Cổng chào, sương mù
Bìa cuốn Khải hoàn môn, bản dịch của Cao Xuân Hạo lần in gần đây nhất |
Nói đến khải hoàn môn, tôi thường nhớ đến cuốn tiểu thuyết ra đời năm 1945 của Erich Maria Remarque. Câu chuyện mở ra rất kinh điển: người đàn ông tha hương gặp một người đàn bà tha hương giữa một đại lộ mênh mông – mà vẫn va vào nhau! “Trước mắt họ, Khải hoàn môn từ trong bóng tối lộ rõ ra, nổi bật trên nền trời giăng mưa bụi… Nó như đang giơ vai đỡ bầu trời buồn rười rượi và che chở cho ngọn lửa nhợt nhạt và đơn côi đang bập bùng trên phiến đá mộ người Lính Vô Danh: trong đêm thanh vắng, đó dường như là phần mộ cuối cùng của nhân loại” (bản dịch của Cao Xuân Hạo). Tác giả người Đức này đã đến với công chúng Việt từ sớm nhưng qua một kênh khác. Bộ phim Phía Tây không có gì lạ dựa theo cuốn tiểu thuyết của Remarque chính là bộ phim nói đầu tiên chiếu tại Hà Nội vào giữa thập niên 1930. Khải hoàn môn cũng không đến sớm, in lần đầu 1945 nhưng mãi đến những năm 1970 mới có bản dịch tiếng Việt.
Phim Khải hoàn môn năm 1948 |
Trong khi đó, bộ phim Khải hoàn môn ra mắt năm 1948 với cô đào gốc Thụy Điển Ingrid Bergman, người cũng từng thành công với Casablanca (1942), một bộ phim với hồi ức về Paris thanh bình trước chiến tranh, có lẽ đã đến trước. Cùng với I. Ehrenburg hay E. Hemingway, Remarque lấp lánh một ký ức Pháp khi những kể về Paris những năm tháng chiến tranh và hội hè đan xen. Khải hoàn môn viết bằng giọng ngậm ngùi của một thân phận trí thức tha hương lưu lạc ở thành phố bị tạm chiếm. Soi vào bối cảnh Việt Nam những năm tháng chiến tranh, người đọc dễ thấm thía hơn những ám ảnh đổ vỡ của các nhân vật Remarque. Nhưng để lại nhiều hơn là một Paris mờ sương, nơi tao nhân mặc khách gặp nhau, nối dài miền cảm xúc của nhiều trang văn chương các thế kỷ trước. Chúng như cuốn album người Việt dệt về một Paris của họ.
Đi đi, anh đưa em vào quán rượu.
Có một chút Paris
Ðể anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hanoi
Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới
(Dạ khúc – Thanh Tâm Tuyền, 1964)
Trong tôi, Khải hoàn môn gợi về một nền cảnh của các nhân vật bước đi trong sương mù mà những bộ phim đen trắng xa xưa chuộng thủ pháp sương khói làm tăng vẻ hư ảo. Nó tựa như một đền đài luôn ở thì quá khứ. Dẫu nó vẫn uy nghi tồn tại và là một trong 10 điểm đến nổi tiếng nhất ở Paris, và tôi đã có dịp đến ngắm, nhưng Khải hoàn môn trong tôi vẫn như một ảo ảnh. Trước mắt thường của tôi, Khải hoàn môn ở giữa quảng trường Ngôi Sao có vẻ nặng nề và thiếu độ thanh nhã như kiểu các cổng ở Rome. Nó dày đặc các phù điêu phong cách đế chế và không hẳn dễ đến sát khi ở giao điểm của 12 đại lộ nườm nượp xe. Nó là thứ ngưỡng vọng từ một khoảng cách. Nhưng không gian văn hóa xã hội Paris đã phủ lên đó màn sương bảng lảng, để công trình như một biểu tượng thẩm mỹ. Với tôi, Khải hoàn môn sách vở đã chiếm mất chỗ.
(Khi tôi kể chuyện đang nghĩ về Khải hoàn môn, chị bạn tôi kêu lên, chị sống ở Paris mà chưa bao giờ đi ra được chỗ ngọn lửa tưởng niệm liệt sĩ vô danh chân cổng chào đó. Ngay người Paris cũng gần như bối rối khi xác định phương hướng tại đấy và các hãng bảo hiểm thì thường bỏ qua các tai nạn khu vực Khải hoàn môn vì rất khó xác định lỗi tại ai khi xe cộ “đi loạn xạ” – nguyên văn lời chị).
***
Điều lạ là Hà Nội mặc dù có nhiều công trình do người Pháp xây, nhưng không có khải hoàn môn như nguyên bản nổi tiếng ở Paris. Trong khi loại công trình này khá phổ biến ở các thành phố phương Tây. Thậm chí thủ đô Viêng Chăn nước Lào cũng có một phiên bản riêng kết hợp hình thức của Khải hoàn môn Paris với chùa tháp Phật giáo.
Thực ra, các cổng chào từng được dựng bằng các vật liệu thô sơ tồn tại ít ngày cũng là một dạng khải hoàn môn. Cho đến những năm 1980, ở nhiều địa phương vẫn có những cổng chào xây bằng gạch, xây lối ba vòm cuốn kiểu Art Deco pha trộn những chi tiết kiểu tam quan cổng làng xưa. Xét về hình thức, công trình ở Hà Nội có vẻ giống khải hoàn môn ở chỗ vừa có cổng vòm vừa nhìn được cả tứ phía, có lẽ chính là… tháp Rùa. Với số đông, tháp Rùa rõ ràng mang tính biểu tượng như Khải hoàn môn ở Paris, dù ra đời sau 70 năm. Đến lượt các cửa ô cũng được biểu tượng hóa như những cổng chào chiến thắng, ít nhất là trong âm nhạc. “Năm cửa ô xòe năm cánh rộng. Đoàn quân về nhấp nhô như sóng…” (Cảm xúc tháng Mười, nhạc Nguyễn Thành, thơ Tạ Hữu Yên). Cho dù bia đá dựng ở Ô Quan Chưởng có nói, các cửa ô ra đời là để ngăn chặn cướp bóc từ bên ngoài, nhưng đời sống đã sinh ra một nhu cầu lãng mạn hóa, nó tiến hành một nghi thức diễu hành trong tâm tưởng như các khải hoàn môn phương Tây. Trên thế giới, nhắc đến Khải hoàn môn, các đường dẫn thông tin thường trỏ trước tiên đến công trình ở Paris. Bởi lẽ, Paris đã nhiều năm tháng được coi như một trung tâm của những nghi thức văn hóa.
Nếu nền văn hóa “khai sáng” của chế độ thuộc địa đã cung cấp một số thiết chế đô thị cho Hà Nội như nhà hát, dinh thự, nhà ga, công xưởng… thì ở mảng công trình tưởng niệm hoành tráng, nó chỉ có số ít ỏi tượng đài và không có khải hoàn môn. Cũng đã từng tồn tại một cổng vào hoành tráng ở nghĩa địa Tây với tên các thống chế Pháp và các trận chiến của Pháp thời Thế chiến thứ nhất, vị trí của nó ở vào cuối phố Ngô Thì Nhậm đâm thẳng vào phố Nguyễn Công Trứ ngày nay. Sau này nghĩa địa đã thành khu tập thể. Ở các quảng trường, các tượng đài ít để lại ví dụ thành công. Đài tưởng niệm liệt sĩ đường Bắc Sơn khánh thành giữa thập niên 1990 cũng có hình thức cổng bốn mặt như một khải hoàn môn có hình một phương đình kiến trúc Việt cổ bên trong, nhưng ít ai tìm kiếm ở đó một địa chỉ thăm viếng hoặc suy tư. Rút cục thì sang thế kỷ 21, những bản sao của các khải hoàn môn phương Tây đã có ở Hà Nội. Nhiều khu đô thị mới đã xây những cái cổng kiểu khải hoàn môn na ná cổng Brandenburg ở Berlin, cũng có tượng ngựa tượng thần trên đỉnh, nhưng chúng mang vẻ phù phiếm trưởng giả hơn là một điểm nhấn trang trọng trong không gian đô thị. Chúng chưa có màn sương tháng Chạp (hoặc một tháng Sương mù bất kỳ) của một cuốn tiểu thuyết nào phủ lên.
Cổng chào vào thuộc địa Tây ở Hà Nội thời Pháp |
***
Tôi vẫn thắc mắc, khán giả Việt thời những năm 30 ấy, họ đã xem Phía Tây không có gì lạ với tâm thế gì? Chia sẻ nỗi u sầu phản chiến? Hay hoài nghi về cảm thức dân tộc chủ nghĩa? Cho dù dịch chính xác hơn có cụm từ “Mặt trận phía Tây hoàn toàn yên tĩnh”, nhưng mấy chữ “không có gì lạ” nghe có phần thời thượng hơn, một lối diễn đạt khác, nó mơ màng tinh thần hoài nghi phủ nhận. Trong một cụm từ ngắn ngủi đã gợi nên một thứ gì đó miên viễn xa xôi, một phía Tây hư vô, một sự phủ định và một cái gì đó đợi đằng sau cần khám phá. Sự phi lý của chiến tranh? Sự yếu đuối của nhục cảm? Những cuốn sách của Remarque như Ba người bạn hay Khải hoàn môn cung cấp cho người đọc một tư duy về không gian công cộng của các thành phố châu Âu, vừa hấp dẫn vừa ám ảnh, những Berlin, Paris, Lisbon… không chỉ là những đô thành tráng lệ, mà còn là những quán nhỏ ủ dột, những ngõ phố lát đá âm vang tiếng động của tâm trạng mất mát khi chiến tranh ào qua thành phố, kéo phăng tuổi trẻ đi một cách thô bạo.
Đi qua Khải hoàn môn của Remarque không phải là đoàn người chiến thắng “trùng trùng say trong câu hát”. Đài tưởng niệm khổng lồ như một dấu tích nặng nề trong đời sống các nhân vật. Nhân vật chính là một bác sĩ lưu vong phải chấp nhận sống lẩn lút ở một phòng khám Paris, nơi anh đã phát hiện ra tên Quốc xã đã từng tra tấn anh và giết hại người vợ, cũng là nơi anh cứu sống một cô gái tự tử vì tuyệt vọng. Những Khải hoàn môn hay cột trụ tưởng niệm là thứ được sinh ra từ ý niệm quốc gia-dân tộc, nhưng chúng là kết quả trực tiếp của những cuộc chiến tranh. (Remarque có một cuốn tiểu thuyết in năm 1956 được dịch ra tiếng Việt là Bia mộ đen. Cái tên này cũng có thể diễn giải cách khác. Obelisk chính là một loại tháp trụ tưởng niệm hay được dựng ở nhiều thành phố châu Âu, phỏng theo cột đá ở Luxor Ai Cập mà một bản đã đưa về Paris. Vâng, lại Paris). Những đại cảnh hoành tráng mà các công trình này tạo ra gợi nên không gian của quyền lực. Đối với các văn nghệ sĩ thời hiện đại, họ tìm kiếm một không gian khác mang ý nghĩa giải tỏa đại tự sự.
Ở một góc nhìn khác, nhà văn Xôviết I. Ehrenburg có mấy cuốn tiểu thuyết như Bão táp và Paris sụp đổ cung cấp một không khí cùng thời của Khải hoàn môn. Chúng gợi về một Paris xa xôi mà gần gũi, láy lại những cảm tưởng của người Việt về vốn văn hóa thời thuộc địa, phóng chiếu so sánh với Hà Nội, thành phố một thời được coi như vệ tinh Viễn Đông của “kinh thành ánh sáng”. Nhưng văn của nhà văn Xôviết vẫn có cái vẻ sử thi nối dài những đại lộ Victor Hugo đã “quy hoạch” trong các bộ tiểu thuyết đồ sộ Những người khốn khổ hay Nhà thờ Đức bà Paris. Nhiều tác giả khác đã rẽ nhánh nhỏ hơn, những ngóc ngách tối tăm, để rồi Remarque đặt một Khải hoàn môn ngự trị ở trung tâm như một điểm hẹn. Đã có thời hình ảnh Hà Nội cũ được nhớ đến là một người đàn ông đội mũ nồi, khoác chiếc áo dạ và bước vào một quán cà phê cũ kỹ, trong khi ngoài trời mưa bụi bay, mà đợi một “người mơ không đến bao giờ” (Đoàn Chuẩn - Từ Linh). Nó vô thức tái hiện những gì cuốn sách xưa, bộ phim xưa, đã gieo.
Những bản quy hoạch Hà Nội, Sài Gòn và Đà Lạt chẳng hạn, đã từng nhiều mộng ước tái hiện bằng kiến trúc nhu cầu đó. Những quảng trường ngôi sao, những ngã năm ngã sáu vẽ ra trên bản đồ như một sự hoa mỹ chờ đợi một khải hoàn môn hay tượng đài đánh dấu cột mốc không gian đô thị. Chịu ảnh hưởng của lối quy hoạch của trường phái Beaux-Arts Paris, chúng không may khi dang dở giữa chừng, vì chiến tranh bùng nổ và vì dự kiến ngân sách bất khả thi. Nhưng chúng đã để lại cái cơ sở cho sự tưởng tượng bám rễ lâu dài. Các cuốn tiểu thuyết, các trang văn đã lấp vào khoảng trống thực tế đó, mà nhiều khi đẹp hơn thực tế.
Trong phim Casablanca, khi hồi ức về Paris trước chiến tranh được tái hiện, người ta thấy đôi nam nữ hớn hở trên chiếc xe mui trần chạy qua Khải hoàn môn. Ngay sau đấy là cảnh họ ngồi buồn thiu giữa một quán rượu chật ních dân lưu vong chìm đắm nơi thành phố giữa đàng. Cơn hưng phấn sử thi của những đại cảnh hoành tráng nào cũng qua đi, để lại cái ngày thường của những tiểu cảnh. Như đoạn kết tiểu thuyết Khải hoàn môn, người đàn ông đã mất người mình yêu, anh ra đi trên một chuyến xe chở những người tị nạn đi qua quảng trường Ngôi Sao, lúc này “chìm hẳn trong bóng tối. Đêm dày đặc đến nỗi cả Khải hoàn môn cũng không nhìn thấy đâu cả”. Nhưng người đọc sẽ luôn nhìn thấy, dù là hư ảnh trong sương mù tháng Chạp Hà Nội.
Nguyễn Trương Quý
Nhận xét