Sửa xe nghe tình nhân thế

Có lẽ ngoài vài người bạn chí thân, thì những người ta tiếp xúc nhiều nhất trong cuộc sống là ông thợ cắt tóc và anh sửa xe máy. Đặc điểm chung của những ông thợ ấy là họ vui chuyện. Khách đi cắt tóc và sửa xe toàn là đàn ông, ngồi đọc báo giết thì giờ lúc chờ đợi mãi cũng chán. Thế là các ông thợ mồm mép kèm chân tay để hầu chuyện khách nói chuyện vừa để cho khách đỡ sốt ruột, vừa là cái cớ giao lưu rất đỗi tự nhiên. Phụ nữ đi mua sắm hay gội đầu còn tranh thủ giải nguồn cơn, thì đàn ông đi sửa xe còn là nghị sự xã hội. Từ những chuyện thể hiện sự hiểu biết về xe cộ, máy móc, những thứ khẳng định nam tính cho đến những việc làm ăn, chính trường. Dĩ nhiên những chuyện vĩ mô này cũng chỉ ở mức độ làng nhàng, bất mãn một tí, nghiêm túc thì ít mà vỉa hè thì nhiều. Nhưng cũng tựa như câu chuyện chỉ gói trong một hai giờ đồng hồ, những người đàn ông mang xe máy đi sửa quan tâm trước hết đến số phận con xe của mình. Người sửa xe cũng như bác sĩ, nguyên việc tác động tâm lý qua cách nói chuyện đã đủ làm bệnh nhân khỏi đến mấy phần!

Những người thợ sửa xe máy ăn nói tốt tất nhiên làm yên lòng khách, nhưng anh ta cũng phải làm được. Không có ông thợ nào vừa mướt mồ hôi loay hoay vặn mở ốc vít lại đủ sức buôn chuyện với khách. Khách hỏi tại sao chỗ này bị rò, chỉ chỗ kia xe tôi kêu lọc xọc, thợ sửa xe không có quyền từ chối. Cái anh thợ tài cỡ nghe chủ xe nói đã chẩn chính xác bệnh lý xe là anh thợ thu phục được lòng yêu mến của khách, rồi hẵng đến việc sửa ra sao. Mỗi chủ hiệu sửa xe máy cũng phải là một “nhà bác học” trong lĩnh vực xe cộ. Thời nay có hàng chục dòng xe, lại có vô vàn chi tiết từng hãng chế tạo khác nhau, thuộc được ưu nhược điểm của từng loại xe, muốn thạo cũng phải có thời gian và nhất là sự chuyên tâm. Cái xe vẫn là một gia sản đáng kể với số đông, vì thế thợ sửa không thể hùng hục mà vặn, mà mở, mà xiết, mà nện rầm rầm cho kỳ được. Thợ sửa phải có hoa tay, phải biết lựa đà mà sửa những con xe như những con bệnh nằm dài trên cáng.

Thợ sửa xe máy mặc dù lem nhem dầu mỡ cả ngày, nhưng lại là cái lem nhem dễ gây thiện cảm, kiểu nghĩa sĩ ra tay cứu khó thay vì chỉ đơn thuần là một người làm dịch vụ. Làm ăn có tốt, thái độ có tử tế thì mới mong có khách quen. Bởi vì hiệu sửa xe đã trở thành quá phổ biến, công sửa thì không đáng bao nhiêu, lại không thể làm giá cao hơn hiệu khác, vậy thì phải trông vào bán phụ tùng. Thông thường khách cũng có dăm bảy loại, có người chặt chẽ chi li, nhưng có rất nhiều người “thôi thì trăm sự nhờ bác”, cứ chọn phụ tùng nào loại tốt mà thay thế. Muốn gây được lòng tin, ắt ông thợ phải đã từng sửa ngon lành cũng như khéo mồm đưa chuyện. Ở đời, ai chẳng có tâm sự, ai cũng có nỗi niềm. Nhưng thực chất việc giỏi chuyện của ông thợ sửa xe là biết lắng nghe. Nghe từ chuyện vợ con mè nheo ra sao, đến chuyện thằng hàng xóm mới tậu xe hơi, rồi chuyện đợt rồi bị cảnh sát giao thông tuýt còi vì vi phạm thế nào. Chuyện đội bóng ngoại hạng Anh hôm qua kịch tính, chuyện vụ án nổi cộm chồng chặt vợ làm mấy khúc ở khu phố bên cạnh cho đến chuyện tổng thống Mỹ xa tít mù khơi.

Cái hiệu sửa xe cũng thường liền kế với quán nước chè hoặc quán giải khát, thường hiện diện ở đầu khu dân cư, nơi xe cộ tiện bề qua lại, ai hỏng xe cũng dễ dắt tới, tự nhiên mà thành trung tâm thông tin trên trời dưới biển. Lắm khi chẳng ai thân quen gì nhau, nhưng chỉ cần một anh nào dắt con xe hoành tráng vào sửa, cả đám khách gật gù quây lại chia sẻ sự ngưỡng mộ, rồi chủ xe hãnh diện nửa giấu giếm nửa muốn tông tốc khoe hết mọi bề, thế là như hẹn nhau kiếp nào, con xe thành cái cớ cho các đấng mày râu làm bạn. Lắm khi bác sửa xe quái ác, giễu cợt sự dốt nát của chủ xe, vốn không biết giữ gìn hoặc đi không đúng cách, để đến khi cạn dầu, cháy má phanh mới hốt hoảng đi sửa, làm cho đám khách còn lại cười khinh thị. Ô hay, bác thợ ấy dốt, người ta có làm hỏng xe thì bác mới có việc mà làm. Nhưng mà xét thực tế ta cũng chẳng thấy hiệu sửa nào vắng khách bao giờ, cánh thợ sửa cũng chẳng mong nhận vào những ca hỏng hóc nặng, tốn nhiều thời gian mà công sá cũng không thấm tháp gì.

Ngày xưa nguồn phụ tùng hiếm hoi, xe hỏng bộ phận nào là thợ sửa kỳ công mài dũa, gò dập chi tiết để thay thế. Bây giờ đồ của xe máy ê hề, hỏng ít thôi nhưng cả thợ lẫn chủ xe chẳng mấy khi bỏ qua cơ hội thay đồ mới cho tiện, trừ khi những loại xe cần lấy sự “zin” làm chuẩn. Thể hiện rõ nhất là cái săm (ruột) xe. Trước đây người ta vá chín, rồi vá lạnh, rồi đến lúc miếng vá đắt bằng 1/3 giá săm mới, thế là chỉ cần hai miếng vá là đã bỏ quách cái săm đi rồi. Thợ vừa dễ làm, chủ xe lại thấy tính kinh tế hơn hẳn. Nhìn vào cái kho của hiệu sửa xe cũng có thể thấy sự đổi thay. Ngày trước đi sửa xe, nhiều người có tâm lý sợ thợ đổi phụ tùng mà mình không biết. Quả là nhiều bác thợ ranh ma, giấu những món phụ tùng tốt vào kho của mình, khi nào có ai muốn thay thế đồ xịn thì mang ra bán với giá đắt lè lưỡi. Bây giờ, trừ những con xe trăm triệu như SH, Dylan hay Vespa là có phụ tùng đắt đỏ, còn lại thì làng nhàng, đồ phụ tùng mới bán đầy ra, trữ trong kho thứ phụ tùng chẳng còn mới chỉ tổ chật giá. Hiệu sửa xe chính là thước đo sự phát triển và thay đổi của mức sống, thậm chí cả kinh tế của người Việt nữa.

Hiệu sửa xe thoạt nhìn có vẻ bề bộn, nhưng thực ra lại phải có trật tự riêng của nó. Thứ nhất là để chủ hiệu và thợ sửa biết tìm đồ sửa theo đúng quy trình. Thứ hai là chẳng ai giữ được cho sạch như bệnh viện, mà có giữ sạch cũng chẳng để làm gì. Những ông chủ hiệu mặt mày nhiều khi hầm hố, ngầm thể hiện một quá khứ có lẽ cũng khá giang hồ. Họ cũng phải là những tay có sức khỏe để làm công việc khá lao lực, hít ngửi đủ mùi dầu mỡ khói xăng, rồi vặn vẹo những thứ ốc vít mà người bình thường vốn nghiến răng đến méo miệng cũng không tài nào long ra được.

Sửa xe máy là công việc không cần trình độ cao, không cần học hành gì nhiều, nhưng kiến thức về máy móc cũng như hiểu biết xã hội của mấy ông thợ có khi khiến người khác phải vị nể. Để làm con xe hoạt động bình thường mau chóng trở lại, họ phải có một đầu óc tư duy sáng rõ, nhìn chiếc xe như một cơ chế hoạt động toàn diện. Tiếp xúc với đủ hạng người đi xe máy, họ nắm rõ cơ chế tâm lý của khách hàng, từ chị dân văn phòng đi xe tay ga đến tay giang hồ bặm trợn phóng Harley bốn ống xả. Thợ sửa xe hơn công nhân cơ khí ở chỗ là phải đối diện với từng sản phẩm đơn lẻ chứ không chỉ trong một dây chuyền tuần tự, vì thế lắm khi họ cũng có cái kiêu của kẻ hiểu việc mình làm, và ý thức được cái việc đó ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật của người khác. Trông họ có gì đó nhang nhác như những tay hào kiệt Thủy Hử, nhưng khác với mấy tay Lý Quỳ, Lâm Xung, những kẻ cá nhân chủ nghĩa cực điểm và ly khai với đời, họ là những kẻ cười nói rôm rả với khách khứa, biến chỗ của mình thành chốn quen thuộc của dân tình. Dắt xe hỏng bở hơi tai, thấy bóng hiệu sửa xe là niềm vui mừng của bất kỳ ai, lại được ông chủ hiệu tâm lý, thật còn gì bằng.

(trích Xe máy tiếu ngạo)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm