Hãm hiếp hậu chiến: Lính Mỹ có tệ như lính Liên Xô?
Klaus Wiegrefe
Trong hình dung quen thuộc, lính Mỹ ở Đức thời hậu chiến được yêu quý và cư xử tử tế. Nhưng một cuốn sách mới khẳng định rằng lính Mỹ đã hãm hiếp tới 190 nghìn phụ nữ vào lúc kết thúc Thế chiến II. Có chút sự thật nào trong lời cáo buộc gây tranh cãi đó không?
Những gã lính tới vào lúc tối trời. Họ xộc vào nhà và cố gắng lôi hai người phụ nữ lên gác. Nhưng Katherine W. và cô con gái 18 tuổi Charlotte đã vùng chạy thoát được.
Nhưng những gã lính không dễ dàng bỏ cuộc. Họ bắt đầu lục soát mọi ngôi nhà trong vùng và cuối cùng tìm thấy hai người phụ nữ ở trong một cái buồng nhỏ của một nhà hàng xóm ngay trước lúc nửa đêm. Những gã đàn ông lôi họ ra và quăng họ lên hai cái giường. Tội ác mà sáu tên lính đã thực hiện vào tháng Ba 1945, ngay gần trước khi Thế chiến II kết thúc. Cô gái kêu cứu: “Mẹ ơi. Mẹ ơi.” Nhưng không có ai tới.
Hàng trăm ngàn, có thể là hàng triệu những người phụ nữ Đức đã trải qua số phận tương tự cùng lúc đó. Thường thì những cuộc hãm hiếp tập thể được buộc tội cho Hồng quân ở phía Đông nước Đức. Nhưng trường hợp này thì khác. Những tên hiếp dâm là lính của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và tội ác diễn ra ở Sprendlingen, một làng nhỏ gần sông Rhine ở miền Tây.
Vào lúc chiến tranh chấm dứt, khoảng 1,6 triệu lính Mỹ đã tiến vào sâu trong nước Đức, và cuối cùng đã gặp cánh quân Liên Xô ở sông Elbe. Ở Mỹ, những người đã giải phóng châu Âu khỏi ách phát xít được gọi là “Thế hệ Vĩ đại nhất”. Và người Đức cũng phát triển hình ảnh tích cực của những người tiếp quản/chiếm đóng: những người lính dễ thương phân phát kẹo cao su cho trẻ em và làm vui các quý cô người Đức bằng nhạc jazz và nylon.
Nhưng hình ảnh đó có đồng nhất với thực tế? Nhà sử học người Đức Miriam Gebhardt, nổi tiếng ở Đức với cuốn sách về nhà nữ quyền hàng đầu Alice Schwarzer và phong trào nữ quyền, vừa xuất bản một cuốn sách mới gây nên sự nghi ngờ về phiên bản được chấp nhận lâu nay của vai trò của nước Mỹ trong lịch sử hậu chiến Đức.
Lính Mỹ xem các cô gái Đức bơi, 7/1945. Ảnh trong phóng sự ảnh của tạp chí Life. |
Những bản báo cáo từ Kho lưu trữ Thiên chúa giáo
Tác phẩm vừa ra mắt hôm thứ Hai ở Đức, đã đưa ra một cái nhìn gần cận hơn về việc hãm hiếp phụ nữ Đức của cả bốn tứ cường chiến thắng khi Thế chiến II kết thúc. Đặc biệt, cái nhìn của tác giả về hành vi của lính Mỹ làm người đọc sửng sốt. Gebhardt tin rằng lính Mỹ đã hãm hiếp tới 190 nghìn phụ nữ Đức cho tới lúc Tây Đức giành được quyền tự quyết vào năm 1955, với hầu hết các vụ xâm hại diễn ra trong những tháng ngay sau khi người Mỹ xâm chiếm nước Đức Quốc xã.
Tác giả đưa ra các cáo buộc dựa trên số lượng lớn những bản báo cáo do các linh mục xứ Bavaria lập vào mùa hè năm 1945. Tổng giám mục Munich và Freising đã yêu cầu giới tu sĩ lưu giữ các báo cáo về việc đổ bộ của quân Đồng minh và tòa Tổng giám mục đã xuất bản các phần trích lục từ Kho lưu trữ vài năm trước.
Michael Merxmüller, một linh mục ở làng Ramsau gần Berchtesgaden, đã viết vào ngày 20/7/1945, ví dụ: “Tám cô gái và phụ nữ bị hãm hiếp, vài người bị trước mặt bố mẹ họ”.
Cha Andreas Weingand, ở Haag an der Amper, một ngôi làng nhỏ bé ngay phía bắc sân bay Munich ngày nay, đã viết vào ngày 25/7/1945: “Sự kiện đau lòng nhất trong cuộc đổ bộ là ba vụ hãm hiếp, một phụ nữ đã có chồng, một phụ nữ độc thân và một cô bé 16 tuổi rưỡi trong trắng. Họ đều bị hiếp bởi những người Mỹ say rượu bí tỉ”.
Cha Alois Schiml ở Moosburg viết ngày 1/8/1945: “Do quy định của chính quyền quân sự, một danh sách mọi nhân khẩu và tuổi của họ phải được dán ở cửa mỗi nhà. Kết quả của lệnh này không khó để hình dung ra. …Những cô gái mười bảy tuổi hay những người phụ nữ … được đưa đến bệnh viện, bị lạm dụng tình dục một hoặc nhiều lần”.
Nạn nhân trẻ nhất được đề cập trong bản ghi chép là một đứa bé bảy tuổi. Già nhất là một phụ nữ 69 tuổi.
Những dục vọng của con đực
Các bản ghi chép đã dẫn tác giả Gebhardt tới việc so sánh hành vi của lính Mỹ với những sự làm nhục đầy bạo lực gây ra do Hồng quân ở nửa phía Đông đất nước, nơi những vụ hãm hiếp tập thể tàn bạo và những phi vụ cướp bóc bao trùm lên sự tiếp nhận của đại chúng đối với sự chiếm đóng của Liên Xô. Tuy nhiên Gebhardt nói rằng những vụ hãm hiếp xảy ra ở vùng Thượng Bavaria cho thấy chẳng có gì khác mấy ở phía Nam và Tây Đức hậu chiến cả.
Nhà sử học cũng tin rằng các động cơ cũng tương tự. Cũng như các đồng minh Hồng quân của mình, lính Mỹ, bà tin rằng, kinh hãi về tội ác của người Đức, cay đắng vì những nỗ lực vô nghĩa và nguy hiểm đến tính mạng của họ để bảo vệ đất nước tới phút cuối, và giận dữ về mức độ thịnh vượng khá cao của nước này. Hơn nữa, sự tuyên truyền ở thời điểm đó chuyên chở ý tưởng rằng phụ nữ Đức hấp dẫn lính Mỹ, vì thế thôi thúc những dục vọng đàn ông.
Những ý kiến của Gebhardt có gốc rễ vững chắc trong hệ thống chủ lưu của giới nghiên cứu hiện nay. Khi vụ scandal tra tấn tù nhân ở Abu Ghraib và các tội ác chiến tranh khác do lính Mỹ gây ra ở Irag và Afghanistan bùng lên, nhiều nhà sử học đưa ra cái nhìn phê phán hơn về hành vi của quân đội Mỹ trong những ngày ngay trước và sau khi Thế chiến II kết thúc ở Đức. Những nghiên cứu trong những năm gần đây đã rọi ánh sáng vào những vụ liên quan đến việc lính Mỹ cướp phá nhà thờ, giết thường dân Ý, giết tù binh Đức và hãm hiếp phụ nữ, thậm chí khi họ tiến quân qua Pháp.
Mặc dù có những phát giác như vậy, người Mỹ vẫn được xem như có kỷ luật tương đối khá so với Hồng quân và lính Pháp – sự khôn ngoan thường tình mà Gebhardt hi vọng có thể nghi vấn. Dẫu vậy, mọi bản ghi chép được thu thập trong Nhà thờ Công giáo Bavaria chỉ thêm vào được vài trăm trường hợp. Hơn nữa, các tu sĩ thường khen hành vi “rất đúng đắn và đáng kính” của lính Mỹ. Các ghi chép của họ dường như cho thấy việc lạm dụng tình dục của lính Mỹ có tính ngoại lệ hơn là bản chất.
Vậy thì làm thế nào mà nhà sử học đi tới chỗ có con số gây sốc là 190 nghìn vụ hãm hiếp đó?
Bằng chứng đầy đủ?
Con số tổng không phải là kết quả của một nghiên cứu sâu trong lưu trữ khắp đất nước. Nó là một phép ngoại suy thì đúng hơn. Gebhardt đưa ra sự ước định rằng 5 phần trăm số “trẻ em chiến tranh” được sinh ra có mẹ là những phụ nữ không có hôn thú ở Tây Đức và Tây Berlin vào giữa thập niên 1950 là sản phẩm của hãm hiếp. Nó đưa đến kết quả tổng cộng 1900 trẻ em có bố là người Mỹ. Gebhardt còn suy luận xa hơn rằng tính trung bình, cứ 100 vụ hãm hiếp thì có một ca sinh. Kết quả bà đưa ra là con số 190 nghìn nạn nhân.
Một kết quả như thế, thực vậy, dường như khó mà thừa nhận được. Khi con số thực sự cao như thế, nó hầu như chắc chắn phải có nhiều báo cáo về hãm hiếp trong hồ sợ của các bệnh viên hay các nhà chức trách y tế, hoặc phải có nhiều hơn những báo cáo của các nhân chứng. Gebhardt không thể đưa ra bằng chứng nào có số lượng đầy đủ như vậy.
Một sự ước lượng khác, xuất phát từ giáo sư ngành tội ác học Mỹ Robert Lilly, người đã nghiên cứu các vụ hãm hiếp bị xử ở các tòa án binh Mỹ, có con số là 11 nghìn vụ xâm hại tình dục nghiêm trọng diễn ra vào tháng 11 năm 1945 – một con số ngay bản thân nó cũng đủ kinh khủng.
Nhưng Gebhardt chắc chắn đúng ở một điểm: Đã quá lâu, nghiên cứu lịch sử bị áp đảo bởi ý kiến rằng các vụ hãm hiếp do lính Mỹ gây ra là không thể nào có vì phụ nữ Đức chỉ muốn nhảy ngay lên giường với họ.
Tuy vậy, người ta sẽ diễn dịch lời phàn nàn được ghi lại của một người chủ khách sạn ở Munich ngày 31/5/1945 như thế nào đây? Bà ta ghi lại rằng lính Mỹ trưng dụng vài phòng và có bốn phụ nữ “chạy vòng quanh, hoàn toàn trần truồng” và “đổi phòng vài lần”. Có thực sự là tình nguyện không?
Ngay cả nếu không phải người Mỹ đã gây ra tới 190 nghìn vụ tội ác tình dục, vẫn là điều đúng đối với các nạn nhân hãm hiếp hậu chiến – là không thể chối cãi rằng có một hiện tượng phổ biến lúc Thế chiến II kết thúc, không có “văn hóa của trí nhớ, không có sự ghi nhận công khai, không có lấy một lời xin lỗi” từ những kẻ chiếm đóng, Gebhardt viết. Và ngày nay, 70 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, điều không may là không có vẻ như tình hình sẽ sớm thay đổi.
NTQ dịch
Nhận xét