Mở mắt là ra chợ

Người Hà Nội mở mắt ra là nghĩ đến việc đi chợ. Đi chợ để ăn quà sáng, mua thức ăn cho bữa trưa và chiều. Ngay cả đến dân văn phòng chỉ nấu bữa tối cũng không cưỡng được việc đi chợ mua đồ tươi sống hàng ngày. Vì ai cũng biết ở Hà Nội thì chả dại gì đi mua đồ đông lạnh cất tủ nấu dần trong khi ở chợ những thứ tươi ngon ê hề ra. Hàng tươi sống và hơn thế nữa, sự tiêu dùng tùy ứng làm nên tập quán sinh hoạt của dân Hà Nội. Từ đó hình thành nên cả một lối sống, một văn hóa hàng quán chợ búa, thứ mà không có thì chắc thành phố chỉ còn là một nơi toàn cơ quan làm việc buồn tẻ với những người gặm đồ khô cho qua bữa.

Người ta nói chợ Hà Nội đang mất. Nhìn vào thực tế, những cái chợ to đang dần biến thành các trung tâm thương mại hoành tráng: Chợ Cửa Nam, Chợ Hàng Da, Chợ Dừa, Chợ Mơ, những cái chợ pha trộn giữa hàng bán sạp và hàng ngồi nhấp nhổm vỉa hè. Dân Hà Nội thì cũng ít tự nấu nướng tại nhà mà dần chịu đi ăn hiệu hơn. Rồi các ngành quản lý cho đến truyền thông cũng đều thiên vị cho cánh thực phẩm “được đóng dấu” và đóng gói bày ngăn ngắn trong các kệ dán mác “sạch”. Siêu thị hay cửa hiệu cửa kính mặc nhiên được xem là đảm bảo vệ sinh (thì có đủ quy trình kiểm soát đấy thôi), nhưng độ tươi kiểu cá quẫy trong thùng vải sơn với lại tôm nhảy tanh tách thì chỉ có ra chợ. Ra chợ là nắm được hàn thử biểu nền kinh tế xã hội sát sao nhất. Giá vàng giá đô chỉ số chứng khoán có thể không phải ai cũng đủ sức lo toan tới, nhưng giá thịt cá hay rau muống là thứ linh hoạt theo cái sự tươi của chúng, ảnh hưởng đến tất cả mọi người hàng ngày.

Đi xuyên một cái chợ là người ta có thể thâu nhận được văn hóa đường phố, từ những cái suồng sã nhất đến những cái tinh vi nhất. Chợ là một nơi cạnh tranh, nơi không ai tự huyễn hoặc được bản thân. Đấy là nơi mỗi người bán phải trổ tài thuyết phục đám đông về món hàng của mình để không bị ế, nơi những người mua phải vận dụng kinh nghiệm mà mua đúng thứ mình cần không thừa không thiếu. Thứ cạnh tranh này luôn có bộ mặt thực chất, lừa đảo móc túi như cơm bữa nhưng người ta có thể chỉ mặt đặt tên tệ nạn đó, chứ không như những cuộc cạnh tranh phù phiếm về nhan sắc hoặc cao đạo như kiến thức, lắm khi núp dưới những mỹ từ rổn rảng mà nửa tin nửa ngờ. Lắm khi cũng mất tiền oan mà chẳng biết. Ở chợ, mất tiền thì sờ lên ví là biết. Mua phải con cá ươn là biết, đành tự sỉ vả mình chứ về nhà biện minh với chồng sao đây? Kỹ năng đi chợ phần nào phản chiếu một loại kỹ năng sinh tồn săn bắt hái lượm từ xửa xừa xưa. Thay vì vơ đại những bao gói đóng sẵn trong ngăn lạnh siêu thị, bà nội trợ săm soi từng lạng đỗ, kiểm tra từng xăng ti mét vuông miếng thịt dọi như một con sư tử tha mồi về cho bầy con thơ.

Những cái chợ to đều đã được chuyển thành trung tâm thương mại, chợ nhỏ, chợ xanh, chợ cóc vẫn bám trụ ở hang cùng ngõ hẻm. Tập quán sinh hoạt “mở mắt là đi chợ” của người Hà Nội duy trì đã đủ lâu để dân nơi đây không chịu đi xa đến các trung tâm mà xách đồ về. Cộng thêm việc đường phố Hà Nội rất bất tiện cho việc cuốc bộ, bởi vì chính đường phố đã biến thành… chợ. Nhưng như thế lại có nghĩa là tiện cho việc đi chợ. Điều này lý giải tại sao việc thu gom hàng rong vào địa điểm tập kết lại khó đến thế, và cái gì dân sinh hà hơi tiếp sức là y như rằng sống khỏe.

Người ta ưa thanh cảnh hóa không gian sinh sống của dân Hà Nội theo các hướng tôn vinh các địa điểm di tích tâm linh hay văn hóa lịch sử, chứ ít chịu trưng bày cái chợ như là một đại biểu cho sự phồn vinh của đô thị này. So với sự tiện bề gom lại một rọ để xếp hạng này nọ của các di tích, cái chợ là nơi khó lường, mỗi phút ở bên mẹt rau quả là một màn trình diễn thú vị nhất cho ngành dân tộc học và du lịch. Câu ca dao “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” hãy còn bị tranh cãi về bản quyền cái tên, thậm chí còn bị vạch vòi là hàm ý ăn theo hoặc mỉa mai, nhưng danh xưng Kẻ Chợ thì ắt là Hà Nội.

Cái Kẻ Chợ, tức khu 36 phố phường xưa cũ, hình thành trước hết là nhờ các khu dân cư làm nghề sản xuất chuyên từng mặt hàng họp nhau lại thành phố buôn bán. Cách bố trí theo dãy đan thành ô chẳng khác gì những sạp hàng khổng lồ trong một cái chợ lớn. Tất nhiên không đến nỗi muốn mua con gà phải cuốc bộ từ Lò Sũ ở mạn Đông Nam lên tận Hàng Gà ở Tây Bắc khu phố cổ, hoặc muốn mua cái chụm cái vại phải lộn lại cả dặm đường, nhưng tinh thần tiện lợi ùa ra mặt đường nổi lên như một đặc tính còn duy trì đến tận ngày nay. Nó làm nên cốt cách của lối sinh hoạt phố phường Hà Nội. Khi được sắp xếp ổn định và trật tự, nó hài hòa với quy mô gia đình truyền đời trong một tổng thể phố nghề quan hệ chặt chẽ, đa phần là người cùng làng ở những vùng quê lân cận lên Hà Nội làm ăn từ lâu. Sự hài hòa ấy trước hết thể hiện ở kiến trúc khá đồng nhất với nhau, các không gian có diện tích vừa đủ cho dân số sinh tồn. Trong một không gian nhịp nhàng như thế, những phần “trang sức” như thú ăn chơi, kiểu làm dáng này nọ cũng mang nhịp độ nhẩn nha tương ứng.

Bây giờ không còn thuần những dãy phố cổ chuyên bán một mặt hàng, nhưng phố nào ở Hà Nội mà có buôn bán thì cũng đều thừa hưởng tinh thần bám vỉa hè, bám mặt đường mà kinh doanh. Cái thời đồ thủ công chiếm ưu thế mới sinh ra được những dãy phố khéo tay hay nghề đã thay bằng thời phố dịch vụ. Cốt cách tự tin về hàng chất lượng đã không còn quan trọng bằng khéo mồm giữ khách. Đã bán đồ Trung Quốc thì hiệu nào chả giống hiệu nào! Hiện giờ thì phở chửi cháo quát còn vượng, nhưng càng ngày càng bị nhắc tới nhiều chứng tỏ kiểu làm ăn như vậy sắp mất vị thế đến nơi. Khẩu vị đa dạng hơn, nhu cầu nhiều hơn, thêm vào đấy người Việt nào nhạy bén chút cũng có khả năng đứng ra kinh doanh trong cái thời “không giàu là có tội”.

Cung cách sống chợ búa in đậm lên cách ứng xử dân Hà Nội, vừa giúp thay đổi sự trì trệ kiểu công chức hàng chục năm, vừa là thứ làm cho tính cách dân ở đây phải thực tế, linh hoạt biến đổi với thời cuộc. Nhiều người dị ứng với những thứ xoe xóe cạnh khóe đầu đường xó chợ, nhưng cái chửi nhau ở chợ có điếc tai xô xát nhưng là cái mâu thuẫn rành mạch, rõ ràng. Rõ ràng rành mạch như con cá quả đang giãy đành đạch trong thau bà bán hàng, tuy có lúc bị cân điêu nhưng mà chắc chắn tươi chứ không mơ hồ cứng đông như khúc cá ép túi nylon trong ngăn đá siêu thị.

Nguyễn Trương Quý

Nhận xét

lvu đã nói…
Bai hay.

Thuc ra to lai khoai an do sieu thi. Ca tuoi cung co ca do. Thit thi theo to chac chan ngon hon thit o ta ban ngoai cho. Ve nha muon nau cai gi do ma khong lam sao kiem du ingredients de lam thanh mon.
Do đã nói…
Em cũng đồng ý là bài hay. Cơ mà muốn hỏi anh Qúy là anh có hay đi chợ không? :)

Đ.Hoài
Unknown đã nói…
Đi chứ, đi còn xem xiếc sư tử :-)
Khuê Việt đã nói…
Xưa có đọc một câu thơ đâu đó, của Huy Cận thì phải, nói với bạn Lào (?) - già rồi đầu óc lẩn thẩn thế, đại khái bảo này:

Bạn sang đây xem chợ, tớ sang đấy thăm chùa.

Có đúng không AQ? ;)
Unknown đã nói…
Trời ơi, lại còn có điển cố Huy Cận khi xưa hay sầu lắm cơ à :-)
Hình như văn học hiện thực XHCN không để lại ấn tượng gì về chợ nhỉ, ngành thương nghiệp chẳng có bài hát nào hay cả ^^

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm