Phản đề cho phố cũ
Nhìn vào khung cảnh đô thị Hà Nội đầu thế kỷ XXI, ta có thể thấy đang diễn ra cuộc đua tranh giữa hai khu vực kiến trúc: khu phố cũ và những khu đô thị mới. Đệm giữa hai khu là những khu phố nhà ống bám theo mặt đường và chen chúc trong các ngõ. Điểm xuyết trên cái nền lộn xộn đó là những cao ốc mang phong cách quốc tế và những công trình công cộng biệt lập mang hình thức nhắc lại kiến trúc cổ điển. Những khu tập thể cũ được thay thế bằng những khu chung cư cao tầng hơn, cố gắng xóa bỏ ấn tượng xấu của kiến trúc tập thể thời bao cấp. Mặc dù không khí bất động sản cực kỳ sôi động ở các khu vực mới, nhưng khu phố cũ (gồm khu phố cổ và khu phố Pháp) vẫn duy trì vai trò hạt nhân văn hóa của Hà Nội. Dưới áp lực dân sinh và ảnh hưởng vật liệu mới, khu vực phố cũ đã biến dạng mạnh mẽ.
Nếu tính về diện tích sàn tham quan, là thứ có tính “chính thức” trong quỹ điểm đến của chính quyền phải tính đến khi bước chân du khách sẽ phải tốn thời gian để phủ khắp, thì Hà Nội hãy còn khiêm tốn. Ví dụ, bảo tàng Hà Nội mới khánh thành chỉ có 54.000m2 với 50.000 mẫu vật, trong khi bảo tàng Louvre ở Paris là 210.000m2 và 380.000 mẫu vật. Tất nhiên so sánh một Hà Nội vẫn còn loay hoay về công nghệ du lịch với những Paris, Rome đã tồn tại dịch vụ thăm viếng cả thế kỷ thì khập khiễng. Với Hà Nội, khái niệm thành phố du lịch mới chỉ hình thành từ giữa những năm 1990 trở lại đây, gắn với mốc khách sạn 5 sao đầu tiên Sofitel Metropole được tu sửa vào năm 1996. Mười lăm năm qua, nội thành Hà Nội được mở rộng 2 lần, song về cơ bản những tuyến du lịch nội thành vẫn không có bổ sung mấy về điểm đến cũng như loại hình hoạt động.
Lan can ban công một ngôi nhà trên đường Trần Quang Khải.
Chúng ta hãy nhìn vào hạt nhân màu mỡ để du lịch hái ra tiền là khu phố cổ và khu phố Pháp. An ủi nhau bằng ý niệm cái giá trị phi vật thể vẫn còn, cái không gian quần cư đông đúc “sinh động” như món ăn lạ đối với du khách, chúng ta tiếp tục khai thác ở khía cạnh có phần tạm bợ đó mà không biết nếu thay thì thay bằng cái gì? Chúng ta đều biết cái vẻ náo nhiệt “sống vui phố hè” của những khu phố chợ Hà Nội sẽ không còn tồn tại mãi trước lối sống theo hình mẫu đô thị toàn cầu. Cách thức sinh hoạt cũ đã chuyển dịch, kéo theo sự vụn rã của khối kiến trúc được cố kết hơn trăm năm.
Một ngôi nhà cũ trên đường Trần Quang Khải.
Thực tế mô hình buôn bán lấy vỉa hè và mặt đường làm khung sườn cho hoạt động thương mại không được các mô hình quy hoạch ưu tiên cũng như các nhà quản lý đô thị đề cao. Song nghịch lý ở chỗ chính trạng thái tồn tại đó của đường phố Hà Nội lại là sự hấp dẫn cho ngành du lịch. Tất cả các tour tham quan Hà Nội được số đông du khách lựa chọn đều có khu phố cổ, và hơn thế nữa, lấy đó làm hạt nhân cho hành trình khám phá thành phố. Nếu như Hồ Gươm hay các công trình kiến trúc đơn lẻ trong tour đều sắp sẵn một hình thái có tính bảo tàng hoặc tĩnh tại thì khu phố dân sinh mới là không gian biến đổi khiến khách du lịch ngỡ ngàng và ai cũng tìm thấy chỗ cho chính mình.
Có những nét kiến trúc nhất định như mái ngói xô nghiêng, mặt tiền nhà ống trang trí kiểu cổ điển Pháp, nhịp điệu của hàng quán như phố Tàu, vv… làm nên những điểm hoa mỹ xinh xẻo cho những khu phố này, nhưng nếu trông chờ vào những mảnh lẻ loi ấy thì không thể so được với cả rừng mái ngói như tranh vẽ ở Lệ Giang (Trung Quốc) hay mặt tiền đều tăm tắp như Malacca (Malaysia), hoặc gam mầu trầm hài hòa như Hội An, những đô thị cổ thường được dùng làm so sánh cho Hà Nội. Chỉ cần nhìn vào bức ảnh chụp phố cổ từ trên cao hiện tại là có thể thấy đại bộ phận là mái tôn và những ngôi nhà bê tông nhiều tầng mọc lên lộn xộn không theo trật tự nào, như thể một khu ổ chuột xấu xí. Phố cổ Hà Nội thể hiện bản chất của thẩm mỹ kiến trúc đô thị bình dân Việt Nam: chỉ chú trọng mặt tiền. Điều này tương ứng với bản chất kinh doanh khá manh mún và dịch vụ ngắn hạn trong một xã hội đang phát triển nóng thiếu bền vững. Đặc tính này dĩ nhiên phổ biến ở những khu phố mới, khi mà các ngôi nhà ống chỉ có mỗi mặt tiền lấy ánh sáng và xây hết khổ đất tựa như những cái hộp diêm kín mít để tận dụng cho mục đích kinh doanh cũng như cư trú. Các khu biệt thự mặc dù khắc phục được tình trạng này nhưng lại không gây được ảnh hưởng đến những ngôi nhà lầu ở nông thôn. Ở những nơi đó, chủ nhân dường như bê nguyên xi một ngôi biệt thự về song xây kín đất và né tránh việc giải quyết những mặt đứng phụ bằng cách bịt kín chúng, cho dù khổ đất thừa rộng rãi.
Khu Cầu Gỗ, Hàng Đào - hạt nhân của "phố cổ" nhìn từ trên cao.
Mỹ cảm cộng đồng đang dành cho đô thị Hà Nội vừa là tinh thần “tân cổ điển” dành cho sự chông chênh của những vẻ đẹp tàn tạ, phản ánh nhận thức được bồi đắp về một giai đoạn Hà Nội tiền chiến được thiết lập bởi trật tự mới những thập niên đầu thế kỷ XX. Thật khó để nhận xét đúng đắn khi những gì chúng ta được biết là qua những tấm ảnh, vài thước phim tài liệu hoặc sâu đậm hơn, là dồi dào không khí văn hóa được phản ánh qua sách vở, âm nhạc và hội họa. Song sản phẩm kiến trúc và quy hoạch thời đó là kết quả của một sự áp đặt thực dân nhưng đã xâm nhập vào đời sống người Việt vì những giá trị văn minh mới, trở thành một biểu tượng có sức hấp dẫn lâu dài. Bằng chứng là đến giờ, chiếm áp đảo trong mô típ kiến trúc mới là thức cổ điển Pháp được tái sử dụng, những gì đảm bảo gắn kết công trình với di sản kiến trúc cũ của Hà Nội, và sâu xa hơn, đưa ra tín hiệu về sự thịnh vượng, giàu sang và tự hào bản thân, như một bằng chứng của chủ nhân về địa vị mới đạt được. Thực tế việc chạy theo hình thức kiến trúc cổ điển không hẳn đã là sự nô lệ về tư duy, mà nhiều khi chỉ nói lên rằng sức hấp dẫn của một trật tự và hình thức cũ vẫn còn rất mạnh.
Những góc liên hoàn trên một tuyến phố Cầu Gỗ nhìn về trung tâm khu "phố cổ".
Trật tự cũ và hình thức cũ càng tàn tạ, càng có nguy cơ biến mất thì lại càng như một thỏi nam châm thu hút sự khai thác. Sự khai thác lại gây ra biến dạng do nhu cầu sinh sống, xuống cấp, cơi nới cũng như sửa chữa, đến lượt nó lại trở thành tác nhân tự hủy. Tựa như chúng ta cứ vắt kiệt một quả chanh mà không bổ sung được nội dung mới. Điều này chúng ta đều ý thức được, và đòi hỏi của thời gian tới là cần một hình thái kiến trúc đối trọng hấp dẫn. Hơn thế nữa, là một không gian văn hóa bên trong nó, điều mà những khu phố cổ và phố cũ đã làm được rất tốt trong thế kỷ qua.
Nguyễn Trương QuýDoanh nhân Sài Gòn số Xuân 2011
Nhận xét