Đèn Trung thu của bố
Bố tôi là một người rất khéo tay. Ông gói bánh chưng giỏi có tiếng, viết chữ đẹp (luôn được khu phố cử ra viết khẩu hiệu!), làm cả những việc nặng nhọc với tinh thần tài hoa đáng ngạc nhiên: đóng gạch xỉ viên nào cũng chặt và vuông thành sắc cạnh, hiếm khi bị nứt vỡ. Ngôi nhà tôi hồi bé được xây bằng chính những viên gạch ấy.
Dĩ nhiên ông làm các món đồ thủ công rất thiện nghệ. Món quà thời thơ ấu nổi bật nhất của tôi là một cái đèn trung thu ông sao, bố tôi vót tre và lắp. Nó không phải loại đèn ông sao dán giấy bóng kính đỏ rừng rực mà ọp ẹp bán ở Hàng Mã bây giờ. Nó chắc chắn và quan trọng là rất to, phải gấp đôi cái đèn bán ở chợ (mà người ta thường gọi là “đồ hàng mã” để chỉ sự rẻ tiền và dùng xong một lần là bỏ). Cái đèn ông sao ấy là món đồ chơi của tôi suốt nhiều năm. Mỗi năm đến mùa Trung thu, tôi lại lấy cái đèn xuống, giữ nguyên khung ghép bằng nan tre bề thế đó và tự tay cắt giấy màu thay vào lớp giấy cũ đã bạc. Lòng cây đèn đủ rộng để tôi thắp được loại nến to hơn nến bé bằng đầu đũa bọn trẻ con dùng ở những cây đèn bình thường. Với tôi cây đèn này là sáng nhất. Nó luôn nổi bật khi được giương ở đám rước khu phố. Tất nhiên là tôi rất hãnh diện. Đứa nào trong xóm cũng trầm trồ với cái đèn to xứng đáng đi đầu.
Trung thu tưởng chừng cứ mãi đơn giản thế. Nhưng rồi càng lớn, càng ít đứa cùng tuổi thích đi rước đèn. Và tôi cũng thấy vô duyên khi cầm cái đèn to đùng đi như những năm trước, đằng sau là đám trẻ con lít nhít. Tôi cất cái đèn lên gác.
Một lần có đứa em họ tới chơi. Nó thích cái đèn. Tôi hơi tiếc nhưng cũng cho nó. Tôi không nhớ cảm giác lúc ấy, chắc tôi không biết được những ngày thơ ấu của mình đã chấm dứt vào hôm tôi cất cái đèn đi. Sau này, tôi đã sửng sốt khi xem cảnh cuối phim hoạt hình Câu chuyện đồ chơi, cậu bé Alex vào đại học và tặng lại thùng đồ chơi cho bé Bonnie hàng xóm. Sao giống cảnh của tôi vậy? Những năm tháng sau khi không còn đi rước đèn, Trung thu với tôi mất hẳn mục đích, chỉ là nhấm nháp bánh nướng, bánh dẻo hoặc đến chơi nhà bạn. Trăng trên trời sáng đến mấy cũng không ấn tượng, cùng lắm thốt lên: “Trăng tròn quá nhỉ!”.
Trung thu chỉ trở lại một cách “phức tạp” khi tôi đọc Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, có lẽ là vào cuối cấp ba. Lúc này ý nghĩa trọn vẹn của tiết Trung thu cổ truyền mới được tôi đón nhận. Tiết Trung thu được tôi điểm lại qua những dòng văn miên man của Vũ Bằng, với “Mùa hồng lúc này đã rộ, bưởi cũng đã nhiều, nhưng thơm ngọt ngào mùi đất nước quê hương, đó có cái gì sánh được với cốm Vòng ăn với chuối trứng cuốc ngon lừ”. Vũ Bằng như những nhà văn khác, và giống bố tôi, đã dựng nên cái khung chắc chắn của cây đèn Trung thu từ những mảnh ký ức rời rạc của người đọc là tôi, để chờ tôi dán những miếng giấy màu lên đó.
Tôi gặp lại tâm trạng của mình mười năm trước: “Nhà tôi bán đầu sư tử: ai mà bảo sư tử của nhà khác cùng phố lớn hơn, đẹp hơn thì tôi tưởng có thể sanh sự liền; đèn kéo quân nhà tôi bán cũng là đèn đẹp nhất; còn cỗ tháng Tám thì khỏi phải nói, bao giờ tôi cũng thấy cỗ nhà tôi hách nhất và to nhất, không cỗ nhà ai sánh kịp… Cứ từ mười hai tháng tám là ngày bày cỗ, tôi sướng như điên, có đêm thao thức đến một hai giờ khuya không ngủ được”. Tôi đọc được về tích Trung thu bên Trung Quốc, về tục hát trống quân, về phố phường Hà Nội những thập niên đầu thế kỷ trước, những phố hàng náo nhiệt đồ chơi dân gian, đều qua Thương nhớ mười hai, và cả Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân nữa.
Trung Thu lúc này mới là câu chuyện văn hóa. Cái nguồn cội thăm thẳm nào đấy chảy vào lòng tôi rất tự nhiên, nhờ những dòng tùy bút hay truyện ngắn đẹp đẽ kia. Nhờ những trang viết, bài ca một thời, tôi có cảm xúc hơn với cái mùa phức tạp nhất ở Hà Nội này.
Bố tôi cũng không còn cơ hội làm những món đồ thủ công cho tôi nữa, hoặc là tôi đã không còn cần đến bàn tay khéo léo của ông trong thời buổi cái gì cũng sẵn ngoài chợ. Bánh chưng thì nhà tôi đặt bốn cái là đủ cả Tết. Xe đạp, rồi xe máy hỏng là dắt ra hiệu. Bàn ghế thì đã sẵn xưởng sẵn thợ đóng cho. Những nét chữ đẹp của ông không còn cần cho những bảng hiệu băng rôn của tổ dân phố. Giờ máy vi tính đã làm thay hết. Trung thu ở Hà Nội vẫn náo nhiệt, đồ chơi sản xuất kiểu công nghiệp áp đảo các sản phẩm thủ công.
Trung thu năm nay là Trung thu đầu tiên tôi vắng bố. Ông đã ra đi vào một ngày mùa hạ nóng đến khắc nghiệt. Trước khi diễn ra đám tang, tôi được các cụ hội người cao tuổi đọc bản nháp điếu văn, trong đó điểm lại quá trình công tác của ông. Tôi có nhiều thắc mắc. Vì sao một người hiền lành và nhiều tài lẻ như ông lại vất vả chuyển việc nhiều thế, và vì sao ông về hưu ở cái tuổi còn trẻ hơn cả tôi bây giờ? Dường như ông khéo tay bởi vì hoàn cảnh quá vất vả đã buộc ông phải biết làm đủ thứ. Tôi không đủ sức đọc lại tập giấy tờ vì quá buồn. Cái khung nào đó sẽ cần tôi dán lại những khoảng trống.
Nhìn những cái đèn mùa Trung thu mới, tôi vẫn còn nhớ đến cái khung đèn vững chãi bố làm, được chằng buộc bằng những sợi chỉ chắc chắn, trên đấy tôi dán những giấy màu, những bông hoa trang trí tuổi nhỏ, và thắp lên ngọn nến sáng của mình.
Nguyễn Trương Quý
Nhận xét