Bốn mùa bốn đoạn

Một điều kỳ lạ của con người là trên khuôn khổ có vẻ nhàm chán lặp đi lặp lại của vòng tuần hoàn thời tiết, họ đã biến bốn mùa xuân-hạ-thu-đông thành một chuỗi thời gian đầy biến ảo thú vị. Từ bể cảnh non bộ trước hiên nhà đến một bức bình phong bốn tấm tứ quý tùng cúc trúc mai xinh xắn tao nhã, đâu đâu con người cũng dễ gặp những dấu ấn thời tiết. Từ những nhọc nhằn đời sống mang ảnh hưởng lao động nông nghiệp đầy ứng phó bị động trước thiên nhiên, con người đã giành quyền tạo ra cho mình một nhịp độ ứng xử “thay quyền tạo hóa”, chủ động trong cuộc chơi quen thuộc này.

Tứ bình Truyện Kiều, tranh Hàng Trống.

1. Sen tàn cúc lại nở hoa – Câu lục tưởng chừng bâng quơ của Nguyễn Du lại là một câu được nhiều người đọc Truyện Kiều nhớ. Trước hết là sự giản dị và cô đọng gần với đời sống của họ. Không cần so sánh cao xa gì, lại nằm trong trường cảm nhận về thế giới tự nhiên của người Việt, mùa nào thức nấy, lại là những vẻ đẹp của tạo hóa (hoa sen, hoa cúc), dễ hiểu là trong liên tưởng người đọc đã hiện lên vẻ đẹp của mùa thu. Một mùa có phần hư ảo trong bối cảnh thời tiết thực tế ở xứ nhiệt đới Việt Nam nhưng khiến thi ca tốn giấy mực nhất. Sự chuyển đổi cảm giác mơ hồ đó tạo nên cảm xúc đặc biệt của mùa thu. Cái sự vừa mới nóng đã se sắt lành lạnh khiến người ta như phải nghĩ ngợi nhiều hơn về vị trí của mình trong môi trường tự nhiên xung quanh, rồi từ lúc nào, đưa lại cảm nhận về mối quan hệ xã hội.


Hoa cúc, trang trí trên thành ghế nhà dân ở Cự Đà.

Cái sự chưa hết nóng nhưng “rét mướt mùa sau chừng sắp ngự” khiến không phải vô tình mà người ta tìm cách quần tụ lại trong tổ ấm. Đấy cũng là lúc mà như những câu chuyện kể thời thơ ấu ta vẫn nghe về những con sâu cái kiến tích cốc phòng cơ, vun vén hang hốc đặng sống qua mùa giá rét thổi về. Thực tế đó chính là chúng ta, cho dù ngày nay có đầy phương tiện để khỏi lo cái đói cái rét, nhưng vẫn giữ trong mình bản năng cổ xưa ấy.

Mùa thu gợi nên những cảm xúc tinh vi, dẫu vậy cũng có những biểu tượng cụ thể: lá vàng, sương khói, gió heo may. Cái cảm giác về sự tồn vong, mất còn hiện lên rõ rệt, hơn lúc nào hết con người thấy quỹ thời gian không còn nhiều, nhưng vẫn còn đủ để tạo cho mình một kết thúc có hậu. Kẻ lữ thứ lượng đường kíp quy cố hương. Người cô phụ hối hả đan xong manh áo len chống rét. Hoa trái rộ lên đợt mãn khai cuối cùng trước khi vào giấc ngủ đông. Hiện đại hơn, kế hoạch làm ăn cũng vào đợt chạy nước rút quan trọng trước khi năng suất giảm dần vì thời tiết và mùa nghỉ lễ. Sức ảnh hưởng của tiết trời thu thực đáng kể vì đến những kẻ phàm tục nhất cũng phải lắng mình cảm nhận phải sống khác ngày hạ nóng nực vừa qua. Không mấy kẻ còn dám cởi trần trùng trục đón gió lạnh cũng như dầm mưa lũ của mùa thu, huống hồ những người cô đơn cần tìm nơi yên ấm. Nhu cầu gần gũi cả về thể xác lẫn tinh thần được gia cường bởi sự thu hẹp không gian hoạt động, dần ít ngoài trời mà nhiều trong nhà hơn. Rất tự nhiên, nhu cầu ấy đem lại cho con người một nhịp sinh học được bao phủ bằng vẻ đẹp lãng mạn của mùa thu.


2. Mùa đông ở Việt Nam không có tuyết, trừ những nơi núi cao họa hoằn trong lịch sử mới có. Và cũng chỉ xứ Bắc mới có mùa đông giá rét. Nhưng thật lạ, ảnh hưởng cổ thi Trung Hoa và văn minh phương Tây đã khiến mùa đông trong tâm trí người Việt là một quãng thời gian đặc biệt khắc nghiệt. Em ơi đông lại về, từ trăm năm lạnh giá… ở phương Nam nóng quanh năm nhưng thơ ca vẫn đầy ắp biểu tượng mùa đông. Mùa đông trong nhận thức đầy ắp kinh nghiệm của người Việt là một quãng thời gian dài dặc để cùng nhau ôn lại ký ức. Dù gì cũng đã năm cùng tháng tận, hạt mầm gieo lúc này không đâm chồi, người thức thời không khởi sự lúc này. Thay vì bay bổng với những cao vọng tốn kém, người ta nương theo quy luật thiên nhiên, tranh thủ lúc tiết giảm những hoạt động để dành năng lượng cho những công việc có tính đúc kết và tư duy sâu.

Trúc, trang trí thành ghế nhà Cự Đà.

Mùa đông đã không còn là ám ảnh rét mướt bởi sự thiếu thốn tiện nghi như trước. Manh áo tấm quần không còn chắp vá, thậm chí còn dư dật, nhưng mùa đông luôn là mùa con người cần gần gũi trong tình cảm. Quần tụ bên nhau trong hơi ấm cảm xúc cũng quan trọng như một bếp lửa khắc khoải gọi người ta đến ngồi. Những cảm giác rất căn bản đó, cùng với những chi tiết tưởng lặt vặt như một bắp ngô nướng thơm trên than hồng, ấm trà thơm ngát vị hậu ủ trong tay, hay tấm áo nhung của người phụ nữ xưa, làm nên nỗi ám ảnh ngọt ngào cho nhiều thế hệ.


3. Mặc dù ở một cực khác với mùa đông, mùa hè cũng có điểm tương đồng, ấy là mời gọi những người thân yêu chia sẻ giây phút hạnh phúc ở trạng thái thăng hoa. Ánh mặt trời nóng bỏng thúc giục mỗi người giải phóng năng lượng, làm thật nhiều việc cho dù mướt mồ hôi và cảm giác kiệt sức vì cái bỏng rát như thiêu như đốt. Nhưng thật kỳ lạ, sau đó chúng ta vẫn sống khỏe như thể chưa từng mệt mỏi bao giờ!

Đó là mùa ca nhng tiếng chim reo

Tri xanh biếc, nng tràn trên khp ng

Đt thành cây, mt trào lên v qu

Bước chân người bng m nhng đường đi

(Mùa hạ - Xuân Quỳnh)

Cảm xúc chân thật của nhà thơ dĩ nhiên chứa đựng công thức quen thuộc về mùa hè, nhưng cũng như bản thân mùa, những công thức có sẵn lúc nào cũng vậy, điều quan trọng là khơi gợi được rất nhiều liên tưởng. Cùng ngần ấy thời gian sống trên cõi đời, điều thú vị là chúng ta sẽ mau quên mùa hè trước để mỗi lần hè đến, chúng ta lại khao khát đi tìm nguồn năng lượng mới. Nếu chúng ta mãi định vị một cảm giác, một ký ức, thì mùa hè chỉ là những tháng ngày nóng nực kéo dài đến khó chịu.

Sen và bí ngô, thành ghế nhà Cự Đà.

Nếu thi nhân xưa dành nhiều ưu ái cho mùa thu, thì bây giờ, dưới ảnh hưởng phương Tây và quan niệm sống hiện đại, mùa hè là mùa được giới trẻ yêu thích (mà xét cho cùng, đã trẻ thì mùa nào chả thích!). Độ rọi quang học cao của thời tiết mùa hè tạo cơ hội cho mọi sinh vật sinh sôi nảy nở, phô bày vẻ đẹp rạng rỡ nhất dưới mặt trời. Lẽ tự nhiên, sức trẻ chiếm ưu thế trong thời gian này. Nhưng người già cũng hưởng lợi từ sức đẩy của sự cộng sinh. Guồng quay của mùa hè là nguồn lực cho những hoạt động dài hơi mà hiệu quả. Người ta không còn phải tranh thủ làm để tránh thời tiết bất lợi, không gian hoạt động lại mở rộng khi trời đẹp. Mùa hè thực sự là khoảng thời gian buộc con người phải sống với thực tại, với điều đang diễn ra, với nhịp độ hối hả không còn chỗ cho hoài niệm hoặc tiếc nhớ. Tuy vậy, mùa hè lại khiến ta nhớ vì sự “ăn chơi” của nó với những đoàn người nườm nượp đi nghỉ mát, những thân thể rám nắng, những giải bóng đá lôi cuốn cả tỷ người, những ly kem lạnh buốt răng.


4. Nhưng tại sao bắt đầu lại luôn là mùa xuân? Có lẽ khi nhìn thấy hạt giống trổ mầm theo chu kỳ ở những vùng văn minh trồng trọt cổ xưa nhất trên Trái Đất, những cư dân Lưỡng Hà hay Đông Phi đã xác định đó là tín hiệu đầu tiên đánh dấu một vòng lặp sinh học. Từ hiện tượng thiên nhiên, con người đã ký thác vào đó một quan niệm nhiều phần lãng mạn về cuộc đời, trở thành biểu tượng của tuổi trẻ, của sự tươi mới và hứa hẹn. Vận hành theo quy luật tự nhiên, người Việt tập trung những ngày lễ hội đình đám vào mùa này, với tâm điểm là Tết nhân lúc nông nhàn. Cái nôi văn minh người Việt sản sinh ra những di sản vật chất lẫn phi vật thể phần lớn liên quan tới mùa lễ hội này: mái đình là nơi diễn ra hội làng, những ngôi chùa đông phật tử về hành hương, những kỳ hát giao duyên, những trò diễn xướng dân gian cũng tập trung chủ yếu suốt mấy tháng xuân.

Hoa đào, thành ghế nhà Cự Đà.

Cùng với mùa thu, mùa xuân là mùa chuyển đổi. Ngược chiều với sự tất bật vun vén của con người dịp thu về, trong mùa xuân họ hối hả cắt đặt những kế hoạch, những dự định dài hơi cho một chu kỳ. Tính chất mở ra của mùa xuân như một con suối ào ạt chảy rẽ ra biết bao nhiêu nhánh khi về xuôi. Dù mỗi năm một tuổi tái ngộ mùa xuân, chúng ta vẫn không hết cảm giác mới mẻ đến trong mình khi nhìn thấy những cành đào khai sắc. Trong chúng ta vừa có sự trỗi dậy tự nhiên của vòng tuần hoàn sinh học, vừa có sự nhắc lại của trải nghiệm về bao mùa xuân đã qua.

Một cách nói có phần sáo rằng mùa xuân và Tết là lúc trời đất giao hòa phản ánh tính chất được thiêng hóa của mùa này. Chúng ta vượt qua được những khó khăn trong cuộc đời nhiều khi là ở những niềm tin được khởi phát từ mùa xuân, khi những mong ước được nhen nhóm và trở thành mục tiêu cho ta đeo đuổi cả một năm sau đó. Lập kế hoạch là một chuyện, dự toán được đường đi nước bước là một chuyện, nhưng nuôi trong mình một niềm tin mãnh liệt để đi đến tận cùng chính là một điều cực kỳ quan trọng dù vô hình. Và thật tự nhiên, ta đặt niềm tin ấy vào một khoảng thời gian của sự bắt đầu…

N.T.Q

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm