Lê Vân và những quan niệm về giới nữ Việt (phần 3)


Phần 1 | Phần 2 | Phần 4


Quan hệ tam giác


Trong đoạn mà Phạm Ngọc Vân đã dẫn, Lê Vân nói phụ nữ cứ dâng hiến cả cuộc sống của mình cho lợi ích gia đình – không đề cập đến sự hi sinh cho tổ quốc. Sự khuyết thiếu này ghi nhận cô như một hình ảnh bình thường của thế hệ phụ nữ trưởng thành vào cuối những năm bảy mươi và đầu những năm tám mươi. Pettus nhận thấy đây là “thế hệ giao thời” – hậu chiến nhưng trước Đổi mới – có nhiều bận tâm hơn về mức sống của gia đình và ít bận tâm hơn về sự an nguy của quốc gia. Đối với phụ nữ lớn tuổi hơn, thuộc thế hệ cách mạng, nhiệm vụ tề gia và sự hi sinh anh hùng cho tổ quốc có liên quan chặt chẽ hơn. Những phụ nữ lớn tuổi này vẫn giữ lấy cho họ những lý tưởng cách mạng.[1] Ngược lại, thế hệ của Lê Vân không còn hão huyền nữa. Khi họ đã lớn, chiến tranh chống Mỹ đã qua, họ không còn thấy nhiều nhu cầu cho chủ nghĩa hi sinh anh hùng. Trước Đổi mới kinh tế thất bại, và sau khi cải cách hoàn thành nhiều người bị mất trợ cấp. Trừ khi họ có những ông chồng có thể thích ứng tốt với nền kinh tế thị trường, phụ nữ – bao gồm Lê Vân – phải tự “cởi trói” bản thân khỏi sự bao cấp của nhà nước và tìm ra cách nào đó để giúp bản thân và gia đình mình. “Ông nhà nước,” như cách Lê Vân gọi, không còn chăm lo đến họ nữa, vì vậy bớt quan trọng trong cuộc sống của họ.

Kinh tế thị trường đã tạo ra những cơ hội mới cho phụ nữ. Lo ngại phụ nữ sẽ trở nên quá mải mê với các hoạt động thương mại ngoài gia đình, các nhà lãnh đạo đảng đã ban hành chiến dịch “gia đình văn minh, văn hóa” như trên đã nhắc đến. Các lãnh đạo cổ vũ cho gia đình khỏe mạnh và hạnh phúc như là hạt nhân cho sự phồn vinh của đất nước, và phụ nữ được xem như hạt nhân cho sự phồn vinh của gia đình. Phụ nữ đã được định vị, như Gammeltoft viết, như “một đỉnh tam giác trung gian giữa gia đình và quốc gia, chịu trách nhiệm đặc biệt cho cả hai.”[2] Khẩu hiệu “Gia đình hạnh phúc, đất nước phồn vinh” và “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã đặt phụ nữ vào thế “trung gian và cổ vũ” giữa hai “nhóm liên quan tương tác” là gia đình và quốc gia.[3]

Gammeltoft cho rằng hình ảnh này của phụ nữ dù là một nhóm quan hệ tam giác được bắt đầu trong thời chủ nghĩa xã hội, nhưng theo tôi, thực ra đã có một lịch sử xa xưa. Nó có thể đã được khắc họa trong những truyền thuyết về mẫu hệ đã thảo luận trên đây. Trong một chương có tên “Huyền thoại và Thực tế” trong cuốn sách của mình, Lê Thị Nhâm Tuyết đã tổng kết các truyền thuyết được phát triển xung quanh sự hiển thị của những bà mẹ nổi tiếng Việt Nam. Bà bắt đầu với Âu Cơ, tiên vùng núi, người đã lấy Lạc Long Quân, vua rồng của biển cả, và đã hạ sinh ra vị vua đầu tiên của nước Văn Lang, vương quốc đầu tiên của người Việt. “Người mẹ Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện,”  Lê Thị Nhâm Tuyết nhấn mạnh, “là bằng hành động lịch sử sáng tạo ra dân tộc [Việt Nam].”[4] Sự liên tưởng của giới nữ với một Tổ quốc và một dân tộc đã bắt đầu, trong cách nhìn của Lê Thị Nhâm Tuyết, cùng với huyền thoại khai mở này. “Không ở đâu khái niệm ‘Mẹ Tổ quốc’ lại đúng như ở Việt Nam,” bà viết. “Người dân trên mảnh đất này, từ già đến trẻ, ở bất cứ thời nào, khi nói đến nguồn gốc của dân tộc đều nhắc đến vai trò sáng tạo của Mẹ Âu Cơ.”[5] Có thể Lê Thị Nhâm Tuyết không biết danh từ tiếng Anh “agency” (sự tự vận động), một danh từ các nhà nghiên cứu nữ quyền phương Tây hay dùng, nhưng dường như bà có ý nói không có ví dụ nào về sự tự vận động của nữ tính hay hơn sự tạo sinh một quốc gia như vai trò của Mẹ Âu Cơ.

Nho giáo cũng khuyến khích mối quan hệ tam giác mà Gammeltoft nói tới. Như tác giả Tương Lai đã chỉ ra, Nho giáo nhấn mạnh đến quan hệ nối kết cá nhân trong ba phạm vi: “nhànước, và thiên hạ.” Ông viết: “Trong ba cộng đồng đó, nhà giữ vị trí cơ bản vì ‘nhà là gốc của nước’ (quốc chi bản tại gia)” nhưng “xét về mặt cơ cấu, theo quan niệm của nhà nho thì nhànước, và thiên hạ không khác nhau về bản thể, chỉ khác nhau về quy mô, đặc biệt là nhà và nước. Bởi vì, gia đạo cũng là cái đạo lý chi phối toàn bộ các mối quan hệ trong xã hội.”[6] Do phụ nữ là nội tướng mang trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con cái, họ đóng một vai trò trung gian quan trọng giữa gia đình và đất nước.

Đức hạnh phụ nữ truyền thống, tuy vậy, lại nhấn mạnh sự trung thành với gia đình hơn là trung với nước và tô đậm những trách nhiệm nội trợ chứ không phải những thứ liên quan đến đất nước. Chẳng hạn Tứ đức quy định phụ nữ chỉ ở trong phạm vi gia đình. Do đó, những nhà cách mạng cộng sản, khi thúc đẩy việc đưa phụ nữ tham dự vào cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, đã phải đưa phụ nữ tới chỗ đặt các ưu tiên vì dân tộc lên trên việc nhà. Người ta có thể nghĩ thách thức này đối diện với những nhà cách mạng như một nhu cầu để sửa tam giác quan hệ gia đình, phụ nữ và dân tộc bằng cách thay thế gia đình bằng chủ nghĩa xã hội. Việc những phụ nữ này cần ra khỏi nhà và làm việc cùng nam giới là hợp với chủ nghĩa Mác-Lênin, vốn nhấn mạnh rằng cả nam nữ đều là giai cấp lao động. Trong ý thức hệ cộng sản, giai cấp quan trọng hơn giới.[7] Tuy nhiên, cuối những năm 60 và đầu 70, những nhà quản lý văn hóa cho rằng cách tiếp cận mang tính giai cấp hướng đến giải phóng phụ nữ đang làm mất nữ tính của phụ nữ, khiến họ bỏ bê những giá trị đức hạnh nữ giới truyền thống (xem phần “Tứ đức”). Sau Đổi mới, những nhà quản lý sợ kinh tế thị trường có tác động tương tự. Bởi vì nữ giới, như định nghĩa truyền thống, được xem như là tinh hoa của dân tộc, các nhà lãnh đạo đảng đã đến lúc nhận thấy cần thiết phải tái sắp xếp phụ nữ về với việc tề gia nhằm ngăn chặn tinh hoa này không bị mai một. Trong quá trình này, những nhà nghiên cứu như Duong và Pettus đã nhận xét, tự do của phụ nữ bị ngăn cản, sự tự vận động (agency) của họ bị đè nén, và bình đẳng giới thật sự bị đặt ra ngoài tầm với của họ.

Lê Vân nói cô không hiểu “từ đâu, từ bao giờ mà cái sự ‘ngậm bồ hòn làm ngọt’, biết chịu nhục, biết hi sinh lại trở thành những phẩm chất luôn được ca tụng ở đàn bà xứ Việt.”[8] Dường như rõ ràng là đặt phụ nữ vào vị trí quan hệ tam giác kết nối giữa dân tộc và gia đình là một phần của lý do. Không hi sinh lại là có nguy cơ bị dán nhãn không yêu nước. “Thật khó từ chối lời kêu gọi cao quý của chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn khó khăn của đất nước,” Duong chỉ ra, nhưng để đáp lại lời kêu gọi này phụ nữ đánh mất thứ mà cô gọi là tính nữ của họ. “Sử dụng chủ nghĩa quốc gia để biến phụ nữ thành những liệt sĩ hi sinh quên mình,” Dương bình luận, “có thể là sự phá vỡ chung cục của quyền phụ nữ, phác họa phụ nữ như những nô lệ cho tình yêu đất nước của họ.”[9] Pettus cũng đưa quan điểm tương tự: “Đảng càng ca tụng lòng dũng cảm và sự đóng góp quên mình của các bà mẹ, các người vợ và con gái cho yêu cầu đất nước, những phẩm chất được quy định của người phụ nữ Việt Nam càng có hình thức của một sự cưỡng bách quốc gia nhằm đảm bảo sự khuất phục của người phụ nữ trong quốc gia mới.”[10]

Lẽ dĩ nhiên Lê Vân không gặp vấn đề khi xem việc phụ nữ vẫn tiếp tục hi sinh là ngu xuẩn; khi cô trưởng thành, đất nước vẫn nghèo nhưng không còn bị đe dọa bởi quân xâm lược nữa. Do đó cô ít phải đối mặt với nguy cơ bị dán nhãn không yêu nước khi đặt câu hỏi về giá trị của sự hi sinh. Và khi cô vẫn ở độ tuổi đôi mươi, cô nhìn thấy những người ở vị trí có quyền lực – những người như các nhà đạo diễn phim và lãnh đạo – kiếm chác trong nền kinh tế thị trường mới. Khi thấy cấp trên của mình khăng khăng tham quyền cố vị không ai còn muốn nhiệt tình hi sinh gì nữa. Nhưng ngay cả trong môi trường kinh tế và xã hội mới của Việt Nam hậu Đổi mới, người ta vẫn phải có can đảm để đặt nghi vấn về một phẩm chất nữ giới đầy thần thánh và lâu đời như đức hi sinh. Ở Việt Nam hậu Đổi mới, các nhà quản lý văn hóa và nghệ sĩ – đa số là đàn ông – tiếp tục dùng các văn bản truyền thống về phụ nữ để qui định và, trong một số trường hợp, để nâng cao quan điểm chính trị của mình. Điều này gây khó khăn cho phụ nữ khi họ muốn bước ra khỏi vai trò trung gian giữa gia đình và dân tộc.[11] Biến phụ nữ thành biểu tượng của chiến thắng dân tộc hay bị đổ lỗi cho những khó khăn của quốc gia, phụ nữ Việt Nam thấy khó mà tạo ra một không gian để thảo luận  những vấn đề của mình.


Lãng mạn và Định mệnh


Lê Vân thường nhắc đến những văn bản liên quan đến tình yêu lãng mạn và định mệnh để giải thích và biện minh cho hành động của mình. Nhưng rất khó để tách riêng hai chủ đề này. Chúng thường song hành trong các văn bản Việt Nam, như những dòng nổi tiếng trong Truyện Kiều: “Người đâu gặp gỡ làm chi / Trăm năm có biết duyên gì hay không?”[12] Kiều thốt ra những lời này khi trái tim nàng rung động sau khi nàng gặp Kim Trọng lần đầu. Mặc dù khó phân tách tình yêu lãng mạn và định mệnh, tôi sẽ thảo luận từng thứ một nhưng cũng muốn nêu ra rằng hai điều này thường đi đôi với nhau như trong các từ tình duyên, tình nghĩa, tình yêu vợ chồng và tình nghĩa vợ chồng.

TÌNH YÊU LÃNG MẠN

Những quan niệm của người Việt về tình yêu lãng mạn được thể hiện và định hình rõ nét nhờ ca dao. Họ cũng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn Pháp được thể hiện qua tác phẩm của Alphonse de Lamartine, Victor Hugo, Alfred Musset, Alfred de Vigny, Alexandre Dumas con và nhiều nhà văn Pháp khác. Phong trào Thơ Mới những năm 1930-1940 với Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ và nhiều người khác nữa đã chịu ảnh hưởng nặng của thơ ca lãng mạn Pháp. Những tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam, như Tố Tâm nổi tiếng của Hoàng Ngọc Phách (1925), chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết diễm tình châu Âu – như Graziella của Lamartine, Julie của Rousseau và La dame aux camélias của Dumas con.[13] Những tiểu thuyết này, cả châu Âu lẫn Việt Nam, đều thể hiện những mối tình tuyệt vọng và không thành.

Những tác phẩm tình cảm ủy mị về tình yêu bất thành vẫn rất phổ biến ở Việt Nam, và Lê Vân, người đã đem lòng yêu một người đàn ông đã kết hôn với một phụ nữ mà cô tôn trọng, có vẻ giống như một nữ nhân vật từ một trong những tác phẩm kể trên khi cô mô tả quan hệ với Người ấy: “Tôi luôn ý thức đó là mối tình tội lỗi. Và chính tôi là người có tội chứ không phải ai khác, vì tôi cố tình lao vào yêu một người đàn ông có gia đình.”[14] Lê Vân cố tạo ra một thế giới lãng mạn chỉ có hai người trong đó. Cô lánh xa bạn bè và gặp Người ấy trong bóng tối. “Tôi đã yêu chân thành và thần thánh hóa mối tình đó. Không chỉ cho tôi mà cả cho anh, tình yêu éo le ngang trái của chúng tôi là một sự lãng mạn hóa, là cách đào thoát, chạy trốn khỏi cuộc sống ngột ngạt trần tục này. Lãng mạn đến mức chúng tôi cho rằng chỉ cần hai người hiểu với nhau rằng họ yêu nhau là đủ.” (in nghiêng trong nguyên bản).[15]

Yêu và Sống lẽ dĩ nhiên không phải là một câu chuyện viết theo kiểu truyền thống về tình yêu bất thành. Ngay cả trước khi cô thoát khỏi Hà Nội cứng nhắc và nhập vào không khí tự do hơn của Sài Gòn, Lê Vân đã mất kiên nhẫn với sự “trong sáng” của mối quan hệ của họ. Câu hỏi được dấy lên là liệu quan hệ của họ có nên giữ mãi trong sáng và không toàn vẹn, hay là để cho bớt thuần khiết đi nhưng được đủ đầy hơn. Người ấy đã nhắc đến, ít nhất là lúc đầu, sự lựa chọn không thành. Ông nói ông bận tâm đến sự “trong sáng” của Lê Vân và từ chối việc có con với cô.[16] Lê Vân nhìn thấy biểu hiện của lộ trình “lãng mạn”, nhưng không nghĩ mình có thể “dừng lại ở đó.” Đây là những gì cô mô tả tình thế khó xử của mình trong một bức thư gửi người tình lớn tuổi:

Em thấy sao tình cảm của chúng mình trong sáng đến vậy, không gợn chút gì của dung tục. Thậm chí, em còn hơi “lãng mạn” quá ở chỗ: em nghĩ chúng nình sẽ chỉ mang một tình cảm thế này mãi mãi, không cần phải… và không đòi phải… và em cũng nghĩ về anh như vậy. Anh cũng thích mang một điều man mác… chứ không cần phải đi đến một điều gì, Vậy mà em có ngờ đâu, anh đã làm em không thể dừng lại ở đó. Càng ngày em càng yêu anh, gắn bó gần gụi với anh hơn.[17]


Trong văn chương Việt Nam, cả nhân vật nam và nữ đều có những lựa chọn khó khăn giữa tình yêu và tình nghĩa, và trong xã hội tập thể, có xu hướng quy về gia đình của Việt Nam, tình nghĩa thường chiến thắng, tạo nên nhiều câu chuyện buồn về tình yêu không thành. Những tình cảnh không lường được xảy ra, và những nhân vật như Kiều trong Truyện Kiều, phải “cúi đầu” chịu thua và kết hôn vì tình nghĩa, chứ không phải để thỏa mãn những khát vọng cá nhân.[18] Đàn ông bị vướng vào hôn nhân vì tình nghĩa mà không yêu, nhưng họ luôn có một lối thoát, miễn là họ có một người vợ tử tế sẵn lòng hi sinh để giữ gia đình êm ấm: họ có thể có thê thiếp, vợ bé, tình nhân. Phụ nữ theo truyền thống thì không có được những lối thoát như thế, và do đó nếu họ sa vào hôn nhân không tình yêu, thứ tình yêu lãng mạn duy nhất có thể có được với họ là một thứ không thành. Nếu là một tình yêu bí mật, thậm chí cả không thành, khi bị phát hiện ra, nó chỉ đem lại thảm họa xuống đầu người phụ nữ.

Trong văn chương Việt Nam, tình thường được đặt đối lập với nghĩa.[19] Người ta thường nói một đôi lấy nhau vì tình nhưng ở với nhau vì nghĩa. Trong một cách diễn đạt tương tự, cách nói “tình yêu vợ chồng” có thể đặt ở thế đối lập với “tình nghĩa vợ chồng”. Trong cụm bốn từ đó, “tình yêu” là yêu đương còn “tình nghĩa” là trách nhiệm. Lê Vân là một người lãng mạn vì cô từ chối chấp nhận một quan hệ không có tình yêu mà chỉ vì trách nhiệm. Nói về quan hệ của mình với Abraham, Lê Vân nói cô “không lo hai bên có gì thay lòng đổi dạ mà chỉ lo cuộc sống bị nhàm chán, không còn tình cảm nồng nàn say đắm như buổi ban đầu.” Cô đồng ý rằng “sống có tình nghĩa vợ chồng là đúng, là tốt, nhưng giá như vẫn giữ được cái say mê, lung linh như thuở đang yêu có phải là tốt hơn không!”[20] “Sống với nhau chỉ để mà sống… không có sự bay  bổng lãng mạn của tình yêu nữa thì sợ lắm!”[21] Trong một phỏng vấn, Lê Vân nhắc lại quan điểm này: “Vợ chồng sống với nhau đến cuối đời là hay rồi nhưng sống với nhau như thế nào để không chỉ là tình nghĩa vợ chồng mà là tình yêu vợ chồng thì thật đáng quý.”[22]

Điều Lê Vân sợ là quan hệ của cô với Abraham sẽ trở nên không còn tình yêu giống như quan hệ giữa cha mẹ cô. Lê Vân tin rằng có quá nhiều phụ nữ như mẹ cô đã chịu đựng quan hệ không tình yêu, chấp nhận giao kèo hôn nhân mà Lê Vân coi thường: ông chồng đi lăng nhăng, vợ con hưởng an toàn tài chánh. Lê Vân kể rằng cha cô, vì ông không thể chu cấp kinh tế cho gia đình, nên thậm chí cũng chẳng tôn trọng cái giao kèo bất công này. Lê Mai, mẹ của Lê Vân, kể với một người phỏng vấn rằng bà và chồng bà từng yêu nhau sâu sắc nên đã đặt tên con lấy cả họ cha và mẹ (Trần và Lê).[23] “Chúng tôi yêu nhau đến thế cơ mà. Nhưng cái lúc không còn yêu nữa thì vậy đấy. Duyên nợ phải chấp nhận thôi.”[24] Tuy vậy, Lê Vân xác định đó không phải là cách của cô. Cô từ chối giao kèo này. Cô nhận ra rằng khi những chữ như “tình nghĩa” hay “duyên nợ” được dùng để miêu tả quan hệ vợ chồng thì chúng đã trở thành những cách gọi khác cho sự hi sinh chịu đựng của người phụ nữ mà thôi.[25]

ĐỊNH MỆNH

Cả đàn ông và đàn bà Việt Nam đều tin vào định mệnh mạnh mẽ hơn nhiều người phương Tây, điều này nói rằng họ tin cuộc đời họ được dựng nên từ một kế hoạch tiền định, mà họ chỉ có thể chỉnh sửa được trong một vài cách thức hạn hẹp. Niềm tin vào định mệnh này có khởi nguyên một phần từ kinh Phật nói về cuộc sống hiện tại được nối tiếp từ những cuộc đời quá khứ, một phần từ đức tin Hoa-Việt rằng ông trời quyết định tính cách và năng lực mỗi người, và một phần từ những tư tưởng có trong các văn bản chiêm tinh Hoa-Việt[26]. Hue-Tam Ho Tai cho rằng định mệnh trong văn hóa Việt là một luận thuyết giới: đàn ông và đàn bà có thái độ khác nhau khi quan niệm về định mệnh. Hue-Tam Ho Tai viết, nhiều người Việt chia sẻ niềm tin phổ biến rằng những thế lực đối lập của mệnh và tài tạo nên cuộc sống con người, nhưng một người phụ nữ tin cuộc đời của cô “phụ thuộc vào những thế lực được xem như vượt quá khả năng thay đổi của cô,” trong khi một người đàn ông tin mình “có thể vận dụng hầu hết những gì  mà định mệnh đã trao cho anh ta do ý chí, trí tuệ, nỗ lực của anh ta.” [27]

Các văn bản như Truyện Kiều, nơi những người phụ nữ tài sắc thường bị rơi vào cảnh bất hạnh, chứng minh cho sự phân biệt của Hue-Tam Ho Tai. Tác phẩm bắt đầu bằng câu “Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.” Dù không nhắc đến phụ nữ, nhưng sau đó là đôi câu thứ ba: “Lạ gì bỉ sắc tư phong? Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.” Hồng, vừa là hoa vừa là màu, được dùng để chỉ phụ nữ, người được miêu tả là “hồng nhan,” một cụm  từ được nối với “bạc mệnh” thành một cụm bốn từ “hồng nhan bạc mệnh.” Sau khi đọc bài viết của Kiều về cuộc đời trôi nổi của nàng, Thúc Sinh đã dẫn câu này, gọi đó là một cái luật rằng “nghìn xưa âu cũng thế này.”

Trong văn chương Việt Nam, mọi người – đàn ông hay đàn bà, tài năng hay không – đều là đối tượng của định mệnh. Và tài năng có thể mang lại những bi kịch thực sự cho cả đàn ông lẫn đàn bà. Nhưng đàn ông, theo như Hue-Tam Ho Tai, tự chủ hơn được vì họ có thể giành được quyền điều khiển chiến thắng định mệnh để đạt được mục tiêu của mình; sự liên đới giữa tài sắc và bất hạnh mạnh hơn ở người phụ nữ. Nó mạnh mẽ, đến nổi tam giác “tài sắc-phụ nữ-bất hạnh” cũng được phổ biến trong truyền thống Việt Nam ngang hàng với tam giác “gia đình-phụ nữ-quốc gia.”

Lê Vân rõ ràng chịu ảnh hưởng của những văn bản liên quan đến định mệnh, nhưng quan tâm của cô đối với định mệnh không dễ để xác định. Có những chỗ trong Yêu và Sống, Lê Vân than thở về định mệnh của mình. Tôi đã nhận thấy nỗi đau riêng của cô đã dẫn cô đến chỗ thương thân mình và thông cảm với vợ Người ấy và “cả những số phận bất hạnh như tôi: đàn bà.”[28] Trong tự truyện của cô, như nhiều tác phẩm văn chương Việt Nam, các từ “số phận” và “bất hạnh” thường đi cùng với từ “đàn bà.” Lê Vân dùng từ “bất hạnh” thường để tả về mẹ cô, như trong câu này: “Trong chuỗi bất hạnh đời mẹ, bất hạnh nào cũng ghê gớm, nhưng là phận đàn bà thì không gì bất hạnh bằng tình duyên không thành.”[29]

Lê Vân và mẹ cô, như nhiều người Việt khác, tin rằng định mệnh đóng một vai trò chính yếu – nếu không nói là quyết định – trong việc quyết định ai sẽ lấy ai, và nếu hôn nhân thất bại, thì lỗi là tại định mệnh. Chữ duyên nợ mà mẹ Lê Vân dùng để giải thích cho cuộc hôn nhân thất bại của mình, nối kết định mệnh và hôn nhân, cũng tương tự nghĩa với tình duyên, nhân duyên và tình duyên trắc trởDuyên đối với một số người Việt, thường dùng trong từ ghép nhân duyên, gợi đến kinh Phật khi nói về nhân quả. Duyên đối với nhiều người Việt gợi nên câu chuyện về vị thần hôn nhân, tức Ông Tơ, người ngồi trong bóng trăng và chơi trò mai mối trong vũ trụ. Khi ông ta chắp hai sợi chỉ vào nhau, hai người được đại diện bởi hai sợi chỉ ấy sẽ lấy nhau. Mọi biểu hiện này của duyên nối kết tình yêu và hôn nhân với định mệnh.

Các văn bản về chiêm tinh học iúp Lê Vân hiểu và giải thích vai trò của định mệnh  trong cuộc đời của mẹ cô và của chính cô. Sau khi tổng kết mọi sự đau khổ của mẹ cô, Lê Vân đã nói, “Bây giờ, có lẽ mẹ đã hiểu vì sao mẹ phải đứng chữ Mậu. Số kiếp mẹ phải bị cô quả. Cô quả từ thủa đầu còn xanh, lấy một ông chồng trẻ con, có cũng như không, cô quả cho đến khi về già…”[30] Mậu là một trong mười thiên can dùng trong âm lịch kết hợp 12 con giáp để tạo nên một chu kỳ sáu mươi năm, một đơn vị thời gian có thể so sánh với thế kỷ trong dương lịch. Trong sự diễn dịch của Lê Vân, sinh ra dưới can mậu là đặt sẵn một người vào một cuộc đời buồn và cô độc.

Lê Vân sinh vào cùng một thiên can với mẹ cô. Trong sách, cô nói điều này giải thích tại sao cô trở thành một diễn viên múa, nhưng vì là một người với những “tính khí đàn ông” cô đã đạt tới sự độc lập về tiền tài: “Số tử vi của tôi là vũ khúc tham lang, hoàn toàn làm công tác nghệ thuật mặc dù tôi đâu có muốn, đâu có yêu. Là đàn bà nhưng lại dương nữ, mang tính khí đàn ông. Thân lập thân chứ chẳng nhờ vả được ai.”[31] Lê Vân cũng nói tử vi của cô giải thích tại sao cô lại gặp trắc trở trong đường tình cảm.[32] Trong một phỏng vấn, cô nói rằng tử vi đã cắt đặt sẵn cho cô, như là đã làm với mẹ cô, để dẫn tới một cuộc đời buồn và cô độc: “Đứng chữ Mậu là cô quả, đơn độc. Lấy chồng phải lấy thật muộn mới yên bề, mà vợ chồng thì phải sống xa nhau về mặt địa lý[33]... Bây giờ, ngồi nhớ lại, nghiệm ra tôi thấy cũng đúng. Nhưng tôi nghĩ đúng là: Cha mẹ sinh con trời sinh tính.”[34]

Tuy nhiên, trong nhiều phần của Yêu và Sống, Lê Vân nói rõ rằng phụ nữ không nên đổ lỗi cho số mệnh về mọi tai ương mà họ đối mặt. Cô phát hiện những nguyên nhân khác của “chuỗi bất hạnh” của mẹ cô, bao gồm một số quyết định sai lầm. Cha mẹ cô cưới nhau lúc còn trẻ, chỉ vì họ không có cách nào khác. Cô nói cha mình từng dùng câu tục ngữ “ăn cơm trước kẻng” khi nói về lúc mẹ cô mang thai cô. “Những sai lầm trong đời sống vợ chồng,” Lê Vân nói, “dẫn đến hàng loạt đổ vỡ, bất hòa kéo theo cả một chuỗi những bất hạnh.”[35] Nghèo đói và chiến tranh cũng góp phần vào những bất hạnh đó – và còn cả vấn đề chính trị nữa: Mẹ Lê Vân mất việc trong một vụ đấu tố những văn nghệ sĩ liên quan tới nhóm Nhân văn Giai phẩm. Cha của Lê Mai, ông ngoại của Lê Vân, đã tham gia nhóm này.

Khi Lê Vân đưa phần tử vi của mình vào cuối sách, khi cô đang sống hạnh phúc với Abraham, cô xem đây không phải là một sự trừng phạt mà là một sự thử thách, đặc biệt khi cô nói đến tiền định đã đem rắc rối cho cuộc đời đầy cảm xúc của mình. Cô quyết định phải làm hết mình để nuôi dưỡng tình yêu của họ và tránh điều số mệnh đã chỉ ra trong tử vi. Điều này gồm những việc như dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ trước khi Abraham về là một hành động không phải do nghĩa vụ mà là do tình yêu. Nó còn là việc lo lắng không phải làm sao cho giàu tiền bạc mà còn làm cho quan hệ tình yêu được giàu có lên. (“Nhiều gia đình tan vỡ chỉ vì mải làm giàu, quên mất cái việc phải làm giàu cả tình yêu nữa,” cô bảo.) Nó cũng có nghĩa là phải tưới chăm cho cái cây tình yêu để nó không bị chết.[36] Nói cách khác, nó liên quan đến việc làm mọi điều mà cô tin  cha mẹ cô đã từng làm hỏng.

Vì Lê Vân không mấy tin vào số phận và – nếu ta chấp nhận cách phân biệt của Hue-Tam Ho Tai – vì cô có một cái nhìn rất nam tính trước số phận, cô đã khen ngợi hình mẫu phụ nữ đề cao bởi Hội Liên hiệp Phụ nữ. Cô phản đối sự tham lam và ca ngợi việc nội trợ như thể cô là một người cổ vũ cho chiến dịch “gia đình văn minh, văn hóa.” Tuy vậy, Lê Vân nói rõ rằng cô có những lựa chọn khác, rằng cô có thể trở thành một nữ doanh nhân nhưng đã tự do chọn việc trở thành người nội trợ. Cô khẳng định ở cuối tự truyện rằng cô luôn khao khát muốn được dịu dàng và hiền thục, được có “những phẩm chất của phụ nữ Á Đông” mà cô đã “bị ngấm” trong suốt cuộc đời mình.[37] Tuy vậy, chỉ một vài trang trước lời nhận định này, cô đã khuyến khích phụ nữ đặt câu hỏi về giá trị của sự hi sinh chịu đựng, một điểm mấu chốt trong truyền thống của đức hạnh phụ nữ[38]. Ngay sau đoạn nói về đức hi sinh chịu đựng đó, là đoạn cô thúc giục phụ nữ không chỉ đơn thuần làm những gì số mệnh an bài mà phải sai khiến số mệnh theo họ: “Nhiều khi tôi chỉ muốn kêu lên, gào lên: Người đàn bà ơi, hãy dũng cảm lên, hãy nhìn thẳng vào sự thật. Đừng chấp nhận cái gọi là số phận. Ta phải đủ mạnh mẽ để số phận phải theo ta. Ta phải đủ trí khôn để không bị số phận ru ngủ ta dẫn dắt ta vào bể đời trầm luân khổ ải. Ta phải đủ thiện tâm để làm mềm lòng cả những con người độc ác xấu xa… Ơi người đàn bà ơi…”[39]

Trong giọng điệu và sự đòi hỏi phụ nữ hãy tích cực trong nỗ lực đấu tranh của họ, đoạn văn này có dáng vẻ một tuyên ngôn của một nhà nữ quyền Tây phương hiện đại. Tuy nhiên, do nhấn mạnh vào số phận nên nó rất Việt Nam. Như CHTN Nha Trang giải thích, trong sách vở Việt Nam, số phận bất hạnh của một người phụ nữ “thường được giải thích không chỉ vì một vài sai lầm của một bộ phận xã hội hay hệ thống đạo đức sinh ra từ định kiến của đàn ông, mà còn là do thuyết thiên mệnh.”[40] “Sự chịu thua trước số phận của người phụ nữ,” CHTN Nha Trang viết, “được xem như không thể tránh khỏi và phần nào còn được khen ngợi.” Đàn ông, người ở trong chế độ phụ hệ được hưởng lợi rất nhiều như trong hiện tại, thấy thuyết này là “sự tự biện minh thích hợp nhất cho sự đối xử bất công với phụ nữ. Sự bất khả kháng cự trước số phận khiến lương tâm họ thoải mái và giúp họ khỏi phải đối mặt với bất cứ thách thức nào trước việc thắc mắc hay đổi thay những tục lệ đã có, nếu quả thực nó từng có trong đầu họ.”[41]

Tuy vậy, trong đoạn kể của Lê Vân nói về số phận bên trên, cô không buộc tội những định kiến của đàn ông hay xác định sự bất bình đẳng giới như vấn đề chính, ít nhất là cô không nói thẳng ra như vậy. Cô chỉ đơn giản đổ lỗi cho phụ nữ đã chấp nhận số phận quá thụ động và sẵn sàng. Cô muốn phụ nữ phải coi số phận như những người đàn ông bình thường vẫn làm (như Hue-Tam Ho Tai đã xác định), định danh như những thứ có thể chinh phục thông qua sự nỗ lực tận cùng của ý chí và trí tuệ - và qua một thứ mà Hue-Tam Ho Tai không đề cập đến: thiện tâm. Đoạn này có lẩy lại Truyện Kiều, một câu chuyện mà chủ đề chính là thiện tâm thắng tài. Đó là một thiên truyện gợi vấn đề rằng có lòng nhân ái và thể hiện hành xử tốt, một người có thể giảm thiểu tác động của số vận xấu vốn tác động lên tất cả chúng ta, nhưng đặc biệt hơn là với những người tài sắc. “Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Thiện căn ở tại lòng ta,” Nguyễn Du đã viết vậy trong đoạn kết thiên truyện của mình.

Tuy nhiên, trong một số đoạn của Yêu và Sống, Lê Vân không giống như những người sẵn sàng ép số phận theo mình. Thỉnh thoảng một giọng  mềm yếu than thân xuất hiện, ví dụ khi cô nói đến “cả những số phận bất hạnh như tôi: đàn bà.”[42] Khi cô kể về lúc cô tựa vào bờ vai rộng của Abraham và hình dung ra anh như một cây thông cao lớn còn bản thân cô như một cây leo mỏng mảnh, cô bằng lòng với việc mềm yếu và phụ thuộc quá mức vào đàn ông. Trong sách vở Việt Nam, phụ nữ thường ví mình với hình ảnh dây leo mềm yếu hoặc so sánh mình với những thứ khác nhỏ bé và yếu ớt (mưa sa, cành liễu, bèo bọt) để diễn tả sự lo âu của họ trong một thế giới thống trị bởi nam giới. “Cũng may dây cát được nhờ bóng cây” – Kiều nói với Từ Hải, người hùng chiến binh và vị cứu tinh của cô.[43] Abraham trở thành Từ Hải của Lê Vân. Nhưng ai có thể đổ lỗi cho Lê Vân khi cô được tắm mình trong sự bảo vệ của một người đàn ông mạnh mẽ và dường như rất tử tế, người đã lo liệu cho cô về cả hai mặt, tài chính và tình cảm?

Người đó chính là người vợ của Abraham ở Hà Lan. Số phận, chủ nghĩa lãng mạn, và sự yếu đuối của phụ nữ có thể đều được dẫn ra để bào chữa cho tội lỗi, bao gồm cả việc đánh cắp chồng của người khác, và Lê Vân dùng hết thảy cho mục đích này. Lê Vân thừa nhận cô đã lừa dối hai người đàn ông, và trong một đoạn cô đã cầu khấn Trời, Phật, tổ tiên, linh hồn những người đã chết – tất cả những thế lực siêu nhiên – trừng phạt cô. Trong sự bào chữa của mình, cô nói về số phận và sự vô tội của tình yêu: “Con sẵn sàng đón chịu tất cả những trái đắng do mình gây ra. Nhưng tại trời cứ tạo ra những hoàn cảnh để con phải chết trong tình yêu mà không làm sao chống đỡ nổi. Con có tội, nhưng bản chất tình yêu không có tội. Nếu con có lao đến cái tình yêu ấy thì con sai, con không biết phải trái, nhưng tình yêu là vô tội.”[44]

Trong một phỏng vấn, phóng viên Anh Dương đã hỏi Lê Vân câu hỏi: “Trong tự truyện, chị lên án cha mình đã phản bội mẹ. Chính chị cũng đã thấy mẹ mình đau khổ như thế nào. Nhưng chị vẫn tôn thờ tình yêu của mình, dù tình yêu đó có thể làm tan nát gia đình người khác. Chị nghĩ gì về hai chữ ‘thủy chung’?” Lê Vân trả lời rằng cô đã bị “dằn vặt” bởi sự thật là mình đã “cướp mất hạnh phúc của người đàn bà khác,” nhưng cô mau chóng quy lỗi lầm trước hết cho số phận, rồi đến tình yêu, và cô kết luận bằng một lời van xin ân huệ vì một lý do cô “chỉ là một người đàn bà mà thôi”: “Nhưng biết làm sao được, cứ như là số phận bắt phải thế. Tôi đã dùng hết lý trí của mình rồi, nhưng tình yêu có cách đưa đường dắt lối riêng, có lúc đúng, có lúc sai… Với hai chữ ‘thủy chung’, tôi chỉ biết nói rằng: Yêu là yêu hết tấm lòng của mình, và đừng bao giờ ân hận về tình yêu đó… Mong mọi người hiểu tôi cũng chỉ là đàn bà thôi. Tôi cũng đã từng đau đớn lắm, đau cho mình và đau cả cho người khác nữa.”[45]

Đọc câu trả lời của Lê Vân, người ta băn khoăn hỏi điều gì đã xảy ra với người tha thiết kêu gọi phụ nữ đừng chấp nhận số phận, mà bắt số phận đi theo mình. Vấn đề là khi Lê Vân dùng câu “Số phận bắt phải thế” để nói mình là nạn nhân, giống như Kiều, bởi một vài người đàn ông, nhưng trong tự truyện cô là người biến những người đàn bà khác thành nạn nhân. Kiều được Kim Trọng tha thứ và được rút tên khỏi sổ Đoạn trường vì cô đã chọn chữ hiếu thay vì tình. Một vấn đề đối với nhiều người đọc là họ thấy Lê Vân trong Yêu và Sống đã từ bỏ việc thể hiện phẩm chất đã cứu Kiều: chữ hiếu. Sự phê phán mạnh mẽ của cô đối cha mẹ là thứ đã khiến quyển sách gây tranh cãi. Tuy nhiên, trong việc theo đuổi chồng của các phụ nữ khác và phê phán cha mẹ mình, Lê Vân đã thể hiện rằng cô không bị cầm tù trong sách vở, văn hóa của cô. Trong tình huống này, Lê Vân có thể nói rằng mình đã “buộc số phận phải theo mình,” nhưng liệu cô có thể cùng lúc đó đổ tội cho số phận đã bắt cô có những hành động phạm lỗi của cô mà cô thừa nhận là  sai trái không?



[1] Pettus, Between Sacrifice and Desire, 14.

[2] Gammeltoft, “‘Faithful, Heroic, Resourceful,’” 267.

[3] Sđd., 273. Catherine Scornet đưa ra một ví dụ hay về quan hệ tam giác trong công việc ở lĩnh vực thực hành sinh sản và chính sách. Cô viết, “Các chương trình kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam tìm kiếm cách thuyết phục bằng cách kết nối hạnh phúc gia đình với quốc gia.” Đặc điểm then chốt này, trong quan điểm của Scornet, phân biệt chính sách của Việt Nam với các chương trình của hội nghị Cairo của Liên hợp quốc (1994) về dân số và phát triển, vốn “tập trung vào quyền sinh sản của cá nhân, bất kể sự tác động có tính tập thể hay quốc gia.” Xem Catherine Scornet, “State and the Family: Reproductive Policies and Practices,” [Nhà nước và Gia đình: Các chính sách sinh sản và thực hành] trong Barbieri và Bélanger chủ biên, Reconfiguring Families, 69.

[4] Lê Thị Nhâm Tuyết, Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, 17.

[5] Sđd.

[6] Tương Lai, “Lời giới thiệu”, trong Liljestrom và Tương Lai chủ biên, Những nghiên cứu xã hội học, 5.

[7] Nguyễn Thị Minh Khai, người phụ nữ có vị trí cao nhất trong Đảng Cộng sản Đông Dương, đã viết vào năm 1938: “Vậy muốn giải quyết vấn đề phụ nữ đến triệt để, chị em không thể đứng tách riêng, xét về phương diện giới, nam nữ phân biệt.  Trái lại, điều cốt yếu của vấn đề là ở phương diện chung, phương diện giai cấp mà chúng ta cần phải giải quyết chung . . .” Dẫn theo Nguyệt Tú, Chị Minh Khai (Hà Nội: NXB Phụ nữ, 1976), 99. Hue-Tam Ho Tai dịch ra tiếng Anh trong Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution [Chủ nghĩa cấp tiến và sự khởi đầu của Cách mạng Việt Nam] (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1992), 245.

[8] Lê Vân và Bùi Mai Hạnh, Lê Vân: Yêu và Sống, 53.

[9] Duong, “Gender Equality and Women’s Issues,” 38.

[10] Pettus, Between Sacrifice and Desire, 9.

[11] Bao giờ cho đến tháng mười, một bộ phim có Lê Vân đóng, là một ví dụ tốt. Đặng Nhật Minh, đạo diễn và tác giả kịch bản, đã giải thích rằng trong phim của ông “số phận của người phụ nữ trẻ đã hình tượng hóa số phận của đất nước… Tôi thấy đất nước tôi thực sự giống như một người phụ nữ trẻ. Trong xã hội chúng tôi, những người phụ nữ chịu đựng gánh nặng, họ giữ định mệnh của chúng tôi trong tay họ và đó là tại sao tôi cảm thấy thông qua họ, người ta sẽ hiểu được những vấn đề của cuộc sống trong đất nước chúng tôi.” Xem Đặng Nhật Minh, “In the Realm of Darkness and Light,” [Trong địa hạt của bóng tối và ánh sáng] Cinemaya 7 (Spring 1990): 11–13 (11). Xem thêm thông tin về bộ phim, xem Gina Marchetti, “Excess and Understatement: War, Romance, and Melodrama in Contemporary Vietnamese Cinema,” [Dư thừa và chìm lấp: Chiến tranh, Tình yêu và Bi kịch trong điện ảnh Việt Nam đương đại] Genders 10 (Spring 1991): 47–74; và Bradley, “Contests of Memory.”

[12] Nguyễn Du, Truyện Kiều, câu 181–182, CHTN Nha Trang dịch, “Traditional Roles of Women,” 96.

[13] Xem Cao Thị Như-Quỳnh và John C. Schafer, “From Verse Narrative to Novel: The Development of Prose Fiction in Vietnam,” [Từ truyện thơ đến tiểu thuyết: Sự phát triển của văn xuôi hư cấu Việt Nam] Journal of Asian Studies 47, no. 4 (tháng Mười một 1988): 756–777.

[14] Lê Vân và Bùi Mai Hạnh, Lê Vân: Yêu và Sống, 167.

[15] Sđd., 166.

[16] Sđd., 163, 206–207, 218.

[17] Sđd., 199.

[18] Kiều cúi đầu trước hoàn cảnh và chọn chữ hiếu thay vì tình khi lấy gã Mã Giám Sinh để chuộc cha. Xem Nguyễn Du, Truyện Kiều, Huỳnh Sanh Thông dịch, câu 599–606.

[19] “Một trong những sự đối lập cơ bản phổ biến nhất và lớn nhất trong văn hóa Việt Nam – hay chính cuộc sống người Việt,” Neil Jamieson viết, “là giữa nghĩa và tình.” Xem Neil Jamieson, Understanding Vietnam [Tìm hiểu Việt Nam] (Berkeley: University of California Press, 1993), 20.

[20] Lê Vân và Bùi Mai Hạnh, Lê Vân: Yêu và Sống, 304.

[21] Lê Vân và Bùi Mai Hạnh, Lê Vân: Yêu và Sống, 300.

[22] Anh Dương, “NSƯT Lê Vân: Tôi đã đau đớn mười mấy năm trời”,www.tintuconline.vietnamnet.vn/vn/buon/115805, bản lưu: http://vietbao.vn/Giai-tri/NSUT-Le-Van-Toi-da-dau-don-muoi-may-nam-troi/65071810/235/

[23] Tên đầy đủ của Lê Vân là Trần Lê Vân.


[25] Sự thật là phụ nữ Việt Nam thường bị ghép với nghĩa và với ít phương cách hơn đàn ông để có được tình dẫn đến câu hỏi liệu sự đối lập tình với nghĩa này có phải là một trong những quan hệ song đôi mà, như các nhà chủ nghĩa hậu cấu trúc và nữ quyền tranh cãi, “ngăn chặn những khoảng trống mơ hồ hay ở giữa các chủ đề đối lập, vì vậy bất kỳ một vùng chồng lớp nào xuất hiện… trở nên bất hợp lý theo logic sóng đôi.” Xem Bill Ashcroft, Gareth Griffiths, và Helen Tiffin, Post-colonial Studies: The Key Concepts [Nghiên cứu hậu thực dân: Những khái niệm chủ chốt] (London: Routledge, 2000), 23–24.

[26] “Trong xã hội Trung Hoa và Việt Nam truyền thống, người ta thường tin rằng con người có được tính (tiếng Hoa: hsing) hay khả năng và năng lực do trời ban, nơi được coi là nguồn cơn tối hậu của mọi sự.” Xem Alexander Woodside, Vietnam and the Chinese Model[Việt Nam và hình mẫu Trung Hoa] (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1971), 9.

[27] Hue-Tam Ho Tai, “Fortune Is a Woman: Talent and Destiny in the Lives of Women in 18th Century Vietnam,” [May mắn là đàn bà: Tài năng và Số phận trong cuộc đời phụ nữ thế kỷ 18 ở Việt Nam] bản thảo chưa xuất bản, Harvard University, 1985. Cũng xem Anne Marie Leshkowich, “Woman, Buddhist, Entrepreneur: Gender, Moral Values, and Class Anxiety in Late Socialist Vietnam,” [Phụ nữ, Phật giáo, Nhà buôn: Giới, Giá trị đạo đức và Lo âu về giai cấp ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa gần đây] Journal of Vietnamese Studies 1, no. 1–2 (February/August, 2006): 277–313 (298).

[28] Lê Vân và Bùi Mai Hạnh, Lê Vân: Yêu và Sống, 344.

[29] Sđd., 47.

[30] Cô quả ở đây là một từ rút gọn từ cụm “cô nhi quả phụ” (một đứa trẻ mồ côi, một người đàn bà góa) nhưng đơn giản mang nghĩa là “buồn và cô độc.” Sđd., 50.

[31] Sđd., 151.

[32] Sđd., 304.

[33] Lê Vân cho biết cô và Abraham đã lấy nhau, nhưng cô và Abraham chưa từng chính thức kết hôn. Nhận xét của cô về việc hai người phải sống xa cách liên quan đến thực tế là Abraham phải đi làm nơi xa. Cô sống với anh ở Rome nhưng không thể theo anh tới Bắc Triều Tiên và những nơi xa khác.

[34] Anh Vân, Đỗ Duy: “Lê Vân: ‘Tôi không có ý vạch áo cho người xem lưng”,http://vnexpress.net/gl/van-hoa/2006/10/3b9efc56/

[35] Sđd., 44.

[36] Sđd., 305.

[37] Sđd., 359.

[38] Tôi đã dẫn đoạn này trong phần Hi sinh.

[39] Sđd., 345.

[40] CHTN Nha Trang, “Traditional Roles of Women,” 198.

[41] Sđd., 190.

[42] Lê Vân: Yêu và Sống, 133.

[43] Nguyễn Du, Truyện Kiều, câu 2279–2280. Kiều cũng ví mình với hạt mưa (câu 619 và 1961), một cành liễu mềm yếu (2422),
và một tấm bèo trôi giạt (2475). Cách diễn đạt như “bồ liễu” là cách dùng cho “phái yếu.”

[44] Lê Vân: Yêu và Sống, 353.

[45] Anh Dương, “NSƯT Lê Vân: Tôi đã đau đớn mười mấy năm trời”,www.tintuconline.vietnamnet.vn/vn/buon/115805, bản lưu: http://vietbao.vn/Giai-tri/NSUT-Le-Van-Toi-da-dau-don-muoi-may-nam-troi/65071810/235/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm