Trả lời Văn Nghệ Trẻ 10.5.2012

Bài này do Văn Nghệ Trẻ phỏng vấn xoay quanh chuyện viết tản văn. Mời bà con quá bộ đọc, coi như nghe quảng cáo "máy lọc nước hàng đầu VN" :-)

XÁC LẬP MỘT GÓC RIÊNG MÌNH

Lặng lẽ viết, từ năm 2002 đến nay, Nguyễn Trương Quý đã xuất bản bốn tập tản văn, có những tập đã được tái bản 4, 5 lần. Kiên trì  với tản văn – thể loại mà đến giờ vẫn có người gọi đó là “văn học loại hai”, hay là đoạn nghỉ giải lao giữa thời gian viết lách của mình; tập sách vừa ra mắt của anh có nhan đề “Xe máy tiếu ngạo” tiếp tục thu hút sự quan tâm của bạn đọc bởi lối viết dung dị, dí dỏm, và sắc sảo. VNT đã có cuộc trò chuyện với tác giả Nguyễn Trương Quý.

Viết tản văn cũng phải có luật chơi
  • Tản văn là thể loại được nhiều tác giả tìm đến, nhưng với ý nghĩa như là sự giãn cách, thư giãn giữa những sáng tác truyện ngắn hoặc thơ. Còn anh – đến bây giờ, với bốn tập tản văn đã được xuất bản – chứng tỏ sự kiên trì, và quyết tâm xác lập một “giọng riêng” của Nguyễn Trương Quý trong văn chương. Anh có thể chia sẻ tâm sự về sự lựa chọn khá đặc biệt này của mình?
Có lẽ sự tình cờ xảy ra khi tôi tham gia viết cho một vài tờ báo giấy và báo mạng. Những chỗ đó dường như nhiều đất và rất ưu ái cho thể loại tản văn, và khi ấy dường như ít người chọn tản văn. Vậy là tôi bập vào, viết với sự thoải mái hết mình và nhờ sự động viên của một số anh chị nhà văn lớp trước, tôi có cơ hội theo đuổi thể loại này. Tôi cũng là người hơi ôm đồm, đa mang nhiều việc trong cuộc sống nên tản văn rút cục là thứ chứa được tất cả những thứ tôi có.

  • Theo anh, viết tản văn khó nhất là ở điểm nào?
Thường thì người viết trọng kỹ thuật chọn lối vòng vèo nhiều thủ pháp đánh lừa người đọc hoặc gài bẫy, phục bút để độc giả thu được sự khoái trá khi đọc xong. Tuy vậy, đạt tới sự giản dị và nhuần nhuyễn trong cách viết mà giấu được những kỹ thuật đi là điều khó nhất. Đó là thách thức trong việc tiếp cận chủ đề.

  • Theo đuổi thể loại tản văn, có tác giả nào anh yêu thích và coi đó là “người thầy lớn” của mình?
Trước đây tôi thích đọc tản văn Giả Bình Ao nhưng không hề ý thức đó là tản văn và cũng chưa chuẩn bị tinh thần mình sẽ viết như thế nào. Tôi đã từng thích rất nhiều tác giả viết tản văn, tùy bút. Nguyễn Công Hoan cho tôi bài học về sức mạnh của sự tự nhiên. Vũ Bằng cung cấp một khả năng có thể vô cùng duy mĩ mà vẫn dễ hiểu. Đỗ Kh. là sự dí dỏm hài hước rối rắm mà cuốn hút lạ lùng. Hoặc sự tiết chế cao độ của Phan Thị Vàng Anh hoặc khả năng tỉnh táo đến mức khó tin như Phạm Thị Hoài.

  • Đọc cuốn tản văn mới nhất của anh có nhan đề “Xe máy tiếu ngạo”, người đọc nhận thấy rất rõ một “vốn liếng” kiến thức phong phú, đa dạng, thậm chí nhiều lúc rất tỉ mỉ, kĩ lưỡng. Yếu tố nào được anh coi trọng nhất khi viết một tản văn?
Khi bắt tay viết một bài tản văn, tôi luôn đặt ra vấn đề mình viết để ai đọc và người ta đọc trong bối cảnh nào? Tiểu thuyết có thể cất ngăn kéo, thơ có thể âm thầm giữ kín, còn tản văn phải giải quyết một nhu cầu giải tỏa, xét nghiệm hoặc giãi bày với xung quanh. Dường như không có thể loại sáng tác nào lại tương tác mạnh với độc giả như tản văn. Người viết tản văn giống như một người dẫn dắt chương trình (host) trên các talkshow ngày nay, anh ta có thể nói trời nói biển nhưng luôn biết rằng có một cử tọa đang theo dõi. Thiếu yếu tố này, tản văn như nhiều người e ngại, dễ trở thành thứ văn thổ lộ cảm xúc du dương, co cụm và khó khiến người ngoài nhận thấy tác giả thực đang muốn chia sẻ với mình.

Nhưng viết tản văn thì mình cũng phải có luật chơi. Người này cũng giống như một tổng biên tập, quyết định độc giả được đọc cái gì và dẫn dắt họ theo cách của mình. Viết vì độc giả nhưng không chiều ai cả, ngay cả bản thân người viết. Viết tản văn mà lan man không tiết chế, rất dễ có những câu chữ thừa thãi và giao đãi làm dáng. Bản thân tôi luôn cố gắng tránh điều đó nhưng cũng nhiều khi sa bẫy chính mình.

Tâm lý giới văn chương vẫn coi tản văn chỉ là văn học loại hai
  • Tập tản văn “Xe máy tiếu ngạo” tạo được sự hấp dẫn và lôi cuốn độc giả bởi  qua những câu chuyện về xe máy, đời sống đô thị được khắc họa sinh động, sắc nét bằng giọng văn hoạt, đời thường và hóm hỉnh. Tuy nhiên anh có nghĩ rằng “Xe máy tiếu ngạo” nói riêng, và thể loại tản văn hiện nay của chúng ta còn khá kén độc giả?
Tôi không nghĩ là kén, vì khá nhiều tản văn của nhiều tác giả được in gần đây, và gần như các nhà văn có tiếng đều đã viết tản văn. Thậm chí với bản thân tôi, 2 cuốn tản văn trước cũng đã được tái bản tới 4, 5 lần. Tuy nhiên, tôi nhận thấy tâm lý giới văn chương vẫn coi tản văn chỉ là văn học loại hai. Ngay một tác giả như Nguyễn Việt Hà khi trao đổi với tôi cũng chỉ coi tản văn là sản phẩm đệm trong lúc thai nghén những cuốn tiểu thuyết của anh. Thực ra vấn đề thể loại không còn quá quan trọng trong đời sống văn học hiện đại thế giới nữa. Đã có giao thoa giữa thơ và văn xuôi thì cũng có những tản văn có kết cấu của một truyện ngắn. Có lẽ ý thức về ngôn ngữ thông qua tác phẩm tản văn mới quyết định phẩm chất văn chương của nó. Một khi đã hay thì độc giả sẽ đón nhận thôi.

  • Điều thú vị nữa ở “Xe máy tiếu ngạo” đó là các tản văn kết hợp thành một câu chuyện tuần tự, chặt chẽ. Cuốn sách được viết, bố cục một cách có ý tưởng rõ ràng từ đầu, nó khác với nhiều cuốn tản văn được xuất bản thời gian qua, tác giả thường gom những bài tản văn đã đăng báo để in sách. Anh có thể nói gì về điều này?
Đúng là đại bộ phận các cuốn tản văn hiện giờ đều tập hợp các sản phẩm đã đăng báo. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc việc viết tản văn với ý thức về ngôn ngữ như tôi đã nói ở trên. Nếu chỉ đơn giản là những mẩu chuyện ghi chép dăm ba điều ở cuộc sống hoặc bình tán có tính thông tấn thì sự lặp lại dễ xảy ra trong một cuốn sách. Với tôi, mỗi một bài tản văn là một câu chuyện có đầy đủ lớp lang như một truyện ngắn, có ý tứ và thông điệp như một tiểu luận và may mắn thì, có những điều đẹp đẽ giàu chất thơ. Chúng tựa như từng chương trong một giai đoạn cuộc đời trong vài năm, tôi tới lui, trở đi trở lại với đối tượng mình quan sát, sống chung với nó hàng ngày. Mỗi “chương” giải quyết một vấn đề, và vấn đề cũng dần biến đổi theo hiểu biết và trải nghiệm của tôi trong ngần ấy năm, có khi là hàng tháng.

  • Tiếp tục cuốn thứ tư, những câu chuyện đời sống Hà Nội được hiển hiện. Luôn luôn là Hà Nội, vì sao vậy?
Ngoài lý do Hà Nội là nơi tôi sống thì dường như thành phố này tụ hội quá nhiều điều để bất cứ nhà văn nào lấy cảm hứng từ nó. Tôi nghĩ nếu mình sống ở một thành phố khác, có khi mình cũng sẽ viết về cuộc sống ở đó thôi, nhưng không đâu tạo ra cho ta cảm giác rối bời bùng nhùng như Hà Nội. Cảm giác đó ám ảnh người viết, buộc họ tìm cách tháo gỡ. Quá trình đó đối với tôi là một trải nghiệm không phải ai và không phải lúc nào cũng có, nên tôi coi đó là vốn liếng để mình viết. Cuộc sống ở Hà Nội nhiều khi gây cảm giác buồn chán thật, nhưng mổ xẻ sự buồn chán ấy cũng là điều hay chứ? Và đấy là một thách thức thú vị. Mỗi ngày tôi phóng xe máy ra phố là một ngày tôi chờ đón một chuyến du ngoạn hay nhất đời mình.

  • Cả bốn cuốn sách đã xuất bản của anh đều nói về Hà Nội. Liệu bên cạnh việc “chuyên biệt” với thể loại tản văn, Nguyễn Trương Quý cũng sẽ chỉ dành nói về Hà Nội trong các trang viết của mình như một vài tiền bối đã từng theo đuổi?
Nếu viết được thật ra trò về nơi mình sống thì còn gì bằng! Có nhiều điều để viết về thế giới xung quanh như với Hà Nội, tất cả còn do vốn liếng trải nghiệm của người viết. Tất nhiên, ngoài những trang viết lấy Hà Nội làm đối tượng nghệ thuật, thì tôi cũng muốn mở rộng không gian cho những câu chuyện, và cả những nhân vật của mình nữa.

Sự chuyên nghiệp chính là ở chỗ làm đến nơi đến chốn việc mình đã chọn
  • Hà Nội chuyển động không ngừng, và những bóng dáng/vẻ đẹp xưa cũ dần bị phai nhạt. Hà Nội giờ đây ám ảnh là tắc đường, là khói bụi, là nhà cao tầng giăng khắp chốn, là người tứ xứ về lập nghiệp. Anh nghĩ gì về sự thay đổi diện mạo của Hà Nội hôm nay?
Tôi nghĩ đấy là chuyện bình thường và đáng lẽ phải diễn ra lâu rồi. Nếu chúng ta không cưỡng lại được sự đổi thay thì hãy làm cho sự đổi thay ấy hữu ích hơn. Tôi sợ nhất là nhân danh sự gìn giữ để kìm hãm sự phát triển và che đậy cho sự mục ruỗng bên trong, rút cuộc là sự chắp vá và vẻ đẹp giả hiệu. Lột xác một đô thị cũng gây đau đớn như mổ xẻ một cơ thể, nhưng để tồn tại bền vững, tôi không tin là có những phương thuốc kiểu “đông trùng hạ thảo” chữa bách bệnh. Có điều sự thay đổi phải có mục tiêu rõ ràng và thiết thực.

Nhân đây tôi xin lấy một ví dụ. Chúng ta gần đây hay hồi cố và phục dựng lại hình ảnh về một Hồ Gươm xa xưa và nghĩ là nên thơ hơn bây giờ nhiều. Nhưng trong cuốn “Hà Nội giai đoạn 1873-1888” của André Masson, thì tác giả có dẫn ghi chép của một người Pháp thời mới chiếm Hà Nội thì viết rằng: “quanh Hồ Gươm là những căn nhà lụp xụp hôi thối thải đủ thứ xuống hồ”. Sau đấy thì ta đã có một Hồ Gươm là công trình được quy hoạch hoàn chỉnh nhất trong số các quy hoạch ở nước ta. Hay mới đây, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mà tôi cho là thành công nhất về phương diện thay đổi là con đường mới bao quanh Hồ Tây (ở đây không nói tới vấn đề lấn chiếm làm hẹp lòng hồ). Chỉ có lúc này, người ta mới có thể đi gần trọn một vòng quanh mặt hồ vẫn được xưng tụng đủ danh hiệu. Con đường ven hồ này làm Hồ Tây phơi mặt ra đến mức có vẻ như hết cả vẻ huyền thoại. Nhưng chúng ta đã sống quá lâu với một Hà Nội có nhiều huyền thoại mà tù mù giá trị, nên con đường ven hồ này thực sự là một cuộc lột xác tích cực.

  • “Tự nhiên như người Hà Nội”, rồi “Ăn phở rất khó ngon”, “Hà Nội là Hà Nội” và bây giờ là “Xe máy tiếu ngạo”, cuốn nào anh thấy yêu hơn cả?
Mỗi cuốn đánh dấu một giai đoạn viết của tôi. Theo thời gian thì tôi thấy mình trưởng thành hơn về cách viết, từ chỗ đậm nét hồn nhiên đến lúc đã chín chắn hơn. Có lẽ cuốn mới nhất, “Xe máy tiếu ngạo” là tôi bây giờ, nên tương đối hài lòng hơn. Nó đã gần đến cách viết tôi mong muốn, giản dị và hóm hỉnh vừa độ.

  • Công chúng biết đến Nguyễn Trương Quý với tư cách một tác giả văn học, mà ít biết đến anh ở tư cách một kiến trúc sư, một họa sĩ - dù ở lĩnh vực này anh cũng khá thành công. Điều này có khiến anh buồn hay không?
Tôi không nghĩ là điều này quá quan trọng. Chúng ta hãy làm tốt những việc mình lựa chọn để làm sao có ích cho cuộc sống. Sự chuyên nghiệp của chúng ta chính là ở chỗ ta làm đến nơi đến chốn việc mình đã chọn. Viết văn cũng là một việc ý nghĩa không kém gì thiết kế, phải không nhỉ?

  • Văn chương và kiến trúc mang lại cho anh điều gì có ý nghĩa?
Văn chương là công việc có thao tác một công cụ – chỉ cần một bàn phím – nhưng tạo ra cả thế giới của riêng mình. Kiến trúc là công việc đòi hỏi rất nhiều thứ liên quan – bản vẽ thiết kế, bóc tách vật liệu, tổ chức thi công – tạo ra một không gian có giới hạn. Hiện tôi theo đuổi việc viết văn, tôi thường nhìn tác phẩm ở phương diện cấu trúc ngôn từ và khả năng kiến tạo không gian riêng của nó, những điều tôi trải nghiệm ở kiến trúc.

  • Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
PVVNT thực hiện

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm