nhận rằng nhiều người tiêu dùng tự thân họ đã trở thành những người kiến tạo và người xuất bản phi thường cho các nội dung. Sự tham gia ngày càng tăng của người tiêu dùng trong các hoạt động thượng tầng là biểu thị cho việc quan niệm thông thường về chuỗi cung ứng dọc vật lộn ra sao để có sự công bằng đầy đủ đối với sự phức tạp của ngành công nghiệp truyền thông.” (Doyle, 2013: 20).



Nguồn từ trang "Ma Nữ Bánh Bao - Kịch truyền thanh đam mỹ"

Từ dòng tin nhiều phần hồ hởi của Tân Hoa xã, ta có thể xem đó như là sự thừa nhận chính thức [của Trung Quốc] dành cho tiểu thuyết ngôn tình mạng, vốn gần đây đã bị hạn chế từ phía cơ quan quản lý xuất bản Việt Nam. Theo truyền thông nhà nước của Việt Nam, “Nếu như ngôn tình chất lượng kém là vô bổ, khiến giới trẻ mất thì giờ để mơ mộng vào những điều viển vông hão huyền thì thứ ngôn tình biến tướng này mới là độc dược ẩn chứa nhiều nguy cơ nhất. Với đối tượng độc giả trẻ tuổi, chưa đủ trải nghiệm, chưa đủ vốn sống, họ dễ dàng bị tiêm nhiễm những tư tưởng sai trái, những suy nghĩ phiến diện đầy nguy hiểm về tình dục và tình yêu.” (Tuổi Trẻ, 2015). Trong số này, đam mỹ bị buộc tội nhiều nhất. Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã nhìn nhận tiểu thuyết văn học mạng gồm cả ngôn tình cũng là cây cầu xuất khẩu văn hóa sang Việt Nam, nhưng trong nước họ không để cho chúng được tự do. Các tác phẩm có nội dung khiêu dâm và bạo lực bị kiểm duyệt và xóa đi. Năm 2011, Tân Hoa xã đã đưa tin 32 tác giả đam mỹ đã bị cảnh sát địa phương ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam đột kích bắt giữ vì họ đã xuất bản các nội dung đồng tính nam online để kiếm lời. Cảnh sát đã rất sốc khi phát hiện ra hầu hết các tác giả đam mỹ là các cô gái tuổi đôi mươi, người trẻ nhất mới 17 tuổi. (Shih-Chen Chao, 2016). Tuy nhiên, nền tảng Internet mới gợi ý cho thế hệ mới về việc ý thức về quyền lực mềm của họ trong việc định nghĩa một số trào lưu văn hóa ngoại biên như bình đẳng giới vốn nói chung bị né tránh trong kinh tế truyền thông Trung Quốc và láng giềng chịu ảnh hưởng của nó – Việt Nam. 

Trong khi các nhà chức trách cố gắng dán nhãn đam mỹ như một thể loại ‘độc hại’, các tác giả đã vượt qua khỏi sự hình dung của những người “gác cổng”: họ hình ảnh hóa các trang viết của mình. Họ đã tạo ra thể loại online mới để chuyển thể những tiểu thuyết đam mỹ này - web-drama – mà không cần phát sóng trên truyền hình nhà nước. Bộ phim web-drama đương có lượng xem cao nhất, “Thượng Ẩn” (tên tiếng Anh là Addicted – Nghiện hoặc Heroin), đã được xem hơn 10 triệu lượt ngay trong ngày ra mắt. Một “hit khủng” khác thậm chí còn đạt tới 2,4 tỷ lượt xem trước khi bị gỡ bỏ khỏi trang đăng phát video, tuy nhiên khán giả có thể xem ở bên ngoài Trung Quốc thông qua YouTube. Lý do mà cơ quan kiểm duyệt dùng để cấm những web-drama này cũng giống với vấn đề của những câu chuyện gốc: tình yêu đồng giới giữa những học sinh tuổi mới lớn. (WSJ, 2016; Time, 2016). Tuy nhiên, lý do chính nằm ở một yếu tố khác: chính quyền và truyền thông nhà nước có lẽ nhận thấy quyền lực không được phép của các nhóm web bên lề đe dọa vai trò của họ. Thực vậy, việc xem truyền hình online đã trở thành “một sự thay đổi khổng lồ đối với các công ty truyền thông truyền thống”, bởi vì “giờ đây quyền lực đã chuyển vào tay người tiêu dùng.” (Albarran, 2010: 73).

Mặc dù các nhà quản lý có thể ngăn chặn việc xuất bản hiện tượng truyền thông này thông qua một số rào cản kỹ thuật, thuật ngữ “độc quyền cổng vào” [gateway monopolist] có thể không tạo được tác động hoàn toàn lên chuỗi cung ứng, nhờ vào sự phát triển của băng thông rộng. Vào đầu 2015, tổng số thuê bao băng thông rộng tại Trung Quốc đối với di động là 640 triệu và với cố định là 204 triệu. Tổng số của cả hai loại giờ đây gấp 10 lần dữ liệu năm 2008 (China Internet Watch, 2015). Việt Nam cũng nằm trong số 8 thị trường nổi lên quan trọng nhất về thuê bao băng thông rộng (State of Broadband report 2015).



Ca sĩ Sơn Tùng M-TP, đại sứ thương hiệu của Oppo tại VN. Nguồn: http://www.oppomobile.vn/neo5-son-tung.html

Gần đây, khán giả Việt Nam cũng chứng kiến hai xu hướng trái ngược đối với vấn đề Trung Quốc trong truyền thông. Một mặt, truyền thông xã hội Việt Nam dấy lên mối nghi ngại về việc hàng hóa Trung Quốc quá tràn ngập và cạnh tranh với sản phẩm trong nước. Thêm vào đó, việc xung đột ở Biển Đông nơi hải quân Trung Quốc xâm chiếm những vùng đảo đá được Việt Nam tuyên bố chủ quyền mang tới sự giận dữ trong tâm lý cộng đồng. Mặt khác, sự áp đảo của các sản phẩm đầu ra của truyền thông Trung Quốc như tin tức về tiểu thuyết ngôn tình đam mỹ hay web-drama trêm truyền thông mạng và báo lá cải cho thấy ý chí tẩy chay những sản phẩm “made in China” là bất khả thi (SaoStar, 2016). Nhiều ngôi sao nhạc trẻ Việt Nam cũng là những đại sứ thương hiệu cho một số sản phẩm điện thoại di động Trung Quốc, ví dụ như Mỹ Tâm với Huawei, Sơn Tùng M-TP, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh với Oppo. Nhãn hiệu sau còn xuất hiện như một biển hiệu đậm nét trong một video ca nhạc (Thật bất ngờ của Trúc Nhân) và thậm chí trong gala Táo Quân đêm giao thừa của VTV. (Trieu, 2014; PC World Việt Nam 2016; Kiến Thức, 2015). Trong khi đó, thị phần điện thoại di động của Oppo nhảy vọt từ 1 lên 10% sau hơn một năm, xếp thứ ba tại Việt Nam. (IDC, 2015; Đầu tư, 2015).


KẾT LUẬN

Truyền thông hội tụ, đặc biệt là số hóa, có thể là một cây gậy thần để giúp các công ty và người tiêu dùng gần lại với nhau hơn trước đây. Nhờ Internet, nền tảng phân phối nội dung xuất chúng, một số rào cản đã bị xóa bỏ. Sự tự do hóa này cũng khiến cho cuộc hôn phối giữa hai bên tồn tại “cho đến khi cái chết (của nền tảng lỗi thời) chia lìa đôi ta”. Ở Việt Nam, khi nền tảng chuyển từ tương tự (analog) sang số (digital), hoặc nhà sản xuất thay đổi từ các nhà đầu tư khác nhau, câu chuyện của truyền thông hội tụ vẫn giữ một cốt lõi quan trọng: giao tiếp bên trong cộng đồng. Hiểu được căn tính Việt có lẽ là lợi thế của những nhà đầu tư đến từ không gian văn hóa Hán tự Đông Á, vì vậy kinh tế truyền thông của họ có thể tìm thấy cách để chiếm lấy trái tim của người tiêu dùng Việt dễ dàng hơn bất cứ đối thủ cạnh tranh nào từ các vùng văn hóa khác. Hơn nữa, khi xem xét các khía cạnh của truyền thông hội tụ, chúng ta cũng nên tính đến cách một số nền kinh tế đặc biệt đã xây dựng thương hiệu quốc gia hay thậm chí căn tính quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Các bộ phim truyền hình đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc như chúng ta đã thảo luận ở trên, cung cấp cho người Việt một nhận biết về những làn sóng thương hiệu không thể cưỡng lại nổi.

© Nguyễn Trương Quý


Tham khảo 

Albarran, Alan B. (2010). The Media Economy. London: Routledge.
China 4G Mobile Users Reached 160 Million in Q1 2015. (2015, April 30). China Internet Watch. Link: http://www.chinainternetwatch.com/1...
China’s Censors Take Another Gay-Themed Web Drama Offline. (2016, February 24). Wall Street Journal. http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2016/02/24/chinas-censors-take-another-gay-themed-web-drama-offline/
Chinese Censors Have Taken a Popular Gay Drama Offline and Viewers Aren’t Happy. (2016, February 25). Time. http://time.com/4236864/china-gay-drama-homosexuality/
Chinese literature thrives in Vietnam. (2015, March 16). Xinhua. http://news.xinhuanet.com/english/2015-03/16/c_134069660.htm
Doyle, G. (2013). Understanding Media Economics. 2nd ed. London: Sage.
Foreign direct investment in Vietnam. (2013, January 16) Vtown. http://vtown.vn/en/articles/foreign...
How Korea became the world’s coolest brand. (2014, August). Financial Post. http://business.financialpost.com/n...
Japan’s Development Cooperation in Vietnam―Supporting Broad-based Growth with Poverty Reduction. National Graduate Institute for Policy Studies (GRIPS), GRIPS Development Forum, Tokyo, May 2002
Korean, Chinese movies blight on local TV. (2013, January 28). Viet Nam News. http://vietnamnews.vn/talk-around-t...
Lotte promotes Vietnamese pop stars. (2014, April 14). Vietnam Investment Review. http://www.vir.com.vn/lotte-promote...
Lull, J. (2000). Media, Communication, Culture: A Global Approach. Cambridge: Polity.
Minh T. N. Nguyen (2014). Vietnam’s Socialist Servants: Domesticity, Class, Gender, and Identity. New York: Routledge
Mukherjeem, M. et al (2015). Retailing in Emerging Markets: A policy and strategy perspective. Abingdon: Routledge.
Mỹ Tâm làm đại sứ thương hiệu smartphone Huawei. (2016, March 12). PC World Vietnam. http://www.pcworld.com.vn/articles/...
Nguyen Kim Targets US$2 Billion. Vietnam Business Forum. Retrieved from http://vccinews.com/news_detail.asp?news_id=26718
Oppo không chỉ lố bịch ở Táo quân, quảng cáo tràn VTV. (2015, February 20). Kiến Thức. http://kienthuc.net.vn/sot-mang/opp...
"Oshin" director hopes to give youth more courage. (2013, November 27). VietnamPlus. Retrieved from http://en.vietnamplus.vn/oshin-dire...
Oversentimental, sex fiction of Chinese origin endemic in Vietnam. (2015, April 16). Tuoi Tre Newspaper. http://tuoitrenews.vn/lifestyle/27511/oversentimental-sex-fiction-of-chinese-origin-endemic-in-vietnam
Pettus, A. (2003). Between sacrifice and desire: National Identity and the Governing of Femininity in Vietnam. New York: Routledge.
Samsung, Oppo tighten competition in smartphone segment. (2015, January 7). Vietnam Investment Review. http://www.vir.com.vn/samsung-oppo-...
Sanyo Eyeing 50 per cent of Vietnam’s Washing Machine Market. (2016, March 11). Vietnam Business Forum. Retrieved from http://vccinews.com/news_detail.asp?news_id=3870
Shih-Chen Chao (2016). Grotesque eroticism in the Danmei genre: the case of Lucifer's Club in Chinese cyberspace. Porn Studies, 3:1, 65-76, DOI: 10.1080/23268743.2015.1119991. Published by Rouledge.
Sơn Tùng M-TP – Hành trình mới cùng Neo 5. Official website of Oppo Mobile Vietnam. http://www.oppomobile.vn/neo5-son-t...
South Korea continues to be biggest foreign investor in Vietnam. (2015, November 15) Tuoi Tre News. http://tuoitrenews.vn/business/31615/south-korea-continues-to-be-biggest-foreign-investor-in-vietnam
Trade deficit with China rises. (2016, January 6). Viet Nam News. http://vietnamnews.vn/economy/280753/trade-deficit-with-china-rises.html
Trieu, Hoang Giang. Oppo: Fast and… Safe or Furious? (2014, December 22). http://www.maad-gurus.com/brand-sta...
Vietnam Smartphones Increase by 57% in 2014, Heats Up by Budget Models, Says IDC. (2015, March 12). http://www.idc.com/getdoc.jsp?containerId=prVN25480615
Vietnamese fans burst into tears seeing K-pop stars in Hanoi. (2015, March 27). Thanh Nien News. http://www.thanhniennews.com/arts-culture/vietnamese-fans-burst-into-tears-seeing-kpop-stars-in-hanoi-40437.html
Vietnam's FDI pledges dip, but actual inflows jump in 2015. (2015, December 29) Reuters. http://www.reuters.com/article/vietnam-economy-fdi-idUSL3N14J1I120151230
Web drama: Lãnh địa mới cho các nhà làm phim Hoa ngữ. (22 January 2016) SaoStar. http://saostar.vn/dien-anh/web-drama-lanh-dia-vang-cho-cac-nha-lam-phim-hoa-ngu-222985.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm