Để âm nhạc vang lên
Bài viết cho bàn tròn Kiến trúc với âm nhạc trên tờ Kiến trúc Nhà Đẹp 6-2012.
Kiến trúc sóng đôi với âm nhạc, điều này nhiều người đã nói.
Nhưng âm nhạc cũng sóng đôi với nhiều thứ khác, toán học chẳng hạn. Vì thế khó
mà nói đây là mối quan hệ độc đáo. Chỉ có thể nói rằng, một công trình kiến
trúc đẹp và hấp dẫn cũng như một bản nhạc hoặc bài hát hay, quyến rũ được người
nghe là nhờ thỏa mãn nhu cầu thưởng thức và sử dụng của họ. Không có cái đẹp
đơn thuần ở hai lĩnh vực này, vì đây là hai lĩnh vực phải chinh phục một số hoặc
đông đảo đối tượng của nó.
Tất nhiên người ta có thể dễ thấy sự trùng hợp về giai đoạn
nghệ thuật của hai ngành nghệ thuật này, như thời cổ điển, thời lãng mạn, Baroc
hay cách mạng công nghiệp. Thời cổ điển, người ta ở trong những tòa nhà rườm rà
chi tiết, nghe nhạc giao hưởng hoặc opera chau truốt và nhiều tầng lớp hòa
thanh giai điệu. Thời hiện đại, người ta nghe nhạc pop rock trong những studio
khung kính thép. Cũng có khi người ta đưa âm nhạc cổ điển ra đường phố hay vào
các không gian công nghiệp để tạo sự giao thoa. Và không ai cấm hát nhạc trẻ
trong Nhà hát Lớn cả.
Nhưng chắc chắn là muốn nghe nhạc cho ra ngô ra khoai thì phải
có không gian tử tế, nghĩa là cần có kiến trúc đàng hoàng. Khu ổ chuột hay xóm
liều cũng có âm nhạc của chúng, và như tính chất tạm bợ của khung cảnh, âm nhạc
ở đấy thường là những thở than về phận bọt bèo, về cõi đời lênh đênh khốn khó.
Cái khó lý giải với chính các kiến trúc sư là loại nhà xấu xí đó thời nào cũng
có và dẹp mãi không hết, cũng như loại nhạc bị chê là ỉ eo sến rện lại có sức sống
dai dẳng dễ sợ.
Thì đấy là do nhu cầu, mà nhu cầu thì lại do mức sống. Kiến
trúc sư có lẽ chỉ múa bút hay múa bàn phím được khi gặp nhà đầu tư mạnh. Và âm
nhạc hàn lâm cũng đòi hỏi người nghe có trình độ thưởng thức để tiêu hóa được.
Tôi không biết liệu một công trình như Thành phố Âm nhạc của
KTS Christian de Portzamparc có thể coi là một ví dụ hoàn hảo cho sự kết hợp kiến
trúc với âm nhạc không, nhưng hình như là phải ở vào một nước Pháp đầu những
năm 1990 của một vị lãnh đạo nhiệt huyết như tổng thống Pháp François Mitterrand thì nó mới ra đời được. Và nước
Pháp cũng phải có một bề dày kiến trúc phục vụ cho âm nhạc để mà đẻ ra được những
công trình như thế, chẳng hạn như những nhà hát L’Opera de Garnier đã thành
hình mẫu cho vô số nhà hát Opera trên thế giới, trong đó có Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tôi không thể khẳng định được gì, ngoài việc nói rằng, ở nơi nào con người ta
cũng có nhu cầu mượn một không gian đẹp để vang lên một giai điệu của lòng người.
Mà như thế cần một không gian lớn hơn nữa, không gian của những thời đại văn
hóa, chứ không chỉ là những không gian mang chức năng nhà hát xâu xấu vô cảm đầy
tính hành chính vốn đang ngự trị ở quanh chúng ta.
N.T.Q
Nhận xét