Toàn cầu hóa: Hai phiên bản của một màn trình diễn


GIỚI THIỆU

Toàn cầu hóa là một quy trình thế giới ngày càng kết nối với nhau sâu sắc hơn như một kết quả của giao lưu thương mại, chính trị và văn hóa gia tăng. Toàn cầu hóa thực chất đã diễn ra hàng trăm năm, nhưng tăng tốc đột biến trong nửa cuối thế kỷ qua, đặc biệt vào thời điểm chuyển giao sang thế kỷ 21 với sự thống trị của các chương trình truyền hình và bùng nổ Internet. Đồng thời, toàn cầu hóa cũng bị phán xét liệu có liên quan tới quá trình chung của việc đánh mất sự đa dạng văn hóa hay không. Cuộc tranh cãi bắt đầu khi những người bi quan coi xu hướng xuất khẩu văn hóa ra toàn thế giới từ phương Tây và đặc biệt nhất là Mỹ - nơi dòng chủ lưu của luồng tư bản được chèo lái - ra phần còn lại của thế giới là con đường một chiều. Họ nhìn nhận xu hướng này như một loại tiêu chuẩn hóa được dán nhãn là ‘Mỹ hóa’ (Americanisation) có thể đe dọa các nền văn hóa ‘yếu hơn’ của (chủ yếu) các nước đang phát triển. Nhưng ngược lại, những thập niên gần đây cũng cho thấy sự thật là toàn cầu hóa có một trong số những sức mạnh đang nổi lên trong việc kiến tạo và dung dưỡng bản sắc văn hóa. Hiệu quả của toàn cầu hóa vì thế trở thành một nội hàm của sự tương hỗ các giá trị toàn cầu với sự ảnh hưởng của ‘địa phương hóa’.

Trong bài viết này, tôi dự kiến quan sát một số khía cạnh của toàn cầu hóa thông qua một trong số những ngành kỹ nghệ toàn cầu nổi bật nhất: các chương trình thi tài năng trên truyền hình (TV talent show). Tôi sẽ xét đến trường hợp đặc biệt của chương trình American Idol và phiên bản ở Việt Nam, nơi từng là đối thủ thời chiến tranh của Hoa Kỳ ở phía bên kia địa cầu. Những dẫn chứng từ hai phiên bản có từ hai nền văn hóa, hai nền kinh tế, và dĩ nhiên, hai nền chính trị không thể khác nhau hơn, đại diện cho ‘Mỹ hóa’ và nền văn hóa ‘yếu hơn’ có thể đem lại một cái nhìn vào cách toàn cầu hóa đã thực thi trong hơn mười năm gần đây cũng như sự trỗi dậy của mối quan tâm đến toàn cầu hóa.



TOÀN CẦU HÓA: SAME DAY AS THE US

Ra đời không lâu sau sự kiện nước Mỹ bị khủng bố ngày 11/9/2001, Americal Idol có thể nói đã tạo nên một truyền thống mới của Mỹ hóa. Hơn cả thế, nó còn củng cố nhận định rằng toàn cầu hóa nghĩa là Mỹ hóa. Mặc dù chương trình này ra đời trên bản gốc Pop Idol, một cuộc thi tài âm nhạc trên TV có tuổi thọ ngắn ngủi ở Anh, nó mau chóng trở thành chương trình được xem nhiều nhất ở Mỹ, một vị trí đã giữ vững suốt bảy mùa liên tiếp (Rowe, 2011; Kaplan, 2013). Dưới tầm ảnh hưởng của Mỹ hóa, phiên bản Mỹ đã cực kỳ phổ biến trên toàn thế giới nhờ vào hệ thống truyền hình cáp, vệ tinh và đã có 46 phiên bản khác ở nhiều nước và khu vực, phần nhiều cập nhật theo bản Mỹ. Cách Mỹ nửa vòng trái đất, ở đất nước cựu thù, Vietnam Idol cũng mau chóng trở thành chương trình tìm kiếm tài năng TV lớn nhất và cạnh tranh không khoan nhượng với các chương trình cùng kiểu bản địa của truyền hình nhà nước. Không chỉ thuộc về một thể loại nghe nhìn giải trí toàn cầu, chuỗi chương trình này cũng thể hiện nhiều đặc tính của ‘thế giới phẳng’ của chúng ta trong hơn 15 năm qua.

Nhà nghiên cứu xã hội học George Ritzer đã đưa ra khái niệm ‘MacDonaldization’ (đóng gói đồng phục, các phương thức dịch vụ được tiêu chuẩn hóa, và mọi thứ được tổ chức theo một khuôn mẫu) như một quá trình mà các nguyên tắc của các nhà hàng thức ăn nhanh trở nên áp đảo một cách vô hình mọi khía cạnh của xã hội (Ritzer, 1993). Tương tự, chúng ta có thể thấy hiện tượng này gần như chính xác trong trường hợp Idol. Nếu bạn là người xem của một số chương trình truyền hình cáp hay vệ tinh, hẳn bạn có thể dễ bắt gặp dòng phụ chú “same day as the US” [cùng ngày với nước Mỹ] ở bên dưới logo của chương trình. Hơn thế nữa, American Idol cũng không chỉ phát cùng ngày với nước này mà còn truyền trực tiếp trong một số đêm biểu diễn. Bằng cách đó, khán giả thế giới có thể chia sẻ cảm xúc tức thời với người xem Mỹ, cũng như khi xem những trận đấu trong Cúp bóng đá thế giới của FIFA hay các đêm chung kết thi hoa hậu Thế giới. Tình trạng này cho thấy mặc dù khuôn khổ chính trị-xã hội khác nhau, các quốc gia này dùng chung một format (khuôn thức) của sản phẩm nhượng quyền truyền hình được xem rộng rãi bậc nhất. Trên bề mặt, Idol là một sản phẩm đã vượt khỏi bất kỳ biên giới nào giữa các quốc gia, đóng góp vào việc chia sẻ các thói quen văn hóa.

Mặc dù là một nước mang ý thức hệ Macxit và là một kẻ thù cũ của Mỹ, Việt Nam có một không gian truyền thông đại chúng đã tự quen dần với một giao thức kết nối đến từ một siêu cường tư bản chủ nghĩa. Ở mùa thứ hai của chương trình, ratings (chỉ số đo lượng người xem) đã tăng lên gấp ba (BrandRepublic.com, 2007), và trở thành hiện tượng vào mùa thứ ba khi thí sinh Uyên Linh đã tạo nên các bài ăn khách của mình từ màn trình diễn của mình trong chương trình, trong đó gồm việc cover (hát lại) một số bài trong top hit của Mỹ như Fallin’ hay Take me to the river để trở thành người chiến thắng. Cô còn cho biết mình thần tượng diva da màu Mỹ Whitney Houston (Vĩ Thanh, 2011). Mọi ca sĩ được lọt vào top 16 và sâu hơn đều phải hát ít nhất một bài hát quốc tế. Trên thực tế, các thí sinh này thường hát lại một số bản hit của nền công nghiệp giải trí Mỹ. Điều này phù hợp với những gì Giddens gợi ý rằng toàn cầu hóa giống như Mỹ hóa, “kể từ khi Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất với vị trí kinh tế, văn hóa và chính trị áp đảo trong trật tự thế giới. Rất nhiều trong số những biểu hiện văn hóa dễ thấy nhất của toàn cầu hóa là của Mỹ - Coca-Cola, McDonald, CNN.” (Giddens, 2002: 15). Thậm chí người tạo ra các chương trình tìm kiếm tài năng Idol hay X Factor, Simon Cowell, đã trở thành giám khảo của phiên bản Mỹ ngay từ những mùa đầu tiên.


Thí sinh Uyên Linh và ca sĩ Mỹ Linh trong chương trình Vietnam Idol 2010
  

Tuy nhiên, cùng với việc format gốc được chuyển thể, nhiều phiên bản đã phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu từ những thiết chế như sự kiểm soát của nhà nước, áp lực thị trường và yêu cầu trách nhiệm xã hội. Ở Việt Nam, ngay từ đầu tên chương trình đã có một sự thay đổi nhỏ trong việc sử dụng danh từ “Vietnam” thay vì tính từ “Vietnamese” (như phiên bản của Mỹ) nhằm cho việc dễ nói trong khẩu ngữ Việt và dễ nhận diện hơn từ phía khán giả [người Việt phổ thông sẽ đọc lên thành bốn âm tiết, chẳng hạn Việt-Nam-ai-đồ]. Sau 4 mùa, tên gọi lại dài ra do phải thêm vào một cụm từ tiếng Việt “Thần tượng âm nhạc” nhằm đáp ứng quy định của nhà nước về việc mọi nhãn hiệu tiếng Anh (và các ngoại ngữ khác) đều phải có một tên tiếng Việt song song. Và hơn thế, nhà sản xuất cũng tổ chức và phát sóng một số đêm diễn theo chủ đề yêu nước với những bài hát xưa nhằm lôi kéo công chúng từ các chương trình cạnh tranh khác (trong đó có những người thế hệ lớn tuổi hơn). Điều này giống như cách thương hiệu KFC đã làm nên vị trí thống trị thị trường Trung Quốc, nơi các nhà quản lý KFC đã thay thế các món gà rán kiểu Mỹ xa lạ bằng các món ăn Trung Hoa, như cháo hay canh rau. “Những thay đổi về sản phẩm này đã tạo nên một sự thể hiện riêng biệt của KFC như sự thích ứng với khẩu vị Trung Quốc.” (Curtain và Gaither, 2007: 85).

Một dữ liệu quan trọng khác đóng góp vào việc thắng thế của cả hai phiên bản của Idol, trên thế giới và ở Việt Nam nói riêng, là số lượng người xem TV. Theo David Held, số lượng này trên thế giới đã tăng hơn bốn lần từ năm 1965 đến 1997 (Held, 2004). Năm 2013, trên toàn cầu, đã có hơn 1,4 tỷ hộ gia đình có ít nhất một máy thu hình, tương đương 79% tổng số hộ của thế giới (Butts, 2013). Ở Việt Nam, 85% dân số xem TV hàng ngày, khiến cho phương tiện này trở thành phổ biến nhất và là phương tiện có sức ảnh hưởng nhất (Sputniknews, 2012). Chuỗi chương trình Idol thuộc về nhóm công nghệ tương tác mới tích hợp với Internet, các ứng dụng trong điện thoại thông minh và mạng xã hội làm tăng cường sức ảnh hưởng. Điều này có thể giải thích bằng nghiên cứu của McLuhan khi ông chứng minh rằng “phương tiện chính là thông điệp. Điều này chỉ có thể nói rằng các hệ quả cá nhân và xã hội của bất kỳ phương tiện nào – nghĩa là của mọi thứ mọc ra từ chính chúng ta – là kết quả của bất kỳ công nghệ mới nào.” (McLuhan, 1964: 7)

Trong ảnh hưởng của định đề nổi tiếng “ngôi làng toàn cầu” của McLuhan, chúng ta có thể xem toàn cầu hóa như một quá trình mà các hoạt động kinh tế, chính trị và văn hóa diễn ra trong một không gian toàn cầu, được tổ chức một cách tự do trong khuôn khổ toàn cầu, và có tính tương hỗ toàn cầu. Trong trường hợp của chương trình Idol và nhiều chương trình truyền hình thực tế khác, khán giả không lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến một sự giải địa giới trong việc tiêu thụ văn hóa. Lấy Vietnam Idol làm ví dụ, một giám khảo là một Việt kiều từng trong Top 8 Australian Idol, và người chiến thắng mùa gần đây nhất là một chàng trai Việt Nam mang hộ chiếu Đức. Ở khu vực châu Á, chương trình Asia’s Got Talents [Tìm kiếm tài năng châu Á] cũng cố gắng thu hút sự chú ý mang tính đa quốc gia từ nhiều nước trong một format được tạo nên từ một gốc với Idol, với hai giám khảo từ thế giới Anh ngữ, Canada (David Foster) và Anh (ca sĩ Mel C, cựu thành viên ban nhạc nữ Spice Girls).



TOÀN CẦU HÓA: THE SHOW MUST GO ON

Một yếu tố quan trọng trước nhất giúp cho khán giả truyền thông của Vietnam Idol chia sẻ những thói quen văn hóa với người xem ở các nước phát triển cao như Mỹ hay Anh là sự thay đổi của chính phủ Việt Nam theo hướng kinh tế thị trường vào cuối thập niên 1980. Từ khi có công cuộc “Đổi mới”, Việt Nam không còn được coi là một nước kinh tế bao cấp hậu chiến. Trong làn sóng to lớn của phát triển đầu tư nước ngoài (FDI) vào đầu thế kỷ 21, thông qua truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội tăng tiến đột biến, người tiêu dùng Việt nhận thức được rằng đất nước mình thuộc về mạng lưới toàn cầu nơi mà sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế tăng lên, chứng kiến những dòng chảy tư bản, dịch vụ, sản xuất, hàng hóa, dữ liệu, và viễn thông xuyên lục địa đang dẫn hướng sự tiêu thụ của họ. Họ cũng tham gia vào một số dòng chảy lao động và di cư.

Ví dụ người ta có thể thấy một làn sóng lớn của hôn nhân giữa chồng Hàn Quốc và vợ Việt Nam liên quan tới FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Năm 2016, chính quyền Việt Nam cũng mong đợi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 quốc gia sẽ giúp họ đạt được nhiều lợi ích hơn, đặc biệt trong quan hệ với Mỹ, quyền lực kinh tế lớn nhất. Tuy nhiên, từ lâu trước khi những hiệp ước kinh tế vĩ mô được ký kết, nhiều nhãn hiệu toàn cầu như Coca-Cola của Mỹ đã vào Việt Nam hậu chiến từ 1993. Khu vực du lịch cũng là một then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế khi số lượng lớn du khách nước ngoài đến Việt Nam đạt con số 8 triệu vào năm 2015 (Tổng cục Du lịch, 2015). Những bằng chứng trên chỉ là một vài điều kiện kinh tế chính trị trong số nhiều lý do tại sao có một sự quan tâm đến toàn cầu hóa tăng lên gần đây ở Việt Nam.

Lý do trực tiếp để toàn cầu hóa hệ thống phát thanh truyền hình bao gồm các chương trình giải trí TV như Idol là sự dỡ bỏ luật lệ và viết lại các điều luật. Mặc dù Việt Nam là một nước mà truyền thông do nhà nước kiểm soát, dưới sức ép của thị trường tự do và trách nhiệm cộng cộng, các chương trình giải trí truyền hình có mức độ ít bị kiểm duyệt hơn trước và thể hiện xu hướng tiến gần đến mẫu hình phương Tây, đặc biệt Mỹ. Xu hướng này có thể thấy trong cách nền showbiz ưa chuộng dùng tiếng Anh. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước thường lo lắng về vấn đề các thí sinh của các chương trình tìm kiếm tài năng như Vietnam Idol hát các bài tiếng Anh quá nhiều. Trong khi đó, các giám khảo của chương trình [như nhạc sĩ Quốc Trung hay Hồ Hoài Anh] cũng khuyên rằng họ nên hát những bài hát Việt cho hay khi tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ. Mặt khác, họ cũng nói rằng các thí sinh sống ở Việt Nam nên chinh phục khán giả nước nhà bằng việc hãy hát trước hết những bài hát tiếng Việt đã. (Thanh Hà, 2012). Lời khuyên này mang một nội dung chúng ta có thể thấy trong định nghĩa của glocalisation (địa phương hóa trong toàn cầu hóa), khi một số đặc tính của toàn cầu hóa được may đo vừa khít với khuôn khổ của riêng từng vùng miền. Mối quan ngại về bản sắc Việt được dấy lên có thể xem như “một sự đáp trả đối với xu thế toàn cầu hóa” (Giddens, 20012: 13).

Trong cuốn sách của mình, để bắt đầu những dòng về toàn cầu hóa, Giddens đã dùng một ví dụ về một buổi tối giải trí vào thập niên 1990 của người thổ dân bản địa ở một vùng hẻo lánh ở miền trung châu Phi nơi họ chiếu bộ phim hình sự nghẹt thở có màu sắc khiêu dâm Basic Instinct [Bản năng gốc] trên đầu máy video để chiêu đãi vị khách là một nữ chuyên gia đến từ Anh (người này cho biết khi đó bộ phim này thậm chí còn chưa được chiếu mấy ở Anh). Câu chuyện đáng ngạc nhiên này có thể giúp chúng ta khi nhìn nhận American Idol trong thập niên 2010 thuộc về những thể loại toàn cầu mà mọi người trên toàn thế giới có chung những mẫu thức về tiêu dùng vật chất lẫn văn hóa. Có thể ít người xem biết rằng phiên bản gốc đến từ Anh, nhưng nhờ vào sự lan truyền khổng lồ của các kênh giải trí quốc tế có cơ sở từ Mỹ như Fox (với kênh chuyên giải trí StarWorld), thế giới biết về các giám khảo của phiên bản Mỹ như Paula Abdul hay J-Lo hơn bất cứ đồng nghiệp nào cùng vị trí cùng format này trên thế giới. Nhiều phiên bản ăn theo cũng sinh ra từ sau chương trình. Mặc dù American Idol sẽ kết thúc sau 15 mùa do rating giảm sút, chương trình vẫn là một sự tiêu chuẩn hóa của thể loại toàn cầu này.



KẾT LUẬN

Thuật ngữ toàn cầu hóa được dùng rất phổ biến đã nhiều năm đến mức chúng ta chắc mẩm rằng mình biết mọi chiều kích của bối cảnh. Mặc dù toàn cầu hóa hẳn đã giúp tạo nên sự giàu có hơn cho các nước đang phát triển – nó không giúp cho việc thu hẹp khoảng cách giữa những nước nghèo nhất và giàu nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong lĩnh vực truyền thông phương tiện, những chương trình truyền hình thực tế như loạt Idol đem lại một huyễn ảnh cho khán giả rằng họ có thể thu hẹp lại khoảng cách này bằng một số giải pháp ảo. Khi khán giả từ hai quốc gia, Mỹ và Việt Nam, đại diện cho hai ý thức hệ, tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, chia sẻ những thói quen văn hóa như tham gia và thưởng thức chương trình Idol, họ thuộc về một cộng đồng toàn cầu có thể được gọi là một “cộng đồng tưởng tượng” – định đề quan trọng của Benedict Anderson – vượt ra khỏi biên giới của các quốc gia-nhà nước.

Toàn cầu hóa có thể cung cấp cho chúng ta một hình dung về tương lai của mình nhờ vào sự tiến hóa của truyền thông. Vào giữa thế kỷ trước, Giáo hoàng Pius XII đã sớm nhận diện tầm quan trọng của truyền thông phương tiện trong phạm vi toàn cầu khi nói “Không phải là phóng đại khi nói rằng tương lai của xã hội hiện đại và sự ổn định trong đời sống nội tại của nó phụ thuộc vào phần lớn sự vận hành của một sự cân bằng giữa sức mạnh của kỹ thuật truyền thông và năng lực phản ứng của từng cá nhân.” (Pius XII, 1950, dẫn theo McLuhan, 1964: 20). Mối quan tâm của chúng ta về toàn cầu hóa, thực vậy, đang xây dựng dự báo của chính mình về tương lai.

© Nguyễn Trương Quý


Tham khảo

Anderson, Benedict (1991). Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism. New York: Verso.

BrandRepublic. Vietnam Idol pits itself against leading local talent contest, 27 June 2007. (Link: http://www.brandrepublic.com/article/666996/vietnam-idol-pits-itself-against-leading-local-talent-contest)

Butt, Tom. The State of Television, Worldwide. Tvtechology, 6 December 2013. (Link: http://www.tvtechnology.com/opinions/0087/the-state-of-television-worldwide/222681)

Carter, Billy. For Fox’s Rivals, ‘American Idol’ Remains a ‘Schoolyard Bully’. The New York Times, 20 February 2007. (Link: http://www.nytimes.com/2007/02/20/arts/television/20idol.html?_r=0)

Curtin P. A. & Gaither T. K., (2007). International public relations. Negotiating culture, identity and power. USA: Sage.

Giddens, A. (2002). Runaway World?. London: Profile Books.

Held, D. (2004). A Globalizing World? Culture, Economics, Politics. London: Routledge.

Kaplan, Ben. The Return Of 'American Idol': Money Never Dies. Forbes, 17 January 2013.

McLuhan, Marshal (1994). Understanding Media: The Extensions of Man. Massachusetts: MIT.

N.H. Vietnam Idol kicks off third season. Sai Gon giai phong newspaper, 31 May 2010 ( http://www.saigon-gpdaily.com.vn/Culture_Art/2010/5/82539/)

Nhu Hoa. Uyen Linh crowned Vietnam Idol 2010. Sai Gon giai phong newspaper, 27 December 2010 (http://www.saigon-gpdaily.com.vn/Culture_Art/2010/12/88372/)

Nhu Hoa. Trong Hieu from Germany wins Vietnam Idol 2015. Sai Gon giai phong newspaper, 4 August 2015. (http://www.saigon-gpdaily.com.vn/Culture_Art/2015/8/114784/)

Rowe, Douglas J. Full 2010-11 Ratings: CBS Tops Viewership, Fox Is No. 1 in Demo and Idol Remains Most-Watched. TV Guide, 1 June 2011. (http://www.tvguide.com/news/2010-11-ratings-1033838/)

Sputniknews (The voice of Russia). Người Việt Nam thích truyền hình hơn các kênh truyền thông khác. [Vietnamese prefer TV than other media channel] (Link: http://vn.sputniknews.com/vietnamese.ruvr.ru/2012_09_13/88147108/)

Ritzer, G. (1993; 2008). The MacDonaldization of Society. USA: Sage.

Thanh Hà. Dùng tiếng Anh thi hát: Kém tài hay sính ngoại? [Sing in English to contest: Lack of talent or bias foreign?] Dân Việt e-newspaper, 28 July 2012 (http://danviet.vn/giai-tri/dung-tieng-anh-thi-hat-kem-tai-hay-sinh-ngoai-150732.html)

Vietnam National Administration of Tourism. International visitors to Viet Nam in December and 12 months of 2015: http://vietnamtourism.gov.vn/english/index.php/items/9968

Vỹ Thanh. Uyên Linh: Nếu bạn dũng cảm dẫn đường… Đẹp magazine, 11 January 2011 (http://dep.com.vn/Thoi-trang-Tin-tuc/Uyen-Linh-Neu-ban-dung-cam-dan-duong/7324.dep)

Wyatt, Edward. ‘Idol’ Winners: Not Just Fame but Big Bucks. The New York Times, 23 February 2010. Link: http://www.nytimes.com/2010/02/24/arts/television/24idol.html?_r=0

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm