Ngôi nhà xưa của Đặng Nhật Minh


Một cuốn sách tuy không mới, nhưng cũng có những chỗ cảm động khi gặp lại không gian điện ảnh một thời. Sau đây là lời giới thiệu cho cuốn sách.

Tên tuổi đạo diễn Đặng Nhật Minh đã quen thuộc với người xem phim Việt Nam suốt mấy chục năm qua, và đã vượt ra khỏi phạm vi những bộ phim đơn thuần, trở thành gương mặt tiêu biểu của một phong cách nghệ thuật không dễ lẫn. Một trong những điều làm nên các bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam những năm 80-90 thế kỷ trước là chất liệu văn học từ những truyện ngắn do chính Đặng Nhật Minh viết. Đây là những truyện ngắn được đạo diễn viết ra vào những thời kỳ khác nhau xen kẽ với công việc chính là đạo diễn phim. Nhiều truyện ngắn trong tập này khi có cơ hội đã được chính ông chuyển thể thành phim. Đối với ông, không có sự tách biệt giữa sáng tác điện ảnh hay viết văn. Mỗi một truyện ngắn được ông viết ra, ông quan niệm đó là những bộ phim trên giấy. Do đó độc giả có thể nhận thấy nhiều yếu tố điện ảnh trong các truyện ngắn vốn giàu hình ảnh và sức gợi của ông.


Những câu chuyện của Đặng Nhật Minh là những đan xen xung đột giữa sự vị kỷ và sự bao dung, giữa di sản quá khứ và trách nhiệm của hiện tại. Ông có khả năng thích ứng với đủ đề tài từ nông thôn, truyền thống (Bao giờ cho đến tháng mười) cho đến thành thị (Ngôi nhà xưa, Tin đồn), từ chiến tranh, lịch sử (Gặp gỡ ở cửa rừng, Thị xã trong tầm tay) đến đời sống đương đại (Trở về, Nước mắt khô). Điều đặc biệt là các sáng tác vẫn nằm trong cảm hứng trữ tình có màu sắc sử thi nhưng vẫn ánh lên những nét bàng bạc tinh tế, để khi lên màn ảnh, vẫn đứng lại được với công chúng. Chất trữ tình của Đặng Nhật Minh dẫn dắt người đọc ở những hình tượng giàu chất điện ảnh, được tắm trong cảm xúc nhân hậu, để cho họ đồng cảm với số phận những người phụ nữ Việt Nam đầy thiệt thòi, hay những người trí thức lạc thời mãi ngẩn ngơ giữa cuộc sống ầm ào. Những câu chuyện được viết bằng một giọng văn có phần cổ điển, mộc mạc nhưng có những cái tứ ám ảnh. Về sự hi sinh chịu đựng. Về cái xấu không lộ mặt. Về cái hèn trong những nhân vật trí thức không dám đối diện với hậu quả mình gây ra. Cuộc diễu hành chầm chậm của những điều gai góc khiến người đọc phải nhập cuộc. Chắc chắn là, với vốn văn hóa được thừa hưởng từ truyền thống gia đình (cha là GS bác sĩ - liệt sĩ Đặng Văn Ngữ), biết nhiều ngoại ngữ, và khả năng nhạy bén với nghệ thuật, lại ở trong môi trường sôi động của điện ảnh nước nhà một thời, nên dù không được đào tạo điện ảnh chính quy, ông vẫn chinh phục được nghệ thuật thứ bảy một cách ấn tượng.

Những truyện ngắn và kịch bản văn học của Đặng Nhật Minh đã nhận được nhiều đánh giá cao như Giải 3 cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 1980 (Thị xã trong tầm tay).

Sau đây tôi sẽ đăng truyện Bao giờ cho đến tháng mười, bản này có chỉnh sửa so với bản đầu tiên viết năm 1983. Đến giờ, bộ phim cùng tên có lẽ vẫn là tác phẩm điện ảnh nổi bật nhất của Đặng Nhật Minh. Thực hiện năm 1984, bộ phim đã giành nhiều giải thưởng lớn: Bông sen Vàng LHP VN lần thứ VII năm 1985 tại Hà Nội, giải Đạo diễn xuất sắc cho đạo diễn Đặng Nhật Minh, giải Nữ diễn viên xuất sắc cho Lê Vân (vai Duyên), giải Nam diễn viên xuất sắc cho Nguyễn Hữu Mười (vai Khang); Bằng khen của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình tại Liên hoan phim Quốc tế Matxcơva năm 1985; Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Quốc tế Hawaii năm 1985; là 1 trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại do kênh truyền trình CNN bầu chọn năm 2008.
Bìa DVD phim

Lê Vân trong vai Duyên

Nguyễn Hữu Mười vai Khang

BAO GIỜ CHO ĐẾN THÁNG MƯỜI

Câu chuyện này xảy ra tại một làng quê như bất cứ làng quê nào trên quê hương chúng ta. Cái làng nhỏ ấy quen thuộc quá đỗi, tưởng chừng không có gì đặc biệt cả. Có chăng chỉ có một con sông trong vắt chảy quanh làng và  mỗi khi tới làng ta phải đi qua con sông ấy. Con sông đó có thể là sông Hồng, sông Thương, sông Lam hoặc sông Gianh… điều đó không quan trọng. Điều đáng nói ở đây là câu chuyện có liên quan tới gia đình của một người lính. Anh đã hi sinh, để lại ở cái làng quê ấy một người cha già, một người vợ trẻ và một đứa con trai chừng sáu, bảy tuổi.
Nhưng câu chuyện bắt đầu trên đường…

*
*          *
Đường quốc lộ Một.
Những chuyến xe chở khách ngược xuôi.
Trên một chuyến xe ra Bắc, Duyên ngồi im lặng bên cửa sổ. Có tiếng còi của chiếc xe phía sau xin vượt lên. Trên chiếc xe kia, có gương mặt của những người lính sạm đen vì sương nắng. Duyên nhìn theo chiếc xe đã vượt lên trước, nói thầm trong ý nghĩ:
- Tại sao trong những người lính trở về ấy lại không có anh?
Chiếc xe lao như bay trên con đường nhựa phẳng lì mạn Đông Hà. Xe đi qua những hàng rão kẽm gai, những đồn bốt còn ngổn ngang sắt thép. Con đường nhựa bốc nắng lung linh.

Duyên đi bộ trên con đường đất rất dài xuyên qua cánh đồng làng. Trưa nắng như đổ lửa. Đường không một bóng người. Mồ hôi vã ướt đầm trên mặt. Cô xách trên tay lỉnh kỉnh những gói quà, một khẩu súng liên thanh bằng nhựa cho trẻ con chơi từ trong chiếc túi du lịch thò nòng ra ngoài.
Duyên rảo bước tới bến sông. Một con đò vẫn đang chờ khách. Cô bước lên đò. Khi con đò sắp rời bến thì có tiếng gọi và một người thanh niên vội vàng dắt xe lên đò.
Bà lái đò khoan thai đưa con đò ra giữa dòng sông vắng. Duyên ngồi im lặng trước mũi thuyền nhìn những bóng nắng lấp lóa trên sông. Mắt cô hoa lên. Rồi như sực nhớ điều gì, cô lục túi cầm lên một tờ giấy. Khuất sau vành nón là một tờ giấy mẫu in, có phần tên người viết bằng bút mực. Giấy báo tử. Tất cả trong mắt Duyên bỗng nhòa đi. Dòng sông nghiêng hẳn, nghiêng hẳn… rồi lật ngửa thành một vệt sáng lóa dưới ánh mặt trời. Có tiếng gọi thất thanh của bà lái đò:
- Anh giáo… Anh giáo… Nhanh lên… cô ấy chìm mất!
Duyên ngã xuống dòng sông trong vắt. Anh giáo đi cùng thuyền vội nhảy xuống. Con đò xoay tròn giữa dòng sông. Bà lái đò luống cuống. Người thanh niên cố vực Duyên lên thuyền. Cả hai đều ướt sũng. Trong lúc đó không ai để ý tới tờ giấy báo tử từ từ trôi đi trên mặt sông.
Trong cơn hôn mê của cô gái, những gì cô nhìn thấy như từ một cõi xa xăm nào, im lặng, chậm rãi và trang nghiêm…
…Người chiến sĩ, chồng cô đứng thẳng lên, hơi rướn mình rồi bỗng nhiên một  tay bưng lấy mặt. Máu ứa ra từ các kẽ ngón tay. Anh vẫn đứng thẳng, tay kia đưa lên vẫy gọi đồng đội và chỉ có đôi mắt, đôi mắt hiện lên to dần, long lanh như muốn nói với ta điều gì…
Có tiếng Duyên van nài:
- Anh bỏ tay xuống đi…
Chồng cô vẫn lắc đầu.
- Anh bỏ tay xuống đi… Một lần thôi… Em muốn nhìn thấy mặt anh…
Người chiến sĩ từ từ buông tay xuống, hiện ra gương mặt đẫm máu của anh. Duyên kinh hãi úp mặt vào bàn tay của chồng rồi đột nhiên ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt anh - Cả khuôn mặt cô cũng dính đầy máu…

*
*          *

Cu Tuấn lúc này đang tò mò lục hành lý của mẹ. Nó lục ra khẩu súng tiểu liên bằng nhựa đen, mắt sáng lên rồi thận trọng bóp cò, một loạt tiếng nổ vang lên phá tan bầu không khí yên tĩnh. Tuấn cầm khẩu súng nhựa chạy biến ra sân. Những tiếng nổ xa dần cùng với tiếng nó reo vui:
- A…Súng của bố gửi về… Súng của bố gửi về…
Thằng bé chạy khắp làng với khẩu súng trên tay, thế là cả làng biết mẹ nó vừa đi thăm chồng về. Hai cô gái đi ngược lại vấp phải thằng bé, ôm chầm lấy nó hỏi.
- Mẹ mày về rồi à?
Thằng bé vùng vẫy:
- Buông ra… Mẹ cháu đang ốm…
Một cô ghé vào tai nó nói thầm:
- Này, mày lại sắp có em bé đấy.
Hai cô buông thằng bé, cười khúc khích nói với nhau:
- Ốm gì… ốm nghén chứ ốm gì.
- Cái con này, - một cô đấm vào lưng bạn - Có mà nhanh như máy.
Duyên trở mình nói gì đó trong cơn mê, không ai rõ. Bà Hiếu, bà cụ hàng xóm, đang lau người cho cô. Bà nhìn Duyên nói một cách thương hại:
- Rõ khổ, lặn lội đi thăm chồng làm gì cho thêm vất vả. Yên hẳn rồi thì nó khắc về. Cứ làm như người ta cướp mất chồng không bằng.
Bà lật Duyên nằm sấp xuống, bôi dầu vào lưng đánh gió cho cô. Bàn tay bà đưa đi đưa lại trên tấm lưng trần của cô gái.
Tuấn ra tới bờ tre đầu làng thì dừng lại. Một cánh diều bay lơ lửng trên đê. Bọn trẻ chừng bốn năm đứa reo hò chạy theo đứa thả diều. Cu Tuấn chạy đến nhập bọn. Cả lũ ngạc nhiên dừng lại xem khẩu súng nhựa. Thằng cầm diều cao to nhất bọn, tên là Sửu, bước lại rồi tần ngần hỏi;
- Có đổi diều không nào?
Tuấn thành thật trả lời:
- Nhưng tao thích cả diều lẫn súng cơ.
- Thế thì đừng hòng.
- Ông tao sẽ làm cho tao cái diều to thế này này.
Nó dang rộng tay khoe. Thằng thả diều bĩu môi;
- Ông mày ấy à? Mắt như mù mà còn đòi làm diều.
Rồi nó ngước nhìn lên cánh diều trên cao, hãnh diện khoe:
- Xem này. Bay có cao không!
Nó từ từ nới dây và chiếc diều bay vút lên cao.
Cu Tuấn nghếch mắt nhìn theo thèm thuồng. Vừa lúc đó một thằng bạn giật phắt khẩu súng trên tay nó vụt chạy biến. Tuấn đuổi theo đến cùng. Một cuộc giằng co quyết liệt diễn ra trên đê và khi cả lũ bạn rút lui thì khẩu súng trên tay Tuấn chỉ còn là những bộ phận rời rạc.
Duyên giờ đã tỉnh hẳn, đang ngồi trong buồng thì chợt có tiếng khóc của cu Tuấn. Cô vội vã bước ra nhà ngoài. Tuấn với khẩu súng trên tay như một người lính thất trận trở về. Duyên ôm lấy con dỗ dành:
- Thôi nín đi. Để mẹ sửa lại cho… Còn quà của con nữa đây này…
Cô lục trong túi xách ra một hộp bút chì màu đưa cho con. Tuấn quệt nước mắt cầm hộp bút chì ngắm nghía rồi nhoẻn miệng cười. Duyên xếp lên bàn mấy gói chè, mấy hộp bánh, mứt, một chai rượu thuốc, nói với bố chồng một cách rất bình tĩnh:
- Nhà con gửi về biếu ông.
- Sao bấy lâu nay không thấy nó thư từ gì về.
- Dạ, nhà con bị thương phải vào nằm viện, sợ biên thư về ông lại lo.
- Thế giờ nó khoẻ hẳn chưa?
- Dạ, nhà con khoẻ rồi. Đơn vị anh ấy đang bận làm kinh tế tận trên Tây Nguyên kia.
Thằng cu Tuấn lục hộp bút chì màu ra bắt mẹ phải gọt ngay. Duyên vừa gọt nhọn những chiếc bút chì vừa nói chuyện với bố chồng.
- Sao không bảo nó xin phép về thăm nhà, - ông cụ hỏi.
- Nhà con nhường cho anh em trong đơn vị về trước. Ông tính, có nhiều người đi hàng chục năm còn chưa được về.
- Ừ, cũng phải… Nhưng sao không bảo nó biên vài chữ về thăm bà con họ hàng?
Duyên im lặng không trả lời rồi lấy trong túi ra chiếc khăn vuông biếu bà Hiếu:
- Nhà con biếu bà…
Bà cụ Hiếu cầm khăn trải rộng ra ngắm nghía, cười sung sướng:
- Quý hóa quá… Cái thằng ăn ở thật có tình…
- Nhà con biết ông ở nhà ốm, lo lắm. Nhưng nghe con nói đã có bà Hiếu ở hàng xóm qua lại chăm nom thuốc thang luôn, nên nhà con cũng yên tâm. Mấy hôm con đi vắng, ông ở nhà có sao không?
Ông cụ ho một tràng dài thay cho câu trả lời. Sức khoẻ ông không được tốt. Bà Hiếu đỡ lời:
- Ngày nào tôi cũng ép mãi cụ mới uống hết bát thuốc. Cứ ngong ngóng chờ cô về. Tôi bảo cụ cứ nhắc mãi, nó rối ruột lên rồi nó vấp ngã, chẹt xe cộ dọc đường không biết chừng. Ông cụ mới chịu thôi.
Cả nhà vui vẻ ăn mứt, quà của chồng Duyên gửi về. Một vài cụ già trong làng kéo đến chơi. Ông cụ pha trà mời mọi người. Duyên gọi con vào buồng trong mặc cho nó chiếc áo mới. Cu Tuấn vội chạy ra khoe với ông. Duyên bỗng như sực nhớ điều gì, tìm khắp các túi, cô tìm gì đó nhưng không tìm thấy, trở nên bối rối, hoảng hốt.

(còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm