Truyện cha Đắc Lộ (Khải huyền muộn, tiếp)

(trích tiểu thuyết Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà, NXB Trẻ, 2013)


Nắng gay gắt giữa hè được gió sông làm cho đỡ khó chịu. Dòng sông ngầu đỏ mênh mông bờ bãi. Tả ngạn có vẻ trù phú còn hữu ngạn có vẻ hoang vu hơn. Chàng thanh niên trợ giảng người Phú Yên đứng cạnh Alexandre de Rhodes khẽ thưa.

“Lạy thầy, đây là sông Cái.”

Linh mục Rhodes, vị thừa sai kiệt xuất của dòng Giêduýt, một trong những sứ giả đầu tiên của nền văn minh phương Tây Thiên Chúa giáo với sứ mệnh như hà ý thị tổ sư Đông lai rồi đây còn được nhiều bộ chính sử chép dưới cái tên phiên theo kiểu Hán Việt, A Lịch Sơn Đắc Lộ nao nao bâng khuâng nhìn sông. Chiếc hạm thuyền cuối cùng khuất dần ngả rẽ giữa con sông nhỏ Chính Đức Hồng Đức, tiếp vào sông Đáy theo sông Hồng lối đi lên kinh thành Thăng Long. Đắc Lộ cầm bút, nét viết hoạt và rất tháu. “Chúng tôi ghi thêm ở đây về cấu trúc và trang trí những chiến thuyền này. Mũi thuyền (ngược với thuyền của châu Âu) là nơi hệ trọng hơn cả. Ở đây có một phòng hay một ngai chạm trổ và trang hoàng nhiều tranh ảnh quý, với vàng son óng ánh. Gỗ ở dưới thuyền cũng sơn vàng son, chạm trổ cầu kỳ ở tất cả bên ngoài. Dĩ chí đến mái chèo và cột buồm cũng được trang trí đặc biệt. Khi hành trình thì theo hiệu lệnh do một dụng cụ bằng thanh tre đập nhịp điều hòa tiếng vừa trầm vừa cao. Người chèo, chèo rất khéo rất lẹ. Tay chèo nhẹ bởi gỗ nhẹ, cho nên chỉ một hay hai người đủ để cầm tay chèo. Họ không kéo chèo vào mình, mà đứng lên lấy hết sức mình đẩy ra trước mặt. Nghề này không có gì là hèn hạ, nhục nhã như thường thấy ở châu Âu. Người chèo trong các tàu chiến thường là binh lính và không có một người nào (nhất là khi chúa có mặt ở trên thuyền) lại không coi việc chèo là một vinh dự.”

Sóng nước đều tăm tắp rẽ theo từng vệt chèo. Trí giả nhạo thủy. Cái ông thầy người Trung Hoa tên là Khổng Khâu được đám nhà Nho ở đây phong thánh nói có vẻ cũng hữu lý. Kẻ trí lự nhìn cuồn cuộn nước chảy, tự thấy sâu sắc buồn hơn. Hùng vĩ và hiểm trở thật. Sóng ngun ngút khói nước không để vết hằn, làm như không có hơn ba trăm chiến thuyền vừa đi qua. Duy chỉ có vài tấm băng vải bó vết thương dở của đám lính bại trận cẩu thả ném xuống lòng sông, dập dềnh trôi ngược lại. Màu hồng của nước sông bất lực không hòa tan được màu đỏ tươi của máu. Đắc Lộ lững thững đi lại phía mũi thuyền. Ông cao và rắn chắc trong bộ áo chùng đen bằng đũi Đàng Ngoài, quà mới tặng từ chính tay của Thanh Đô Vương. Khi còn ở Áo Môn, thời tiết rất khó chịu, Đắc Lộ mặc áo sợi bông chăm chỉ tập thiền. Ngoài ô cửa sổ xây gạch vòm cuốn theo kiểu lỗ châu mai là những cơn mưa cận nhiệt đới rả rích mang từng hạt nước to nặng. Đắc Lộ thích cái kiểu ngồi kiết già đó, nó làm cơ bụng rắn và không thấy buồn ngủ. Cách ngồi kiết già cũng như cách đếm nhịp thở, Đắc Lộ học lại từ một thầy fakia râu rậm khi ông có hai năm lê thê dài ở Goa. Hồi ở Thanh Chiêm với cha Pina, Đắc Lộ ngồi thiền mặc bộ bà ba màu gụ của người Đàng Trong. Tất nhiên là trông hơi kỳ dị, đấy là bà Gio Anna nói thế. Cũng như mọi giáo sĩ khác, tuy mới ngoài ba mươi Đắc Lộ đã để râu dài. Giọng bà Gio Anna hơi nũng nịu.

“Lạy cha, con thấy cha ngồi hơi giống mấy ông sư.”

Cũng khó giải thích thật. Nếu nghiêm khắc mà xét thì mỗi tôn giáo đều có riêng một tư thế khi trầm lặng tĩnh tâm. Nhưng rốt ráo quan trọng là tâm phải được tĩnh, còn dáng vẻ. Lạy Chúa, xin cho tâm con được bình an. Hãy để cái cặp mắt đen kia nhắm bớt lại. Tất cả các tôn giáo đều có chung một sự quyến rũ mê hoặc. Khi ma quỷ hiện lên quấy rầy Đức Phật Thích Ca, Đức Chúa Giêsu, hầu hết bọn chúng đều mang khuôn mặt của đàn bà. Còn cái nhà ông Khổng Khâu ít bị gặp chuyện ấy chỉ vì đơn giản cho tới lúc hành đạo, ông ta vẫn còn vợ vẫn còn con. Ông ta phải bày ra rất nhiều chuyện lễ nghĩa để tự thanh tẩy mình. Cáilễ của Khổng Tử tuy rườm rà nhưng hay thật. Lúc chưa tới buổi nguyện chiều, rỗi rãi, Đắc Lộ âm thầm dịch Luận Ngữ ra tiếng Việt. Nghe đâu chính ông Nghè Bộ, kẻ tử thù của cha Pina cũng đang làm việc này. Phản ứng của giới trí thức nhà Nho là phản ứng dữ dội và nguy hiểm nhất đối với các thừa sai. Tại sao họ điên dại tin vào một người phàm chỉ nhờ học thức và trí thông minh rồi có thể thành Thánh nhân mà không chịu tin rằng đấy là ý muốn cao cả của Đấng tối thượng đã lập nên trời đất. Sinh đã là ký, tử đã là quy thì cái kiếp sống nhờ gửi này phải có một chỗ vĩnh viễn đi về đó là nước Thiên Đàng. Alexandre de Rhodes cao giọng.

“Trong sách Đại Minh có lời rằng. Thiên phù địa tải. Trời che đất chở. Vậy thì trời là nhà, đất là nền. Hễ có nhà nào thì có kẻ làm nên mà mới nên, phải có chủ nhà chứ.”

Gã cử nhân tuổi trạc trung niên cố ra vẻ hom hem cao niên, vằn mắt cục cằn.

“Ông nói như củ chuối ấy. Mẹ cái bọn nước ngoài. Các con đâu. Đập, đập hết đi.”

Cậu thanh niên trợ giảng có tên Thánh là Anrê, uỡn ngực đứng lên che cho thầy. Cậu ta lúc nào cũng vậy, kể cả lúc như bây giờ nắng sông đang làm cho cậu ta bật hắt hơi. Đắc Lộ dịu dàng bảo cậu bé hãy lui vào bóng râm của mái vọng lâu. Lúc có riêng hai thầy trò bao giờ Đắc Lộ cũng gọi cậu là Nhan Hồi. Tất nhiên là đừng để cha Pedro Marques nghe thấy. Cha Marques sinh tại Nagasaki mẹ là người Nhật có đức tin cứng cáp mạnh mẽ. Cha là giáo sĩ đồng hành duy nhất cùng Đắc Lộ trong hành trình truyền giáo ra Đàng Ngoài lần này. Và tất nhiên cũng đừng để đám nhà Nho nghe thấy. Chao ôi, đám nhà Nho, sao các người hung dữ cuồng tín đến vậy. Cha Marques kể, hồi ở Nhật, Thiên Hoàng bức hại cấm đạo, người ta đem các giáo dân không chịu bước qua Thánh Giá, treo lộn ngược đầu úp mặt xuống hố phân. Cứ thế một ngày, cứ thế hai ngày, cho đến khi tuyên thệ vĩnh viễn từ bỏ Chúa. Bà Gio Anna nghe chuyện nức nở, vô tình bàn tay nắm chặt tay Đắc Lộ, cặp mắt đen sẫm nước vùi trong khăn lụa.

“Cha ơi, hay người bỏ tất đi rồi cùng con biệt tăm tới nơi xứ khác.”

Anrê lúc ấy thực sự là một cậu bé tròn mắt nhìn thầy. Còn Đắc Lộ ngước mắt nhìn tượng Chúa khổ nạn. Chàng thanh niên trợ giảng tiếc rẻ nhìn sông dài rồi lui vào dưới mái vọng lâu. Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp. Con thuyền không lớn này đóng theo kiểu phương Tây, được chúa thượng ân sủng cho đi vào cuối hạm đoàn. Chiếc thương thuyền Bồ Đào Nha, trang bị như một chiến thuyền, nặng nề lắc lư trôi ngược. Ngoài những khẩu thần công có cỡ nòng 80 ly của xưởng Bocarro ở Ma Cao trùm vải bạt dày xếp thành hai dãy trên mặt boong thì trong bốn khoang hàng đều chất đầy súng hỏa mai và súng tay của một xưởng đúc súng nổi tiếng ở Tulông. Cạnh những hòm quân khí ấy được chen vào những rương lỏng chỏng tượng Chúa Cứu Thế, tranh và ảnh ông thánh Giuse Đức Mẹ Maria. Đấy là nghịch lý hay là lẽ quyền biến. Muốn cứu người thì phải chứng kiến cảnh giết người. Lạy Chúa, vì tội lỗi tăm tối của chúng con nên Người đã vẽ những nét thẳng bằng đường cong. Chúa Đàng Ngoài Trịnh Tráng cau mày nghi hoặc hỏi.

“Thế kia là cái quái quỷ gì?”

Sừng sững cao bên vách núi đá bao quát nhìn cả vùng Cửa Bạng là cây thánh giá bằng gỗ lim mà hai thừa sai đã cùng vài chục nam giáo dân xứ Thần Phù vất vả suốt mười chín ngày để dựng lên. Chênh chếch đấy là cái đền thờ một thiếu nữ quyên sinh vì thất tình mà lúc đầu cha Marques khăng khăng đòi đập bỏ. Nhưng Đắc Lộ cực lực can ngăn. Trung tuần tháng Bảy năm 1625 cha de Mattos là đấng bề trên Kinh lược dòng Tên đến Ma Cao triệu tập hội nghị thừa sai và công bố nhiều lệnh cấm. Không dùng người tân tòng bản xứ làm thầy Giảng. Không chấp nhận những nghi lễ địa phương thờ tiền nhân. Không được dùng ngôn ngữ bản xứ dịch những từ quan trọng của đạo, ví như gọi Deus là Thiên Chúa. Và giờ đây dưới chân chúa Đàng Ngoài, Đắc Lộ trong bộ quần áo thương gia sụp lạy kính cẩn.

“Khải bẩm chúa Thượng, đấy là đài hải đăng làm theo kiểu phương Tây. Tất cả thương thuyền người Bồ khi nhìn thấy nó thì biết cách định hướng mà cập vào bờ.”

Tất nhiên có vài đại thần hiểu rộng định tiến lên phản biện, nhưng nhìn vẻ hài lòng của chúa Thượng khi nghe lời tâu của Đắc Lộ thì lại hèn hạ lùi xuống. Kẻ sĩ Bắc Hà thời nào cũng không có nhiều. Mình sẽ phải nói dối theo kiểu ấy thêm bao nhiêu lần nữa. Đắc Lộ dựa hẳn người vào cái lan can ọp ẹp của chiếc thuyền nhỏ bàng bạc nhìn buổi chiều. Nước biển gần bờ ngăn ngắt xanh. Hôm nay là hai mươi tám tháng Ba năm 1629, cách cái ngày đầu tiên Alexandre de Rhodes đến Đàng Ngoài gần tròn đúng hai năm. Chuyến lưu đầy này vẫn chưa phải là chuyến lưu đầy cuối cùng. Bỗng viên cai đội thuyền trưởng dướn hẳn người lên chăm chú nhìn vào ống nhòm. Chỗ cái sân lát đá trước đền thờ trinh nữ thấp thoáng vài ba thớt ngựa. Dịch lên trên một chút nữa, dưới ngay chân Thánh Giá có chừng bốn năm người đang khoa chân múa tay. Viên cai đội chỉnh tiêu cự, ông ta đã nhận ra mấy giáo dân cuồng tín người Thăng Long. Khuôn mặt ròng ròng mồ hôi của hai thầy giảng trẻ Phanxicô Đức và Inhaxiô Nhuận là nhìn thấy rõ nhất. Quay lại chàng thanh niên trợ giảng Anrê, ông ta bảo.

- Phúc mấy gã thầy trò của nhà mày cao thật. Đi đến tận đây mà vẫn có người chạy theo để tiễn.

Chàng thanh niên cười cầu tài tỏ vẻ muốn mượn cái ống nhòm. Viên cai đội nhếch miệng cười mỉa rộng rãi chìa tay cho mượn. Anrê nhìn, và như vô thức anh hốt hoảng buột miệng kêu tên cực trọng. Đắc Lộ không nghe thấy gì, ông như đang miên man ngập người vào ký ức. Dòng sông thời gian, chẳng bao giờ có thể uống nước sông ở cùng một chỗ. Con sông Cái của mùa lũ tháng giữa hè đến đây nước bỗng ngầu xiết đùng đục đỏ. Người Đàng Ngoài liệu có sốt sắng đức tin như người Đàng Trong. Thừa sai Rhodes mỏi mệt lỏng người bâng quơ ngồi lên thân một khẩu thần công. Số lượng vũ khí chở trên chiếc thuyền được đóng tối tân này giá trị chừng hai mươi nghìn nén bạc. Nhưng nó cũng chưa thấm vào đâu so với chiến phí của chiến bại vừa rồi. Nguyên suý thống quốc chính Thanh Đô Vương Trịnh Tráng đích thân hộ vệ thánh giá Hoàng thượng đi nam chinh đã thất bại trở về. Chiến dịch quân sự này là chiến dịch có quy mô lớn đầu tiên giữa hai miền Nam Bắc. Chiến dịch phát khởi vào tháng Ba năm Đinh Mão (1627), kéo dài gần bốn tháng để kết thúc thê thảm vào ngày hôm nay, mồng một tháng Bảy. Trong suốt hai mươi năm tới sẽ còn sáu chiến dịch nữa ở tầm cỡ như vậy. Toàn bộ bốn châu Hoan Ái Ô Rí sẽ xơ xác nồng nặc mùi tử khí. Thế kỷ mười bảy rồi thế kỷ mười tám sẽ chứng kiến đất Việt cạn kiệt nội lực. Và nước An Nam hoặc hùng ngôn là Đại Nam đương nhiên chính thức trở thành một nhược quốc. Nó đau đớn bị xâu xé bởi ngoại bang phương Tây là nước Pháp, một quốc gia có một quốc đạo lạ lẫm. Đó là điều tốt hay là điều xấu. Đa phần các giáo sĩ thừa sai đều đặc biệt quan tâm đến chính trị. Không thể không quan tâm. Và hầu hết các giáo sĩ đều giành nhiều cảm tình cho vương triều Đàng Trong. Đắc Lộ cũng vậy. Không phải ngẫu nhiên mà trong suốt thế kỷ mười bảy ưu thế trọng pháo của vương triều Nguyễn phía Nam đã cân bằng thực lực quân sự với vương triều Trịnh phía Bắc, mặc dầu quân đội của nó chỉ bằng một phần hai thậm chí một phần tư.

Đắc Lộ nhìn sông Cái, thấy nó cuồng vĩ trì trệ xa cách và ngạo nghễ khác hẳn sông Trà. Nhưng đấy cũng chỉ là một cảm thức hoang mang nhất thời. Không có gì khác nhiều giữa bà thiếu phụ Gio Anna và cô thiếu nữ Flora Huệ. Lạy Chúa, chẳng phải chính người cũng đã hoang mang khi ở vườn Giệt sê ma ni. Giờ đây trong sâu xa Rhodes thấy nhiều vô nghĩa hoặc nếu có nghĩa thì cũng mong manh, nhất là khi đọc những tông hiến những huấn dụ được ban phát một cách quan liêu từ tòa Thánh già cỗi và bảo thủ Rôma. Những cuộc truyền giáo thành công đều là những cuộc ồn ào. Mà đời sống tu trì giữ gìn đức tin của một giáo đồ luôn là miên man thiêng liêng riêng tư tĩnh lặng. Cha Đắc Lộ mệt mỏi nhìn đám giáo dân kẻ quỳ người đứng, khe khẽ thở dài. Cha bắt đầu buổi lễ Lá, một trong những lễ trọng thể bậc nhất của mùa chay. Thành Thăng Long đang chuyển mùa, mây đùng đục kéo vớt vát một vài đợt rét cuối. Bây giờ đã là đầu tháng Ba năm 1629. Cậu trợ giảng Anrê đứng sau kín đáo khẽ giật gấu tay áo linh mục Đắc Lộ. Những kẻ dữ cũng đã đến. Đi đầu vẫn là một hòa thượng chậm chạp tuổi rất trọng. Trông ông ta yếu ớt nhưng giọng nói khỏe đặc biệt vang rõ nét sang sảng. Cạnh ông ta vẫn là gã cử nhân trung niên hung hăng. Thực ra hai người này thờ hai tà thần khác nhau. Ông sãi kia tin vào đạo Thích, người Đàng Ngoài mỗi nơi đọc sai đi một chút nhưng gọi chung là Thích Ca. Còn gã cử nhân kia thì tôn kính Khổng Tử là một người nước Tàu theo sử liệu thì vào cùng thời với Aristotle bên Hy Lạp. Cha Đắc Lộ mấp môi như đang đọc kinh nhưng nói khẽ đủ nghe cho cậu trợ giảng.

“Con đưa cha Marques vào gian trong.”

Phải hơn một trăm năm nữa các nhà thờ ở Việt Nam mới có phòng thay áo. Còn cái nhà thờ tuềnh toàng này được chính tay đội ngự lâm quân của phủ chúa cất lên. Ngoài tiền có từ sự hảo tâm của vài tín nữ quyền quý, muốn dựng được nó bắt buộc phải có ánh gươm lưỡi kiếm. Sự phẫn nộ của đám nho sinh của những người rồi đây được gọi là lương dân hoàn toàn không phải vì chuyện bảo vệ đức tin một chiều. Hầu hết các thừa sai dòng Tên không khuyên bảo người dự tòng làm những việc xúc phạm đến Tam giáo. Tất thảy họ đều biết sợ. Sự “từ bỏ ma quỷ” của nhiều người dự tòng sốt sắng quá mức. Một số tân tòng nhiệt tình muốn dẹp hết mọi thứ nghi lễ địa phương liên quan đến cúng tế tổ tiên. Họ huênh hoang đeo nhiều ảnh và tràng hạt ở cổ với vẻ phô trương thách thức. Đi đường lúc nào cũng mang theo nước thánh, nhánh cây lễ Lá, nến làm phép để trừ quỷ và chữa bệnh. Họ còn công khai hãnh diện đi gắn Thánh Giá ở các đầu ô kinh thành Thăng Long.

Ông già tân giáo Gioakim mới có tên Thánh, vốn xuất thân từ một thủ từ trông chùa đã nói thẳng vào mặt Đắc Lộ là cha không biết mở mang nước Chúa không dám xưng Đạo ra trước mặt thiên hạ. Lạy Chúa, phải chăng lịch sử chỉ là một vòng tròn hoang mang lặp lại một cách nông nổi. Nhiều người trong số giáo dân đầu tiên ở thành Giêdudalem khi nghe Đức Giêsu thuyết giảng chắc cũng vậy. Và những tân tòng La Mã thời thánh cả Phêrô liệu có đông những kẻ mù lòa ồn ào tuẫn tiết. Đám đông đáng thương hơn là đáng trách. Họ luôn bối rối muốn tìm kiếm đức tin với tất cả sự khát khao trong trắng. Thế là nhan nhản cực đoan tranh chấp cuồng tín thành kiến. Chẳng có tôn giáo nào khuyến khích những sự dữ ấy cả. Vị hòa thượng già vừa lần tràng hạt vừa khẽ lầm nhầm tuyên Phật hiệu rồi điềm đạm lịch thiệp hỏi.

“Này, vị hành giả kia. Ông căn cứ vào đâu mà nói Niết Bàn là một thứ tuy gần giống Thiên đàng của các ông nhưng ở trạng thái hoàn toàn lãnh đạm với thế giới nhân sinh. Và để tự cứu độ mình đạo Phật chủ trương xuất thế vô tình với tất cả chúng sinh. Ông có vẻ là bậc trí giả sao ông nông nổi thiển cận vậy. Ông không biết rằng đức Phật luôn tuyên bố, Phật pháp bất ly thế gian giác. Muốn giải thoát hay nói theo kiểu các ông là muốn cứu độ cho cả thế gian vô thường này thì có biết bao nhiêu là con đường. Tại sao Chúa của các ông nhỏ nhen dám tự nhận mình là con đường duy nhất.”

Ngày 22 tháng 10 năm 1994, cuốn Crossing the threshold of Hope dịch từ nguyên bản tiếng Ý của giáo hoàng John Paul 2 được phát hành rộng rãi. Không biết bao nhiêu các bậc thiện trí thức Phật tử trên khắp thế giới phẫn nộ phản hồi. Một trong nhiều câu hỏi đặt ra, giống hệt như câu hỏi của vị hòa thượng già hỏi Đắc Lộ. Xưa và nay. Tương lai và quá khứ, chỉ là sự phân biệt linh tinh mù lòa của con người. Dưới cái nhìn thấu suốt triệt để của các bậc chân chính giáo chủ đã tới cảnh giới giác ngộ, mọi sự như như không khác. Đắc Lộ mang máng biết vậy, nhưng ông cũng biết ông chỉ là một thừa sai nhỏ nhoi phàm trần xác thịt. Mặc kệ những gầm gào của đám người đối diện Đắc Lộ định nói, ông định trích dẫn Thánh kinh phần sách Công đồ tông vụ. “Không có ơn cứu độ nơi một người nào khác. Vì dưới gầm trời này không có một danh nào khác đã được ban xuống cho nhân loại để phải nhờ vào đó mà chúng ta trông được cứu thoát.” Đây không phải là một tín lý tư biện mà đấy là một xác nhận của Đức Tin. Phải sống trong đức tin thì mới luận lý chân thành được. Danh xưng chỉ phù phiếm là danh xưng, nhưng Chúa là danh xưng tối hậu rốt ráo nhất. Nhờ vào cái danh toàn vẹn ấy mà tôi cũng như ông tới được bến bờ của bình đẳng vị tha bác ái. Đắc Lộ chỉ băn khoăn không hiểu là đức Thánh Cha có tục danh Vojtyla của thế kỷ hai mươi nếu trả lời thì sẽ giống như ông không. Gã cử nhân mặt nghiêm tái mét cắt ngang.
“Này, gã Hoa Lang ngạo mạn ngoại quốc kia. Tất cả thuyết lý của mi chỉ là tà thuyết. Đạo của các người là bất hiếu bất nghĩa với tổ tiên tiền nhân. Bất trung với quốc gia dân tộc. Với bọn ngươi, phương cách duy nhất chỉ là tru di tận diệt.”
Như thế không phải là tranh luận nữa rồi. Như thế nghĩa là đầu rơi máu chảy. Không cần đến hai trăm năm nữa, Đắc Lộ đã chắc chắn biết người Công giáo sẽ chịu hệ lụy thê thảm từ phong trào Văn Thân sát đạo. Nghẹn ngào trong một thời gian ngắn, Việt Nam có hơn một trăm vị thánh tuẫn tiết. Thế nhưng, đừng chỉ thấy cái dằm trong mắt người khác mà không thấy cái xà gồ nằm trong mắt mình. Từ thời thừa sai lỗi lạc Matteo Ricci cho đến qua cả thời Alexandre de Rhodes, những giáo sĩ có trí thức đều biết uyển chuyển thích nghi khi truyền giáo, họ chân thành tôn trọng những phong tục nghi lễ bản xứ. Chúa đã sáng tạo và xếp đặt mọi sự. Việc người Việt thờ kính tổ tiên và anh hùng liệt sĩ đều nằm trong chữ hiếu hoàn toàn phù hợp với giới răn thứ Bốn. Sau hội nghị ở Ma Cao có mặt Kinh lược bề trên Dòng, cha Đắc Lộ và những giáo sĩ giống như ông đã phủ phục dưới chân Đức Thánh cha trước cửa đền Phêrô ở La Mã ròng rã kêu khóc.

Nước mắt của các ông chảy suốt bao nhiêu năm để rồi Bộ truyền giáo ra Tonkin “Đừng vì nhiệt tâm, đừng tìm luận chứng nào để bắt các dân địa phương thay đổi những nghi lễ những phong tục của họ khi chúng hiển nhiên không ngược với tôn giáo và luân lý. Còn gì chướng hơn là mang một chút nước Pháp, Tây Ban Nha, Italia hoặc một xứ nào đó ở Âu châu đặt vào chỗ người Tàu. Hãy mang đức tin vào thôi.” Huấn thị đặc sắc năm 1659 này nếu trọn vẹn được thực hiện thì việc truyền bá tin mừng ở Á châu sẽ tốt đẹp tươi lành nhân hậu biết bao nhiêu. Rồi đây Công đồng Vaticăng 2 đã biết cảm ơn nó. Đắc Lộ nghẹn nhăn nheo đọc nó trong những ngày cuối cùng trên giường bệnh ở xứ Ispahan tại Ba Tư xa xôi. Ông nhớ về cái am thờ đức Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát của thiếu phụ Gio Anna. Ông nhớ cái giọng thanh trong của thiếu nữ Flora Huệ khi đọc Kinh nguyện giỗ phục dĩ chí tôn, bản tiếng Nôm của thầy giảng Phanxicô người Chí Linh Hải Dương. Một văn bản Thần học Catholic đậm văn phong Việt, nó gần gũi thân thiết đến mức cho tới giữa thế kỷ hai mươi, các anh chị em tín hữu Đàng Ngoài vẫn quen đọc nó trong các ngày giỗ. Alexandre de Rhodes biết tất cả những điều đó và có lẽ duy nhất một điều ông không biết là dưới sự minh khải của Thiên Chúa tối cao với sự nỗ lực tâm huyết làm chữ quốc ngữ của ông, ở Việt Nam đã có thêm vài ba nhà văn thật. Đắc Lộ giật mình tỉnh thức, khi cậu thanh niên trợ giảng Anrê lại gần hấp tấp đưa cho ông cái ống nhòm. Mặt cậu ta nhợt nhạt như chiếc khăn dùng làm lễ Thánh Thể.

- Lạy thầy, con đã nhìn thấy.

Đắc Lộ cầm cái ống nhòm nhìn theo hướng tay cậu trợ giảng chỉ. Trên chênh vênh vách đá là cô bé Flora Huệ. Trinh nữ như đang khóc thảm thiết, vừa như đưa tay làm dấu vừa như cuồng nhiệt vẫy về phía thuyền. Hai người đàn ông bên cạnh tuyệt vọng cố giữ chặt tay cô bé. Chon von đỉnh núi có sừng sững cây Thánh Giá gỗ lim, chỉ thêm một bước nữa là cô bé sẽ rơi xuống mép biển sâu ngăn ngắt. Viên cai đội thuyền trưởng cay đắng.

- Mù quáng. Sự mù quáng sẽ giết chết cô ấy. Còn ông, ông là kẻ có tội.

Đắc Lộ sấp người quỳ xuống lòng thuyền nức nở khóc. Gió trái mùa loay hoay thổi nhấp nhô những con sóng vô định. Hình như lúc ấy đang là cuối tháng Ba năm 1629. Một buổi chiều có nắng muộn của mùa chay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm