Bao giờ cho đến tháng mười (3)


Những cơn mưa chạy dài trên cánh đồng đang mùa cấy. Trên một vài thửa ruộng, bà con xã viên đang ra sức chống úng.
Hôm nay thầy Khang dẫn các em học sinh ra ruộng để khơi mương chống úng giúp hợp tác xã. Trong lúc đó Duyên cùng các xã viên đang cấy lúa. Cô dừng tay nhìn sang cánh đồng bên khi Khang cũng vừa quay lại. Hai người nhìn nhau hồi lâu. Vừa lúc đó một đoàn xe con nối đuôi nhau tiến về làng. Lũ trẻ cùng các xã viên rủ nhau kéo lên đường xem. Trên cánh đồng chỉ còn lại hai người, Duyên và Khang. Khang từ từ tiến về phía Duyên. Chờ Khang đến gần, Duyên khẽ nói:
- Em đã nhận được lá thư rồi.
- Có kịp ngày giỗ không?
- Vâng kịp.
- Không ai hay biết gì chứ?
- Không, nét chữ của anh giống nét chữ nhà em lắm. Lâu lâu anh lại viết giúp cho một lá thư nữa…
Nói xong cô lại cúi xuống tiếp tục cấy… Những cây mạ nghiêng ngả trên tay Duyên đang cắm xuống. Cô lại nhổ lên, cố cắm cho thẳng hàng.

*
*          *

Khang nằm trong buồng mình sau buổi đi lao động về. Đôi chân còn lấm bùn như đôi ủng da. Anh không buồn rửa nữa. Anh nhớ lại trong đầu hình ảnh tờ giấy báo tử trôi trên mặt sông rộng… Anh bơi theo, bơi theo thật xa… và tờ giấy cứ trôi đi mãi!

*
*          *

            Sân đình hôm nay tấp nập trong đêm văn nghệ.
Duyên hóa trang sau sân khấu. Khuôn mặt cô buồn rười rượi. Anh trưởng ban văn nghệ vào giục:
- Nhanh lên. Sắp đến tiết mục của cô rồi. Kìa, tươi lên chứ. Mặt cứ như đưa đám thế kia còn diễn cho ai xem.
- Tôi đã nói anh tìm người thay. - Duyên nói - Tôi chả chắc đã diễn được.
- Bây giờ còn bàn chuyện thay. Chuẩn bị ra sân khấu đi.
Đó là vở chèo cổ Trương Viên. Cảnh vợ tiễn đưa chồng, người đi kẻ ở. Duyên sắm vai người vợ tiễn chồng ra trận. Những làn điệu dân ca lan ra trong đêm. Khang cùng với Thơm trên đường tới sân đình. Họ dừng lại khi Khang nhận ra Duyên trên sân khấu.
Khán giả im phăng phắc khi nghe tiếng hát của người con gái nghẹn lại giữa chừng và trên sân khấu nước mắt Duyên bỗng trào ra… Một vài bà già lấy vạt áo thấm nước mắt… Một giây im lặng. Đột nhiên, Duyên chạy ùa vào sau cánh gà để trơ lại trên sân khấu diễn viên đóng vai Trương Viên đứng một mình. Anh không hay biết gì nên tiếp tục đi một câu sa mạc rất tình tứ rồi quay sang người vợ đưa tiễn để chia tay… nhưng người bạn diễn đã không còn nữa… Vẻ ngơ ngác của anh làm khán giả được một phen cười vỡ bụng. Vở diễn dừng lại. Màn kéo vội, rồi anh trưởng ban văn nghệ ló đầu ra xin lỗi bà con:
- Xin bà con trật tự. Vì có sự cố, vở chèo tạm dừng tại đây. Tiết mục tiếp theo là tiết mục hài.
Khang nhìn thấy Duyên từ sau sân khấu chạy ra. Anh lẳng lặng rời chỗ để Thơm đứng lại một mình mải nhìn lên sân khấu. Duyên vừa đi vừa chạy trên đường làng vắng, thỉnh thoảng lấy áo lau những vết hóa trang trên mặt. Cô bước vào chiếc miếu thờ cô quạnh dưới cây muỗm già, cởi bỏ phục trang của vở chèo và lau thật kỹ những nét phấn son trên mặt. Khi vừa lau mặt xong, Duyên giật mình nhìn thấy sừng sững trước mặt người tráng sĩ ra trận với chiếc gươm dài đeo bên mình, đúng như người cùng diễn với cô trong vở chèo lúc nãy. Nhìn thấy Duyên hốt hoảng, tráng sĩ mỉm cười nói;
- Chị đừng sợ. Ta cũng là người làng của chị đấy thôi.
Duyên lẩm bẩm khẽ nói:
- Sao hệt như người trong vở chèo.
- Cái cảnh tiễn đưa người ra trận, tự bao đời nay đều như vậy cả… - tráng sĩ nói. - Hệt như vậy.
Duyên ấp úng hỏi:
- Vậy ngài là ai?
- Ta đã nói rồi, ta người cùng làng với chị.
Duyên giật mình thốt lên:
- Ngài là thần làng ta?
Tráng sĩ cười:
- Ta chẳng phải là thần, là thánh gì. Ngày trước ta cũng ra đi như chồng chị và cũng để lại ở làng quê này một người vợ trẻ như chị bây giờ.
- Ngài biết chồng tôi? - Duyên ngạc nhiên hỏi.
Tráng sĩ gật đầu:
- …Trước khi đi xa anh ấy có gửi lại ta chiếc diều giấy. Chị quên rồi sao?
Duyên trở nên bình tĩnh hơn:
- Vâng. Anh ấy đốt chiếc diều ở đây. Tôi còn nhớ.
Vị thần làng quay lưng, lấy ở sau bệ thờ chiếc diều giấy đưa cho Duyên:
- Ta trả lại chị cái kỷ vật này.
- Vậy là chồng tôi không còn nữa? - Duyên đau đớn hỏi.
- Cũng như ta, chồng chị chỉ sống trong tâm tưởng của những người đời mà thôi. Ta còn sống đến bây giờ cũng chính như vậy.
Duyên đưa tay ra định cầm chiếc diều thì bỗng có tiếng gọi khẽ từ phía sau lưng. Duyên quay lại, Khang đã đứng sau lưng cô tự bao giờ.
Anh hỏi khẽ, giọng run run:
- Chị Duyên, chị giấu với tất cả mọi người trong làng?
Duyên không đáp, đi ra khỏi miếu xuống mé sông rửa mặt. Chờ cho Duyên quay lại, Khang nói với Duyên một cách khẩn khoản.
- Duyên… Tôi muốn nói với Duyên…
- Chắc anh muốn an ủi mẹ con em? - Duyên ngắt lời.
- Không… Tôi chỉ muốn Duyên nhìn vào một sự thật… dù sự thật đó rất đau đớn, Duyên đừng giấu như vậy nữa.
Trong lúc đó tại sân đình, Thơm tìm quanh không thấy Khang đâu. Cô đành trở về một mình và khi đi qua bãi đá đầu làng cô hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy hai bóng người: Khang và Duyên đứng cạnh nhau.
Rồi Thơm đã hiểu ra tất cả theo cách nghĩ của mình. Cô chạy vội về buồng đóng chặt cửa lại, nằm úp mặt xuống gối. Đột nhiên cô vùng dậy lấy tập thơ của Khang mà cô đang chép dở định xé đi, nhưng lại thôi. Cô chạy sang buồng Khang. Anh vẫn chưa về. Thơm hé cánh cửa sổ buồng ném tập giấy lên bàn rồi trở về. Cô đóng cửa tắt đèn nằm. Có tiếng chân của Khang trở về. Rồi tiếng anh mở cửa buồng. Thơm choàng dậy nhìn qua khe cửa sang buồng Khang. Cô thấy anh đi đi lại lại hồi lâu, rồi lấy từ trên tường xuống cái khung diều bằng tre mà anh đã làm từ lúc nào, cầm trên tay nghĩ ngợi. Chợt anh nhìn thấy tập thơ để trên bàn. Anh cầm lên đọc. Cuối cùng anh bóc từng tờ ra, lấy hồ và dán lên hai cánh diều rộng.

*
*          *

Đêm ấy Duyên lại gặp chồng trong giấc ngủ: Anh đi trong hàng quân. Súng ba lô trên vai… Phía trước là những đám cháy đỏ rực chân trời…
Duyên trong bộ trang phục của vở chèo… áo tứ thân, với nón quai thao chạy theo hàng quân gọi chồng.
Nhưng anh vẫn hối hả đi về phía trước, không hề quay lại. Bỗng từ phía đám cháy trước mặt một người phi ngựa thật nhanh tiến lại. Tới gần Duyên, con ngựa dựng hai chân trước lên, hí vang. Người trên ngựa ngã vật xuống đất, Duyên vội vàng chạy lại quì xuống bên ngựa. Cô nhận ra vị thành hoàng làng. Một mũi tên cắm sau lưng ông, máu tuôn ra ướt đẫm chiếc áo bào. Vị thành hoàng cố sức gượng dậy, chỉ gươm về phía lửa cháy rồi gục xuống trên vũng máu. Đoàn quân vẫn lặng lẽ đi về phía ấy…

Lúa ngoài đồng đã trổ đòng đòng. Cánh đồng làng xanh một màu xanh làm dịu lòng người. Buổi chiều, trên bờ đê cao, Duyên cùng hai cô bạn gái sau khi đi làm đồng về đang giúp cu Tuấn thả diều. Chiếc diều do chính Khang làm. Có lẽ đây là chiếc diều đầu tiên trong đời Tuấn nên cái giây phút này thật hồi hộp đối với nó. Nó lúng túng không làm sao kéo cho căng dây diều được. Duyên cầm dây bảo cô bạn nâng cánh diều lên, rồi cả hai cùng chạy. Chiếc diều từ từ vút lên cao. Tuấn reo hò chạy theo mẹ.
- Mẹ đưa cho con. Con biết cách rồi. Mẹ…
Tiếng cười của các cô gái và đứa trẻ làm náo động cả trời chiều. Duyên trao dây diều cho con, ngước nhìn lên trời cao, cười thật hồn nhiên. Trong giây lát ta không còn nhận ra cô Duyên với nỗi đau giấu kín trong lòng. Cô trở lại là cô gái cắt cỏ ngày nào, tinh nghịch, mạnh mẽ, tràn đầy sức sống. Hai cô bạn của Duyên xuống sông tắm. Trước khi đi Duyên dặn con:
- Con chơi ở đây. Thấy ai đi qua thì gọi to cho mẹ và các cô biết nghe chưa.
Tuấn gật đầu, mắt vẫn không rời cánh diều lơ lửng trên cao.

*
*          *

Chiếc xe Babetta rồ máy trên đường làng. Hai vợ chồng cô con gái về thăm bố.
Cô con gái hỏi han bố:
- Con đem thuốc về cho ông đây. Mấy hôm nay trở trời ông có bị làm sao không?
- Từ ngày cái Duyên đi thăm chồng về tao đâm ra khoẻ hẳn.
Ông bố trả lời.
Anh chồng lúi húi rửa xe ở giếng. Có tiếng gọi của người đưa thư. Cô con gái chạy ra.
- Chắc lại có thư của chồng cái Duyên.
Cô vội bóc thư ra đọc cho bố nghe:
“Duyên. Lá thư này…
Lạ quá… thư riêng cho cô Duyên bố ạ…
Ông bố gật đầu:
- Thì cũng có lúc vợ chồng nó bàn chuyện riêng với nhau chứ.
Cô con gái liếc đọc rất nhanh lá thư rồi vội chạy ra giếng gọi chồng:
- Dừng tay tí đã anh.
- Gì mà cuống lên thế?
Anh chồng ngừng tay. Chị vợ chìa bức thư:
- Cứ đọc đi.
Người chồng lau khô tay, cầm bức thư đọc rất lâu. Đọc xong anh trở nên nghiêm nghị nói:
- Cái con này ghê thật. Từ hôm về ăn giỗ, tôi đã để ý thấy nó có cái gì khang khác.
- Nhưng cái đứa viết thư là ai? Phải tìm cho ra. Tôi chắc chúng nó có tình ý đi lại với nhau nhiều rồi.
Anh chồng cầm bức thư lên xem lại rồi khẳng định.
- Nó chỉ ở ngay trong làng này thôi. Không đâu xa xôi cả. Cứ nhờ xã họ tìm là ra hết.
- Chuyện trong nhà bới ra làm gì thêm xấu mặt với làng xóm. Chỉ khổ thằng em tôi. Cứ tin vợ cho lắm vào.
- Đây không phải là chuyện riêng trong nhà mình. Bảo vệ hạnh phúc cho người đi chiến đấu xa là nghĩa vụ chung. Địa phương họ phải có trách nhiệm. Mình ngồi đây mà rình chúng nó được à? - Anh chồng nói.
Tuấn cấm diều xồng xộc chạy vào sân.
- Bác ơi! Có thư của bố cháu phải không?
- Làm gì có. - Bà bác giấu vội lá thư, trả lời.
- Cháu vừa thấy ông đưa thư rẽ vào nhà mình mà.
- Chắc ông ấy vào nhà ai đấy. Lại đây bác cho quà này.
Bà bác lấy trong túi ra gói bánh qui đưa cho Tuấn, ngồi xuống bên nó, hỏi:
- Này, bác hỏi. Mẹ cháu tối có hay đi đâu không?
- Mẹ cháu đi họp.
- Đi họp thì nói chuyện gì. Mẹ cháu có đi đâu một mình ban đêm không?
- Cháu ngủ, cháu không biết.
Bà bác thở dài thất vọng:
- Bác bảo này... Mẹ cháu có đi đâu đêm một mình thì cứ đòi đi theo nghe chưa? Tối không cho mẹ mày đi đâu cả. Tội nghiệp cháu tôi… chẳng biết gì cả.

*
*          *

Trong lúc đó tại bến sông vắng vẻ, um tùm cây lá, các cô đã tắm xong. Dưới sông chỉ còn lại cô gái trẻ nhất trong đám, ngâm mình dưới nước, ngửa cổ nhìn lên trời cao rồi gọi Duyên.
- Duyên ơi! Sao không thấy cái diều của cu Tuấn nữa. Mày có dặn nó canh không đấy.
Vừa lúc đó có tiếng thét thất thanh của Duyên. Cô ôm áo từ trong bụi cây chạy vụt ra. Cô bạn đã thay quần áo xong, bước tới hỏi:
- Cái gì thế? - Duyên chưa kịp trả lời thì từ trong bụi cây, anh chàng trưởng ban văn nghệ xã ngượng nghịu bước ra, miệng ấp úng. Cô bạn gái của Duyên sấn lại véo vào tai:
- À… nãy giờ ngồi rình ở đây hả?
- Ơ kìa… buông ra! Người ta đang đi mà.
Anh chàng cố thanh minh. Cô gái lại càng xấu hổ:
- Đi, mà lại  ngồi ở đây?
Cô véo tai anh chàng đau hơn.
- Buông ra!... người ta đang đi thật mà…
- Đi đâu? - cô gái hỏi.
- Đi ị. - anh chàng nói bừa.
Duyên phá lên cười. Cô gái còn ngâm mình ở dưới nước nói to với hai bạn:
- Ném lão xuống sông, chúng mày. Cảnh cáo cho lão biết tay.
Duyên và cô bạn lôi anh chàng gầy khẳng kheo đẩy xuống sông. Ở dưới sông cô gái trẻ lại được dịp té tát nước vào mặt làm anh chàng suýt nghẹt thở. Cô gái ra lệnh:
- Quay mặt ra sông kia.
Anh chàng vuốt nước trên mặt rồi ngoan ngoãn quay đi để cô gái bước lên bờ. Cô nói:
- Thanh niên trai tráng, gì mà cứ như con gà rù.
Anh thanh niên tức mình quay lại:
- Khoẻ mạnh thì người ta đã đi bộ đội, đi công nhân, chứ thèm mà ở làng để đi rình các cô.
Câu nói của anh chàng làm Duyên bỗng chạnh lòng.
Cô nhìn đăm đăm về phía dòng sông xa. Ở đó, một con đò ngang đang chở khách sang sông.

*
*          *

Tại trụ sở ủy ban xã, vị ủy viên thường trực đọc lá thư một cách chăm chú. Đoạn ông hạ kính xuống, trịnh trọng nói với anh con rể của gia đình.
- Báo cáo đồng chí! Đồng chí công tác trên ủy ban tỉnh, chắc đồng chí cũng đã biết: xã chúng tôi bấy lâu nay vẫn được tỉnh công nhận là một xã chấp hành tốt mọi công tác hậu phương. Vừa qua lại được vinh dự chọn làm thí điểm cho phong trào nhận làm con nuôi các gia đình liệt sĩ. Nói chung từ trước tới nay các gia đình có chồng con đi chiến đấu xa, chúng tôi luôn động viên giúp đỡ và quản lý sát sao. Những chuyện như thế này chưa hề xảy ra bao giờ…
- Đây tuy là chuyện trong gia đình… chúng tôi phiền lòng đã đành - Anh con rể nghiêm nghị nói - Nhưng địa phương cũng phải có trách nhiệm, nếu cần phải có biện pháp.
Một cán bộ trong ủy ban bước đến bên bàn, cầm lá thư lên xem. Vị ủy viên thường trực quay lại hỏi:
- Cậu có nhận ra nét chữ của ai đây không?
Anh cán bộ ngẫm nghĩ giây lát rồi chậm rãi đáp:
- Trông nét chữ quen lắm. Hình như tôi nhìn thấy ở đâu rồi… À, thôi tôi nhớ rồi, trong vở học của thằng con tôi.
Ông ủy viên ngạc nhiên.
- Thằng con cậu?
- Để tôi bảo nó đem vở sang đây các anh xem.
Anh ghé qua cửa sổ gọi con. Lát sau thằng bé con anh cầm vở học chạy sang trụ sở ủy ban. Cả ba người chụm đầu trên cuốn vở. Rõ ràng chủ nhân của nó là một cậu bé lười học. Vở chằng chịt những hình vẽ bậy, điểm xấu và những lời khiển trách của thầy giáo.
- Đúng rồi. Chữ giáo Khang.
Cả hai cán bộ cùng đồng thanh thốt lên. Ông ủy viên nói tiếp với anh con rể như có ý thanh minh:
- Tay này không phải người địa phương chúng tôi…
Thằng bé đang ngơ ngác không biết có chuyện gì xảy ra thì liền bị ông bố cốc một cái vào đầu.
- Cầm vở về học đi. Ham thả diều cho lắm vào.
Thằng bé cầm vở chạy về nhà. Bố nó thanh minh với mọi người:
- Trước cháu nó học khá kia. Từ ngày học với tay giáo này mới đâm ra đổ đốn thế này.
Anh con rể cười:
- Thầy bà thế kia thì còn dạy với dỗ gì. - Anh đứng dậy nói tiếp - Các đồng chí cứ giữ bức thư này lại. Nếu đúng là tay giáo viên ấy thì các đồng chí cứ báo cáo thẳng lên Sở Giáo dục. Tôi sẽ có cách. Các anh trên Sở tôi quen cả…
*
*          *

Khang lên lớp cho học sinh. Đang giờ giảng văn. Anh đang say sưa giảng bài thì có người đến báo, sau tiết học lên gặp ban giám hiệu có việc cần.
Tại phòng Ban giám hiệu, Bà hiệu trưởng cùng hai cán bộ ủy ban đang ngồi chờ Khang. Họ to nhỏ trao đổi với nhau điều gì đó, rồi im bặt khi Khang xuất hiện.
- Mời anh ngồi. - Bà hiệu trưởng nói - Chúng tôi mời anh đến đây vì có một việc bên ủy ban muốn hỏi. Mong anh hết sức bình tĩnh.
- Vâng. Các đồng chí cứ hỏi. - Khang đáp.
Người cán bộ chìa bức thư ra trước mặt Khang, hỏi rất nhã nhặn:
- Có phải bức thư này do anh viết?
Khang nhìn bức thư sửng sốt:
- Làm sao các đồng chí lại có được?
- Chẳng qua chỉ vì cô Duyên không muốn giấu chúng tôi điều gì cả. Anh biết đấy. Chồng cô ấy đi chiến đấu xa… Bảo vệ hạnh phúc cho người đi chiến đấu là trách nhiệm của địa phương chúng tôi.
Khang thất vọng tột cùng.
- Thật không ngờ. - Nhưng rồi anh trấn tĩnh lại - Nhưng các đồng chí có biết chuyện gì đã xảy ra với cô ấy không?
- Chuyện gì vậy?
- Cô ấy không nói gì với các đồng chí?
- Không có chuyện gì ngoài lá thư này… Theo anh thì còn có chuyện gì nữa?
Khang ấp úng:
- …Tôi…thôi tùy cô ấy…
- Vậy là anh đã nhận bức thư này do anh viết? - cán bộ ủy ban hỏi lại.
- Vâng. - Khang đáp một cách dứt khoát.
- Thôi được. Thế là rõ rồi. - Người cán bộ kết thúc.
Khang đứng dậy quay lưng đi. Bà hiệu trưởng nhìn theo tỏ vẻ ái ngại, cầm bức thư lên xem kĩ lại. Bà lắc đầu:
- Anh ấy vốn là một giáo viên rất tốt. Tôi không thể nào tin chuyện này được.
Người cán bộ chỉ vào bức thư:
- Chữ viết rành rành đây, bà còn không tin?
- Nhưng các anh thử đọc lại xem. Tôi thấy chẳng có gì mờ ám ở đây cả.
- Đòi có trách nhiệm với vợ người ta, con người ta, không mờ ám thì là cái gì? Ai giao cho anh ta cái trách nhiệm đó? Anh cán bộ ủy ban cãi lại một cách chua cay.
Vừa lúc đó, Khang đột nhiên quay lại:
- Các đồng chí cho tôi xin lại bức thư.
Bà hiệu trưởng định đưa, nhưng một cán bộ nãy giờ vẫn ngồi im lặng, đứng lên ngăn lại.
- Chúng tôi có trách nhiệm phải giữ lá thư này lại.
Nói xong anh cầm thư cho vào túi dết đeo bên hông.

*
*          *

Khang đi qua sân trường nhộn nhịp học sinh trong giờ tan học. Các em lễ phép chào anh, nhưng anh không trả lời, im lặng đi ra cổng trường. Thơm đứng lặng người trong lớp học vắng, nhìn theo anh với đôi mắt sững sờ pha lẫn hờn giận.
Khang đi trên bờ ruộng. Anh dừng lại, nhìn về phía đê cao. Thằng cu Tuấn đang thả diều. Chiếc diều do chính tay Khang làm cho nó. Chiếc diều bỗng đứt dây bay loạng choạng rồi đâm sầm xuống ruộng bùn. Khang vội chạy lại, lội xuống bùn, nhặt chiếc diều lên. Cả diều lẫn chân tay anh đều lấm lem bùn đất. Tuấn chạy đến. Khang tươi cười nói với nó:
- May quá, không việc gì. Chỉ dây bẩn tí thôi. Ra sông với chú đi…
Hai người ra sông. Khang cầm diều xuống bến, khỏa nước nhè nhẹ, nâng niu, cố để khỏi làm rách hai cánh diều. Đoạn anh bước lên bờ, phơi diều trên bãi cỏ, nhân tiện anh bế xốc thằng bé xuống sông, cởi áo tắm cho nó. Duyên vừa đi làm đồng về, định xuống sông rửa ráy. Chợt nhìn thấy chiếc diều giấy phơi trên bờ, chị dừng lại. Tiếng cu Tuấn cười vang cả khúc sông. Duyên nhìn Khang và Tuấn hồi lâu, rồi bước vội đi thẳng.
Khang dặn Tuấn ngồi canh diều rồi cứ để nguyên quần áo sũng nước như vậy đuổi theo Duyên.
- Duyên… Đứng lại cho tôi hỏi chút đã…
Khang đã đuổi kịp. Anh nói gấp qua hơi thở:
- Duyên đã nhận được lá thư của tôi?
Duyên đứng lại ngơ ngác:
- Lá thư nào?
- Lá thư tôi viết cho Duyên.
Duyên lắc đầu: - Tôi có biết gì đâu?
Khang nói tiếp một cách khẩn khoản:
- Vậy thì trước sau gì Duyên cũng biết. Có một điều mong Duyên hiểu cho. Mới đầu chỉ là chuyện Duyên nhờ tôi viết thư giả có thế thôi… Nhưng rồi không hiểu sao tôi cảm thấy như bức thư đó là của chính mình… Tôi không thể viết giả được nữa… Tôi phải nói thật với Duyên…
Duyên cúi đầu nghe Khang nói, cô đã hiểu những tình cảm của anh, liền vội cắt ngang:
- Thôi anh đừng nói nữa. Nếu anh ấy không còn thì một mình em chịu cũng đủ rồi…
Nói xong Duyên vội đi như người chạy trốn.
Từ xa, Tuấn cầm chiếc diều chạy đến, nó cố tung diều lên, nhưng có lẽ vì cánh diều chưa khô hẳn, nên lại loạng choạng đâm xuống đất.

*
*          *

Từ hôm đó hình ảnh Khang cùng Tuấn ở bến sông vẫn cứ ám ảnh mãi trong đầu Duyên. Cô đang ngồi vo gạo ở giếng thì từ nhà bên có tiếng gắt gỏng chửi chó mắng mèo của bà Hiếu. Vốn láng giềng thân thiết với nhà Duyên như ruột thịt, bỗng nhiên bà có thái độ khác hẳn. Duyên đau đớn bịt tai lại. Mấy cô bạn gái của Duyên đi làm đồng kháo chuyện với nhau như bàn về một tin thời sự nóng hổi:
- Tao thấy hai người đứng với nhau trên bờ đê. Tình tứ lắm chúng mày ơi. Chàng níu tay nàng, nàng cúi đầu e lệ…
Một cô cất cao giọng khi đi ngang qua nhà Duyên, cốt để Duyên nghe thấy:
- Mình về ta chẳng cho về. Ta níu vạt áo ta đề bài thơ.
Một cô khác:
- Tay này nghe đầu cũng máu mê văn chương thơ phú… Thảo nào!
Rồi các cô cười khúc khích với nhau.
Thế là chuyện thầy giáo Khang có tình ý với cô Duyên, vợ bộ đội, lan truyền rất nhanh khắp làng.

*
*          *

Đang giờ học tại lớp của Khang dạy. Anh ngừng lại khi nhìn thấy ở phía cuối lớp có tiếng cười nói mất trật tự. Mấy em học sinh chuyền cho nhau một mảnh giấy. Khang đi xuống cuối lớp đến bên một học sinh:
- Đưa cho thầy xem. - Anh nói một cách nghiêm nghị.
Đứa bé rụt rè chìa cho anh tờ giấy trong tay. Khang xem và nét mặt của anh cau lại. Anh hỏi cả lớp:
- Tờ giấy này của em nào? - Cả lớp im phăng phắc. Một em bé gái đứng dậy:
- Thưa thầy, bạn Sửu vẽ đấy ạ.
Khang quay về phía Sửu:
- Sửu! Đứng dậy! Có phải đúng thế không?
Sửu, cậu bé có cuốn vở mang ra ủy ban xã, đứng dậy cúi đầu như một sự thú nhận. Tiếng trống ra chơi đã điểm. Khang quay lại nói với cả lớp:
- Các em ra chơi, còn Sửu ở lại để thầy hỏi.
Các em ùa ra khỏi lớp trong tiếng ồn ào náo nhiệt của sân trường. Thơm đi ngang qua lớp của Khang. Cô tò mò dừng lại.
Trong lớp học vắng, Khang hỏi Sửu:
- Em nghe ai nói chuyện như vậy?
Sửu im lặng cúi đầu, lát sau rụt rè đáp:
- Em nghe bố em nói.
Thơm đã bước vào lớp, đứng sau lưng Khang từ lúc nào. Cô liếc nhìn nhìn mẩu giấy trên tay Khang. Đó là hình vẽ một người đàn ông và một người đàn bà cầm tay nhau. Bên dưới chú thích bằng nét chữ nguệch ngoạc của Sửu: “Thầy Khang + Cô Duyên”. Khang quay lại lúng túng khi thấy Thơm với vẻ mặt lạnh lùng diễu cợt. Anh cho Sửu ra chơi. Chờ cho sửu đi rồi, Thơm cười khẩy nói với Khang.
- Nó là trẻ con… Nó biêt gì… Tất cả là do người lớn. Không có lửa thì làm sao có khói.
Nói xong cô quay lưng bước ra khỏi lớp. Khang cầm tờ giấy trên tay gập lại. Anh gập tiếp, gập tiếp, cho đến khi tờ giấy chỉ còn lại một cuộn tròn nhỏ. Bất ngờ, anh đưa mẩu giấy vào mồm nghẹn ngào nuốt chửng. Vẻ mặt anh lúc này thật đau đớn.

(còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm