Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Hôm nay đột nhiên sếp hỏi phố Phan Thanh Giản ở HN ngày xưa là phố nào. Thấy trên mạng, rồi quyển "Từ điển Đường phố HN" và tổng đài 1080 nói rằng đó là phố Nguyễn Hữu Huân bây giờ. Phố này theo như sách nói thì có tên là phố Bắc Ninh (vì trên đường ra cầu Long Biên đi sang Gia Lâm, ngày xưa thuộc Bắc Ninh), 1940 là phố Thống chế Petain (thằng cha bù nhìn theo phát xít còn sống lúc ấy mà đã được đặt tên đường, thảo nào thua), 1948-1964 là Phan Thanh Giản. Tuy nhiên trên bản đồ HN 1945 do Phòng Công thư Tòa thị chính HN in (VNDCCH năm thứ I) mình chụp ở triển lãm sách thì lại là phố Lê Phụng Hiểu bây giờ - phố này cũng gần phố Nguyễn Hữu Huân.
Tuy nhiên, hãy nói về chuyện Phan Thanh Giản thì đáng lưu ý là năm 1963, Viện Sử học đã kết luận ông này là bán nước do hành động ký vào Hiệp ước Nhâm Tuất 1862, cắt ba tỉnh miền Đông cho Pháp để bồi thường chiến phí. Tuy nhiên, năm 1867, chính ông sau khi giữ không nổi 3 tỉnh miền Tây, ông đã tự tử. Như thế có thể suy rằng, mãi sau khi có kết luận của Viện Sử học thì PTG mới bị bỏ tên khỏi đường phố HN. Bây giờ thì người ta đã kết luận rằng PTG không "bán nước", và câu "Phan, Lâm mãi quốc, triều đình thí dân" chỉ là một câu tồn nghi, không chép trong sách nào của các sĩ phu đương thời, và thậm chí cụ Đồ Chiểu hay Nguyễn Thông còn có thơ cảm khái về cái chết của ông. 2 con trai PTG cũng cầm đầu quân nổi dậy chống Pháp sau đó. Thực tế là triều Nguyễn muốn đổ tội cho ông đã giữ đất không thành, nên đã đục tên ông khỏi bia tiến sĩ và có sự quở trách nặng nề, cho dù đến đời vua Đồng Khánh (1888) thì lại khôi phục cho ông.
Giờ sang chuyện bản đồ HN và những tên phố xưa. Năm 1945, chính quyền TP HN của bác sĩ Trần Văn Lai đã đổi tên các phố Tây thành phố mang tên các anh hùng dân tộc, cơ bản như ngày nay. Tuy nhiên khoảng 1946 đến đầu 1960, tên phố HN lại nhiều thay đổi tùy tiện. Ví dụ: phố Duvigneau đổi thành Huyền Trân Công Chúa, rồi sau Cách mạng tháng Tám 1945 là Minh Khai, đến tạm chiếm lại thành Huyền Trân Công Chúa, cho đến 1964 là Bùi Thị Xuân. Phố Nguyễn Công Trứ năm 1945 là Yersin, còn phố I-éc-xanh (như biển tên bây giờ) lại là phố Lãn Ông. Còn phố Lãn Ông bây giờ khi ấy là Phúc Kiến, nơi có bang hội người Hoa Phúc Kiến ở. Khu vực này tên đổi loạn xà bần, Hồng Đức bây giờ là Trần Thánh Tông (nối dài từ Lê Thánh Tông xuống, hẳn là có lý), Nguyễn Thị Kim bây giờ là Nguyễn Huy Tự, Ấu Triệu giờ là Lê Qúy Đôn. Trạng Trình là tên cũ của Phan Chu Trinh, còn Nguyễn Bỉnh Khiêm khi ấy chưa quy hoạch xong, dự kiến mang tên Trần Phú. Và Phan Chu Trinh lại là tên cũ của Nguyễn Thái Học.
Hai con phố dài nhất khu phố Tây là phố Huế và Bà Triệu bây giờ, năm 1945 mang tên như sau:
- Nửa trên phố Huế + Hàng Bài là Triệu Quang Phục, nửa dưới là Duy Tân. Nếu mà giữ tên đó, khéo người HN cũng có thể hát "Trả lại em yêu, khung trời đại học. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát" ấy nhỉ? Bây giờ vua Duy Tân được đặt ở khu Mỹ Đình, hơi xa nhưng được cái phố cũng to.
- Nửa trên phố Bà Triệu là Mai Hắc Đế, trong khi phố Mai Hắc Đế khi ấy tên là Lê Bình.
Thế thì phố Trần Phú bây giờ hồi ấy mang tên gì? Tôn Thất Thuyết. Và mọi người có đoán được phố Lê Hồng Phong năm 1945 mang tên gì không? Cũng một ông họ Tôn nhưng người Tàu: Tôn Trung Sơn.
Nhận xét