Sự chuyển hóa của ẩn dụ: Hội Truyền bá quốc ngữ

Có nhiều cách để quản trị một tổ chức và áp dụng thuyết quản lý nào là vấn đề then chốt. Nhưng do quan điểm của chúng ta luôn có giới hạn bị tác động bởi các yếu tố hấp thụ từ môi trường, thuyết hiệu quả nhất tùy thuộc mỗi tổ chức cụ thể. Mỗi một tổ chức đến lượt nó lại chứa đựng những ẩn dụ mà chúng ta tiếp cận thông qua thao tác “nhìn và đọc” để phân tích. Trong bài viết, tôi sẽ thể hiện sự phân tích một tổ chức truyền thông Việt Nam có đóng góp to lớn cho việc phổ biến chữ Quốc ngữ, một hệ thống ký tự Latinh hóa hiện đại cho ngôn ngữ Việt. Đó là Hội Truyền bá Quốc ngữ (tên gọi đầy đủ chính thức là Hội Truyền bá học Quốc ngữ], ra đời cuối những năm 1930. Trong cơ sở của những nghiên cứu có tính căn bản của Gareth Morgan về ẩn dụ của tổ chức như tác phẩm Images of Organisation, tôi sẽ dùng chúng để phác ra một hình ảnh khả dĩ gần nhất của tổ chức mang tính lịch sử này.

TIẾP CẬN MỘT TỔ CHỨC

Thuyết quản lý: đi tìm góc độ nhân văn

[Phần này nói lướt qua định nghĩa về các học thuyết quản lý, như trường phái khoa học (Taylor), trường phái quản trị (Fayol) và trường phái cơ chế (Weber), và ưu thế của các trường phái mới khi nhấn mạnh đến góc độ nhân văn khi quan tâm đến yếu tố cá nhân trong tổ chức.]

Dưới đây, trên cơ sở những gợi ý từ phương pháp nghiên cứu của Morgan, đọc chẩn đoán và phân tích định giá, tôi sẽ tìm hiểu cách thức một số học giả Việt Nam có xu hướng dân tộc chủ nghĩa đã sử dụng trong việc xây dựng một hình ảnh lý tưởng cho nước Việt Nam hiện đại. 

Sơ lược về sự ra đời của tổ chức Hội Truyền bá Quốc ngữ

Cho đến trước thời bắt đầu thế kỷ 20, các văn bản chính quyền và học thuật Việt Nam đều được viết bằng chữ Hán, một loại văn tự ngữ tố, với cách đọc không như tiếng nói hàng ngày. Trong khi đó, phần lớn dân số Việt Nam mù chữ. Bảng chữ cái Việt, loại chữ viết có gốc Latinh, được một số nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Pháp tạo ra vào cuối thế kỷ 17 dường như là một giải pháp tốt cho việc xóa nạn này. Khi thực dân Pháp chiếm Việt Nam, chữ quốc ngữ bắt đầu được dạy vào cuối thế kỷ 19 bên cạnh tiếng Pháp, với một văn bản chính thức yêu cầu sử dụng mẫu tự Latinh từ nhà cầm quyền áp dụng từ ngày 1-1-1882 tại Nam Kỳ. Tuy nhiên, phương pháp dạy vẫn chưa đủ khoa học và giới hạn trong một thiểu số dân chúng có điều kiện đi học ở nhà trường chính quy. Với mục đích lan tỏa việc sử dụng loại chữ này để mọi người có thể đọc và viết, để họ dễ dàng đạt được tiêu chuẩn sống thông thường của đời sống hiện đại, tiếp sau một số hội trước đó [ví dụ Đông Kinh nghĩa thục năm 1907], Hội Truyền bá Quốc ngữ được một số học giả có xu hướng dân tộc chủ nghĩa thành lập ở Hà Nội, khi đó là thủ phủ của Liên bang Đông Dương và của xứ Bắc Kỳ.

Hội được chính thức thành lập ngày 29-7-1938 theo Quyết định số 3622-A của Thống sứ Bắc Kỳ sau khi phê duyệt đơn xin lập Hội ngày 8-4-1938 của học giả Nguyễn Văn Tố. Trụ sở của Hội đóng tại 59 Hàng Quạt, Hà Nội, đây cũng là địa chỉ của một hội giáo dục danh tiếng lâu đời khác, Hội Trí Tri (Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin) (Đỗ Hoàng Anh, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, 2011). Quy chế hội viên dành cho tất cả mọi người thuộc mọi quốc tich, không phân biệt giới tính, và không giới hạn số lượng. Ban quản lý của Hội năm 1938 gồm: Nguyễn Văn Tố (Hội trưởng) – ông cũng là Hội trưởng hội Trí Tri; hai Hội phó; một ban thư ký; một ban vận động tài chính và một ban cố vấn. Tất cả đều là những trí thức lớn đương thời, thậm chí có người từng biên soạn sách giáo khoa trong hệ thống giáo dục trước đó.

Chương trình hoạt động của Hội tập trung vào một số việc, như thiết lập các lớp học buổi tối để tạo cơ hội cho người tham dự do phần lớn họ là người nghèo và đi làm thuê vào ban ngày. Các học viên được cấp văn phòng phẩm như sách học, vở viết và bút. Việc dạy các định nghĩa và ngữ pháp có nhiều tiến bộ hơn phương pháp truyền thống, dựa trên sách do Hội xuất bản. Đây cũng là thứ đóng vai trò quan trọng trong chương trình bởi vì đây là mục đích chính của Hội cũng như là bước chuẩn bị cho giáo dục tiểu học. 

Một lớp học ban đêm.
Công việc nặng nề nhất là tiến hành các lớp học. Các giáo viên đều dạy tình nguyện. Hội mở các lớp đầu tiên vào ngày 9-7-1938 tại trụ sở và một ngôi trường ở Hà Nội. Sau khóa học bốn tháng đầu tiên, khóa thứ hai đã mở rộng ra ở địa điểm bốn trường học, một số ngôi chợ và chùa. Khóa thứ sáu vào năm 1941 đã tổ chức ở 14 trường và khóa sau đó đã tăng lên đột biến ở 33 trường với 68 lớp và 3000 học viên ở khắp Bắc và Trung Kỳ. Năm 1942, số thành viên đã tăng lên 7500, trong đó 4000 trả lệ phí. Tuy nhiên số lệ phí này không đủ để trang trải các hoạt động của Hội. Hội đã kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm và tiền từ các buổi chiếu phim cũng như mở xổ số. Để đảm bảo việc hoạt động thuận lợi, một nhóm vận động tài chính với sự ủng hộ của một số đông các phụ nữ nhiệt tình nỗ lực gây quỹ từ các nhà giàu và các buổi đấu giá. 

Năm 1945, khi chính quyền độc lập mới ra đời dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, một bộ phận ủy nhiệm của Đảng Cộng sản, hiệp hội này đã chuyển giao chức năng của nó cho một cơ quan của chính phủ mới, Nha Bình dân học vụ.

SỰ CHUYỂN HÓA CỦA ĐỊNH GIÁ

“Vô chính trị” 

Khi Việt Nam bị chiếm làm thuộc địa, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra chống lại sự thống trị của Pháp. Các nhà cai trị mau chóng nhận diện Đảng Cộng sản là đối thủ nguy hiểm nhất của họ. Trong bối cảnh đó, mặc dù là một hiệp hội được thành lập hợp pháp, mọi hoạt động của Hội Truyền bá Quốc ngữ đều bị Sở mật thám theo dõi sát sao. Nhà chức trách thực dân nghi ngờ Hội là một nhóm theo chủ nghĩa Stalin chống đối chính sách của Pháp. 

Hệ quả là hầu hết các thành viên của Hội đều nằm trong danh sách bị theo dõi, đặc biệt những người cộng sản như Võ Nguyên Giáp, vị tướng nổi tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này, người đã chỉ huy trận Điện Biên Phủ thắng lợi trước quân Pháp năm 1954 hay trí thức Marxit như Đặng Thai Mai, sau gia nhập Đảng Cộng sản và tham chính. [Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản sau này, cũng là hội viên (theo văn bản của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)]. Hội trưởng Nguyễn Văn Tố sau này là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam, dù không phải là đảng viên Cộng sản. Một Phó Hội trưởng, Vũ Đình Hòe, sau là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên và Bộ trưởng Tư pháp của VNDCCH. Trong khi đó, một học giả khác, Trần Trọng Kim, là Thủ tướng của Việt Nam Đế Quốc, một chính thể bù nhìn do người Nhật dựng lên, tồn tại ngắn ngủi vài tháng vào năm 1945 trước khi bị thay thế bằng chính quyền của Hồ Chí Minh trong cuộc cách mạng tháng Tám cùng năm. Hoàng Xuân Hãn, người tham gia phần chính trong việc soạn ra sách học cho chương trình, cũng giữ vị trí Bộ trưởng Giáo dục Mỹ thuật trong chính phủ Trần Trọng Kim. 

Cho dù bối cảnh chính trị phức tạp, Hội vẫn tiến hành được nhiều hoạt động có tiếng vang lớn trong việc tuyên truyền việc học chữ quốc ngữ. Các nhà lãnh đạo Hội cũng cho rằng việc giáo dục đạo đức phải được dạy gián tiếp trong đời sống hàng ngày cả ở nhà lẫn tại trường, có kỷ luật được thể hiện qua giáo dục thể chất lẫn chương trình học. (Đỗ Hoàng Anh, TTLTQG I, 2011)

Buổi ra mắt của Hội truyền bá quốc ngữ tối 25-5-1938 ở sân quần vợt "Hội quán thể thao An-nam" (CSA), Hà Nội. Nhà thơ Hằng Phương đang đọc diễn văn. Trên hàng ghế gần diễn giả từ trái sang phải là các ông: Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên... Ảnh tư liệu của Nguyễn Huy Thắng.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, người đã từng học tại Paris khi còn trẻ và sau này sống ở Pháp từ năm 1951, đã xác nhận lại trong bài báo kỷ niệm 40 năm thành lập Hội rằng ông và nhiều học giả khác đã tham gia Hội bởi vì kính trọng uy tín của người lãnh đạo, cụ Nguyễn Văn Tố, “một nhân vật có một không hai” ở trường Viễn Đông Bác Cổ [EFEO] tại Hà Nội. “Tuy là một tay tây học nổi tiếng, nhưng cụ vẫn áo dài quần trắng, khăn xếp giày đen như một thầy khóa thời xưa. Bởi là người bản xứ, cụ chỉ giữ một chức nhỏ, nhưng hầu hết các viên chức Pháp ở đây cần tới cụ trong khi làm việc trường hay khảo cứu. Vì vậy ai cũng kính nể cụ. Vả đối với hàng trí thức ta, cụ lại là trưởng Hội Trí Tri, có hội quán, có thư viện, và đại đa số nhân viên là công chức tai mắt xứ Bắc Kì. Bởi những lẽ ấy, không những cụ được mọi người trọng, mà ảnh hưởng xã hội của cụ đang thời cũng không ít.” (Hoàng Xuân Hãn, báo Đoàn Kết, 1988)

Một thành viên khác cũng làm việc tại EFEO, Trần Văn Giáp, giải thích với Hoàng Xuân Hãn về đặc điểm của hiệp hội dự kiến thành lập, “Đây là bởi một nhóm chú ý vào hành vi xã hội, đề xướng ra. Họ muốn lập những lớp bình dân dạy chữ quốc ngữ cho các em bé thất học và những người đứng tuổi mù chữ nhà nghèo. Họ muốn những người có danh nhưng 'vô chính trị'', như cụ Tố và chúng ta, đứng ra xin phép, thì may chi tòa thống sứ và sở mật thám mới cho phép. Sau khi được thành lập, hội lại phải quyên tiền để mua bút giấy cho học trò. Tụi mật thám rất sợ điều này, vì chúng nghi mình dùng tiền làm chính trị.” (Hoàng Xuân Hãn 1988)

Hoàng Xuân Hãn cũng đi tới biết rằng nhiều học giả hàng đầu ở Hà Nội cũng được mời tham gia Hội. Nhờ vào không khí chính trị đã dễ thở hơn do bên Pháp, Mặt trận Bình dân thắng cử trong chính phủ, việc thành lập một hiệp hội Việt Nam “vô chính trị” không đến nỗi bất khả thi.

Từ những gì câu chuyện cho thấy, chúng ta có thể nhận thức rằng khởi thủy Hội có những dấu hiệu của một tổ chức mang dạng thức ẩn dụ “bộ não” và “văn hóa”, hai thuật ngữ được định nghĩa trong phương pháp của Morgan. Hội được thành lập với ý tưởng chia sẻ kiến thức và những nhà sáng lập muốn tạo ra một giá trị của những người được văn minh hóa dưới sự ảnh hưởng của những tiến bộ khoa học Tây phương. Ngôn ngữ và chữ viết thuộc về số những thực hành văn hóa được chia sẻ quan trọng nhất, có thể là yếu tố chính để thu hút sự chú ý của các học giả dù ở những thế đứng khác nhau. Thêm vào đó, một giá trị ngầm ẩn ở đây là khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa vốn tạo nên một căn cước của Việt Nam trong thời thuộc địa. 

Tiếp cận có tính khoa học để tối đa hóa tác động 

Là một giáo sư toán, Hoàng Xuân Hãn chứng tỏ sự áp dụng phương thức tiếp cận theo trường phái khoa học của mình vào phương pháp dạy chữ Quốc ngữ. Về sản phẩm nổi tiếng nhất này, sách dạy học vần, ông thể hiện rằng “Mục đích ta là muốn học cho dễ, cho biết đánh vần chóng, biết viết chóng. Mục đích là làm sao cho trẻ con hoặc người đứng tuổi học không sợ khó, không hay quên, lại lấy học làm vui thích. Ta cũng nên vừa dạy đánh vần vừa khiến cho học trò, nhất là những người lớn tuổi, hiểu sự cơ động các vần.” (Hoàng Xuân Hãn 1988). Ông gọi phương pháp của mình là phương pháp “i tờ”, vốn bắt đầu từ hai chữ cái dễ nhận mặt nhất, dễ đọc và dễ viết. Ông cũng viết một số câu thơ theo lối ca dao để giúp học viên học thuộc lòng dễ dàng hơn. Sách của ông hiển nhiên đã có sức phổ biến rất ấn tượng. Trong nhiều thập niên sau đó, cho dù nhiều chính thể thay đổi, kể cả một cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, phương pháp này vẫn dường như là một cách học chung nhất. 

Tác giả của sách học vần cũng cố gắng tránh bất kỳ sự nghi ngờ nào của mật thám Pháp về động cơ chính trị trong sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn “xét kĩ càng, nhưng không thấy dấu gì là tuyên truyền chính trị. Tuy vậy, họ vẫn nghi ngờ và theo dõi nhân viên hội.”

Hoàng Xuân Hãn cũng nhớ lại rằng sau khi chính quyền thực dân Pháp bị quân Nhật triệt hạ vào cuối Thế chiến II, nhân dân đã nắm quyền trách nhiệm xóa nạn mù chữ trên toàn quốc. Bằng cách đó, phong trào các lớp học bình dân dạy theo phương pháp “I tờ” bùng nổ. Nhiều phiên bản áp dụng phương pháp này đã được tạo ra để tối đa hóa tác động, rồi lan tỏa trong việc học của đông đảo quần chúng. “I tờ” cũng trở thành một biệt danh cho những người ít học. Một số bài thơ vui cũng ra đời để cổ động cho phong trào. Một bài hát cũng được sáng tác dựa trên những lời này là bài Cô Tú viết năm 1945 của Nguyễn Long Châu, [Ai về chợ huyện Thanh Vân/ Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa?] với nội dung khuyên một cô gái đi học để khỏi “phí hoài ngày xanh.” (Nghe bài hát do tài tử Ngọc Bảo trình bày ở dưới đây). Một số bài hát như Bình dân đi học của Phạm Duy hay ca Huế với lời của Ưng Bình Thúc Giạ Thị cũng tuyên truyền việc học chữ quốc ngữ.

Bìa bản nhạc của Phạm Duy, nxb An Phú ấn hành khoảng 1950. Trên cái cặp sách của người phụ nữ có chữ "i t".

Link bài hát Cô Tú do Ngọc Bảo trình bày: https://youtu.be/hgCh7EX86-c

Câu chuyện này cung cấp cho chúng ta một dấu hiệu của ẩn dụ kiểu sinh vật, khi mọi người có nhiều lựa chọn được tạo ra hơn, họ trở nên sáng tạo hơn, và họ tập trung vào các mối quan hệ có tính liên tổ chức. Hơn nữa, chương trình truyền bá quốc ngữ cũng dành không gian cho các thành viên và học viên. Việc dạy là tình nguyện và việc học thì tùy sức. Các nhà sáng lập hiển nhiên rất hiểu cơ chế một cộng đồng hấp thụ một định nghĩa có tính khoa học thông qua những dạng thức đơn giản. 

Ẩn dụ có tính chính trị và sự chuyển giao

Trong lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia gần đây, nghiên cứu đã xác nhận rằng trong 7 năm hoạt động (1938-1945), Hội Truyền bá Quốc ngữ tuy mang danh nghĩa một tổ chức văn hóa và giáo dục nhưng trên thực tế là một tổ chức chính trị khi hàng tá các nhà tổ chức là những nhà hoạt động cách mạng. Hơn nữa, bản báo cáo nhà nước cũng ghi nhận Hội đã đóng góp lớn cho Đảng Cộng sản và Cách mạng thông qua tuyên truyền giáo dục kêu gọi lòng yêu nước và ý chí đấu tranh trong quần chúng nhân dân lao động. (Đỗ Hoàng Anh, TTLTQG I, 2011). Trần Trọng Kim, một thành viên phi Cộng sản của Hội cũng nhận xét rằng hiện tượng xâm nhập của những người cộng sản vào tổ chức này là để “tuyên truyền, hoặc để hoạt động theo chủ nghĩa của họ” (Trần Trọng Kim, Hồi ký Một cơn gió bụi, 1969: 24)

Ngược lại với những gì Hoàng Xuân Hãn ghi nhận về bối cảnh “vô chính trị”, dưới cái nhìn của Đảng Cộng sản, phép ẩn dụ của tổ chức lại dường như khác hẳn. Trường Chinh, người có mối liên hệ mật thiết với các trí thức Marxit trong Hội Truyền bá Quốc ngữ, là người đã đề nghị Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương “thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ để mở rộng phong trào học chữ quốc ngữ một cách công khai hợp pháp.” (Viện Lịch sử Đảng 2013: 583). Một trí thức Marxit khác, Trần Huy Liệu, cũng đã viết trong hồi ký về thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương: “Theo quyết nghị của Đảng, để tiến tới một tổ chức chống nạn thất học, chúng tôi, một số đồng chí đã họp với một số nhân sĩ để bàn về việc này. Buổi họp ở nhà anh Phan Thanh, trong đó có các anh Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp và tôi cùng mấy nhân sĩ là Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Tố... Hội nghị đi tới việc xin phép thành lập một hội”. Hội nghị bí mật của Xứ ủy Bắc Kỳ tháng 8-1938 cũng khẳng định “đây thật là một công cuộc phát triển văn hóa quan trọng nếu thực hành được như điều lệ dự định của Hội, Đảng ta phải gắng sức lãnh đạo quần chúng và đòi hỏi Chính phủ phải giúp sức để thực hiện.” (sđd: 584) Mặc dù còn tồn nghi liệu Trường Chinh hay Trần Huy Liệu có tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ hay không, dễ thấy rằng các nhà Marxit đã bí mật mượn đường những cách thức phổ biến của Hội để lan truyền các tư tưởng cách mạng.

Một yếu tố khác cũng nên tính đến là giai đoạn 1936-1939 ở Pháp, khi các đảng phái cánh tả dành một số quyền lợi tuy hạn chế cho người dân thuộc địa, đặc biệt trong việc thành lập các tổ chức xã hội và tranh cử vào nghị viện các xứ. Theo mô hình Mặt trận Bình dân ở Pháp, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng xúc tiến thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương để tập hợp lực lượng đồng minh cho mình, trong đó có tổ chức kênh ngôn luận chính thức là tờ báo Tin tức, với sự chủ chốt của Trường Chinh và Trần Huy Liệu, tờ này cùng nhiều tờ khác tồn tại song song với Hội Truyền bá quốc ngữ, tạo nên một vùng chồng lấn về truyền thông. Do phần nhiều thành viên ban trị sự là những người có cộng tác với lực lượng cách mạng, hiển nhiên là hiệp hội này chuyển giao êm thấm cho tổ chức nhà nước khác khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945.

Sau ngày độc lập ít ngày, chính quyền mới đã ra hai sắc lệnh về phong trào xóa nạn mù chữ, “diệt giặc dốt”. Tên gọi của phong trào là Bình dân học vụ. Một số lãnh đạo của Hội Truyền bá quốc ngữ giờ đây là thành viên chính phủ mới đề xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập một cơ quan nhà nước mang tên Nha Bình dân học vụ. Vũ Đình Hòe, nguyên Phó Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ, giờ là Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục, đã mong muốn thành lập được cơ quan mới này trong vòng một năm và “chuyển mọi cơ sở vật chất, tài liệu, các cấp quản lý và giáo viên của Hội Truyền bá quốc ngữ sang ngành học mới này”. (Tuổi Trẻ, 9-9-2010; Thuở lập thân, hồi ký Vũ Đình Hòe, 2012). Tổ chức mới này, với vị thế hợp pháp, đã chứng tỏ sức mạnh của nó khi sau một năm, đã mở được tổng cộng gần 75 nghìn lớp học. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, số người biết đọc biết viết đạt con số lịch sử 2,5 triệu. (David Marr 1984)


Cổ động Bình dân học vụ: "Bánh xe BDHV" chở hai chữ "i t".

Giấy chứng nhận "đã biết đọc biết viết chữ Quốc ngữ" của Ban Phụ trách Bình dân học vụ tỉnh Hà Tĩnh.

Cho dù yếu tố chính trị quá rõ ràng trong sự phát triển của Hội, như việc nhiều thành viên là các chính khách và Đảng Cộng sản đã bí mật khai thác những lợi điểm của Hội để tập hợp quần chúng, Hội cũng mang ẩn dụ của một tổ chức có tính chuyển hóa. Vấn đề ở đây là cách thức một số thành viên đối diện với sự tự ý thức của mình về quyền lực của hội đoàn, hay là cách họ “đọc” và “định giá” tổ chức của họ như lý thuyết của Morgan đã nêu. Vẫn còn đó những tranh cãi về vai trò của Đảng Cộng sản trong việc thành lập Hội, có lẽ do cách các thành viên định giá tổ chức của mình. Để đưa một sự giải thích về trường hợp nghiên cứu của Hội Truyền bá quốc ngữ, chúng ta có thể lưu ý đến ví dụ của Morgan về công ty Multicom về ẩn dụ của tổ chức: Mặc dù các nhà sáng lập ban đầu chia sẻ với nhau cùng một ý tưởng về công ty của họ, nhưng khi có những cách đọc chẩn đoán khác nhau và đặt nó vào những khung ẩn dụ xung đột với nhau, họ tan rã. (Morgan 2006) Về phần Hội Truyền bá quốc ngữ, việc kế tục nó của Nha Bình dân học vụ, cũng là bước đầu tiên của việc quốc hữu hóa và tập trung hóa các tổ chức ngoài nhà nước ở Việt Nam trong những thập niên sau, khi chủ nghĩa xã hội kiểu Xôviết trở thành chủ đạo.

KẾT LUẬN

Hội Truyền bá quốc ngữ thực sự là một tổ chức phức tạp để đọc ra những ẩn dụ của nó dưới góc độ nghiên cứu của Morgan. Nói cách khác, nó chứa đựng nhiều lớp nghĩa mà ngay cả những người sáng lập cũng đọc trong những góc độ có giới hạn. Hội đã thể hiện một môi trường tuyệt vời mà các nhà quản trị của nó có thể áp dụng những phương pháp quản lý thích hợp trong việc đóng góp vào cộng đồng rộng lớn. Mặc dù có sự khác biệt của các thành viên về quan điểm chính trị nhưng tầm nhìn và sứ mệnh chia sẻ của họ trong việc xóa nạn mù chữ đã đóng một vai trò lịch sử ở Việt Nam. Vượt ra khỏi khuôn khổ của một ẩn dụ cho một tổ chức, Hội truyền bá quốc ngữ cũng dường như thể hiện một ẩn dụ cho một nhận diện/căn cước của đất nước trong giai đoạn chuyển hóa. Ngày nay, nhiều người Việt vẫn tiếp tục tìm kiếm những bài học có ích từ chương trình của tổ chức này để cải thiện nhiều lĩnh vực trên đất nước mình, không chỉ giáo dục mà còn những cách thức quản trị tổ chức rộng lớn hơn. 

Nguyễn Trương Quý

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm