Bao giờ cho đến tháng mười (2)
Buổi tối. Tại khu trường phổ thông cơ sở
của xã, sân trường vắng vẻ, chỉ có ánh đèn hắt ra từ một vài khuôn cửa phía nhà
ở của các giáo viên độc thân. Khang vừa phơi quần áo vừa nói chuyện với Thơm,
cô giáo trẻ cùng sống trong khu tập thể.
- Hôm nay anh lên tỉnh có chuyện gì vui
không? - Thơm hỏi.
Khang sực nhớ, lục trong túi ra cuốn
sách, nói:
- À, tôi mua được cho Thơm cuốn “Con tàu
trắng” của Ai-ma-tốp rồi đây.
- Sao lại ướt nhèm thế này? - Thơm ngạc
nhiên.
- Lúc trưa qua đò… một cô đi cùng thuyền
bị say nắng ngã xuống sông… Tôi vội nhảy xuống, quên cả chiếc túi đang đeo bên
người. - Khang cười - Mình mà là học sinh thế nào cũng được trường tuyên dương
về hành động dũng cảm cứu người.
- Thì bắt cô ấy tuyên dương chứ lo gì?
Cô nào vậy?
- Cô Duyên. Vừa đi thăm chồng về.
- Duyên ở đội văn nghệ ấy à? - Thơm hỏi.
- Nào tôi có biết.
Khang đáp, rồi lấy trong túi ra tập
giấy, xếp từng tờ phơi trên mặt bàn. Thơm tò mò cầm một tờ lên xem.
- Mấy bài thơ hôm nọ anh đọc cho em nghe
đây phải không?
Khang gật đầu:
- Hôm nay lên trên tỉnh, gặp các anh
trong tạp chí của Hội văn nghệ. Họ bắt đem về sửa và hứa sẽ đăng…
Thơm nhìn Khang thán phục.
- Chả mấy chốc mà anh thành nhà thơ. Rồi
bỏ nghề dạy học và chẳng bao giờ nhớ tới ngôi trường này nữa. Anh là người vô
tình lắm.
Khang thật thà đáp:
- Làm sao lại phải bỏ nghề dạy học? Đối
với tôi, thỉnh thoảng làm thơ chỉ là một cách để tâm sự với mọi người những suy
nghĩ của mình. Có vậy thôi.
Thơm bĩu môi:
- Nói như anh thì người ta cũng chẳng
cần viết văn, làm thơ. Cứ đi viết thư mà tâm sự cho xong.
Khang cười đáp:
- Đúng thế. Đôi khi viết thư người ta
còn thật với mình hơn.
Trong lúc Khang nói, Thơm lẳng lặng nhấc
những tờ bản thảo kẹp vào cuốn sách, rồi đứng dậy.
- Nói chuyện với anh ngang như cua ấy.
Cô đi nhanh ra cửa. Khang gọi giật lại:
- Kìa cô Thơm, cầm đi đâu vậy?
Thơm âu yếm nhìn Khang đáp:
- Để em chép lại cho.
Cô chạy vụt ra sân. Khang mỉm cười nhìn
theo. Khi quay lại, anh chợt nhận ra ở trên bàn một bao thuốc Sông Cầu còn
nguyên, do Thơm để lại từ lúc nào. Anh cầm lên bóc ra và châm lửa hút. Thuận
tay, Khang thu dọn nốt những giấy tờ trong túi ướt và nhận ra một tờ giấy lạ
lẫn trong đó. Khang hơ tờ giấy lên cạnh bóng đèn. Đó là tờ giấy báo tử. Phần
chữ in vẫn còn đọc rõ, nhưng phần chữ viết đã nhòe… Anh cầm tờ giấy trên tay
nhớ lại: Dòng sông… con đò… người con gái ngã xuống sông và tờ giấy trôi đi…
Khang giật mình quay lại khi Duyên xuất hiện ở ngưỡng cửa từ lúc nào mà anh
không nhận ra. Anh luống cuống chào:
- Chị Duyên! Mời chị vào
Duyên bước vào sau lời chào rất khẽ.
- Chị đã đỡ chưa?
- Em đỡ rồi… Thầy em bảo sang cám ơn anh
và mời anh hôm nào rỗi lại chơi nhà.
- Có gì đâu mà cám ơn… Khang cười đáp -
Lúc trưa chị làm tôi cũng hết hồn.
Sau một vài phút tần ngần, Duyên hỏi:
- Lúc ở dưới thuyền, anh có thấy tờ giấy
nào của em đánh rơi không?
Khang cầm tờ giấy ở trên bàn hỏi:
- Tôi có vớt lên tờ giấy này… Không biết
có phải…?
Duyên đỡ lấy, cố ghìm nước mắt:
- Cho em xin…
Khang ngạc nhiên hỏi:
- Nhưng sao lại thế được… Chị vừa đi
thăm anh ấy về kia mà?
Duyên úp mặt vào hai bàn tay. Đôi vai cô
run lên bần bật. Khang tỏ ra luống cuống.
- Nhưng anh ấy mất từ lúc nào?
- Đã hơn một năm nay… - Duyên đáp qua
nước mắt.
- Bây giờ người ta mới báo cho chị biết?
- Đơn vị đang định báo về địa phương thì
vừa lúc em lên. Em cứ tưởng anh ấy bị thương, hoặc ốm đau gì…
- Trời… - Khang thốt lên đau đớn - Thì
ra lúc ở trên đò… Vậy cụ đã biết tin này chưa?
Duyên lắc đầu, lau nước mắt rồi ngẩng
lên:
- Anh đừng nói với ai vội… Để em tìm cách
báo tin cho thầy em biết sau… Cháu nhà em còn nhỏ, em cũng chưa muốn cho cháu
nó biết vội… - Cô vừa nói vừa vuốt thẳng tờ giấy báo tử trên tay rồi cẩn thận
gấp lại cho vào túi, đứng dậy. Khang cũng đứng lên. Anh nói một cách chân thành
và cảm động:
- Chị Duyên… Dẫu sao tôi cũng là người
được biết tin này đầu tiên… Chị cho tôi được chia buồn cùng chị…
Duyên cúi đầu lau khô nước mắt rồi bước
ra, Khang định đưa cô về, nhưng Duyên từ chối. Anh còn đứng đó nhìn theo cho
đến khi Duyên đi khuất hẳn.
Trong lúc đó, Thơm ngồi trong buồn nắn
nót chép bài thơ của Khang:
Bao
giờ cho đến tháng mười
Lúa
chín trên cánh đồng năm tấn…
*
* *
Duyên đi qua bãi đá đầu làng. Đó là một
bãi trống lô nhô những hòn đá vôi đủ hình dạng. Trong đêm tối, chúng như những
hình người ngồi lặng lẽ. Một cây muỗm già rủ bóng che chiếc miếu thờ cô quạnh.
Tường mốc rêu, dây leo chằng chịt. Duyên đứng lặng nhìn bãi đá. Rồi đột nhiên
cô bước vào ngôi miếu thờ. Một ngọn đèn dầu leo lét tỏa sáng. Duyên rút mấy nén
hương của ai còn để lại trên bàn thờ thắp lên, cắm vào bát hương. Những làn
khói hương tỏa nhẹ trong không gian.
Đêm ấy, Duyên không sao chợp mắt được,
và ký ức đưa cô trở về với ngày đã xa, cũng ở bãi đá đầu làng dưới cây muỗm
này…
Hồi đó, Duyên còn là một cô gái buộc tóc
bím ngang vai. Cô đang cắt cỏ một mình. Bỗng một chiếc diều sáo từ đâu loạng
choạng rơi ngay trước mặt. Duyên ngơ ngác nhìn quanh và lát sau một thanh niên
từ trên đê chạy tới. Anh định nhặt chiếc diều lên thì Duyên đã nhanh tay giấu
sau lưng. Cô nhìn người thanh niên bật cười:
- Nhớn tướng rồi mà còn chơi diều… Không
sợ người ta cười cho.
- Ai cười?
- Em cười đấy.
- Cho anh xin vậy.
Anh định giằng lại chiếc diều. Nhưng
Duyên đã né người tránh rất nhanh.
- Phải hứa với em là không chơi cái trò
trẻ con này nữa. Bọn bạn em chúng nó cứ trêu suốt.
- Trêu thế nào?
- Chúng nó bảo anh là cái thằng trẻ
ranh…
Người thanh niên chìa tay dỗ dành:
- Ừ thì anh hứa… Cho anh xin vậy.
Duyên trả diều, người thanh niên cầm
diều đi thẳng vào trong miếu thờ dưới gốc cây muỗm. Vẻ trang nghiêm của anh
khiến Duyên tò mò bước theo. Cô níu anh lại:
- Đi ra đi anh… Em sợ lắm.
- Có gì mà sợ?
- Bà em kể trước kia cứ ngày rằm tháng
Bảy ở cạnh miếu này người ta họp chợ. Những người sống và những người chết được
gặp nhau…
- Làm gì có chuyện… Đây là miếu thờ một
người có công dẹp giặc ngày xưa, được vua phong làm Thành hoàng làng.
Hai người bước vào trong miếu. Ngọn đèn
dầu toả một vùng sáng mơ hồ. Người thanh niên khều to ngọn đèn rồi lặng lẽ đưa
cánh diều vào ngọn đèn. Duyên hốt hoảng:
- Đừng làm thế, anh!
Người thanh niên nhìn ngọn lửa cháy, nói
một mình:
- Chiếc diều cuối cùng… - Rồi quay sang
Duyên, anh sẽ nói: - Ngày mai anh đi khám nghĩa vụ rồi.
Duyên từ từ ngồi xuống bên chiếc diều
đang cháy, nhìn đăm đăm vào ngọn lửa.
Người thanh niên đưa tay vuốt nhẹ lên
mái tóc của người con gái một cách cảm động và trang nghiêm.
- Anh đã thưa chuyện với bố, gia đình
anh sẽ sang bên em xin dẫn cưới… Trước ngày anh nhập ngũ.
Chiếc diều cháy bừng lên thật to trước
khi tắt hẳn, để lại những tàn lửa bay lơ lửng trong không gian.
*
* *
Buổi sáng trên cánh đồng làng.
Bà con nông dân đang tấp nập cày bừa.
Duyên cùng các bạn gái đang vớt bèo dưới
sông. Một cô bạn trêu:
- Duyên ơi, có thích ăn của chua không?
Lại tao cho quả khế này. Từ ngày đi thăm chồng về trông xanh mướt như tầu lá.
Một cô khác hỏi:
- Con gái trong Nam đẹp lắm, phải không
mày? Không khéo mất chồng như chơi đấy.
Duyên vờ như không nghe thấy, im lặng
làm việc. Vừa lúc đó, anh trưởng ban văn nghệ xã đi qua, trông thấy Duyên vội
reo lên:
- May quá, cô Duyên về rồi! Không có cô,
chúng tôi chịu không tập tành gì được. Tối nay sang đình tập lại cái vở chèo
nhé!
Duyên dừng tay:
- Em mới đi về mệt. Anh tìm người khác
thay vậy.
- Thay được thì chúng tôi đã thay rồi,
chẳng cần phải đợi cô về.
Nói xong anh vội vã đi.
Duyên lại cắm cúi vớt bèo trong lúc các
bạn cô đã vớt xong lên bờ. Chỉ còn Duyên và chiếc thuyền trên sông. Cô lên bờ
ngồi nghỉ. Phía xa một con đò đang chở khách sang sông. Duyên nhớ lại cái ngày
cô xuống thuyền qua sông trong chiếc áo cưới giản dị. Đám rước dâu đi trên con
thuyền xa dần trong tiếng pháo nổ ran khắp mặt sông. Nét mặt hân hoan xúc động
của chồng cô trong bộ quân phục mới của người lính… Gương mặt ông bố chồng đứng
đón bên sông cùng họ hàng nhà giai…
Rồi hình ảnh buổi tiễn chồng ra đi hiện
về trong trí nhớ của cô:
…Đoàn trai làng đi trên cánh đồng. Chồng
Duyên dừng lại vẫy tay khi nhận ra Duyên đứng dưới bờ tre… Con đò đem đoàn
người qua sông, vẫn dòng sông ấy… Cuộc tiễn đưa chỉ có nụ cười, không có nước
mắt…
Rồi cái ngày anh về phép, bế đứa con
trai vừa tròn ba tháng… Đứa bé khóc thét trên tay anh trong khi anh cười âu yếm
nhìn nó, tràn đầy hạnh phúc…
Kỷ niệm hiện về như một cuộn phim tài
liệu quay chậm và đứt quãng lộn xộn lẫn với bóng nắng lấp lóa trên mặt sông -
Chỉ có tiếng sáo trúc thật trong, kéo dài, liên kết những đoạn phim kia lại.
*
* *
Bố chồng Duyên đang ngồi vót lạt giữa
sân thì chợt có tiếng Khang chào, cụ vội vàng đứng dậy mời anh vào nhà.
- Cháu vào làng thăm phụ huynh học sinh,
nhân tiện ghé qua thăm cụ, - Khang nói, anh đặt gói quà lên bàn - Có gói chè
ngon cháu mang biếu cụ.
Ông cụ rót nước ra chén:
- Chồng cái Duyên hôm nọ cũng gửi về ít
chè. Anh uống thử… Chè không bằng chè ngoài mình, chỉ được cái đậm nước.
Khang đỡ chén nước trên tay cụ, nhấp một
ngụm rồi ngẩng lên và mắt anh bắt gặp ảnh vợ chồng Duyên ngày mới cưới. Cu Tuấn
từ bàn bên chạy khoe với ông:
- Ông xem cháu vẽ này.
Ông cụ nheo mắt xem rồi cười, nói:
- Khéo quá. Nhưng ông chẳng nhìn thấy gì
cả…
- Ông nhớ làm cho cháu cái diều ông nhé,
- Tuấn nói.
- Mắt ông kém rồi. Chờ bố mày về, bố mày
làm cho. Bố mày ngày trước thả diều nhất làng, không ai bằng.
Khang đỡ lấy tờ tranh nói:
- Nào, xem hoạ sĩ vẽ những gì nào?
Ông cụ cười nói:
- Từ hôm bố nó gửi về cho hộp bút chì
màu, cứ hí hoáy vẽ suốt ngày. Anh xem, nó dán đầy tường.
Khang đi lại bên bàn Tuấn nhìn kỹ các
bức tranh. Bức nào cũng thấy hình ảnh bố nó với ba lô và súng trên vai và ở góc
tranh nào cũng lơ lửng một cánh diều đỏ.
Khang tò mò hỏi Tuấn:
- Sao bộ đội lại còn chơi diều?
- Diều bố cháu làm cho cháu đấy. - Tuấn
đáp, rồi quay lại hỏi Khang: - Chú có biết chữa súng không?
Nó vụt chạy đi lấy khẩu súng nhựa hỏng
đưa cho Khang. Anh cầm lên xem rồi tháo từng bộ phận ra chữa. Lát sau khẩu súng
đã nổ giòn trên tay. Duyên vừa về tới cổng thì nghe tiếng súng vọng ra, cô nhận
ra Khang đang ở trong nhà liền bước vội về phía giếng múc nước rửa chân tay,
lắng nghe câu chuyện của Khang và ông bố chồng.
Khang đang đứng trước bàn thờ của gia
đình. Ông cụ giới thiệu tiếp những người trên ảnh thờ:
- Còn đây là thằng cả nhà tôi. Mất hồi
68 ở Quảng Trị, mãi hai năm sau mới được giấy báo. Chỉ khổ con vợ cứ mong ngóng
chờ tin chồng.
- Chị ấy vẫn ở với gia đình?
- Từ ngày có cái Duyên về, nó xin ra ở
riêng. Rồi sau gặp được một anh thương binh góa vợ. Nó cứ sợ làng xóm người ta
dị nghị. Nhưng tôi bảo: người ta nói mặc người ta. Có người thương mình là quý
rồi, con ạ… Bây giờ đã thành vợ thành chồng rồi.
Duyên ngồi rửa mặt ở giếng, lắng tai
nghe câu chuyện từ trong nhà vọng ra. Khi Khang bước ra thì Duyên đang cúi
xuống giếng múc nước nên không trông thấy. Đến khi anh đi ra tới ngõ rồi, cô
mới vội nhìn hút theo cho đến khi anh đi khuất hẳn sau rặng tre. Nước trong gầu
đổ tràn cả ra ngoài chậu thau mà cô không hay.
*
* *
Đêm. Khang đang ngồi một mình bên bài
thơ làm dở. Anh nghĩ ngợi, sửa chữa rồi gạch xóa từng dòng một, viết lại từ
đầu. Duyên rụt rè bước vào.
- Chào anh.
- Chào chị Duyên. Mời chị vào.
Duyên ngồi xuống ghế, nói sau vài giây
ngập ngừng:
- Em muốn nhờ anh một việc, không biết
có làm phiền anh không?
- Chị cứ nói đi. Đừng ngại gì cả… Giúp
chị được gì lúc này tôi xin sẵn sàng.
- Sắp tới ngày giỗ anh cả nhà em. Ông cụ
em mong thư lắm. Em muốn nhờ anh biên cho mấy chữ.
- Tôi? - Khang ngạc nhiên hỏi lại.
- Vâng. Em nghe nói anh làm thơ đăng báo
trên tỉnh, chắc anh viết quen..
- Nhưng viết gì mới được chứ?
- Anh cứ coi như nhà em vẫn còn… có thư
về…
Khang tỏ ra luống cuống trước lời đề
nghị đó. Anh xếp sang một bên các tờ bản thảo, hỏi lại Duyên:
- Có nghĩa là tôi phải viết thay anh ấy?
- Vâng, anh viết giùm cho rằng nhà em bận
không về được. Nhưng vẫn không quên ngày giỗ của anh cả, biên thư về thăm gia
đình cùng bà con họ hàng.
Thầy giáo Khang trở nên tư lự. Anh đã
hiểu những gì Duyên nhờ anh. Duyên lấy trong lúi ra xấp thư cũ của chồng đưa
cho Khang:
- Đây là những lá thư cũ của chồng em…
anh đọc qua để biết…
Khang cầm tập thư trên tay, tần ngần rồi
hạ giọng:
- Chị Duyên này… Tôi nghĩ chị không thể
nào giấu mãi với gia đình cái tin đau buồn này được. Mà giấu như vậy để làm gì?
Trước sau rồi mọi người cũng phải biết.
Duyên cúi đầu nghe, lát sau ngẩng lên
nhìn Khang nói:
- Biết đâu người ta báo nhầm? Có thể anh
ấy vẫn còn… ở đâu đó và chưa tiện biên thư về…
Cái hi vọng mong manh vô cớ của người
phụ nữ mất chồng bỗng làm Khang cảm động. Anh thở dài rồi hỏi lại:
- Vậy nhà ta còn có những ai?
- Anh cả nhà em hi sinh trong Trường Sơn
cách đây mười năm. Bà chị dâu đã đi bước nữa, cháu lớn năm nay thi đại học. Nhà
em còn có người chị lấy chồng công tác ở trên tỉnh, thỉnh thoảng mới về thăm
nhà. Trong những thư này nhà em đều có thăm hỏi đủ cả. - Duyên chỉ vào tập thư.
- Kể viết một lá thư… đối với tôi không
khó. Nhưng viết sao cho mọi người tin được cũng không phải dễ.
- Anh cố giúp em - Duyên van nài - Chỉ
còn nửa tháng nữa là giỗ anh cả nhà em rồi.
Duyên ra về. Khang giở tập thư của người
chiến sĩ ra xem. Những dòng thư rõ ràng cuốn hút cả tâm trí Khang làm anh quên
hẳn bài thơ viết dở. Một cơn gió làm bay tả tơi những tờ bản thảo để trân bàn,
Khang vẫn ngồi im lặng với những xúc động mới mẻ, không buồn nhặt những tờ giấy
đang lăn lóc dưới chân mình nữa.
*
* *
Ngày giỗ của người con cả trong gia
đình.
Bàn thờ nghi ngút khói hương.
Tấm ảnh người chiến sĩ được vẽ truyền
thần treo trên bàn thờ, dưới ảnh bà mẹ đã mất từ lâu, nước ảnh đã ố vàng.
Cả nhà đông đủ. Có cô dâu cả cùng đứa
con trai vừa thi đại học. Hàng xóm láng giềng. Lát sau chiếc Babetta đỗ xịch
trước sân. Cô con gái cùng chồng từ trên tỉnh về. Duyên tất bật bưng lên nhà
những mâm cỗ. Thỉnh thoảng cô lại ngoái nhìn ra cửa, vẻ chờ đợi.
Cô dâu cả, vợ người liệt sĩ, thắp hương
khấn vái.
Cô chị gái của chồng Duyên đặt nải chuối
lên bàn thờ rồi chắp tay vái lạy.
Chợt có tiếng người nói to ngoài ngõ:
- Trong nhà có ai ra nhận thư này.
Duyên giật mình quay lại. Cu Tuấn đã
nhanh nhảu cầm thư chạy vào reo lên:
- Thư của bố… Ông ơi, thư bố cháu gửi
về…
Ông cụ lật đật dứng dậy đỡ lấy thư rồi
quay lại dõng dạc gọi:
- Hải đâu? Đọc to lên cho cả nhà cùng
nghe, cháu!
Hải, cậu cháu nội đích tôn, trịnh trọng
bóc thư và đọc:
Tây
Nguyên ngày…
Kính
thưa thầy.
Đơn
vị con sắp hành quân về biên giới Tây Nam. Con viết vội vài dòng về thăm thầy
cùng bà con trong gia đình. Mong rằng lá thư này sẽ đến đúng ngày giỗ anh cả
con. (Ông
cụ bố chồng Duyên gật đầu hả dạ). Con vì
bận không về thắp hương lên bàn thờ anh con được, nhưng đã có nhà con và cháu
Tuấn thay mặt. Lúc nào con cũng nghĩ tới tấm gương hi sinh của anh con để cố
gắng xứng đáng là một chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Bố ở nhà hãy yên tâm
giữ gìn sức khoẻ và đừng lo gì cho con cả. Duyên cố chăm sóc thầy chu đáo. Cu
Tuấn đã nhận được quà của bố chưa? Con sắp vào lớp Một rồi, phải chăm học không
được ham chơi, quấy ông và mẹ.
Con
gửi lời thăm chị cả, và cháu Hải. Nghe nhà con nói Hải năm nay thi đại học,
không biết có đỗ không?
Bà chị dâu cả nói to:
- Báo cáo với cả nhà là cháu đã được
giấy gọi vào trường rồi đấy ạ.
- Thôi, đọc tiếp đi, - ông cụ giục.
Anh
chị Hai và các cháu vẫn khoẻ cả chứ? Anh còn công tác trên tỉnh không? Anh chị
có hay về thăm thầy không? Cho con gửi lời thăm bà Hiếu, cụ Điều và các bác các
anh chị trong làng ta.
Cuối
thư con xin kính chúc thầy luôn mạnh khoẻ. Hai mẹ con ở nhà vui vẻ, bình yên.
Con.
Duyên hồi hộp lắng nghe lá thư, mặc dầu
cô đã biết đó là lá thư giả. Khi Hải vừa đọc xong, cô liền đến lấy rồi lặng lẽ
đi ra sân. Trong lúc đó anh con rể của gia đình phấn khởi cao giọng:
- Con cho rằng gia đình ta đóng góp cho
Tổ quốc hai người con đó là một vinh dự. Anh cả đã hi sinh, gia đình được bằng
Tổ quốc ghi công, làng xóm vẻ vang… Nhân tiện đây con xin báo cáo để các cụ các
bác biết một tin vui. Tỉnh đã quyết định chọn xã ta làm xã thí điểm cho phong
trào nhận làm con nuôi các gia đình liệt sĩ.
Các cụ xôn xao. Ông cụ bố chồng Duyên
nghiêng tai hỏi lại:
- Thế nào? Thế nào?
- Nghĩa là các gia đình liệt sĩ sẽ có
người đến nhận làm con, thay cho những người đã mất, - anh con rể cắt nghĩa.
Chị vợ liền cười nói với chồng:
- Thì nhà mình đã có anh là con rể rồi
đấy.
- Rể chưa phải là con. Nhưng nhà mình
chưa phải vào diện đợt này đâu. Đợt này chỉ ưu tiên các gia đình có từ ba liệt
sĩ trở lên, và các đồng chí lãnh đạo tỉnh sẽ làm con nuôi, gương mẫu thực hiện
trước để động viên phong trào.
Trong lúc đó Hải im lặng đứng trước bàn
thờ bố. Nó sắp đi đại học rồi. Nó thầm nói gì với cha nó không ai rõ. Mẹ nó
đứng bên cạnh, rơm rớm nước mắt nói thầm:
- Đấy, mười năm qua tôi vất vả nuôi nấng
con ăn học. Bây giờ tôi giao nó cho anh đấy. Anh khôn thiêng, anh phù hộ cho
con học hành đỗ đạt thành người.
Rồi chị quay lại nói với cả nhà:
- Thôi, cháu nó xin phép ông và các bác
các cụ về sớm để chuẩn bị. Ngày kia là cháu phải có mặt ở trường rồi.
Cô con gái bưng mâm quả xuống chia phần
cho các trẻ nhỏ. Mâm cỗ đã tàn. Các vị khách trong làng lục tục đứng dậy. Anh
con rể mồm ngậm tăm, đến bên chị vợ đang chia phần nói khẽ:
- Đem bớt xôi về. Nhà còn có ai nữa mà
để lại làm gì lắm thế.
Hai vợ chồng vội ra về. Anh con rể chia
tay với bố vợ.
- Thôi chúng con xin phép về. Chiều nay
con còn có cuộc họp trên tỉnh.
Bà chị gặp Duyên ở ngoài sân, đến bên to
nhỏ:
- Bảo nó xin xuất ngũ đi. Cứ về rồi chị
nói với anh thu xếp cho công việc trên tình mà làm . Vợ chồng chúng mày dại
lắm, chẳng biết bảo nhau tính toán gì cả.
Duyên giấu vội lá thư vào túi áo, gật
đầu cho qua chuyện.
Bát hương trên bàn thờ toả khói nghi
ngút…
*
* *
Đêm đó, Duyên gặp chồng trong giấc ngủ.
Đó là những hình ảnh thật dài, chập chờn, mộng dị.
Anh đang hành quân …
Anh đi trong ngày nắng…
Anh đi trong đêm mưa…
Súng, ba lô trên vai… Anh mải miết đi
không nghỉ.
(còn tiếp)
Nhận xét