Khải huyền muộn - truyện cha Đắc Lộ

Khải huyền muộn hồi đầu mình đọc không thích mấy, thậm chí không đọc hết. Nhưng sau 8 năm đọc lại, thấy vào. Và phần hay nhất có lẽ là phần viết về Alexandre de Rhodes. Xin trích vài đoạn để mọi người đọc, và nên tìm mua/tìm đọc.


Chiều xuống trên sông của xứ Đàng Ngoài bao giờ cũng bàng bạc một nỗi buồn vô tận. Mới cách kinh thành chưa đầy trăm dặm mà những làng mạc hai ven bờ đã trông thật khác. Lúc này tuyệt chưa thể nghe được tiếng chuông nhà thờ. Liệu sáu mươi năm nữa hay một trăm năm nữa, những tiếng chuông trầm buồn ngân nga ấy sẽ có thành một phần hồn của làng quê Việt. Rhodes nằm dài ở đầu mũi thuyền nhỏ có lèo tèo chừng dăm tay chèo, thật khác xa cái cảnh hùng tráng của những ngày đầu tiên Rhodes tới đây. Vậy mà đã tròn hai năm. Thời tiết tàn đông của phía Bắc nước Việt thất thường. Lẩn khuất giữa những đám mây ủ ê thỉnh thoảng có một vệt rét đậm. Tâm trạng của toán người bị đầy biệt xứ là xót xa nặng nề. Viên cai đội giám thị kiêm luôn làm thuyền trưởng, tò mò với cái ống nhòm, chốc chốc lại đưa lên nghiêng ngó nhìn. Rhodes thở dài, nheo mắt nhìn ngược tít tắp sông Hồng. Phía xa xa khuất nẻo sương khói là kinh thành Thăng Long. Đường phố Kẻ Chợ sầm uất rộng, lòng phố lổn nhổn lát đá hộc đủ cho mười đến mười hai thớt ngựa chạy song song. Nhưng chẳng dễ gì băng qua được, vì những gồng những gánh đa phần là của người bán trầu cau. Những thiếu nữ trinh trắng những thiếu phụ có chồng tất thảy răng đều nhuộm một màu nhưng nhức đen nồng nàn dễ chịu mùi trầu. Dân Đàng Ngoài ví nó giống như hạt na. Và những hạt na ấy hơn một lần cắn sợi chỉ thừa khi đang khâu dở vết rách vai trên chiếc áo chùng thâm của Rhodes vào cái hôm đám cai binh sặc sụa mùi rượu cuồng loạn đập ảnh Chúa Cứu thế gắn ở bàn thờ gỗ xoan. Rhodes nằm sụp xuống che ảnh Chúa, mặc cho những tay thước hung dữ vụt xuống lưng và vai của mình. Vệt nắng ngoài hè nhà nguyện đã nhạt hẳn và cặp mắt sẫm của cô bé long lanh đậm nước.

“Về đi con.”

“Thưa, cho con xem lại cái vết thương họ đã đánh thầy.”

“Thôi, không có gì đâu. Cha cám ơn con rất nhiều.”

Rhodes cố tránh cái nhìn thiết tha của thiếu nữ mới lớn. Đấy có phải là một trong vài lý do để Rhodes da diết nhớ hơn một năm rưỡi ông ở Thăng Long. Hôm nay là ngày thứ ba sau cái buổi chúa Trịnh Tráng công khai tuyên cáo trục xuất vĩnh viễn hai giáo sĩ dòng Tên ra khỏi địa phận Đàng Ngoài. Cả một biển người cuồng nộ và may mắn thay cho hai thừa sai, dân xứ này không có tục ném đá. Đám nho sinh nguyền rủa cay nghiệt, đám thị dân chửi bới tục tĩu. Alexandre de Rhodes cúi đầu. Lạy Chúa, Người không cấm chúng con tử tiết vì đạo mà chỉ cấm chúng con không được trở nên liều lĩnh. Nhưng không phải chỉ toàn đau đớn như vậy. Phía khuất đường lớn góc rẽ vào phủ chúa, đám giáo dân đã được rửa tội đứng dúm dó âm thầm nức nở khóc. Họ hãi sợ nhưng quyết liệt liêu xiêu tựa vào nhau không chịu tan. Và Rhodes cũng đã trông thấy cô bé ấy, cô bé có tên thánh như hương hoa, Flora Huệ. Cô bé run rẩy đứng cạnh hai thầy giảng trẻ, Phanxicô Đức và Inhaxiô Nhuận. Đây là những hạt giống kiên trinh mà Rhodes đã vất vả gieo trên mảnh đất gian nan nhiều xót thương này. Là của lễ đầu tiên của tân giáo đoàn dâng lên đức Giêsu Kitô, của lễ bằng máu mình hiến cho giáo hội Đàng Ngoài. Ân sủng của Chúa sẽ chói rọi khắp khắp. Ngay từ hôm rời Áo Môn lần theo bờ biển Hoa Nam để tới kinh thành Kẻ Chợ, Rhodes đã sâu sắc tin như vậy. Kể cả khi cơn bão đầu mùa khủng khiếp năm Đinh Mão đánh dạt tàu vào Cửa Bạng thì đấy cũng là ý Chúa. Thừa sai Rhodes và Thừa sai Marques đã được chúa Trịnh đang ngự chiến ở đó chấp thuận cho yết kiến. Hai giáo sĩ khấu đầu kính cẩn dâng lên chúa thượng hai viên ngọc quý để lên bìa cuốn Thông hiến đồ thuyết do cha Lợi Mã Đậu soạn, in tại Bắc Kinh năm 1607. Nhưng chúa thượng thích nhất là những đồng hồ chạy cát và chạy cót, dân xứ này quen gọi là sa lậu và tự minh chung. Chúa thượng mỉm cười.

“Ta muốn các thầy ở lại với ta một hai năm, ta muốn bàn bạc vài điều.”

Rhodes âm thầm cảm tạ ông thánh thân phụ của Chúa Giêsu, vì đây là ngày lễ hiển linh kính danh ông. Rhodes sẽ lấy tên ông đặt cho Cửa Bạng là cảng thánh Giuse. Rhodes biết chúa Trịnh Tráng muốn điều gì. Mối lo dằng dai ám ảnh về những khẩu trọng pháo của xứ Đàng Trong, ưu thế quân sự duy nhất mà quân đội phía Bắc vắng thiếu. Chỉ có thương thuyền của người Bồ Đào Nha mới chuyên chở được nó. Nhưng gì thì gì, hành trình truyền giáo mang sứ mệnh của Chúa đến xứ Đàng Ngoài bước đầu đã thành công. Thừa sai Rhodes và những người đồng hành được phép lên thuyền ngược sông Mã qua kênh đào Mã Viện để tới sông Đáy rồi ra sông Cái về thẳng kinh đô Kẻ Chợ. Đấy là bốn giờ chiều hôm trước của ngày lễ Đức trinh nữ và Nữ vương Thiên quốc đi thăm viếng mang phúc lành tới nhà Thánh nữ Isave. Đất Đàng Ngoài vài ngày nữa rồi vài trăm năm nữa sẽ chứng kiến sự hiển hiện của một giáo sĩ. Họ sẽ lấy tên ông khắc vào bia rồi sẽ vứt đi. Họ sẽ lấy tên ông vinh danh đặt thành tên đường và cũng sẽ xóa đi nhưng rồi lưỡng lự lại giữ. Một tôn giáo mới hoàn toàn từ bên ngoài, đã manh nha, sẽ trỗi lên trong tâm linh Việt. Tại sao một người hoặc một dân tộc lại cần có đức tin. Nó là hệ lụy từ tham lam muốn bành trướng thần quyền của một giáo đoàn hay là cái nhu cầu đương nhiên bức xúc từ trong nội tại. Nền trời trong xanh nhờ những cơn mưa rào ở giữa mùa hè có nhiều nắng. Cha Christophoro Borri đã hết lời ngợi ca con người và thiên nhiên ở xứ sở này. Một miền đất mà chắc chắn Chúa đã chọn để gieo giống.

...Thế nhưng ngay lúc này đây, mặt đất Việt đang nghèn nghẹn một màu xàm xạm thuốc súng, rải rác nhiều xác chết bị lấp bùn nhão sơ sài vội vã, những người chưa bao giờ biết phép rửa và vĩnh viễn không được chịu phép xức dầu. Cuộc nội chiến đã lên đến đỉnh điểm kinh hoàng giữa những người cùng màu da cùng máu huyết mà những khi bình thường tất thảy bọn họ đều hòa nhã hiền lành hiếu khách. Gần ba trăm năm sau chữ quốc ngữ đã lên ngôi trên toàn cõi Việt và lịch mặt trời phương Tây cũng đã thông dụng theo, thì ngày hôm nay được định là ngày mồng một tháng bảy năm 1627. Trước ngày này chừng một năm rưỡi, xứ Đàng Ngoài duy nhất có linh mục người Ý Julien Baldinotti tới truyền giáo. Vất vả suốt hai tháng, ông ta chỉ làm phép rửa cho được bốn đứa trẻ sắp chết. Trong lịch sử trung đại rồi cận đại cả đến hiện đại của nước Việt, xứ Đàng Ngoài luôn đến với phương Tây chậm hơn xứ Đàng Trong. Alexandre de Rhodes đã biết vậy. Ông biết một cách sâu sắc giống như cái biết của một thương gia có kinh nghiệm thăng trầm biết cái ma lực khủng khiếp của bạc vàng. Chính tay ông đang cầm bức thư của cha Baldinotti khẩn thiết kêu nài các bề trên xin gửi thừa sai tới Đàng Ngoài. Thế nhưng, ở Ma Cao giới thương gia không tha thiết lắm việc buôn bán với xứ ấy. Một phần vì người Bồ Đào Nha rất nghi ngại thái độ của nhà Vương vốn bị một quan cận thần ghét người Bồ thao túng. Phần nữa, những thương gia đã tới Đàng Ngoài lần trước đã lỗ lã nhiều, đến độ không ai muốn sang đó thêm lần nữa. Mà không có tiền thì… Cám cảnh thế sao, chả trách gã phản thệ Lu Thơ người Đức mỉa mai Đức Thánh cha, khi đồng tiền rơi xuống thì linh hồn bay lên.

Đây là lần đầu tiên Rhodes tới Đàng Ngoài. Sóng biển xanh mặn lắc thuyền nhè nhẹ, không cần phải dướn người hay dùng ống nhòm cũng có thể nhìn thấy những rặng cây xanh xa xa trên một đảo nhỏ trông dịu dàng nhiều nữ tính. Trong tâm thế chung của các cư dân duyên hải vùng Đông Nam Á những Thánh nữ luôn có vị trí thật cao. Hôm xuống thuyền từ Áo Môn, Rhodes đã để thêm nhiều mẫu ảnh Đức Bà vào cái rương mây nhỏ, quà tặng riêng của mệnh phụ Gio Anna cho Rhodes hồi ông còn đang ở Hội An. Rhodes đã vô thức để Hội An thật đậm vào sâu ký ức. Cái thương cảng nhỏ nhắn cạnh sông Thu Bồn tuyệt vời đẹp, có nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo giàu có người Nhật Bản chạy nạn từ các cuộc bách hại sang đây chăm chỉ mà thành thương gia. Nhờ họ mà Rhodes đã biết quý phu nhân Gio Anna gốc gác người Việt Đàng Ngoài, sau cuộc di dân vĩ đại từ thế kỷ mười sáu theo chiều Bắc-Nam định mệnh lịch sử, bà đã là góa phụ của một nhất đẳng đại thần Đàng Trong. Bà có cái mũi cao gần giống người Âu, phảng phất hình Đức Mẹ theo kiểu vẽ của danh họa Raphael. Và cặp môi. Lạy Đức Mẹ nhân từ, người luôn khoan dung với tất cả lỗi lầm của chúng con. Lúc đó Rhodes chưa thể đọc được lời của Đức Thánh cha Gioan Phao Lồ đệ nhị tôn vinh Đức Mẹ. “Đức trinh nữ Maria Thánh Mẫu chí thánh của Thiên Chúa, là tuyệt tác của sứ mệnh ngôi Con và Thánh thần trong thời viên mãn. Lần đầu tiên trong chương trình cứu độ và nhờ chuẩn bị trước, Chúa Cha đã tìm được nơi Đức Maria chỗ ở để Chúa Con và Chúa Thánh thần cư ngụ giữa loài người.”

Giọng có tuổi của Đức Thánh cha trước micrô được khuyếch đại qua ămply nghe rõ từng nhịp run run. Lịch sử của Giáo hội không chép không ghi và không cho phép một Giáo hoàng về hưu. Và Đức Thánh cha người sẽ vẫn nói. Và thời đại của những con chíp điện tử liệu có làm người ta bớt hoang mang khi nghe thuyết giảng Phúc Âm. Cả biển người quần là áo lượt sang trọng vừa quỳ vừa lẩm nhẩm khấn thầm. Còn bây giờ, linh mục Rhodes cũng quỳ và đọc thật chậm mười lượt kinh Ave Maria bằng tiếng Việt. Đến lượt đọc cuối, Rhodes vớ cuốn vở giấy nhám ép bìa vỏ cây sậy ngẫu nhiên mua ở một buổi chợ phiên miền quê Avignon, lưỡng lự lấy bút lông ngỗng chấm mực định sửa câu Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Cái thói quen của một học giả trẻ. Không chắc. Có phải là Rhodes thấy câu đó là ngô nghê chưa thoát ý. Không biết, chữa là chữa thôi. Cũng có thể hôm ấy là một ngày rất buồn.

Ngày hôm ấy Alexandre de Rhodes nắn nót ghi trong nhật ký là ngày 13/12/1625. Xứ đạo tiên khởi Thanh Chiêm đang có bão muộn, dông kéo mây xám bơ vơ mênh mông chạy. Cái tin đắm thuyền được trực tiếp viên quan tuần kiểm duyên hải, người đã hơn một lần nhận hối lộ thẳng từ tay của Rhodes, hộc tốc phi ngựa đến báo. Nhìn vẻ mặt đột ngột ngơ ngác của ông ta, kiểu nói ấp úng của ông ta thì Rhodes biết cái chết của cha Pina có nhiều khuất khúc. Sau cái lần chữa bệnh không khỏi cho Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên, linh mục Francesco de Pina bị mất uy tín khủng khiếp. Đều đặn ngày ba lần Chúa Sãi ngâm người trong bồn gỗ táu chứa đầy nước sền sệt ấm nấu từ lá cây Hồng Ma (tên một loại lá dại rất hiếm mà hơn ba trăm bảy mươi năm sau nhà văn Bảo Ninh đã tìm thấy nó ở cánh rừng hoang vu đại ngàn Tây Nguyên khi ông còn là một gã binh nhất cồn cào đói lang thang đi đào sắn trộm) và linh mục Francesco vừa đọc kinh vừa lấy thanh gỗ Kỳ nam có trầm vụt từng nhát nặng lên lưng của Chúa để trừ tà khí. Những cái nhọt của Chúa Sãi càng ngày mưng mủ càng nặng. May nhờ bài thuốc Bắc của thầy lang Tàu gốc Minh hương họ Chu, mình rồng mới đỡ. Nếu không có sự can thiệp dữ dội của hoàng tử Nguyễn Phúc Kỳ, thì đám đại thần có móng tay lá lan đã nuốt chửng linh mục Pina. Bọn quý tộc quen sạch sẽ ấy bị cái mùi khắm lặm bốc ra từ đám nhọt của Chúa ấy hành hạ. Khi phải đứng sát đọc tấu chương trình Chúa, bọn chúng luôn bỏm bẻm nhai trầu cay mà vẫn âm thầm ọe khan. Cha Pina mắt sắc sảo đại bàng vừa cao vừa lòng khòng gầy, là giáo sĩ duy nhất giỏi tiếng Việt của nhóm thừa sai người ngoại quốc lổn nhổn Bồ, Hòa Lan, Pháp đầu tiên tới Đàng Trong. Cha cũng là người đầu tiên gây thù chuốc oán với đám quan và lại bản địa có tín ngưỡng mông muội man rợ. Hồi còn là chủng sinh tập viện dòng Tên ở Rôma, Rhodes có đọc cuốn du ký Viage del Muldo bản in năm 1614 của linh mục người Tây Ban Nha Ordonez de Cavallos kể chuyện rằng ông đã truyền được đạo vào kinh đô nước Đàng Trong. Vị chúa khai quốc là Nguyễn Hoàng thích lắm. Ngày 17/9/1591 chúa Nguyễn Hoàng chính thức chịu phép rửa lấy tên thánh là Grégerio. Đấy là tưởng tượng hay là khát khao. Du ký là thể tài văn chương và văn chương thì được phép bịa đặt được phép thăng hoa. Những ân sủng từ Phúc Âm được người Việt tiếp nhận dễ dàng đến thế chăng. Họ đã có rất lâu tôn giáo của họ và còn lâu hơn nữa là Đức Tin rất riêng của chính họ. Không phải đơn giản hay nông nổi mà họ thờ tà thần.

Chính ở điểm này cha Pina đã bộc lộ quá nhiều sai lầm. Giáo sĩ Pina thường nghiến răng lúc ngủ say và khi nói cặp môi mở hẹp tạo vẻ nghiệt ngã. Những tín đồ bản địa đầu tiên đến chịu phép rửa, bắt buộc phải theo lời cha vứt đi những bát cắm hương ám chặt khói vốn đã vài đời có thói quen thờ tiên tổ. Cha Pina kiên định và uyên bác. Sống dài ở ven biển, hay phải đi lại bằng thuyền nhưng ông có cố tật sợ nước. Mùa Phục Sinh đầu tiên của Rhodes ở Hội An bão đến sớm. Cha Pina và Rhodes đi trên một chiếc thuyền nhỏ tới giáo xứ mới mở Nước Mặn. Sóng cuồn cuộn đen và mây cuồn cuộn xám. Cha Pina run rẩy nắm chặt cây thánh giá bạc xỉn mồ hôi lẩm nhẩm đọc đi đọc lại Credo, sắc mặt tái mét. Một lúc sau cha nôn, và phía dưới đũng quần đẫm đầy nước đái. Cái gì đã làm cho một con người nhỏ bé luôn rúm ró vì sợ trở nên một thừa sai lồng lộng quật cường. Lòng tin yêu Chúa vô bờ hay sự khải ngộ sâu xa của sứ mệnh đã được mặc định từ Thiên chức. Và lạy Chúa, con cũng đang hỏi con. Con chưa phải chưa hề là một sứ đồ, nhưng nếu không nghĩ thế thì làm sao con có thể vượt qua được vô vàn hiểm ác của quỷ ma. Hoang mang là đương nhiên. Cô bé Flora Huệ khẽ nghẹn ngào, chỉ những khi con nhìn thấy cha thì con mới hết hoang mang. Thôi đừng nghĩ quẩn nữa, đã thật là tình yêu thì tất thảy đều trong trắng. Sáng danh Chúa, liệu có phải ý của Người bao giờ cũng tăm tối. Những trí thức nhiều chữ theo Nho theo Phật ở xứ này khi chân thành tranh luận Thần học thường bảo, thắng được mình rồi mới thắng được ma quỷ. Cha Pina hơn Rhodes chừng tám tuổi, chính danh là sư huynh và sâu xa trong thâm tâm Rhodes luôn coi ông là thầy linh hướng. Gần như toàn bộ những nghiên cứu về việc La Tinh hóa tiếng Việt mà Rhodes đang làm đều dựa trên đề cương khởi thảo của Francesco de Pina “Nhập môn tiếng Việt Đàng Trong.”

Tiếng sóng vỗ lóc bóc đều đều vào mạn thuyền, Rhodes ngắm kỹ mẫu ảnh Đức Mẹ vô nhiễm vẽ trên kính, khuôn mặt hơi dài theo kiểu các bích họa của trường phái tranh thánh I Pha Nho. Bà Gio Anna mỗi buổi chiều xuống có thói quen đứng hàng giờ cầu nguyện dưới ảnh Đức Mẹ. Cặp mắt dài đen bơ vơ buồn. Vẫn cặp mắt ấy khi nhìn Rhodes, bao giờ cũng long lanh nửa như có nước nửa như có nắng. Hồi còn là khuê nữ, tiểu thư duy nhất của quan phó Chưởng trấn, bà đã vô cùng sùng kính Quan Âm Bồ tát. Sau khi xuất giá để trở thành đệ nhất phu nhân của Đại Chiêm hải khẩu, thì bà lập hẳn một am lớn sát phía hậu khuôn viên để thờ đức Phật Bà. Khói trầm nghi ngút bảng lảng quanh tượng Quan Thế Âm bằng gỗ trắc vàng rượi. Cái am đó hồi Rhodes mới đến Hội An chỉ còn thấy nền hoang. Non ba trăm năm sau cũng trên cái nền đó người ta đã dựng lên một nhà thờ, mà thánh quan thầy là Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, có kiến trúc vào loại đẹp nhất miền Trung nước Việt. Chỉ có lòng tin tôn giáo mới hiến tặng vô tư cho các nền văn hóa những kiệt tác vô giá. Cho dù chúng không hẳn là sự dịu dàng giao thoa mà chỉ là sự hung hãn chà giẫm lên nhau. Tròn ngày giỗ hết của chồng, bà Gio Anna cho xây đối diện cái nền am cũ một nhà nguyện có tượng Chúa Giêsu khổ nạn khang trang với vì kèo bằng gỗ lim.

Hình như một lần, cha Pina đã mời Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên tới đó để chữa bệnh. Còn Rhodes, cũng đã hơn một lần Rhodes được mời tới cái căn nhà sau ngôi nhà nguyện đó. Qua một bức tường thấp là một gian dài thăm thẳm lờ mờ có nhiều ánh nến. Cô bé người hầu dẫn Rhodes vượt qua một khu vườn rộng. Khu vườn âm u với những cây mít to, cành và lá rất dày. Cỏ dại mọc hoang vươn dài chườm gần hết lối mòn vốn đã rất nhỏ. Hai người dừng bước trước căn nhà tranh sạch sẽ giữa vườn vừa buồn vừa tối. Cô bé người hầu không gõ không gọi, khe khẽ đẩy cửa. Rhodes tự nhiên lùi một bước. Lẫn lộn nhiều mùi trầu cay mùi trầm mùi phấn son. Cái mùi đặc biệt chỉ riêng có trong khuê phòng của các thiếu phụ quý tộc. Cái mùi này cũng rất khác, rồi đây khi ở Thăng Long, Rhodes đã ngửi thấy trong buồng của cô bé Flora Huệ. Tất nhiên hôm đó Rhodes không ở đấy một mình. Bố cô bé đứng ngay sau. Ông ta làm chức quan mậu tài, chịu trách nhiệm thu thuế cả vùng Đông Bắc, nhưng không hiểu sao chỉ toàn thấy ông ta mặc võ phục. Ông ta không chịu rửa tội nhưng cho phép vợ và con tin sùng theo Đạo. Ngoài bà chính thất, ông ta còn hai cô thiếp nữa. Cái tục đa thê man rợ đã ngấm sâu trong các nhà quyền quý ở cái xứ này. Bà vợ chính lem nhem nước mắt loay hoay quỳ xuống hôn gấu áo Rhodes. Bà mới rửa tội tháng trước và được Rhodes đặt tên thánh là Agata. Bà nói, đứa con gái duy nhất đột ngột đổ bệnh, nó khóc lóc kêu nài chỉ muốn duy nhất mình cha đến đọc kinh cùng nó cho bệnh đỡ. Hơn một lần, Rhodes đã thấy những giọt nước mắt nồng nhiệt nóng và trong veo ấy. Rhodes đưa tay làm phép lành, tự nhiên thấy tay mình run run. Cô tiểu thư nửa nằm nửa ngồi tựa lưng vào chồng gối gấm, mắt long lanh rừng rực nhìn cha. Cái nhìn giống như một lần cô bé đã nhìn ở vào một buổi tối giữa hè khi suốt một tiếng rưỡi thiếu nữ Flora Huệ không đổi tư thế cầm cao cây nến đại rọi ánh sáng bập bùng xuống những trang bản thảoPhép giảng tám ngày. Rhodes làm dấu thánh, vòng tay rút chuỗi hạt đeo ngang ngay dây lưng chầm chậm vừa lần vừa đọc kinh. Tại sao, tại sao Chúa lại chọn chính con rồi đặt vào chỗ luẩn quẩn phiền muộn như thế này. Rhodes cố muốn quên nỗi ám ảnh từ cái giọng hổn hển đòi xin giải tội của bà góa phụ trẻ Gio Anna.

“Lạy cha, xin người tha tội cho con, đêm nào con cũng nằm mơ thấy người.”

“Nhân danh Cha và Con và Thánh thần, Amen.”

“Lạy cha, con nhớ người.”

Rhodes khẽ liếc qua vai, cô bé người hầu đã đi từ bao giờ. Linh mục Rhodes thở dài, ông sâu xa biết những tín nữ mà dân Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong, gọi bằng một chữ rất hay là đàn bà có vai trò quan trọng như thế nào trong hành trình truyền giáo của ông. Họ đã che chở cho ông và các bạn bè của ông trong những lúc khốn khó cực nhọc nhất.

Tiếp theo

Nhận xét

dongsongxanh đã nói…
Chỉ dụ được đàn bà.

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm