"Giải mã" Tây Sơn hào kiệt

.
Nói chung là mình cũng tò mò muốn xem "Lý Huỳnh Film" giải mã câu chuyện Tây Sơn Nguyễn Huệ ra sao vào năm 2010 này, khi mà người ta đã đọc những thứ lật đi lật lại vấn đề về nhà Tây Sơn của Tạ Chí Đại Trường hay văn Nguyễn Huy Thiệp. Một cái tên phim to tát đến thế, nghĩa là sẽ toàn diện vấn đề Tây Sơn chăng? 12 tỷ làm một phim nhựa ắt không thể như thời Lý Hùng đóng phim mỳ ăn liền Thăng Long đệ nhứt kiếm với Lửa cháy thành Đại La. Hoặc cao hơn thì phải ngang ngửa Kiếp phù du với Đêm hội Long Trì (hai phim này có Lê Vân và Hoàng Cúc đóng tuyệt vời, Thu Hà thì xinh đẹp, Thế Anh đóng nhập, mỗi tội Huy Quận già và xấu). Nghĩa là phải bập vào được vấn đề: vai trò và bản chất của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Hoặc ít ra là phải áp đặt được một câu chuyện khiến ngưòi ta tin được. Ngày xưa Lưu Quang Vũ viết chèo Ngọc Hân công chúa, bịa ra (hay là lượm lại từ dã sử) chi tiết mang cành đào Thăng Long vào Phú Xuân với lại cho Bùi Thị Xuân ra Bắc tranh biện với sĩ phu Bắc Hà, nhưng vì là chèo, và cũng trong cảm hứng những năm 80 thì cũng làm mọi người vẫn xem được. Những màn đấu lý tô đậm cái yếu tố theo ai phò ai, chọn một dòng hay để nước trôi của sĩ phu, cũng rất hay, cũng gặp điều đấy trong vài nét chấm phá của bộ ba Kiếm sắc-Vàng lửa-Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp. Nghĩa là cái người ta cần là cần một tính cách, một mâu thuẫn để giải quyết trong điện ảnh.

Thế mà 90 phút phim cứ như là nhấn nút FF (tua nhanh) theo đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Tình huống sơ sài, nhoằng nhoằng cái đã xong béng vấn đề, bày ra scene tập luyện, Nguyễn Huệ ra hỏi han 2 câu rồi cắp đít quay ra khỏi màn hình, thật đúng phẩm chất lãnh đạo, có đưa ra quyết định, có theo dõi và kiểm tra. Nghĩa đen thì sao, đúng là tua thật, vì những đoạn tiết tấu nhanh thì ối giời ơi, băng nó tua, ngựa chạy phăm phăm, người chạy tạch tạch tạch như phim Sác-lô. Chắc sợ mang tiếng phim cải lương (được một bạn thạo hậu trường cho biết đạo diễn là dân cải lương) nên cho rằng cắt cảnh nhanh và tua nhanh là thoát chăng. Màn chậm duy nhất là... Mà từ từ đã, để kể lại cả cái trường đoạn ấy.

Thăng Long mở hội thái bình. Thăng Long đây là cảnh Đại Nam quấc tự Bình Dương. Ngọc Hân (Hoa hậu hoàn vũ Thùy Lâm đóng, có ghi danh hiệu đó ở generic nhé) phởn phơ dạo chơi ban đêm cùng hai tì nữ (mà cứ như là đang chờ sự cố xảy ra ý, sắp đặt đến Spielberg gọi bằng cụ). Chợt có Tấn Beo đến giở trò sàm sỡ. Ngọc Hân mặt lạnh. Tì nữ hất hàm: Ngươi có biết người đang nói dzới ai hôn? À quên, phải rẽ ngang ở đây là cả triều Lê, từ vua Lê Hiển Tông, Ngọc Hân cho đến toàn bộ La Sơn phu tử Hà Tĩnh, Nguyễn Hữu Chỉnh Nghệ An với lại những sĩ phu Bắc Hà nào đều nói giọng Sài Gòn hết. Mình lại nhớ Nguyễn Việt Hà kể chuyện có người định làm phim Lều chõng theo truyện của Ngô Tất Tố cho Đào Vân Hạc nói giọng miền Nam. Anh Hà bảo, chắc Vân Hạc có chửi thề thì "Đù má!"

Lại nói về chuyện tì nữ, nói tiếp: "Ngọc Hân công chúa đooóa!" Tấn Beo tưởng giỡn, ve vãn tiếp. Ngọc Hân tát cho cái như phẩy ruồi, thế mà y ngã chỏng vó ra, kêu oai oái rồi chửi bới. Vừa hay có Hữu Chỉnh (Thế Anh, vâng đúng bác Thế Anh Nổi gió ngày xưa ấy) chạy vào khuôn hình từ bên trái, hét: "Tên kia! Mi dám sàm sỡ với Ngọc Hân công chúa sao! Bay đâu, cheeém!"

Tấn Beo vội xin tha mạng. Vừa hay, Nguyễn Huệ đi vào khuôn hình từ bên phải, hô rằng tha cho nó. Chỉnh sụp xuống thi lễ, cả đám cũng ngỡ ngàng. Ngọc Hân, hay là Thùy Lâm giờ mới thấy tỏ mặt hào kiệt (trước vốn giãy nảy lên không lấy cái đồ võ biền), thì cũng chớp mắt tỏ ý ưng cái bụng. Sau màn giới thiệu thì đêm đã về khuya sương rơi ướt áo, gót loan dời bước về cung. Ấy, lúc này mới là lúc quay chậm nhất của phim (Chậm ở đây là chậm nghĩa đen, slow motion). Ngọc Hân đi ba bước, khựng lại, hơi quay đầu qua vai, như là quảng cáo Xmen hay Romano mà cô gái ngửi thấy mùi thơm của anh kia mà không cưỡng lại được ấy. Hay là giống Pond's kiểu ừ đúng đó, tao có dùng cái đó. Thế thì Thùy Lâm khưng lại, rồi vặn đầu trở lại, đi tiếp. Lý Hùng nhìn theo. Hết cảnh.

Nói chung về bối cảnh thì không nói làm gì, các bác nào chê mấy phim kỷ niệm Thăng Long thì chắc cũng sẽ phang cái Đại Nam quấc tự dùng làm Hoàng thành Lê triều, xi măng, gạch thẻ cứ dễ dàng lọt vào ống kính đủ cả. Cái thứ gọi là đặc sản của lò võ Lý Huỳnh thì ôi thôi, quay lên sống sượng và lủng củng chẳng có đường nét hay bài bản gì. Những màn bật tôm tức cười như là quay đùa trên youtube hay facebook. Những cảnh máu chảy trôi chày, nước sông nghẽn xác giặc làm bằng vi tính thô sơ hơn cả những phim ca nhạc. Rõ rành rành là phim quay như quay video vậy.

Lại nói sang chi tiết lịch sử. Nguyễn Huệ ra Bắc, lấy Ngọc Hân, đại để là có trăng mật hay không thì không rõ, nhưng đang xem cảnh hai anh chị Hùng và Lâm dìm nhau xuống chỗ có nước chen với đá, đang thắc mắc đã đưa nhau về miền Trung rồi à, bạn xem bên cạnh rú lên, Hầm Hô. Hầm Hô nào, Hầm Hô Bình Định đó. Tưởng về Phú Xuân thôi chứ, Bình Định là Nguyễn Nhạc trấn rồi, ừ thì khó tính làm gì, Bình Định cũng gần Phú Xuân hơn là Thăng Long. Ôi nhầm rồi, cảnh sau thì hóa ra vẫn ở Thăng Long. Hồi ấy, Nguyễn Huệ có đưa Ngọc Hân ra biển nào như Quảng Ninh hay Sầm Sơn không biết mà có biển với đá thế.

Cao trào hẳn là màn đánh đồn Ngọc Hồi. Cái đồn toàn tranh tre nứa lá mà hỏa khí của Tây Sơn đốt mãi vẫn chưa xong. Đánh độ mười phút, Nguyễn Huệ hô "Ba quân tướng sĩ! Thẳng tiến về Thăng Long!" hô đến ba lần như anh Trỗi phút giây thiêng. Ngoắt sang một cảnh chỗ khác, ba quân tướng sĩ hô "Hoàng đế Quang Trung dzạn tuế" đến chục lần, tưởng người dựng phim dựng nhầm, thay vì lệnh Cut thì sang lệnh Paste.

Giặc thua, chạy về cấp báo với Tôn Sĩ Nghị (Đoàn Dũng), bảo "Quân Tây Sơn đã diệt các tướng như Sầm Nghi Đống v.v..." Ơ hay, trẻ con học lịch sử rành rành là Sầm Nghi Đống treo cổ tự tử ở một cái gò gần chùa Bộc cơ mà. Vơ vào đến thế làm gì. À, mà có vụ này thì hay. Các đoạn đối thoại của quân Thanh đều nói tiếng Tàu, có phụ đề tiếng Việt chạy dưới. Ồ thế thì hay, phim này có yếu tố nước ngoài, có thể tham dự giải Kim Kê Kim Tượng được. Ừ, đóng cũng có nét, khéo được giải Kim gì đó.

Lúc nói là 20 vạn quân Thanh, mình hơi cảm giác là thiếu, hay là 29 vạn. Về tra lại thì chắc cũng không sai, các con số cũng còn bàn cãi. Nhưng mà các quân gì thì quân, 10 vạn quân Tây Sơn ắt không thể lao như đi cướp kho thóc thế được. Đọc Hoàng Lê nhất thống chí, mô tả kỹ lưỡng cực kỳ luôn. Hoặc nếu có "dã sử" thì cũng phải điệu nghệ tí. Ai đời như là màn tỉ thí đường phố, lại còn quả Lý Hùng đi phăm phăm trên không kiểu màn quảng cáo mì ăn liền Hảo Hảo (tức là có cô Quế Trân đeo dây trên lưng đi đạp đạp hai cái chân trong không trung rồi quay ra giơ gói mì lên). Đoạn giặc Thanh chạy qua cầu phao, thì là một con sông bé tí như cái mương. Sông Cái mà chỉ bé thế thì giặc Thanh chẳng đến nỗi chết nghẽn nước với lại Tôn Sĩ Nghị phải cho chặt cầu phao. Bôi bác đến thế thì dìm hàng cả chiến công của Quang Trung xuống hàng quận huyện.

Chưa hết. Đến màn chiến thắng trở về. Thì đã biết là Ngọc Hân sẽ có cảnh nhận hoa đào, nhưng thấy cái vườn cắm những cái cành hoa hồng hồng là hoa giả, mình mới thật thà bảo, hay là lúc này hoa chưa về, mới có 1 cành mang thần tốc từ Bắc vào nên Ngọc Hân cho cắm hoa giả để đỡ nhớ. Ô nhưng không hề, Lý Hùng bước ra, chỉ tay vào cái vườn, bảo nàng đã thỏa ước nguyện chưa. Thùy Lâm e lệ cười. Tì nữ cầm cành đào lên, đa tạ Lý Hùng, cành đào chiếu cận cảnh - hoa nhựa - bông nào bông nấy to như phiếu bé ngoan.

Hết phim, đúng như dự đoán, có cảnh vĩ thanh, ngày nay tại quê hương Tây Sơn, đã lập đền thờ và hàng năm, v.v... Dòng chữ hiện lên, cảm ơn Chính quyền, đảng bộ và nhân dân tỉnh BĐ đã giúp đỡ và ủng hộ... Bài hát hùng tráng cất lên. Nán lại xem ai hát và bài hát của ai. Bảo Chấn sáng tác, Duy Linh và nhóm bè Cadillac hát. Nhưng mà nhạc thì nhé, cái đoạn Thùy Lâm và Lý Hùng giã biệt bên bờ biển, nhạc cứ gợi nhớ Bên em bên em biển đã chết. Còn những đoạn hùng binh, cứ có cái kiểu nhạc, Tèn tén, ten ten tèn ten ten tèn... Tèn tén... Vùng lên, nhân dân miền Nam anh hùng... Vùng lên, xông pha vượt qua bão bùng... Tèn tén... Ừ thì phim ra mắt ngày 30 tháng Tư mà.

Phải nói là mình rất ủng hộ người VN làm phim đề tài lịch sử, bằng cớ là đã bỏ ra 70k (chưa kể tiền bắp rang bơ và pepsi đã được bạn Lâm thầu cả hội), nhưng mà thấy người ta làm phim vừa ngây thơ, vừa cẩu thả mặc dù ắt là có tâm huyết cao, thì thấy quả này không tha được. Lý Hùng năm 2010 không thể chỉ là già hơn béo hơn năm 1992, mà cũng phải nên biết mình là ai, phải ít ra là có trải nghiệm gì thêm chứ. Nhất là khi có tham vọng quay lại bằng một phim "bom tấn" cả về tiền bạc lẫn chủ đề. Chẳng lẽ cũng mãi vẫn như một thứ khoai củ chạy hùng hục từ đầu đến hết phim, bất biết động đậy một nếp nhăn nào?
.
Thêm thông tin: Đây là bản biên tập đăng trên Tuổi Trẻ và link trên Người Lao Động, cùng phản hồi "dữ dội" mà chắc không đăng hết :-)
.

Nhận xét

Nước chè quê đã nói…
Hay!
Bố con đối thủ của Lý Tử Long sẽ buồn bạn!
VMC đã nói…
Sao Q có thể kỳ vọng LHF "giải mã" được TS-NH và đưa được ra thông điệp mới nhỉ? Biên kịch, đạo diễn như thế thì phim chỉ như thế thôi.
Unknown đã nói…
@Nước chè quê: Lý Tiểu Long chứ nhỉ. Còn bố con kia "Tử Long" vậy :-)
@VMC: Biên kịch có tên Phạm Thùy Nhân đấy anh ạ.
Rem đã nói…
Ặc ặc...anh làm em mắc nghẹn. Rất duyên dáng và tàn bạo. Đọc cái này chắc sướng hơn xem phim.
Ech Ao đã nói…
anh review thế này mọi người lại càng háo hức đi xem hơn nữa. Phim hài (hay hề?) hiếm có thế mà...
Khuê Việt đã nói…
Review này viết đăng trên duma.com à? ;)) ;))
Nặc danh đã nói…
Nhà biên kịch Phạm Thuỳ Nhân hay còn gọi là Triệu Vũ, viết kịch bản hay về thể loại tâm lý xã hội. Phim cổ trang kiểu bom tấn như TS-HK với mức đầu tư lớn như thế, thì cần cả một ´´đội ngũ các nhà biên kịch´´ chứ không phải chỉ duy nhất một nhà biên kịch. Cụ thể là nên viết kịch bản phim theo nhóm . Chọn một người viết, các thành viên còn lại trong nhóm hỗ trợ để tạo thành một kịch bản tốt. Ở Việt Nam, kinh nghiệm viết kb phim cổ trang hoành tráng về đề tài lịch sử hầu như không có nhiều. Vì thế, viết theo nhóm có thuận lợi mà cũng không ít khó khăn. Có nhiều ý tưởng nên chúng ta có thể chọn lọc chi tiết. Thế nhưng, nhiều ý kiến quá đôi khi lại gây trở ngại, tác giả nào cũng cho mình đúng, cuối cùng chẳng biết chọn cái nào. Chính vì lý do này mà nhà sx đã chọn hẳn một nhà biên kịch có tên tuổi cỡ Phạm Thuỳ Nhân để ´´yên tâm´´ làm phim TS-HK. KB phim đặc biệt là cổ trang mang đề tài ls, không đơn thuần kể lại tình tiết, diễn biến của một câu chuyện lịch sử. Nó đòi hỏi phải vận dụng kỹ thuật và kinh nghiệm dày của các tác giả, ngoài vốn sống, tính thực tế, còn phải am hiểu về các công việc, kỹ thuật khác của việc làm thể loại phim này. Lý Huỳnh FILM +anh Phạm Thuỳ Nhân cũng đã ´´làm tốt´´ với khả năng của họ rồi. Nếu làm được tốt hơn thì họ cũng sẽ làm tốt hơn thôi. Theo tôi biết, từ xưa đến giờ Lý Huỳnh Film định vị thương hiệu của họ ở dòng phim thị trường tại VN. Vì vậy trước khi xem phim này, TQ và các bạn khoan kỳ vọng quá nhiều về tính bứt phá hoặc một cái gì đó hết sức mới mẻ mà bộ phim sẽ mang lại.
Unknown đã nói…
@Hạnh Phúc Lang Thang: Tôi đã nói từ đầu bài, thật ra chỉ cần họ giới hạn ở một lát cắt như kiểu Thăng Long đệ nhất kiếm, có khi lại khả dĩ. Thị trường thì cũng không có nghĩa là làm một bộ phim cẩu thả về kỹ thuật lẫn ý tứ. Đương nhiên phim cuối cùng công và tội là đạo diễn.

Người xem năm 2010 cũng không còn là người xem năm 1992 nữa! Giả dụ con em chúng ta đi xem, nói rằng con thấy ông Quang Trung đánh trận như thế, Sầm Nghi Đống bị chính tay QT giết như thế... thì tai hại một nhẽ, mặt khác cái cách thể hiện lịch sử à uôm thế làm cho bọn nó nghĩ à thì ra LSVN nó cũng vậy vậy...
Titi đã nói…
Mình nghĩ, đây là vụ rửa tiền thành công nhất của gia đình LH. He he...
Chu Chu đã nói…
Nói phim này là phim định hướng thị trường thì tội nghiệp cho thị trường quá. mà thị trường là ai?
Mình được đi xem miễn phí- mà tiếc thời gian đã bỏ ra để xem cái video clip 90 phút đó quá chừng. Cẩu thả đến từng chi tiết, phục trang, đạo cụ,... à,sao không có cảnh quân lính khiêng nhau vừa đi vừa nghỉ ha? Quang Trung có cái truyền thuyết đó nổi tiếng nhất mà sao không làm
Xem cái clip đó xong, mình thấy cái clip quảng cáo Bitis năm nào còn thuyết phục và hấp dẫn hơn.
Unknown đã nói…
Tàn bạo thì không bằng nhà Cô Gái Đồ Long. Thôi thì cũng cảm cái tình của cha con họ Lý chứ còn phim thì phim VN phim nào chả thế, một tỉ cũng rởm mà 100 tỉ cũng rởm. Nói như Thế Anh "Điện ảnh VN không cần cố nữa, đã xuống đến đáy rồi"

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm