Quần là cháy ly
Ngay tên gọi nôm na là “quần Âu” cũng đã thấy rõ phần trang phục này không phải của ta, và hơn thế, rõ cả châu lục xuất xứ. Cái quần Âu, tức là cái quần dài, thông qua người Pháp, nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa Việt Nam chỉ sau vài thập niên Âu hóa, và giờ đây là món đồ không thể thiếu của bất kỳ người nam giới nào, thậm chí ngay từ khi thôi nôi.
Tất nhiên phụ nữ cũng đã có cuộc cách mạng khi Coco Chanel mặc bộ đồ lễ phục kiểu nam giới để trở thành một phân khúc thời trang hấp dẫn, nhưng những sự phóng túng phá cách càng làm nổi lên tính chất kinh điển của chiếc quần dài nam giới. Ít nhất mỗi người đàn ông đều phải có trong tủ quần áo một đôi chiếc quần âu cùng áo sơmi để đi làm việc, đi dự những buổi họp hay muốn xuất hiện trước đám đông một cách nghiêm ngắn, với một thông điệp đại loại như “tôi là người sẵn sàng làm việc”. Chiếc quần dài, vì vậy, là một chỉ dấu của người trưởng thành trong xã hội.
Quần dài nam giới xét cho cùng, ít để lại ấn tượng đặc biệt nào về thời trang, nhưng lại phản ánh nếp sống của chủ nhân. Những thước phim câm nổi tiếng của danh hài Charlie Chaplin làm người ta nhớ trước hết là vì trang phục kỳ khôi của nhân vật chính tương hợp với điệu bộ lũn cũn, tất tả. Anh chàng Tramp người lang thang luôn mặc một bộ suit rất đủ lệ bộ, không quên một cây gậy quý phái, nhưng những thứ này gây tức cười bởi nó nhàu nhĩ, lấm lem, và cái quần dài luôn quá khổ so với thân hình gầy gò ốm đói, chỉ chực tụt ra khỏi đôi chân. Bởi vì Tramp là người nghèo cùng khổ, lấy đâu ra thời gian để quần là áo lượt, nên sự đói khổ in dấu lên trang phục rất rõ, dù là bộ Âu phục đường bệ. Chiếc quần quá khổ khiến cho thân hình của anh hề trở nên bé nhỏ, đáng thương. Anh ta nghèo nên không thể có bộ quần áo thứ hai để thay đổi, và cũng nghèo nên không có điều kiện giặt là cho phẳng phiu “quần có ly” như đúng quy cách lịch duyệt. Nhưng cũng có thể thấy trong những bộ phim của hề Charlot, anh ta nghèo mà vẫn cố giữ cho mình một cái vẻ ngoài “người hữu ích cho xã hội” cũng như cố giữ cho mình một thiên lương.
Thời chiến tranh và bao cấp ở Việt Nam, có lúc việc đánh răng, là quần áo (ở miền Nam gọi là ủi đồ) bị coi là dấu vết của thói tiểu tư sản cần phải dẹp. Vì thế, những cái quần âu thẳng nếp thì hiếm mà nhăn như lò xo lại nhiều. Đã vậy chất vải lại kém, chẳng mấy ai có nhiều chiếc quần để thay đổi. Hà Nội như thể toàn những chàng Charlot đạp xe kẽo kẹt trên những nẻo đường sơ tán hay xếp hàng mua gạo ngoài phố. Chẳng biết có nhiều chàng Charlot ấy giữ cho mình sự cố gắng chải chuốt cần có không, như một thái độ của việc ý thức về cá nhân. Những chiếc quần Âu đã có lúc thay thế bằng những cái quần xanh cỏ úa của bộ đội, những cái quần mặc ở hậu phương lam lũ đến mức có thành ngữ “quần xắn móng lợn” át hẳn hình ảnh những cái quần lá tọa, quần chân què ở nông thôn xưa kia. Có cái quần Âu tươm tất đã khó, huống hồ những phụ kiện như thắt lưng. Ai mặc quần lên gấu lơvê hẳn là những cụ ông luyến tiếc thời đi giày hai màu nện gót trên vỉa hè Bờ Hồ, nghe nhạc phát ra từ máy quay đĩa 78 vòng. Tôi nhớ lần đầu đến một sàn nhảy cổ điển ở phố Lý Nam Đế cách đây đã gần hai chục năm, vẫn còn những vũ sư dân chơi từ thời Pháp thuộc, các cụ mặc quần ống rộng, giày đế cao, túi áo vét không quên gài khăn mùi xoa trắng. Với các cụ, sàn nhảy là chỗ thiêng liêng hào hoa, cái quần dài lúc nào cũng có ly thẳng tắp, giống như cách các cụ ưỡn ngực thẳng lưng bước đi trong tiếng nhạc tango réo rắt. May mà Đổi mới không đến quá muộn để các cụ lúc ấy còn đủ hơi dận gót dìu các học viên nữ.
Thời trang là sự thay đổi, vì thế quần Âu cũng hết ống đứng đến ống loe, loe chán thì sang ống thụng và ống côn, chưa kể đến sự cạnh tranh của các loại quần kaki hay jeans, nhiều khi đã lấn lướt ý niệm “quần dài” vốn độc tôn cho loại quần được tách từ bộ comple. Đã có thời quần loe bị cấm, và đã có lúc quần loe làm mưa làm gió trên sân khấu như những chiếc quần ống vẩy dát kim tuyến của ban nhạc ABBA.
Chúng ta không thể tìm kiếm một chiếc quần Âu chung thích hợp cho mọi người đàn ông, nhưng chúng ta có thể tìm được chiếc quần thể hiện nhu cầu tôn vinh cơ thể mình, thay vì mua tranh bán cướp một chiếc quần phân phối bằng tem phiếu ngày xưa. Và chúng ta cũng chẳng còn là những kẻ ham rẻ đến độ mùa khuyến mại nào cũng nhặt những chiếc quần giảm giá tối đa nhưng có size lệch với mình cả cây số vòng eo. Quần 1000 đôla giảm giá chỉ còn 2 triệu đồng ư? Rẻ quá. Size XXL? Có thể bóp eo bóp mông không nhỉ? Ý tưởng này làm tôi nhớ đến thời nhỏ, người cậu đi công tác nước ngoài về cho một cái quần vải cực tốt, pha nylon gì đó khiến không nóng mà không bị nhàu, kiểu dáng lại lịch sự, màu nhã nhặn. Tất nhiên mẹ tôi phải chữa lại vì nó quá to. Kết quả tôi có một cái quần dài mới và một cái quần soóc. Nhưng đi đến đâu mẹ tôi cũng phải chỉ vào những cái quần đó và bảo “quần này chữa lại từ quần mang từ Tây về đấy!” Nếu không thế, ai mà biết tôi đang mặc một cái quần Tây! Chỉ còn thiếu nước tôi cầm hai bên quần đi tới đi lui giống hề Charlot.
Tôi đã nhìn lại mấy tấm ảnh ấy. Cái quần trứ danh có đến hai hay ba ly, khiến tôi như mặc quần của một ông già sáu mươi tuổi. Nó được bóp eo cho vừa cái bụng lép nhưng ống vẫn rộng nên ở hai bên hông đột ngột phồng ra rất tức cười. Hơi hơi giống quần của các vũ sư.
Dù sao thì cái quần đó mẹ tôi cũng đã làm một việc lớn: là (ủi) đến “cháy ly” – tôi mặc mấy năm vẫn thẳng thớm. Dĩ nhiên, tôi lấy đâu ra cái quần dài thứ hai giống thế để được coi là con nhà tiểu tư sản! Mà những năm tháng trước Đổi mới ấy, những ông vũ sư con nhà ăn chơi cố cựu mặc quần gì?
N.T.Q
Tất nhiên phụ nữ cũng đã có cuộc cách mạng khi Coco Chanel mặc bộ đồ lễ phục kiểu nam giới để trở thành một phân khúc thời trang hấp dẫn, nhưng những sự phóng túng phá cách càng làm nổi lên tính chất kinh điển của chiếc quần dài nam giới. Ít nhất mỗi người đàn ông đều phải có trong tủ quần áo một đôi chiếc quần âu cùng áo sơmi để đi làm việc, đi dự những buổi họp hay muốn xuất hiện trước đám đông một cách nghiêm ngắn, với một thông điệp đại loại như “tôi là người sẵn sàng làm việc”. Chiếc quần dài, vì vậy, là một chỉ dấu của người trưởng thành trong xã hội.
Quần dài nam giới xét cho cùng, ít để lại ấn tượng đặc biệt nào về thời trang, nhưng lại phản ánh nếp sống của chủ nhân. Những thước phim câm nổi tiếng của danh hài Charlie Chaplin làm người ta nhớ trước hết là vì trang phục kỳ khôi của nhân vật chính tương hợp với điệu bộ lũn cũn, tất tả. Anh chàng Tramp người lang thang luôn mặc một bộ suit rất đủ lệ bộ, không quên một cây gậy quý phái, nhưng những thứ này gây tức cười bởi nó nhàu nhĩ, lấm lem, và cái quần dài luôn quá khổ so với thân hình gầy gò ốm đói, chỉ chực tụt ra khỏi đôi chân. Bởi vì Tramp là người nghèo cùng khổ, lấy đâu ra thời gian để quần là áo lượt, nên sự đói khổ in dấu lên trang phục rất rõ, dù là bộ Âu phục đường bệ. Chiếc quần quá khổ khiến cho thân hình của anh hề trở nên bé nhỏ, đáng thương. Anh ta nghèo nên không thể có bộ quần áo thứ hai để thay đổi, và cũng nghèo nên không có điều kiện giặt là cho phẳng phiu “quần có ly” như đúng quy cách lịch duyệt. Nhưng cũng có thể thấy trong những bộ phim của hề Charlot, anh ta nghèo mà vẫn cố giữ cho mình một cái vẻ ngoài “người hữu ích cho xã hội” cũng như cố giữ cho mình một thiên lương.
Thời chiến tranh và bao cấp ở Việt Nam, có lúc việc đánh răng, là quần áo (ở miền Nam gọi là ủi đồ) bị coi là dấu vết của thói tiểu tư sản cần phải dẹp. Vì thế, những cái quần âu thẳng nếp thì hiếm mà nhăn như lò xo lại nhiều. Đã vậy chất vải lại kém, chẳng mấy ai có nhiều chiếc quần để thay đổi. Hà Nội như thể toàn những chàng Charlot đạp xe kẽo kẹt trên những nẻo đường sơ tán hay xếp hàng mua gạo ngoài phố. Chẳng biết có nhiều chàng Charlot ấy giữ cho mình sự cố gắng chải chuốt cần có không, như một thái độ của việc ý thức về cá nhân. Những chiếc quần Âu đã có lúc thay thế bằng những cái quần xanh cỏ úa của bộ đội, những cái quần mặc ở hậu phương lam lũ đến mức có thành ngữ “quần xắn móng lợn” át hẳn hình ảnh những cái quần lá tọa, quần chân què ở nông thôn xưa kia. Có cái quần Âu tươm tất đã khó, huống hồ những phụ kiện như thắt lưng. Ai mặc quần lên gấu lơvê hẳn là những cụ ông luyến tiếc thời đi giày hai màu nện gót trên vỉa hè Bờ Hồ, nghe nhạc phát ra từ máy quay đĩa 78 vòng. Tôi nhớ lần đầu đến một sàn nhảy cổ điển ở phố Lý Nam Đế cách đây đã gần hai chục năm, vẫn còn những vũ sư dân chơi từ thời Pháp thuộc, các cụ mặc quần ống rộng, giày đế cao, túi áo vét không quên gài khăn mùi xoa trắng. Với các cụ, sàn nhảy là chỗ thiêng liêng hào hoa, cái quần dài lúc nào cũng có ly thẳng tắp, giống như cách các cụ ưỡn ngực thẳng lưng bước đi trong tiếng nhạc tango réo rắt. May mà Đổi mới không đến quá muộn để các cụ lúc ấy còn đủ hơi dận gót dìu các học viên nữ.
Thời trang là sự thay đổi, vì thế quần Âu cũng hết ống đứng đến ống loe, loe chán thì sang ống thụng và ống côn, chưa kể đến sự cạnh tranh của các loại quần kaki hay jeans, nhiều khi đã lấn lướt ý niệm “quần dài” vốn độc tôn cho loại quần được tách từ bộ comple. Đã có thời quần loe bị cấm, và đã có lúc quần loe làm mưa làm gió trên sân khấu như những chiếc quần ống vẩy dát kim tuyến của ban nhạc ABBA.
Chúng ta không thể tìm kiếm một chiếc quần Âu chung thích hợp cho mọi người đàn ông, nhưng chúng ta có thể tìm được chiếc quần thể hiện nhu cầu tôn vinh cơ thể mình, thay vì mua tranh bán cướp một chiếc quần phân phối bằng tem phiếu ngày xưa. Và chúng ta cũng chẳng còn là những kẻ ham rẻ đến độ mùa khuyến mại nào cũng nhặt những chiếc quần giảm giá tối đa nhưng có size lệch với mình cả cây số vòng eo. Quần 1000 đôla giảm giá chỉ còn 2 triệu đồng ư? Rẻ quá. Size XXL? Có thể bóp eo bóp mông không nhỉ? Ý tưởng này làm tôi nhớ đến thời nhỏ, người cậu đi công tác nước ngoài về cho một cái quần vải cực tốt, pha nylon gì đó khiến không nóng mà không bị nhàu, kiểu dáng lại lịch sự, màu nhã nhặn. Tất nhiên mẹ tôi phải chữa lại vì nó quá to. Kết quả tôi có một cái quần dài mới và một cái quần soóc. Nhưng đi đến đâu mẹ tôi cũng phải chỉ vào những cái quần đó và bảo “quần này chữa lại từ quần mang từ Tây về đấy!” Nếu không thế, ai mà biết tôi đang mặc một cái quần Tây! Chỉ còn thiếu nước tôi cầm hai bên quần đi tới đi lui giống hề Charlot.
Tôi đã nhìn lại mấy tấm ảnh ấy. Cái quần trứ danh có đến hai hay ba ly, khiến tôi như mặc quần của một ông già sáu mươi tuổi. Nó được bóp eo cho vừa cái bụng lép nhưng ống vẫn rộng nên ở hai bên hông đột ngột phồng ra rất tức cười. Hơi hơi giống quần của các vũ sư.
Dù sao thì cái quần đó mẹ tôi cũng đã làm một việc lớn: là (ủi) đến “cháy ly” – tôi mặc mấy năm vẫn thẳng thớm. Dĩ nhiên, tôi lấy đâu ra cái quần dài thứ hai giống thế để được coi là con nhà tiểu tư sản! Mà những năm tháng trước Đổi mới ấy, những ông vũ sư con nhà ăn chơi cố cựu mặc quần gì?
N.T.Q
Nhận xét