Đi xe máy như một cảm hứng
***
1.
Có thể không phải là người đầu tiên sinh ra trào lưu lang thang bằng xe máy, nhưng Che Guevara 23 tuổi đã biến chuyến hành trình xuyên châu Mỹ Latin của mình cùng người bạn đồng hành Alberto Granado thành một cuộc đi tìm lý tưởng chứ không chỉ là một cuộc chơi ngông của hai chàng trai Nam Mỹ khác người. Cuộc hành trình dài 8000 cây số đi trong chín tháng trên chiếc xe Norton 500 phân khối qua một loạt đất nước có chung ngôn ngữ và gần cận văn hóa.
Che trên chiếc xe đạp gắn motor năm 1950
Sau khi đã tiến hành chuyến đi đầu tiên năm 1950 bằng chiếc xe đạp có gắn motor, chuyến đi quan trọng bằng xe máy này khởi hành tháng Giêng 1952 trên chiếc xe cũ kỹ đời 1939 được đặt tên La Poderosa (nghĩa là Kẻ phi thường).
Chiếc La Poderosa
Từ chuyến đi ấy, Che đã viết nên cuốn Nhật ký xe máy nổi tiếng, ghi lại những gì mắt thấy tai nghe và suy nghĩ về một lý tưởng đấu tranh cho công bằng xã hội. Che đã thành biểu tượng của giới trẻ cách mạng, và phiêu lưu xe máy đã trở thành nơi ký thác mộng tưởng về một thế giới đại đồng, nơi mỗi người trẻ tuổi dường như chỉ cần một ít vật chất và thật nhiều nhiệt tình để dấn thân. Mặc dù chuyến đi giữa chừng phải bỏ lại chiếc xe máy bị hỏng, nhưng tinh thần phiêu lưu bằng những cách thức khoáng đạt nhất vẫn là yếu tố nổi bật trong cả phần còn lại của cuộc du hành. Chúng ta vẫn thắc mắc bằng cách nào những nhà cách mạng dấn thân ra đi dường như chẳng mang bao nhiêu của nả độ đường, vậy mà họ đã đi được những con đường rất dài trên cuộc đời này. Điều ấy có bao nhiêu phần trăm là được tiếp sức từ những phương tiện rất bình thường chứ không hề ùng oàng như trí tưởng tượng của các nhà viết sử hay chúng ta thêu dệt nên?
Bìa cuốn Nhật ký xe máy của Che Guevara.
Chuyến đi của Che cùng Alberto là để tận mắt nhìn thấy một xã hội giữa thế kỷ XX, một góc khuất của thế giới thời bắt đầu Chiến tranh Lạnh, nơi châu Mỹ Latin thành sân sau của Mỹ. Hai người đã chăm sóc y tế cho những bệnh nhân mắc bệnh hủi, lao, những căn bệnh bị xem là nan y thời đó. Việc họ đã không e sợ hay nề hà sự khổ cực, chăm sóc người bệnh không cần găng tay hay cách ly, thậm chí còn đá bóng cùng họ, là điều lý giải về một cảm hứng cách mạng gây được sâu rộng trong quần chúng ở lục địa này những năm tháng về sau. Khi chiếc xe máy đã hỏng, những người bệnh được Che và Alberto chăm sóc đã làm cho hai người một chiếc bè đơn sơ để xuôi dòng sông Amazon.
Che cùng Alberto trên chiếc bè Mambo-Tango
Che đã bỏ lại một mối tình lãng mạn, một cơ hội có một cuộc sống phong lưu của bác sĩ tương lai để tiếp tục dấn thân. Thậm chí 15 đôla mà người bạn gái gửi Che nhờ mua hộ một bộ áo tắm nếu như đến Mỹ (mà cuối cùng cũng đến Mỹ thật! Ở đây là Miami, điểm cuối của hành trình), Che cũng đưa cho một gia đình nông dân nghèo. Một điều thật lãng mạn quá sức nếu ta tưởng tượng ta sẽ đi xe máy từ Việt Nam và sẽ cầm tiền đến Nhật để mua kimono, và ta có nghĩ là cho ai trên đường đi không? Điểm đến của Che và người bạn không phải là những thành phố xa hoa tráng lệ, mà là “những người dưới đáy đô thị, những kẻ ăn xin. Mũi chúng tôi cùng hít thở với những người khốn cùng”. Chiếc xe máy là vật bắt đầu cho cuộc lên đường vừa bồng bột, vừa không tưởng mà hóa ra lại là nhân chứng cho một câu chuyện nghiêm túc nhất của thế kỷ: giải phóng dân tộc.
Bản đồ hành trình của Che . Đường màu xanh là đi chủ yếu bằng xe máy, đường đỏ là đi bằng máy bay.
Cảnh trong bộ phim cùng tên năm 2004 làm từ cuốn Nhật ký của Che với diễn viên Gael García Bernal vai Che và Rodrigo de la Serna vai Alberto.
2.
Nhà xuất bản Verso đã gọi Nhật ký xe máy là “sự gặp nhau giữa Tư bản của Karl Marx và Easy Rider”. Ở một thời khác, một cảm quan khác, Easy Rider (Tạm dịch: Tay lái dễ chơi) – bộ phim Mỹ sản xuất năm 1969 - phát triển khía cạnh nổi loạn của thế hệ trẻ. Những năm cuối thập niên 60 đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trong lối sống giới trẻ phương Tây, với những phong trào hippy, nhạc rock, ma túy, và phản đối chiến tranh Việt Nam.
Những nhân vật trai trẻ do ngôi sao Peter Fonda và Dennis Hopper đóng, mặc áo da, đội mũ bảo hiểm có in hình cờ Mỹ phóng xe chopper trên đường miền Tây Nam và miền Nam nước Mỹ, vừa khắc họa một thế hệ “trên đường” kiểu Jack Kerouac vừa mong tìm điều gì đó vượt thoát cuộc sống mới “hai mươi năm cuộc đời” nhưng đã đầy nhàm chán. Bộ phim tưởng như chỉ đơn giản kể về cuộc chơi bời của hai gã bán ma túy về miền Nam nhưng thu nhận vào đó cả một bối cảnh nước Mỹ với đủ góc tối tăm và bất an. Tag line của bộ phim đã giới thiệu tinh thần vô vọng ấy: "Một người đi tìm nước Mỹ. Và không thể tìm thấy ở đâu."
Điều khiến bộ phim về xe máy này được khán giả yêu thích là nó phả một hơi thở chân thực về một cuộc sống nổi loạn ngoài pháp luật, lấy ảo giác và đập phá làm cảm hứng trong bối cảnh những giá trị cũ bị suy đồi, những yếu tố bùng nổ của thế hệ “baby boom” (thế hệ sinh ra sau thế chiến II với tỉ lệ sinh tăng vọt). Thêm vào đó, thế hệ này đòi hỏi nhu cầu được thừa nhận và khẳng định giá trị trong bối cảnh một nước Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng lún sâu vào chiến tranh ở Việt Nam và chiến tranh Lạnh leo thang.
Xe máy vì thế không ngẫu nhiên mà trở thành vật dụng ký thác phong cách sống của thế hệ trẻ. Từ đôi giày tả tơi “gót sắt” của Jack London đầu thế kỷ XX đến những chiếc xe ôtô cũ của Jack Kerouac cùng đám nhà thơ Beat những năm 1947-1950, đến chiếc xe máy của thế hệ mới này là những lựa chọn có phần vừa túi tiền của những kẻ kiết xác nhưng lại dư dật ham mê. Tất nhiên sau đó những vật dụng như chiếc xe máy chopper Harley Davidson theo phong cách của Easy Rider không hề rẻ, trở nên thời thượng, xếp cùng loại “đặc chủng” với những du thuyền, xe hơi thể thao... Sau thành công nghệ thuật lẫn thương mại của Easy Rider (thu được 42 triệu đôla), đã có vô số phim ảnh, ca khúc và những sản phẩm đời sống lấy cảm hứng từ bộ phim này. Tất cả đều lấy mẫu số chung: sự cá biệt của kẻ đi xe máy. Tất nhiên khán giả Việt Nam khó mà nhận ra được cái hay của điều này trong bối cảnh toàn dân đi xe máy hiện nay!
Barbie cũng thành easy rider.
Dù sao thì trong các phương tiện cơ giới lưu thông, xe máy vẫn là thứ rẻ nhất, và hơn thế nữa, cơ động nhất. Thử nghĩ xem, Che Guevara mà dùng một chiếc xe hơi lên đường, có lẽ sự gần gũi của ông với những số phận dọc đường đã không như khi đi chiếc xe máy cà tàng. Cái nhìn của người phơi mặt ra hít bụi đường, sương gió, mưa tuyết chắc chắn là khác so với ngồi sau vôlăng. Lộ trình của chiếc xe máy cũng len lỏi trong những rẻo đường hẹp và những ngóc ngách cuộc đời, từ những làng da đỏ vùng núi cao Andes đến những sân sau tệ nạn vùng Lousiana, điều mà rất có thể khi đi bằng xe hơi bốn bánh trên đường lộ sẽ không vào được.
Từ một chuyến đi xe máy dẫn tới một lý tưởng cách mạng trong đời thực hay một cuộc chơi bời vô mục đích trên phim ảnh, khao khát về một chân trời tự do là điều trước tiên hấp dẫn các nhân vật trẻ tuổi. Sự thay đổi nào đấy xảy ra trên con đường cũng chính là điều họ mong đợi. Với họ không có khái niệm lo âu về tai nạn hay rủi ro là điều mà xã hội đô thị hiện đại ra sức nhồi nhét cho cư dân của nó qua truyền thông để bán giải pháp chữa trị. Điều khôi hài là cả Che lẫn Easy Rider đều đã thành những biểu tượng có tính thương mại, điều mà những nguyên mẫu có con đường ngược lại. Ta có thể thấy hình Che khắp nơi, trên poster, áo phông, cốc tách.
Easy Rider đã thành một phong cách sống và thời trang điệu đà như kiểu các ngôi sao nhạc rock Anh xuất hiện đều đặn trên các trang giải trí. Ý niệm về sự đi tìm giá trị cuộc sống ngoài kia, cuộc sống đặt ra cho con người những tự vấn về nhân cách, về tự do, về hạnh phúc đã mờ hẳn so với cái đẹp hợp nhãn ấn loát và trưng bày.
Easy Rider + Karl Lagerfeld + Chanel
3.
Ở Việt Nam, vẫn có những một dạng tìm cảm hứng ở những chuyến đi xe máy, ấy là phượt, tức những chuyến đi rong ruổi dã ngoại. Người ta vẫn thấy chênh vênh trên những cung đường miền núi, những thanh niên Hà Nội hay Sài Gòn tách mình khỏi 6 triệu cái xe máy chen chúc ở nội đô để lập hội dăm ba kẻ cùng nhau tha hương vài ngày. Chia sẻ với những biểu tượng văn hóa toàn cầu về xe máy nói trên, họ tìm những khung cảnh rộng lớn, khoáng đạt và tự nhiên, điều mà những đô thị lớn Việt Nam không có.
Nhiều dân du lịch phương Tây cũng thấy Việt Nam thật thích hợp cho việc du nhập mô hình Easy Rider ở phương diện dừng đâu là nhà, ngã đâu là giường. Tất nhiên có người thích trải nghiệm thật kỳ công, có người lại thích lấy số má kiểu dùng bút "check" những gạch đầu dòng must-do (và dĩ nhiên cả must-see) đã thành tập quán mới của xã hội thời nay. Những người làm du lịch Việt Nam tinh khôn cũng biết nắm lấy đặc điểm này để biến những cung đường Việt Nam được đánh dấu cho một thương hiệu Easy Rider ở Sapa, Đà Lạt. Cái hay của dân Tây đi kiểu này là không đâu dễ tìm hiệu sửa xe máy như Việt Nam. Có khi không cần giao tiếp, thợ Việt Nam sờ vào xe thôi cũng biết phải sửa cái gì. Xe máy "dễ" (easy) cho việc giao thoa văn hóa là thế!
Quay trở lại với thanh niên đô thị Việt Nam. Họ cũng muốn thử sức những kỹ năng chinh phục thiên nhiên, dĩ nhiên ở mức độ rất “hiện đại”, điều mà cư dân thành phố đã đánh mất. Những chiếc xe đẹp quá, choáng lộn quá, giá đến trăm nghìn hay cả triệu đô, được thửa riêng hay là độ thật lộng lẫy để trưng ra cho diễn viên Tom Cruise hay Lý Liên Kiệt cưỡi, dường như thật khó chia sẻ cái cảm hứng lang bạt kỳ hồ trong cõi đời bụi bặm này. Giữa đám đông đi xe máy nhiều khi điên cuồng, nhiều khi bất chấp luật giao thông hay phép ứng xử văn minh, trong sự mệt mỏi dai dẳng ngày này qua tháng khác mà xe cộ đem lại, có bao nhiêu người nghĩ về một nguồn cảm hứng như thế trên hai bánh xe?
Nguyễn Trương Quý
(Motostylish 11.2010)
Nhận xét