Hà Nội Quý
Cảm ơn chị Lê Minh Hà về bài viết công phu này. Link: http://www.diendan.fr/sang-tac/ha-noi-quy/.
Hà Nội là cái quái gì? Khiến
kẻ có tí chữ nghĩa sinh ra lớn
lên cùng với phố thì tự hào
dù có khi ông nội bà ngoại
chân đặt vào trong cõi vẫn còn
màu đất, mà không viết được
đôi ba trang về nó thì cứ thấy
như là mắc nợ? Còn kẻ ở xa
về rồi một đời nán lại
không có dăm ba chữ về cái quê
mới này thì ấm ức chưa tráng
được mình qua nước sông Hồng?
Ừ, viết. Thì cứ viết, nhưng Hà
Nội là cái quái gì mà viết
về nó thì đông, có được
cái tên nhờ nó thì vắng. Cứ
cho là người xa nào cũng có một
quê nhà để nhớ, để bỏ
đi gần suốt đời nhưng chỉ tới
lúc quay về mới thực sự trở lại
là mình, nên viết về thành phố
quê mới này khó „tới“,
nhưng ngay kẻ sống một đời với
phố đổ cả đống chữ đầm
đìa tình ý ra mà viết về
nó vẫn chỉ thu về được đôi
ba cái nhìn lớt phớt từ người
đọc, là sao?
Chẳng cần biết. Nhưng rõ
ràng là vì thế rất dễ đếm
đầu các nhà văn nhà thơ
viết về Hà Nội mà được
người ta tấm tắc. Bởi rất không
nhiều. Khi tôi nói nhà văn nhà
thơ là tôi đã giới hạn rồi
đấy nhé, trong khái niệm „nhà“
này không có cụ Nguyễn Trãi
„góc thành Nam lều một gian“,
Lê Hữu Trác “thượng
kinh“ rồi „kí
sự“, Bà Huyện
Thanh Quan „lối xưa xe
ngựa hồn thu
thảo“, Nguyễn Du
„Long thành cầm giả
ca“, ngay cả bậc tài
hoa tài tử bóng xoài giữa hai thế
kỉ giữa đất Hà Nội Tản Đà
cũng không có đâu. Gọi các
cụ nhà nho nhà nôm xưa là nhà
thơ nhà văn? Hihi. Kì cục.
Rất không nhiều người viết về
Hà Nội, nhưng ai đã lưu được
tuổi tên khi viết về thành phố
này thì chắc chắn phải không
giống bất kì ai.
Tôi nhớ một người viết về Hà
Nội tuyệt hay, dù rất ngắn, người
luôn làm tôi có cảm giác đi
nhẹ nói khẽ ăn ít no lâu, nhã
không thể nào nhã hơn.
Ông có biết không ông, giờ đã
có một Hà Nội mới, và nó,
thành phố ấy đang được một
kẻ hậu sinh ông soi mói, nâng niu, yêu
rồi chán yêu, rồi lại yêu thôi,
tuyệt tình làm sao được. Rất
khác, nhưng đọc, lại thấy như
vẫn là cái tình ấy mà tự
ngày ấy ông đã làm thức
dậy trong lòng người Hà Nội,
khiến người ở xa những đâu
đâu cũng muốn một lần về.
Cái gã zai đó khi đọc được
lần đầu trên một tờ báo
mạng từng rất tiếng tăm và sẽ
tiếng tăm mãi trong lịch sử báo
chí Việt Nam cho mà xem, tôi đã
phải hỏi ngay người làm nên hồn
vía của nó. Phạm thị khoái chí
mà rằng thằng cu ấy là sinh viên
Kiến trúc, mới có hai tám tuổi
thôi.
Từ ngày đó, gã đã in vèo
vèo mấy tập, tập trung quanh một đề
tài: thành phố cha sinh mẹ đẻ,
thành phố từ đó gã lớn
lên và đang già đi. Gã zai đó
tôi đeo đuổi từ bấy đến
giờ có dễ cũng chục năm đến
nơi rồi.
Có thể là do cái nghề gã
chọn, cũng có thể gã thuộc lớp
người sinh ra sau chiến tranh, lớn lên
thời hết cấm vận mà gã cũng
dễ dàng đi đó đi đây
nhìn ngó nên khi viết về một vẻ
đẹp đặc thù, cũng là cái
bất cập đáng nói nhất lúc
này của Hà Nội, là kiến trúc,
gã có cách nhìn không giống
những người viết khác. Nếu có
cố cho ra vẻ người biết rồng rộng
tí, thì chắc phải so sánh cái
gã viết với Hà Nội phố phường
xưa của cụ Hoàng Đạo Thúy.
Hà Nội với phố phường nhà
cửa cống rãnh hôm nay qua mắt gã
không mang tính kĩ thuật khiến kẻ
ngoại đạo sưng đầu, cũng không
có cái kiểu mặt tiền nhân thể
nhìn rồi suy tư nhớ trước quên
sau, à, không phải, nhớ xưa mà
chán nay. Cái mà tôi chịu nhất
khi đọc những trang gã viết về
kiến trúc của thành phố này là
gã không thi vị nó, dù tình
gã dành cho Hà Nội thì chắc
là cũng yêu lắm lắm như tôi.
Nói thế để nhân thể thêm
rằng Hà Nội bây giờ với tôi
mất hẳn vẻ hoành tráng mà bay
bổng, với cái kiểu xây cho nhà
cao cao mãi dù vốn ít hay nhiều dù
nhà nước hay nhân dân làm chủ,
cụng như rựa, hehe, là cái lối
tả pí lù kính với cột nửa
già nửa trẻ làm cho phố tiệt
hết duyên xưa, lại còn thêm những
biển hiệu chẳng biết dạy khôn hay
dạy ngu kiểu Toà nhà FPT, NƠ nơi
ở - lối đánh số nhà ở đôi
ba khu chung cư đời mới, và lổm
nhổm trên trời toàn những Sơn Hà
xay gió với đựng nước. Nói
thì lại bảo phản động, chứ
với tôi, phố Hàng phố Tây phố
cổ phố cũ thời thực dân phong kiến
ngày xưa đi qua những cuộc oanh tạc
của B52 rồi, chiều chiều bời bời
gió thơm mùi những mùa với
những lặng im cho người ta ngẫm nghĩ
mới gọi là Hà Nội.
Nhưng hồn phố đâu phải chỉ là
hồn sương nắng trên những mảng
tường, ô cửa, bậc thềm. Hồn
phố là hồn người ở phố.
Hà Nội biến đổi khiến nhiều
người Hà Nội già già mê
cái nhịp sống tưởng chừng như
bất động của nó, theo quy ước
Hà Nội thì phải a phải b phải
c. Nhưng thật thì Hà Nội chưa bao
giờ không đổi. Có đi thật xa
tôi mới hiểu tại sao mình ưa nhịp
sống của thành phố lớn với đặc
tính vô danh ở đó. Đấy là
vì tôi sinh ra lớn lên ở Hà
Nội, khi đó rất nhỏ, rất nghèo,
rất vắng, nhưng vẫn là một đô
thị theo đúng nghĩa, có khả năng
dung nạp mà không nhất thiết làm
tất cả phải tan hòa. Từ thị dân,
nếu không vừa nói vừa nheo mắt
khẩy một tiếng cười thì đúng
là một từ rất đẹp nhé, vì
nó túm vào, nhồi nặn và mở
ra một kiểu sống của một tập hợp
người không thể nào hiện sinh
được ở huyện lị hay thị trấn
hay thị xã, dù ở đó có
những con đường cũng được
gọi là phố như ai.
Thị dân bậc nhất, vừa đáng
yêu nhất vừa đáng ghét nhất
vừa đáng thương nhất vừa đáng
trọng nhất là dân trung lưu có
học hành bài bản tí chút.
Trong văn xuôi, từng có một kiểu
thị dân suy tư trước cái ý
vị của „rau thơm tươi hồ tiêu
bắc giọt chanh cốm gắt lại điểm
thêm chút cà cuống thoảng nhẹ
như một nghi ngờ“, sống chậm và
nghĩ kĩ - Thạch Lam, từng có kiểu
thị dân xê dịch khắp nơi mà
nghĩ gì cũng ra màu người phố
- Nguyễn Tuân, từng có kiểu thị
dân thân Kẻ Mỗ Kẻ Xù Kẻ
Đăm Kẻ Nhổn bước một bước
qua sông Tô Lịch thì thành kẻ
khác: Kẻ Chợ - Tô Hoài… Gần
hơn, là Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà,
Đỗ Phấn, hay Đinh Vũ Hoàng Nguyên
nữa, có cho nhân vật đi từ trong
rừng ra hay tống cổ qua tây hay đưa
lên núi hay tự đầy vào xóm
liều cứ nghĩ một ý nói một
câu kể cả nói tục là đọc
ngay ra vị người viết là người
ở phố. Nhưng người viết tập
trung vào nhóm thị dân đáng yêu
đáng ghét đáng thương đáng
trọng nhiều nhất trước nay thấy
độc Nam Cao.
Và bây giờ là gã zai này.
Và tới gã, thì thấy
Hà Nội với mình đổi hẳn
rồi. Giống một cõi thiên thai chỉ
về lại được trong tâm tưởng.
Gì thì gì, mấy mươi năm xây
dựng xã hội chủ nghĩa, có ai đi
nước ngoài lâu đến thế nào,
nếu về vẫn trong giai đoạn ấy cũng
không thể có cảm giác này đâu.
Hà Nội khi đó cứ dậm chân
tại chỗ dậm thế thôi, gặp lại
chỉ choáng chút nhưng vẫn là Hà
Nội „em mãi ngoài
hai tuổi ta mãi là mùa xanh xưa“,
thế.
Thị dân, trong các tùy bút tản
văn của người viết này đích
thị là thị dân Hà Nội đương
đại. Đấy là những người
có học, rất cá tính. Cá tính
ngay trong cách sống tẻ nhạt, vừa mạnh
mẽ vừa lờ đờ, vừa khôn ngoan
sáng tạo vừa lặt vặt tủn mủn,
vừa ngạo mạn vừa nhẫn nhục vô
lối, đôi lúc dị hợm đôi
lúc dị mọ, tạo thành một tập
hợp nhờ nhờ không thể thiếu trong
mọi điều tra dân số hay xã hội
học. Họ thật sự là công chức,
phải gồng mình lên mà đáp
ứng những đòi hỏi của đời
sống chứ không phải là kiểu cán
bộ hành chính sự nghiệp trẻ trẻ
một thời mà cơ quan nhà nước
họ làm như thể là trường
cấp năm sau đại học cấp tư.
Chính họ, chứ không phải ai khác,
là người đi đầu trong quá
trình hội nhập với bên ngoài,
vừa đi rất nhanh vừa than rất nhiều.
Không có trò than vãn này, họ
chưa chắc là trí thức.
Viết về họ với một cái nhìn
vừa yêu mến vừa châm biếm từ
bên trong, dí dủm và đường
hoàng, gã zai này gặp bloger Đinh Vũ
Hoàng Nguyên vừa đi xa, dù cách
đặt vấn đề và thể loại
mỗi người tự chọn có khác.
Đỗ Phấn, trong đề tài này,
ở thể loại tiểu thuyết, rất chi
là hóm, đằng sau đó là
nỗi muộn phiền, kiểu của một lớp
người đã bắt đầu thấy
hàng ngày gió lạnh hơn, âm
thanh ồn ã hơn, bụi bặm ngột ngạt
cũng cứ từng ngày khó chịu hơn
một chút. Nam Cao buồn bã, chua chát,
sóng ngầm khi sống mòn. Tô Hoài
thì càng khác nữa, thị dân Hà
Nội của Tô Hoài khôn hơn, hòa
với chung quanh một cách đầy ý
thức để yên thân, nhất là
thị dân thời bao cấp.
Thị dân thời ô tô làm tắc
đường chung là mơ ước riêng
nhưng xe máy vẫn thống soái đáp
ứng được những khát khao đi
nhanh bay xa vừa túi của gã zai này
tưởng chừng cũng sống mòn, cũng
khôn để thân cư đâu cũng
yên, nhưng phở còn chê chứ không
bảo hoàng trước phở như Thạch
Lam, Vũ Bằng, cà phê thay chè chén
quán vẩy từ một bờ tường
ngõ nhỏ nào. Ấy là vì đời
sống đã khác quá rồi và
họ là một phần làm nên cái
khác ấy. Đời sống của họ là
đời sống của tốc độ, của
đổi thay, cái mới nhiều khi nham nhở,
cái cũ nặng nề, mất giá. Họ
không sống chậm được, hay không
hề mong sống chậm, họ không nhã
được theo kiểu lịch kịch mất
thời giờ, nhưng cái lối than van về
đời sống vẫn làm cho họ giống
cha ông họ, nghĩa là vẫn lịch.
Hoặc chí ít là họ muốn giữ
cái lịch nhiều đời làm giá
cho những cái lịch nội sinh từ thời
của họ. Hay là kẻ viết về họ
muốn thế. Và nhờ thế, Hà Nội
suồng sã, xô bồ, nông và xổi,
lừ lừ chuyển động hôm nay trong
mắt người xa vẫn nguyên vẹn cái
duyên, cái bặt thiệp của ngày
tháng cũ, chỉ khác, cái duyên
tế vi ấy, cái lịch lãm nhã đạm
ấy không phơi trải được dễ
dàng nữa mà phải xuyên qua đời
thường sôi sục và tẻ nhạt,
để nhói lên. Phải vì thế
mà đọc Hà Nội của người
Hà Nội này, không phải tự dưng
mà bất giác ta tưởng tới Võ
Phiến - một người viết tùy bút
tuyệt vời một thời ở miền Nam
trước 75. Vâng, cũng là cách nhìn
ấy, cảm mọi hiện tượng văn
hóa qua những biến thiên lịch sử,
qua những vận động của kinh tế và
xã hội.
Nhưng khi viết những tùy bút đó
thì cụ Võ Phiến bao tuổi nhỉ?
Cậu chàng này còn rất trẻ. Vậy
mà cảm giác nó rất già. Viết
về đương đại không dại tí
nào, cứ tùy tùy thế thôi, thâm
trầm, giản dị. Thể loại này đòi
công phu nội lực ghê gớm lắm mới
giữ được tay người đọc
chờ mắt nhòm hết chữ mới giở
qua trang. Thiếu nội lực, ở đây là
vốn hiểu biết thật sự về điều
mình viết, và còn nữa, cái
tình dành cho điều mình viết
phải mạnh mẽ, phải lặn thật sâu,
thiếu, thì viết gì cũng dễ thành
lảm nhảm.
Có một người trẻ viết tùy
bút cũng nhiều, và cũng hay, lại
còn là đàn bà, tôi cũng
thích đọc bây giờ, là Nguyễn
Ngọc Tư. Nhưng cô Tư thì mang cổ
đi đâu đọc cũng được,
vì đọc dễ. Còn cậu chàng
này khác. Chẳng thú vị gì khi
phải nói, nhưng không nói thì
làm sao cắt nghĩa được sự
mình đeo đuổi người ta bảy
tám năm nay: cái tạng tôi, dễ
yêu cô Tư nhưng hợp với lối
nghĩ lối cảm của cậu này hơn.
Cùng là người đấy việc đấy
thôi, có người nhìn ra chuyện,
lại có người nhìn ra sự. Cậu
zai này giỏi nhìn ra sự. Thế nên
các tùy bút của cậu ta, dĩ
nhiên là đăng báo cả rồi,
nhưng nếu coi là văn thì nó có
tính báo chí rất cao. Mà nếu
coi là báo thì những bài báo
đó có chất văn hiếm thấy.
Cái này cũng là đáng nói
lắm nhé, khi mà mở các trang online
cứ ngày qua ngày ngỡ ngàng thấy
mục văn hóa giải trí. Đâm
bần thần sao không giải trí bằng
văn hóa. Nhưng mà giải trí bằng
văn hóa, giả dụ bằng tùy bút
tản văn của gã zai này? Có mà
bận trí thêm. Nhỉ?
Hà Nội một thời từng là Phố
Phái trong hội họa. Trong văn chương,
mà cụ thể là văn xuôi thì
sao? Có một Phố Hoài, hẳn thế.
Mới đây Đỗ Phấn in một loạt
tiểu thuyết rất ám người, Phố
Phấn là phố một thời nay hấp
hối, đổi kiếp. Phố của gã
zai này chính là kiếp mới của
phố ngày xưa, sống động, sục
sôi, ồn như rock nặng, thử gọi
bằng tên gã, Phố Quý, được
chăng?
Tô Hoài dừng lại ở Hà Nội
một thời bao cấp. Tô Hoài giỏi
nhớ, giỏi ngẫm ngợi, kĩ lưỡng,
lẩn mẩn, và Tô Hoài không đặt
trước người đọc một khái
quát nào. Nguyễn Vinh Phúc được
mệnh danh là nhà Hà Nội học,
có điều Hà Nội của ông
giáo dạy văn này gần với sử.
Băng Sơn viết cũng nhiều về Hà
Nội, tư liệu cũng như tình yêu
đều đáng nể, nhưng chữ của
ông nhạt, thiếu văn. Hà Nội của
thời nay tính từ khi hết bao cấp, mới
đó cũng sắp ba mươi năm rồi,
chưa có nhà văn nào trẻ trẻ
để tâm và trường hơi đến
thế ngoài một cậu chàng này.
Lứa tuổi tôi cảm nhận dễ dàng,
rõ ràng Hà Nội của Tô Hoài,
cảm thông dễ dàng với Hà Nội
của Đỗ Phấn, nhưng với người
Hà Nội đi xa, cái cảm giác bị
chặt phăng khỏi quá khứ buổi đầu
là có thật. Người viết này
đã cho tôi biết, hiểu và yêu
thành phố của mình, không phải
bằng một tình yêu mới hay là
yêu lại, mà hóa ra là vẫn thế,
vì Hà Nội là Hà Nội, vẫn
có những góc những người cho
mình ngồi lại với nhau.
Gần đây tôi mới biết gã
từng học ở trường tôi dạy
trước. Biết gã trước khi là
sinh viên kiến trúc thì đã là
học sinh, chuyên gì không chuyên lại
chuyên văn, bất chợt thấy mình
run dần dần. Kiểu cảm kiểu nghĩ
này của cậu ta, chẳng một ông
thầy bà thầy nào gột nổi. Nó
là tích tụ của đủ thứ lịch
và nhã từ nhà ra đường, từ
mây trời xuống bụi phố. May mà
mình bỏ trường bỏ lớp trước
khi nó vào trường, chứ nếu là
người dạy lớp nó ngồi….
Biết đâu lúc mình đang huyên
thuyên diễn giải về các thứ tình
và trình, nó lại buồn đến
không thèm phì ra cười.
Khéo thế thật chứ chẳng bỡn.
Berlin - tháng 4. 2012
Nhận xét
Perfectly describes you.
Một người rất yêu HN
Không chỉ thích lối hành văn của Quý mà mình rất quý và trân trọng những quan sát và trăn trở của Quý với Hà Nội. Quý lắm đấy, Quý ạ!