Nhật ký Carrie

Ai xem Sex and the City thì cũng đều biết chị gái Carrie Bradshaw. Đây là cuốn sách viết về thời trước khi Carrie lên New York và thành một sexpert, dọn dường cho việc Carrie sẽ sống ra sao sau này. Carrie Bradshaw thực ra là trại từ Candace Bushnell với 2 phụ âm đầu viết tắt C.B. Cuốn sách này có nội dung cũng dễ chịu, thích hợp để các bạn gái mới lớn nhâm nhi về tình ái, về việc thể hiện tài năng, và càng thích hợp để các bạn gái đã lớn hồi tưởng thời "tưởng có thể chết vì yêu" :-). Dưới đây trích đăng một chương rất thú vị. Quyển sách sắp ra mắt bản tiếng Việt của NXB Trẻ do Phạm Hải Anh dịch. Một chi tiết bên lề là chị gái C.B yêu cầu phải dùng hình ảnh chị ấy thời 17 tuổi khi giới thiệu về tác giả.


CHƯƠNG MƯỜI

Giải thoát cho tôi

Bố mẹ tôi gặp nhau ở thư viện.

Sau khi ra trường, mẹ tôi làm thủ thư. Bố đến mượn sách, nhìn thấy mẹ, và yêu.

Sáu tháng sau họ cưới nhau.

Ai cũng nói mẹ tôi trông giống Elizabeth Taylor, nhưng hồi đó họ bảo tất cả các cô gái xinh đẹp là giống Elizabeth Taylor. Dù sao, tôi luôn hình dung ra Elizabeth Taylor ngồi e ấp sau chiếc bàn gỗ sồi. Bố tôi, đeo kính, cao lêu nghêu, tóc hung cắt kiểu húi cua lởm chởm, tiến đến gần bàn, trong khi mẹ tôi/Elizabeth Taylor đứng lên để giúp đỡ. Bà mặc chiếc váy xoè nở đầy những chùm bông vải xù màu hồng.

Cái váy nằm đâu đó ở buồng kho, trong cái túi kéo khoá chặt, đựng những quần áo cũ còn lại của mẹ, gồm cả váy cưới, xăng đan, giày balê, và cái loa khắc nổi tên mẹ, Mimi, thời mẹ còn là thành viên đội cổ vũ ở trường trung học.

Lúc nào tôi cũng thấy mẹ mặc đẹp, đầu tóc chỉnh tề và trang điểm cẩn thận. Một thời gian, bà tự may lấy quần áo cho mình và rất nhiều đồ cho chúng tôi. Bà chuẩn bị nguyên một bữa ăn theo sách nấu ăn của Julia Child. Bà trang trí nhà cửa bằng những đồ cổ địa phương, có cái vườn xinh nhất, cây thông Nô-en đẹp nhất, và còn làm chúng tôi ngạc nhiên với giỏ quà Phục Sinh cầu kỳ, ngay cả khi chúng tôi đã qua cái thời tin vào thỏ Phục Sinh Bunny.

Mẹ tôi cũng như tất cả các bà mẹ khác, nhưng tuyệt hơn một chút, vì bà thấy việc bày biện nhà cửa tươi sáng hết mức là một nỗ lực đáng giá, và bà làm mọi thứ trông thật thoải mái.

Cho dù dùng nước hoa Vai Ngà và nghĩ quần bò là thứ nông dân, bà vẫn cho rằng phụ nữ nên đi theo con đường tuyệt vời mà người ta gọi là nữ quyền.

Mùa hè trước khi tôi bắt đầu học lớp hai, mẹ và các bạn mẹ bắt đầu đọc cuốn Đồng lòng của Mary Gordon Howard. Đấy là một quyển tiểu thuyết dầy cộp, được tha đi lôi về từ câu lạc bộ trong những chiếc túi vải bạt lớn đựng đầy khăn tắm, kem chống nắng và thuốc bôi côn trùng cắn. Mỗi buổi sáng, khi an vị trên những chiếc ghế dài quanh hồ bơi, lần lượt các bà lôi cuốn Đồng lòng ra khỏi túi.

Cái bìa sách vẫn còn khắc nổi trong trí não tôi: một mặt biển xanh với chiếc thuyền buồm lạc lõng, bao quanh là bộ ảnh đen trắng chụp tám thiếu nữ. Đằng sau là ảnh của chính Mary Gordon Howard, theo tiểu sử, là một phụ nữ quý tộc; trong đầu óc non nớt của tôi, bà giống George Washington mặc bộ complê bằng vải tuýt và đeo ngọc trai.

“Chị đã đọc đến đoạn vòng tránh thai chưa?” một quý bà thì thầm với bà kia.

“Suỵt. Chưa. Đừng bỏ qua nhé.”

“Mẹ, vòng tránh thai là gì?” tôi hỏi.

“Đó không phải là cái trẻ con phải lo, con ạ.”

“Thế khi con lớn, con có phải lo về nó không mẹ?”

“Có thể có. Có thể không. Lúc đó có lẽ đã có phương pháp khác rồi.”

Cả mùa hè năm đó tôi cố gắng tìm hiểu cuốn sách đó có gì mà thu hút sự chú ý của các bà trong câu lạc bộ đến mức bà Dewittle chẳng hề biết cậu con trai David của mình đã ngã khỏi ván nhảy và phải khâu tới mười mũi trên đầu.

“Mẹ ơi!” lát sau tôi lại gọi, cố gắng làm bà chú ý. “Sao Mary Gordon Howard lại có hai cái họ ạ?”

Mẹ tôi đặt quyển sách xuống, ngón tay đánh dấu đoạn đang đọc dở. “Gordon là tên mẹ bà ấy thời con gái, còn Howard là họ bố của bà ấy.”

Tôi để ý điều này. “Nếu bà ấy lấy chồng thì sao ạ?”

Mẹ tôi có vẻ hài lòng về câu hỏi. “Bà ấy lấy chồng rồi. Bà ấy đã kết hôn ba lần.”

Tôi đã nghĩ được cưới ba lần là điều tuyệt diệu nhất trên thế giới này. Thời đó tôi chưa biết một người lớn nào từng ly hôn, dù chỉ một lần.

“Nhưng bà ấy chưa bao giờ lấy họ chồng. Mary Gordon Howard là một nhà nữ quyền ưu tú. Bà ấy tin rằng phụ nữ phải có khả năng tự khẳng định mình và không bao giờ được để đàn ông tước đi cá tính của họ.”

Tôi đã nghĩ điều oách nhất quả đất này là làm một nhà nữ quyền.

Trước khi biết cuốn Đồng lòng, tôi chưa bao giờ nghĩ nhiều đến quyền năng của sách. Tôi đã đọc cả tấn truyện tranh, rồi tiểu thuyết của Roald Dahl và bộ Narnia du ký của C.S.Levis. Nhưng mùa hè đó, ý nghĩ một cuốn sách có thể thay đổi con người bắt đầu vẫy gọi bên bờ ý thức của tôi. Tôi đã nghĩ rằng mình cũng muốn thành một nhà văn và nhà nữ quyền.

Nô-en năm đó, khi chúng tôi ngồi quanh bàn thưởng thức bánh Khúc Củi Nô-en mà mẹ mất hai ngày để chế biến, mẹ ra tuyên bố. Bà sẽ quay lại trường học lấy bằng kiến trúc sư. Chẳng có gì thay đổi, ngoại trừ việc bố sẽ thỉnh thoảng phải nấu ăn tối cho chúng tôi.

Vài năm sau, mẹ tôi xin được việc ở công ty Kiến trúc Beakon & Beakon. Mỗi khi tan học, tôi rất thích đến văn phòng của mẹ, một ngôi nhà cổ ở trung tâm thị trấn. Phòng nào cũng trải thảm êm ái, thoảng mùi giấy mực thơm thơm. Có một cái bàn xiên xiên ngộ nghĩnh, nơi mẹ tôi làm việc, vẽ những cấu trúc thanh thoát bằng bàn tay chính xác và đẹp. Bà có hai người phụ tá, đều là trai trẻ, có vẻ ngưỡng mộ bà, và tôi không bao giờ nghĩ rằng người ta không thể thành nhà nữ quyền nếu mặc quần tất, đi giày cao gót và vén tóc ra sau bằng chiếc kẹp tóc xinh đẹp.

Tôi đã nghĩ nữ quyền là cách ta kiểm soát cuộc đời mình.

Năm mười ba tuổi, tôi thấy trên tờ báo địa phương tin Mary Gordon Howard sẽ đến nói chuyện và ký tặng sách tại thư viện công cộng chỗ chúng tôi. Mẹ đã không còn đủ sức để ra khỏi nhà, nên tôi quyết định mình sẽ đi và làm bà ngạc nhiên với cuốn sách có chữ ký. Tôi tết tóc đuôi sam, thắt nơ vàng ở cuối bím tóc. Tôi mặc chiếc váy in hoa Ấn Độ màu vàng và đi xăng đan xỏ ngón. Trước khi đi, tôi vào thăm mẹ.

Bà nằm trên giường với tấm màn khép hờ. Như thường lệ, có tiếng tích tích máy móc từ chiếc đồng hồ của ông, và tôi liên tưởng đến những chiếc răng nhỏ xíu của cỗ máy, nhai từng mẩu thời gian với mỗi chuyển động lạnh lùng.

“Con sắp đi đâu đấy?” mẹ tôi hỏi. Giọng bà, từng ngọt ngào như mật, giờ yếu như tiếng kim xào xạo.

“Đến thư viện ạ,” tôi nói, rạng rỡ. Tôi thèm muốn chết được nói cho mẹ bí mật của mình.

“Tốt đấy,” mẹ nói. “Trông con xinh quá.” Mẹ thở một hơi nặng nhọc rồi tiếp. “Mẹ thích cái ruy băng của con. Con kiếm nó ở đâu ra thế?”

“Trong hộp đồ khâu cũ của mẹ ạ.”

Mẹ gật đầu. “Ông ngoại mua những cái ruy băng đó cho mẹ từ Bỉ đấy.”

Tôi chạm vào cái ruy băng, không biết mình có nên lấy nó không.

“Không, không,” mẹ nói. “Con cứ lấy đi. Nó là để dùng vào việc ấy mà. Hơn nữa,” mẹ nhắc lại, “con trông xinh quá.”

Bà bắt đầu ho. Tôi rất sợ âm thanh đó – cao và yếu, giống như tiếng thở hắt vô vọng của một sinh vật bất lực hơn là tiếng ho thật sự. Bà bị ho cả năm trước khi phát hiện ra bệnh. Y tá bước vào, dùng răng kéo đầu xi lanh, trong khi lấy hai ngón tay vỗ vỗ cánh tay mẹ tôi.

“Thế, được rồi, chị yêu quí, được rồi đây,” cô y tá an ủi, trong khi nhẹ nhàng cắm kim tiêm. “Bây giờ chị sẽ ngủ. Ngủ một chút rồi khi dậy, chị sẽ thấy dễ chịu hơn.”

Mẹ nhìn tôi và nháy mắt. “Mẹ nghi lắm,” bà nói, trong khi bắt đầu lơ mơ.

Tôi lên xe đạp và đạp năm dặm xuống Phố Chính đến thư viện. Tôi bị muộn, và trong khi nhấn bàn đạp, một ý nghĩ bắt đầu hình thành trong đầu tôi rằng Mary Gordon Howard sẽ giải thoát cho tôi.

Mary Gordon Howard sẽ nhận ra tôi.

Mary Gordon Howard sẽ nhìn thấy tôi, và biết, từ trong tiềm thức, rằng tôi cũng là một nhà văn và nhà nữ quyền, một ngày kia tôi sẽ viết cuốn sách làm thay đổi thế giới

Đứng hẳn lên bàn đạp để đạp thật hăng, tôi đã hi vọng ngút trời về một sự biến đổi vĩ đại.

Khi đến thư viện, tôi quẳng chiếc xe đạp vào bụi rậm rồi chạy lên gác đến phòng đọc chính.

Mười hai hàng phụ nữ ngồi trên những chiếc ghế gấp. Mary Gordon Howard vĩ đại đứng trước mặt họ, nửa người dưới của bà khuất sau cái bục. Bà hiện diện như một nữ chiến binh, trong bộ đồ cứng nhắc màu giáp trụ được tôn bật lên với hai miếng độn vai khổng lồ. Tôi bắt gặp một sự chống đối ngấm ngầm trong không khí, và lủi vào sau một cái giá sách.

“Vâng?” bà quát vào một phụ nữ ngồi hàng đầu đang giơ tay. Đấy là Agnosta, bà hàng xóm nhà tôi. “Bà đang nói cái gì luôn hay và tốt?”

Bà Agnosta bắt đầu một cách dè dặt. “Nhưng nếu người ta không bất mãn với cuộc sống của mình? Ý tôi là, tôi không chắc cuộc sống của con gái tôi phải khác với của tôi. Thực ra, tôi rất thích con gái tôi trở nên giống như tôi.”

Mary Gordon Howard cau mày. Tai bà đeo hai viên đá xanh lớn. Và khi bà đưa tay lên chỉnh lại hoa tai, tôi để ý thấy trên cổ tay bà một chiếc đồng hồ hình chữ nhật, đính kim cương. Chẳng hiểu sao, tôi đã không ngờ là Mary Gordon Howard đeo lắm nữ trang thế. Rồi bà hạ thấp đầu xuống như một con bò mộng và nhìn chòng chọc vào bà Agnosta như thể bà này sắp thay đổi. Trong một giây, tôi thực sự lo ngại cho bà Agnosta, người rõ ràng là chẳng biết mình đang lạc vào cái gì, mà chỉ muốn tìm kiếm một chút văn hóa để làm buổi chiều có ý nghĩa hơn.

“Đấy, bà bạn thân mến, bởi vì bà là một bông thủy tiên cổ điển,” Mary Gordon Howard tuyên cáo. “Bà quá yêu bản thân mình, bà tưởng rằng một người phụ nữ chỉ có thể hạnh phúc nếu cô ấy ‘giống như bà’. Bà chính là cái mà tôi đang nói đến, khi ám chỉ dạng đàn bà là chướng ngại cho sự tiến bộ của phụ nữ.”

Phải, tôi nghĩ. Nó cũng khá đúng sự thật. Nếu vào tay bà Agnosta, tất cả phụ nữ sẽ nướng bánh và cọ toilet suốt ngày.

Mary Gordon Howard nhìn quanh phòng, miệng bà vẽ một đường đắc thắng. “Và bây giờ, nếu không còn câu hỏi nào nữa, tôi sẽ rất vui được ký tặng sách cho quí vị.”

Không có câu hỏi nào nữa. Tôi đoán là khán giả đã quá sợ.

Tôi xếp hàng, ôm khư khư cuốn Đồng lòng của mẹ vào ngực. Bà Detooten, giám đốc thư viện, tôi biết bà từ khi còn bé tí, đứng cạnh Mary Gordon Howard, đưa sách cho bà ta ký. Mary Gordon Howard ký vài lần với vẻ khó chịu. Cuối cùng, bà ta quay sang bà Detooten, cằn nhằn, “Những bà nội trợ u mê, tôi e là như thế.” Lúc đó tôi chỉ còn đứng cách hai người. “Ồ, không,” tôi muốn cãi lại. “Hoàn toàn không phải thế đâu ạ.” Và tôi ước gì có thể kể cho bà ta nghe về mẹ tôi và cuốn Đồng lòng đã thay đổi đời mẹ thế nào. Bà Detooten co rúm người, ngượng đỏ mặt, quay lại và nhìn thấy tôi. “Sao, đây là Carrie Bradshaw,” bà kêu lên với giọng vui vẻ quá mức, như thể tôi là người mà Mary Gordon Howard có lẽ thích gặp lắm.

Ngón tay tôi quắp chặt lấy quyển sách. Tôi gần như không thể nhúc nhích cơ mặt, và tôi hình dung mình trông thế nào với đôi môi cứng đờ giữa một nụ cười nhút nhát, ngẩn ngơ.

Khi tôi bắt đầu nghĩ được đến bà, bà Gordon liếc nhìn sang phía tôi, quan sát bộ dạng con bé, rồi quay ra ký tiếp.

“Carrie sẽ thành nhà văn đấy ạ,” bà Detooten nhanh nhẩu.

“Thật thế hả Carrie?”

Tôi gật đầu.

Đột nhiên tôi được bà Gordon chú ý. Bà ta đặt bút xuống. “Và tại sao thế?” bà hỏi.

“Dạ, cháu xin lỗi?” tôi thì thầm. Mặt tôi nóng ran.

“Tại sao cháu muốn thành nhà văn?”

Tôi nhìn bà Detooten cầu cứu. Nhưng bà Detooten trông còn khiếp đảm hơn cả tôi. “Cháu… Cháu không biết ạ.”

“Nếu cháu không tìm ra lí do thật chính đáng để làm, thì đừng làm,” bà Gordon ngắt lời. “Làm nhà văn thì phải có gì đó để nói. Và phải là những điều thú vị. Nếu cháu không có gì thú vị để nói, thì đừng làm nhà văn. Làm cái gì đó có ích hơn đi. Bác sĩ chẳng hạn.”

“Cám ơn bà ạ.” Tôi thì thầm.

Bà Gordon chìa tay ra đón lấy quyển sách của mẹ. Trong một thoáng, tôi đã nghĩ hay là giật nó lại và chạy biến khỏi đây, nhưng tôi quá sợ. Bà Gordon ngoáy tên mình bằng nét chữ sắc và nhỏ rí.

“Cám ơn cháu đã đến, Carrie,” bà Detooten nói, khi quyển sách được đưa lại cho tôi.

Miệng tôi khô khốc. Tôi thin thít gật đầu, loạng choạng đi ra.

Tôi không đủ sức lấy xe đạp nữa. Tôi ngồi phệt xuống vỉa hè, cố gắng lấy lại lòng tự trọng. Những cơn sóng độc địa của nỗi xấu hổ vùi lấp tôi, tôi đợi cho nó qua đi, đứng dậy, cảm thấy mình gần như mất phương hướng. Tôi lên xe đạp, đạp về nhà.

“Nó thế nào, con?” mẹ thầm thì hỏi, lát sau khi bà đã tỉnh. Tôi ngồi trên chiếc ghế gần giường mẹ, nắm tay bà. Mẹ tôi luôn chăm sóc tay mình cẩn thận. Nếu chỉ nhìn tay mẹ, không thể nghĩ rằng bà đang bệnh.

Tôi nhún vai. “Họ không có cuốn sách con muốn.”

Mẹ gật đầu. “Có thể lần sau.”

Tôi không bao giờ kể cho mẹ tôi đã gặp thần tượng của bà, Mary Gordon Howard, như thế nào. Tôi không bao giờ kể với mẹ, Mary Gordon Howard đã ký vào quyển sách của mẹ. Chắc chắn tôi cũng không nói với bà rằng Mary Gordon Howard không phải nhà nữ quyền. Làm sao có thể thành nhà nữ quyền khi đối xử với các phụ nữ khác như đất bùn. Thế thì cũng chỉ như đứa con gái nhỏ nhen kiểu Donna LaDonna thôi. Tôi không bao giờ kể cho bất kỳ ai về vụ va chạm đó. Nhưng nó ở lại trong tôi, như một cú đánh khủng khiếp mà ta có thể đẩy ra khỏi trí óc nhưng sẽ không bao giờ quên hẳn. Mỗi khi nghĩ về nó, tôi vẫn còn cảm thấy nhen lên nỗi xấu hổ. Thế mà tôi đã muốn Mary Gordon Howard giải thoát cho tôi.

Nhưng đấy là chuyện đã qua lâu rồi. Tôi không còn là cô bé đó nữa. Tôi không việc gì phải xấu hổ. Tôi trở mình, ép cái gối dưới má, nghĩ về buổi hẹn với Sebastian. Và tôi cũng không cần được giải thoát nữa.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm