Nhờ new media, một cuộc cách mạng về tác giả?

Giới thiệu

Trong truyền thống văn hóa Việt Nam nhiều thế kỷ, xã hội đặt tác giả vào vị trí của người truyền tin, người đại diện cho trí tuệ và đạo đức. Vào lúc chuyển sang thế kỷ 21, khi Internet và phương tiện số trở thành nền tảng của truyền thông, gọi bằng cái tên chung là new media (phương tiện truyền thông mới), thì các phương tiện in ấn và văn học truyền thống cũng chứng kiến sự ra đời của đối thủ mới: văn học mạng. Quyền lực của việc tạo ra nội dung không còn là độc quyền của các tác giả được in ấn nữa. Văn học mạng thuộc về một môi trường rộng hơn của các phương tiện mới mà một số nhà nghiên cứu nổi tiếng gọi là siêu văn bản (hypertext), nó phân phối lại vai trò của tác giả, tác phẩm và người đọc và mối quan hệ giữa các phạm trù này (Landow, 2006; Barthes: 1977). Nói cách khác, nó định nghĩa lại mối quan hệ cơ bản của truyền thông trong xã hội Việt Nam. Tác giả văn học mạng đóng một vai trò then chốt trong mối quan hệ này, thể hiện sự tác động của phương tiện truyền thông mới trong không gian công cộng.

Do đó, bài viết này sẽ tập trung thảo luận vấn đề ở góc độ xem xét sự kiến tạo hình ảnh mới của tác giả trong phạm vi văn học mạng. Trong một chừng mực, vị trí của họ trong môi trường truyền thông thể hiện cách xã hội Việt Nam thay đổi cách giao tiếp của nó so với quá khứ. Bài viết sẽ thảo luận ba điểm chính dễ nhận diện nhất ở Việt Nam: 1) văn học mạng định vị lại tác giả trong ý thức hệ xã hội; 2) văn học mạng định hình lại tác giả trong truyền thông; và 3) tác giả văn học mạng là nhân tố tạo nên các quy tắc văn hóa mới.



ĐỊNH VỊ LẠI TÁC GIẢ TRONG Ý THỨC HỆ XÃ HỘI

Một "thiên tài" đã được sinh ra

Việt Nam bắt đầu kết nối Internet toàn cầu từ tháng 11 năm 1997. Từ khi hệ thống này tham gia vào sự phát triển của Việt Nam, nó góp phần thay đổi nhiều khía cạnh văn hóa xã hội của đất nước. Internet mau chóng trở thành cái tổ của nhiều diễn đàn, blog và các loại mạng xã hội khác, các hình thức này đã sản xuất ra và chia sẻ hàng triệu entry, từ đó tạo nên một khái niệm mới về quan hệ công chúng. Hiện tượng này thể hiện điều nhận định rằng “Mạng lưới Internet như các website và mạng nội bộ thể hiện cho các hệ thống mà trong đó những người làm công việc quan hệ công chúng (PR) thao tác. Internet ở diện rộng đã thể hiện cho môi trường thay đổi chưa từng thấy khi mạng vận hành” (Kelleher, 2007: 16)

Sự ra đời của mạng xã hội như blog và Facebook đã mang lại cơ hội cho việc tự xuất bản và do đó đã định nghĩa lại lối viết, sản phẩm sách và tác giả. Thuật ngữ “văn học mạng” được sinh ra để gắn cho trào lưu này và mau chóng được các nhà phê bình chấp nhận. Khi số lượng người dùng Internet Việt Nam tăng lên từ 0,2 triệu lên gần 40 triệu, và một phần ba dân số truy cập Facebook năm 2016, không gian công cộng này trở thành nhà xuất bản lớn nhất hơn bao giờ (Moore Corporation, 2015; Vietnam News Agency, 2016).


Thống kê số lượng người dùng Facebook ở Việt Nam từ 2011-2015. Nguồn: Vietnam Digital Landscape 2015, Moore Corp.

Sự có mặt của văn học mạng ở Việt Nam đã đem tới một thách thức đáng kể đối với quyền lực của các nhà sản xuất văn chương chính thống. Trong khi đầu ra truyền thống của văn học vẫn được xuất bản trong các nhà xuất bản của nhà nước hoặc có sự kiểm duyệt, Internet cung cấp cho cư dân mạng một công cụ để tự xuất bản bất cứ thứ gì họ muốn trừ khi gặp tường lửa hay qua bộ lọc. Một trong những mạng xã hội đầu tiên (và vẫn còn tồn tại) là Trí Tuệ Việt Nam Online. Được thành lập năm 2001 với gần một triệu thành viên vốn hầu hết thuộc thế hệ trẻ, mạng xã hội này nhanh chóng sản sinh ra một số tác giả văn học mạng.

Người thành công nhất có lẽ là Nguyễn Thế Hoàng Linh, vốn là một sinh viên một trường đại học danh tiếng đã bỏ học giữa chừng để theo đuổi nghiệp viết lách. Tiểu thuyết đầu tay của anh được đăng lên mạng khoảng năm 2003 với một cái tựa khá kiêu ngạo, “Chuyện của thiên tài”. Trong hình thức của một nhật ký, anh giãi bày với người đọc rằng “khi viết, ít ra là khi viết, tôi muốn mới” (Nguyễn, 2005: 318). Một người đọc trẻ nói rằng cô tìm thấy trong tiểu thuyết của anh tuyên ngôn của thế hệ mình. Khi in ra, tác phẩm của anh ngay lập tức gây nên sự tranh cãi giữa một số nhà phê bình và tác giả lớp trước (Away, 2005; Trần, n.d.).

Nhà văn Hồ Anh Thái viết trong lời giới thiệu cho cuốn sách in của Nguyễn Thế Hoàng Linh rằng Linh là “một cây bút tỉnh táo. Linh dùng chữ thiên tài mà ai đó gắn cho mình như một điều giả định, lại chơi chơi như giễu nhại, giễu người giễu mình” (Nguyễn, 2005). Sự quyến rũ của hình ảnh tác giả độc lập và hợp thời mới này đã hấp dẫn một làn sóng những người trẻ nghiệp dư xuất bản tác phẩm của họ trên mạng (Du, n.d.; Hoàng, 2015; Khải, 2016). Một số tác giả tìm thấy ở phương tiện truyền thông mới một môi trường tự do để xuất bản những tác phẩm tiền phong hoặc underground của mình, chẳng hạn nhóm Mở Miệng. Họ mau chóng rơi vào trung tâm của sự phê bình của truyền thông nhà nước và những nhà văn bảo thủ (Vân, 2013). Hiển nhiên là những trường hợp này cho thấy phương tiện truyền thông mới đã thay đổi định nghĩa về người viết.

Một số nhà văn lớp trước cũng không cưỡng lại được sức hút của văn học mạng. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, người đã có tên tuổi vào những năm 1990, đánh dấu sự trở lại của mình bằng loạt bài trên blog Quê Choa. Blog của ông gồm những bài tạp bút hài hước về các tác giả và người nổi tiếng đã gây được sự chú ý của đồng nghiệp và người đọc trên mạng. Ông gọi lối viết của mình là “khẩu văn” và than phiền rằng thật phí khi hầu hết các đồng nghiệp của ông đều ngại dùng các phương tiện mới, như email và blog. Ông nói, “không cách gì hay hơn là anh ném tác phẩm ra một đám đông- toàn nickname, không biết mặt- người ta có thể mắng mình như không. Đám đông đó tôi nghĩ mới thật”. (Nguyễn, 2009). Tuyển tập các entry này đã được xuất bản thành sách có tên “Ký ức vụn” và trở thành một cuốn sách bán chạy bất ngờ.

Hai cuốn sách đề cập trên đây đều từng được vào chung khảo giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội và cuốn đầu đã được giải năm 2005. Những ý kiến của hai tác giả cho thấy họ rất quen thuộc với khái niệm một tác giả mạng phải là một cư dân mạng (netizen), người bắt kịp những hành vi văn hóa của xã hội Internet. Nếu các tác giả truyền thống tạo ra sản phẩm của họ dưới những nguyên tắc cổ điển trong một vài hình thức đã được điển chế hóa trong hàng ngàn năm, các tác giả mạng tiến hành các hoạt động của mình trong những hình thức hoàn toàn mới. Hơn nữa, trong một số trường hợp, những hình thức mới này trở thành chính nội dung. Một số tác giả xuất bản những đoạn chat hay tin nhắn và gọi đó là một truyện ngắn hay một bài thơ. Hiện tượng này minh họa chính xác khái niệm của McLuhan rằng “phương tiện cũng là thông điệp” (McLuhan, 1994: 7). Thực vậy, Internet đã kiến tạo nên lối viết, cách nghĩ và cách thức giao tiếp của tác giả với công chúng của anh/chị ta. Đầu ra của văn học ngày nay không chỉ là một cuốn sách in thực thể trên vài giá sách trong một đất nước mà là một tập hợp những trang viết số trên hệ thống rộng lớn toàn cầu.

Ở Việt Nam, bên cạnh thuộc tính underground của văn học mạng, xã hội cũng chứng kiến một khuynh hướng khi thế giới ảo này tìm cách hòa nhập vào văn chương dòng chính. Đáng chú ý là khuynh hướng này tạo ra một ấn tượng rằng văn học mạng là một nhánh nối dài của văn chương thông thường hoặc chỉ là một tờ giấy điện tử để viết bằng bàn phím thay vì cây bút. Hơn nữa, truyền thông nhà nước cũng coi văn học mạng là sân chơi chỉ của giới trẻ với những giá trị ngắn hạn (Hoàng, 2015; Khải, 2016). Phần tiếp theo sẽ cung cấp một cái nhìn qua về cách định nghĩa một tác giả truyền thống ở Việt Nam.

Một lược sử về hình ảnh tác giả

Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, văn học không chỉ là hình thức nghệ thuật quan trọng nhất mà còn là một nguồn nền tảng tư tưởng trong việc phục vụ quản trị xã hội. Xã hội phong kiến Việt Nam, dưới ảnh hưởng của Nho giáo và Pháp gia, vận hành một hệ thống truyền thông vốn đề cao vai trò của những người đàn ông trải qua khoa cử trong hệ thống thang bậc xã hội. Cụm từ quen thuộc “sĩ, nông, công, thương” đã thể hiện cho các tầng lớp dân chúng mà trong đó “sĩ” (hay là các học giả) được đặt ở vị trí cao nhất trong “tứ dân”.

Những học giả này thuộc về cộng đồng thiểu số những người biết chữ trong xã hội mà có thể ra làm quan cũng như viết văn thơ, nhờ vào quá trình học hành lâu dài cũng như các kỳ thi phức tạp vốn tập trung vào kỹ năng viết. Các văn bản đa dạng của họ về sử, địa, văn (cả hư cấu lẫn phi hư cấu) cùng nhiều thứ khác đã đóng một vai trò quan trọng trong truyền thông chính thống. Cách họ tạo ra các tác phẩm cũng thể hiện cách xã hội Việt Nam truyền thông. Một trong những tác giả đáng kính nhất trong văn học trung đại Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), đã nêu rõ sứ mệnh của các tác giả là “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Nguyễn, 1982, [Dương Từ Hà Mậu, thơ nằm giữa câu số 155 và 156]). Điều này thích hợp trong hệ thống giá trị Nho giáo.

Trong thế kỷ 20, một nước Việt Nam hiện đại được hình thành, và văn học tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ tư tưởng của đất nước. Sự thương mại hóa văn chương vẫn là một vấn đề gây tranh cãi khi nhiều tác giả cho rằng công việc này chỉ là một thú chơi riêng tư. Trong cuộc tranh luận văn chương gây ảnh hưởng nhất thập niên 1930, các tác giả Việt Nam tranh cãi về mục đích của văn chương là “vị nghệ thuật” hay “vị nhân sinh”. Dưới sự tác động của nhiều phong trào yêu nước, vai trò của các tác giả cũng được đặt ra về trách nhiệm của họ trong việc “văn minh hóa” và giải phóng đất nước khỏi ách cai trị thực dân của Pháp (Marr, 1981).

Những nhà hoạt động Mácxít đã đi xa hơn khi tuyên truyền bản đề cương về văn hóa của mình như một cẩm nang cho các tác giả trong việc tìm kiếm một giải pháp cách mạng. Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo cộng sản, cũng là một tác giả, đã viết “Nay ở trong thơ nên có thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Nhật ký trong tù, bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi, bản dịch của Viện Văn học). Các mục tiêu đạo đức tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với các tác giả. Chúng đã được tổng kết trong tác phẩm có tính dấu mốc “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 và một lần nữa vào cuộc họp chỉnh huấn ở Việt Bắc năm 1949 (Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương; Marr, 1981). Nội dung của nó trở thành con đường duy nhất của văn học cách mạng trong suốt năm thập niên cho đến khi cuộc Đổi mới được tiến hành vào cuối những năm 1980. Bốn mươi năm sau bản đề cương văn hóa, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam, xác nhận lại rằng “chúng ta là những nhà văn, nhưng là những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng” (Lê, 2008). Các văn bản giáo dục Việt Nam thường nêu cao câu “nhà văn là kỹ sư tâm hồn”, câu này đã được tạo ra từ một số nhà văn Xôviết dưới thời Stalin. Nó trở thành một trong những đề thi môn văn phổ biến nhất ở trường trung học.

Ở một hướng khác, một số nhà văn đặt câu hỏi về vai trò của họ khi những dấu hiệu của phương tiện truyền thông mới xuất hiện. Một trong những tác giả nổi tiếng nhất của văn học Đổi mới, Nguyễn Huy Thiệp, đã thể hiện mối lo âu vào năm 1989 về sự cần thiết của “những nhà văn có tư tưởng sáng suốt” khi nhìn về thiên niên kỷ mới (Nguyễn, [Giăng lưới bắt chim] 2016: 29). Phạm Thị Hoài, một nhà văn khác hiện sống ở Đức, đã điều hành trang Talawas, một website giới thiệu và xuất bản nhiều tác phẩm văn học mạng. Trong những bài tiểu luận của mình, bà châm biếm về tư cách của trí thức Việt Nam, đặc biệt là những nhà văn vẫn còn giữ tư duy trì trệ lạc hậu của ý thức hệ (Talawas, 2001-2008). Bản thân Talawas đã trở thành một tạp chí văn học online có sức ảnh hưởng vào thập niên đầu của thế kỷ 21, cạnh tranh với vai trò của nhiều cơ quan cùng chức năng khác trong nước. Một số tác giả mạng cũng đã gặp rắc rối khi cơ quan quản lý cho rằng họ vi phạm các chính sách thông tin trong các trang viết trên mạng của họ.

Sự đan cài và xung đột giữa hai hình thái văn học cho thấy sự tác động của phương tiện truyền thông mới đến sự thay đổi trong nền tảng tư tưởng của xã hội. Hiển nhiên là cả tác giả và độc giả không thể tiêu thụ văn chương như trước nữa. Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, viết lách thuộc về một quy trình truyền thông phức tạp nhưng hợp thời khi được vận hành bằng các phương tiện di động và cầm tay. Văn học mạng đã trở thành thực đơn tự nấu (do-it-yourself) của thế hệ mới.



ĐỊNH HÌNH LẠI TÁC GIẢ TRONG TRUYỀN THÔNG


Khi tác giả chuyển từ học giả sang nhà giải trí

Trong xã hội phong kiến Việt Nam, thương nhân nằm ở hạng dưới cùng trật tự xã hội bởi theo tư tưởng Nho giáo và Pháp gia, buôn bán được xem như hành vi kém đạo đức. Vì thế các tác giả cũng đồng thời là các nho sĩ không mấy khi can dự việc buôn bán. Khi họ viết thơ văn, họ thường trông đợi sự tán thưởng từ vua chúa hay các quan lại giới tinh hoa. Hiển nhiên là hầu hết các tác giả đều xa lạ với việc bán hay quảng bá sách của mình khi mà thời của máy in chưa đến. Truyền thông kiểu cũ thường đưa lại một hình ảnh lịch lãm của các tác giả như những “nhà nho tài tử”, những người viết cho thú vui riêng mình hoặc chia sẻ trong nhóm hẹp. Trong khi đó, truyền thông thế kỷ 20 khắc họa công việc này như một nghề nghiệp chuyên môn ở một nước Việt Nam hiện đại nhưng đã trải qua một giai đoạn chiến tranh lâu dài. Trong nhiều thập niên, các tác giả Việt Nam đã sống trong một hệ thống bao cấp và thị trường sách đúng nghĩa thì gần như chưa hề tồn tại.

Truyền thông mới gần như đến cùng lúc với thế hệ nhà văn mới. Nó cung cấp cho họ cả cách nghĩ lẫn công cụ mới để thể hiện bản thân. Bên cạnh việc gia nhập các hệ thống mạng xã hội náo nhiệt, họ cũng dùng các tài khoản online như một lối vào chào đón người đọc của họ. Hơn nữa, họ cũng quan tâm đến việc mở các trang fanpage để tăng cường sức hấp dẫn giống như các nhà hoạt động xã hội hay thậm chí một ngôi sao văn hóa đại chúng. Ví dụ, Facebook của Nguyễn Thế Hoàng Linh có gần 8000 người theo dõi và trang fanpage thì có 9300 lượt like. Được biết đến như một blogger hơn là một tác giả lứa trước thuần túy, Nguyễn Quang Lập có gần 6 vạn người theo dõi trên FB. Một tác giả và blogger nữ, Trang Hạ, có con số ấn tượng là 450 nghìn lượt like trên fanpage. Tuy nhiên những con số này quá tội nghiệp khi so sánh với kỷ lục của một tác giả mạng khác là Gào. Fanpage của “hot girl viết văn” này có khoảng 2,6 triệu lượt like, con số có lẽ chỉ những người làm giải trí như ca sĩ hay diễn viên hài mới đạt được. Mặc dù có nghi vấn về độ xác thực của các con số, công chúng có thể tìm thấy ở đây một công thức hoàn toàn mới để trở thành một tác giả nổi tiếng.

Trong trường hợp của Gào, cô gái sinh năm 1988, quảng cáo cho sách của cô trên một trang bán sách trực tuyến là “Nếu bạn chưa từng đọc truyện của Gào, hãy chạy ra nhà sách và mua ngay một cuốn, bạn sẽ hiểu được vì sao Gào lại trở thành 1 hot blogger” (Tiki, 2016). Chúng ta có thể học được lộ trình thành công ở đây là một hot blogger là một phẩm chất mà một tác giả mạng ăn khách cần có. Nhưng điều gì nữa có thể khiến cô gái này trở thành “hot” hơn những blogger văn chương khác như Nguyễn Quang Lập hay Trang Hạ? Điều đầu tiên là bút danh. Gào trong tiếng Việt là một động từ mang nghĩa tiêu cực, nó ngay lập tức gây sốc cho công chúng vốn đã quen với những bút danh đầy chất thơ của các nhà văn Việt Nam. Thứ hai, như quảng cáo của cô đã đề cập, những câu chuyện của cô nói về “những câu chuyện tình dục, những cô gái điếm, những ngôn ngữ thô tục,... nhưng tất cả những yếu tố đó là lại phần quan trọng trong việc tạo nên thành công ngày hôm nay”.

Và cuối cùng nhưng quan trọng là cô thường khoe thân thể quyến rũ trên mạng qua hàng trăm tấm ảnh và video giống như một socialite phương Tây. Những chia sẻ của cô về tình dục thách thức những người lớn tuổi và lối viết “thô tục” của cô có lẽ làm phiền lòng các tác giả nghiêm túc, nhưng những gì cô viết đã hấp dẫn những người hâm mộ trẻ tuổi của cô một cách khá ầm ĩ. Hiện nay, sau khi cô đã lập gia đình, các độc giả trẻ của cô lại bình luận đầy hào hứng trên FB của cô về đời sống gia đình của cô hay những kiến thức của cô trong việc nuôi con. Công thức làm việc của cô có lẽ đã thể hiện hoàn hảo những kỹ thuật PR và quy trình truyền thông: các chiến lược quan hệ gồm “sự tích cực, sự mở cửa, sự đảm bảo, chia sẻ nhiệm vụ, kết nối mạng xã hội có thể đượ dùng để tạo nên một cái khung cơ bản cho sự tư vấn thiết thực trong công việc quan hệ công chúng online” (Kelleher, 2007: 130-132). Thực vậy, không chỉ Gào mà hầu hết các tác giả mạng khác đều dùng mọi tính năng của lĩnh vực PR để chiếm lấy trái tim của công chúng trẻ.

Song song với các hoạt động online, các tác giả mạng cũng mở rộng sự ảnh hưởng của mình ở ngoài đời qua các hoạt động như ký tặng sách, các buổi họp mặt fan, và các buổi họp báo. Thông tin về các sự kiện sắp diễn ra được tung ra dày đặc và không ngơi nghỉ trên mạng xã hội hay các kênh của đơn vị xuất bản trong khi truyền thông nhà nước dành một cái nhìn thận trọng và khá dè chừng. Khi một số tờ báo đưa tin về hiện tượng người hâm mộ xếp hàng tới tận đêm khuya để có được chữ ký của các tác giả mạng như Anh Khang, họ trích ý kiến của những nhà phê bình lớn tuổi khi đánh giá những sản phẩm loại này là “văn học thời trang” và dự đoán chúng sẽ “không thọ lâu” (Hòa, 2016; Minh, 2016). Tờ báo quyền lực Tuổi Trẻ nhấn mạnh một cách khá chua cay rằng “Các tác giả trẻ rất biết cách PR”. Phiên bản tiếng Anh của bài báo còn đi đến một kết luận không vui vẻ mấy rằng “quality does not really count” [Chất lượng không thật sự đáng kể]. (Minh, 2014; Tuoitrenews, 2014)

Sự phân biệt và sự công nhận

Nhìn vào bề nổi, công chúng trẻ tuổi có thể không ý thức được rằng điều họ say mê chính là hình ảnh các tác giả mạng. Họ thể hiện trên fanpage của các tác giả này rằng họ ngưỡng mộ vẻ ngoài dễ coi của các tác giả hay những thông điệp lãng mạn trong tác phẩm. Ngay cả những tác giả ăn khách nhất cũng tự ý thức được về vị thế bên lề của mình trong thế giới văn chương “đích thực”. Tác giả mạng Anh Khang khẳng định rằng “mình không phải là nhà văn mà chỉ là người ghi lại những cảm xúc của giới trẻ” (Tuoitrenews, 2014). Tuy nhiên, một số tác giả cực đoạn khác có cách thể hiện bản thân khác. Nhóm các nhà thơ Mở Miệng thuộc về những nhóm đầu tiên tạo nên lối viết không thông thường trong các tác phẩm trên mạng và đề cập cả những vấn đề chính trị. Một số nhà phê bình đã nhận định họ góp phần thay đổi tư duy về thơ ở Việt Nam. Hiển nhiên là những câu thơ “đầy những chửi thề và ám chỉ tình dục” không được chấp nhận trên truyền thông nhà nước. Các sản phẩm của họ chưa bao giờ được in chính thức mà tự in với số lượng hạn chế (Nawotka, 2011). Truyền thông phương Tây coi họ như một dấu hiệu của “sự tự do” trong sự tương phản với “sự kiểm soát tư tưởng khắt khe đối với văn học nghệ thuật” của nhà nước (Phạm, 2004).

Mặc dù nhiều nhà văn và nhà phê bình thông thường sử dụng blog hay các trang của họ hàng ngày như một kênh truyền thông chính thức, truyền thông đại chúng vẫn coi “tác giả văn học mạng” chỉ là những cây bút trẻ làm việc ở bên lề dòng chính thống. Hội nhà văn Việt Nam, một tổ chức của nhà nước có 68 năm hoạt động, có tới hơn 70% hội viện trên 60 tuổi và chỉ có 10% dưới 40. Tổ chức có khoảng 1000 thành viên này dường như quá già để chia sẻ không gian văn hóa với tác giả mạng.

Một số hội viên có đầu óc cởi mở đã dành sự cảm thông cho các tác giả mạng nhưng cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của họ trong việc dẫn dắt công chúng trẻ xa rời khỏi các “mối quan tâm thiết thực” về đất nước hay các vấn đề xã hội, hoặc thiếu cái nhìn tích cực trong việc hình thành nên những công dân tốt (Hoàng & Lê, 2015). Tuy nhiên, một số tác giả mạng đã được ghi nhận từ các hiệp hội chuyên môn. Năm 2014, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã trao giải cho cuốn sách đầu tay và duy nhất của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, tập hợp từ những bài viết đã xuất bản trên mạng xã hội trước khi qua đời. Theo lời ban giám khảo, anh là “một người không định viết văn những đã đạt tới giá trị của văn chương” (Lam, 2014). Những giải thưởng thức thời từ số ít hiệp hội chính thống cũng cho thấy họ đang tìm kiếm một sự quy chuẩn hóa truyền thống trong văn học mạng.



TẠO RA NHỮNG QUY TẮC VĂN HÓA MỚI

Một thế hệ mới: “Sinh ra để cô đơn”?

Từ những thảo luận bên trên, ta thấy văn học mạng đã trở thành không chỉ một phương tiện mới mà còn là một hiện tượng văn hóa. Các nhà hoạt động của nó, các tác giả mạng, đã tạo ra các quy tắc văn hóa của họ trong một không gian truyền thông khác với quá khứ. Xét đến những quy tắc văn hóa vốn là những thành tố quy định ngầm trong môi trường xã hội, chúng ta nên lưu ý đến nhận định rằng “ở bản chất tự nhiên của mình, văn hóa được được hình thành ở cấp độ mô thức, chúng ta cần coi như một dòng bất tận của sự tương tác giữa con người với nhau” (Curtin & Gaither, 2007: 60). Một số học giả gợi ý về khái niệm “các chỉ dấu văn hóa” vốn “cung cấp những mô tả chung và do đó cũng có tính khuôn mẫu được thừa nhận của các quy tắc và giá trị văn hóa, hay các mối quan tâm về luật lệ mấu chốt” (sách đã dẫn: 61).

Eward Hall (1977) tập trung vào ngôn ngữ, và ông phân truyền thông thành hai loại: bối cảnh cao và thấp. Loại đầu dường như đề cao sự hài hòa của cộng đồng trong khi loại sau ưu tiên cá nhân. Cả hai loại đều có thể thấy ở bối cảnh văn hóa Việt Nam. Phương tiện mới như văn học mạng dường như giúp Việt Nam chuyển hình thái từ văn hóa bối cảnh cao sang thấp nơi mà truyền thông còn còn “ngầm ẩn và không thành văn” sang “phơi bày và thông tin chảy tự do” (Curtin & Gaither, 2007: 61). Điều các tác giả mạng Việt Nam khắc họa trong tác phẩm của họ tập trung vào sự dễ bị tổn thương và cô đơn của thế hệ mới, dường như thuộc về loại “văn hóa bối cảnh thấp”. Một chỉ dấu văn hóa quan trọng của văn học mạng là tên sách. Danh sách dưới đây giới thiệu một số đầu sách sẽ cho thấy phần nào về loại thời trang này trong không gian giới trẻ.

Box 1 – Danh sách một số tác phẩm văn học mạng
1. An Hạ - Những người tình cô đơn kỳ lạ của tôi
2. Anh Khang - Buồn làm sao buông
3. Anh Khang - Đường hai ngả người thương thành lạ
4. Anh Khang - Thương mấy cũng là người dưng
5. Aslan - Yêu nhầm chị hai, được nhầm em gái
6. Gào - Tự sát
7. Gào - Cho anh gần em thêm chút nữa
8. Gào and Minh Nhật - Chúng ta rồi sẽ ổn thôi
9. Gia Đoàn - Yêu người yêu người ta
10. Gia Đoàn - Tôi cứ nghĩ yêu là để hạnh phúc
11. Hamlet Trương and Iris Cao - Thương nhau để đó
12. Hamlet Trương - Tay tìm tay níu tay
13. Hamlet Trương  - Người yêu cũ có người yêu mới
14. Hamlet Trương and Tango Trần - Yêu đi rồi khóc
15. Huyền Chip - Xách ba lô lên và đi: Tập 1: Châu Á là nhà, đừng khóc; Tập 2: Đừng chết ở châu Phi
16. Khánh Thảo - Người lạ từng yêu
17. Minh Nhật - Lạc lối giữa cô đơn
18. Nguyễn Ngọc Thạch - Chênh vênh hai lăm
19. Nguyễn Ngọc Thạch - Đời callboy
20. Nguyễn Ngọc Thạch - Lạc giữa miền đau
21. Nguyễn Phong Việt - Đi qua thương nhớ
22. Nguyễn Phong Việt - Sinh ra để cô đơn
23. Nguyễn Thu Thủy - Gái già xì tin
24. Phan Ý Yên - Tình yêu là không ai muốn bỏ đi
25. Phan Ý Yên - Khi phụ nữ uống trà, đàn ông nên cẩn thận
26. Phan Ý Yên - Không xinh không thông minh không bất bình thế giới
27. Thiên Bình - Đôi khi tình yêu chỉ là chuyện một người
28. Thùy Minh - Boy-ology, Học thuyết đàn ông
29. Tờ Pi - Tạm biệt em ổn
30. Trần Thu Trang - Phải lấy người như anh

Tên các cuốn sách được liệt kê thể hiện những cảm xúc cá nhân như cô đơn, nỗi buồn, sự gắn bó hay tan vỡ trong thành phố lớn. Chúng không phải là những cảm xúc rất mới mẻ nhưng hiếm khi xuất hiện trong tên gọi những cuốn sách của thế hệ trước. Khi sự cạnh tranh trở nên khắc nghiệt, thì tựa càng gây sốc sách mới dễ bán. Những cái tựa mùi mẫn này hé lộ nội dung mà trong đó các nhân vật tham dự vào một thế giới ồn ào nhưng “cảm thấy vô danh và ít thấy được cá tính trong những đối tác truyền thông của họ” (Hollingshead & Contractor, 2002: 221)

Nhiều nhà phê bình và gác cổng văn hóa cho rằng hầu hết nội dung của văn học là ầm ĩ nhưng rỗng. Một trường hợp gây ồn ào nhất là cô gái trẻ Huyền Chip. Cô đã xuất bản hai tập nhật ký hành trình trên mạng, khi in ra đã trở thành sách bán chạy nhưng gặp phải nhiều phản hồi tiêu cực về các thông tin đưa ra. Trong sách, cô viết rằng mình đã đi 25 năm với chỉ 700 đô và một số quy trình xin thị thực không rõ ràng. Một “độc giả nhiệt tình” Việt kiều Mỹ sống ở Sài Gòn của báo Tuổi Trẻ đã đặt nghi vấn về tính xác thực của những gì Huyền Chip đã viết. Ý kiến của anh ta có một cái tiêu đề chơi chữ khá cay độc, “Is Huyen Cheap?” [Huyền Chip có phải rẻ tiền?] (Tuoitrenews Media, 2013) Cuộc tranh cãi này thể hiện công thức truyền thông là “các đầu ra của quan hệ như sự tin cậy, cam kết, hài lòng, và kiểm soát lẫn nhau cho thấy giá trị tiềm năng của lĩnh vực quan hệ công chúng trong việc hòa hợp với sự trải nghiệm của những người thực đang sử dụng phương tiện trực tuyến để giao tiếp” (Kelleher, 2007: 59). Ở mức độ nào đó, chúng ta nên coi sản phẩm của văn học mạng là sản phẩm của một sự tương tác giữa tác giả mạng và công chúng.

Sự ra đời của văn học mạng liên quan tới toàn cầu hóa. Dĩ nhiên tác giả văn học mạng Việt Nam thừa hưởng nhiều mô hình bên ngoài. Một trong những nuồn liên quan nhất là các sách văn học mạng lãng mạn Trung Quốc hay còn gọi là “truyện ngôn tình”. Tân Hoa xã (Xinhua), hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc đã công bố “giữa 2009-13, đã có 841 đầu sách Trung văn được được dịch và xuất bản ra tiếng Việt, trong đó 617 là sách [văn học] mạng. Hầu hết các tác phẩm văn chương mạng nổi bật nhất của Trung Quốc đều được dịch ra tiếng Việt, bao gồm các tiểu thuyết lãng mạn của gần 100 nhà văn mạng Trung Quốc.” (Xinhua, 2015). Nhiều tác giả trẻ Việt đã tìm thấy một công thức thành công trong việc tự xuất bản trên mạng với những câu chuyện và nhân vật tương tự vốn ưa chuộng những chủ đề tình yêu đồng giới cấm kị hay những cái gọi là truyện cổ tích tân thời.


Quyền lực của sự phân phối mới

Phương tiện mới đánh dấu một phương thức phân phối hoàn tác khác ở Việt Nam: bán sách qua mạng. Nếu thời trước chứng kiến một hệ thống bình lặng của các hiệu sách quốc doanh, thì ngày nay là thời của các nhà sách trực tuyến nhiều tham vọng. Họ thay đổi không chỉ cách độc giả mua sách mà còn dành đất rộng rãi cho các tác giả mạng trong việc tương tác với công chúng mục tiêu. Các nhà sách trực tuyến cũng cung cấp những hình ảnh nhiều màu sắc của các tác giả khi tung ra các banner quảng cáo hàng tuần. Trong danh sách 100 cuốn sách văn học bán chạy năm 2015 trên Tiki.vn, nhà sách trực tuyến lớn nhất Việt Nam, văn học mạng chiếm phần lớn nhất với 33 cuốn. Trong khi đó văn học chính thống chỉ có 9 cuốn (Tiki, 2016).

Trong vai trò của phương tiện mới trong phân phối, Doyle (2013) nhấn mạnh rằng “đối với hầu hết nếu như không phải tất cả nội dung của truyền thông, phân phối điện tử qua Internet là quan trọng và nhiều tổ chức truyền thông đã đi đến việc coi phân phối như một hoạt động đa nền tảng – chẳng hạn gồm các nền tảng và hình thức giao phát số đa phương thức” (Doyle, 2013: 21). Vai trò của lối sống đô thị cũng nên được tính đến ở đây. Khu vực đô thị là một vùng đất màu mỡ để gieo hạt văn học mạng và gặt hái kết quả thương mại của nó. Các vùng đô thị vẫn là thị trường mục tiêu chính của sách, và văn học mạng cũng không phải là ngoại lệ. Hơn nữa, bối cảnh trong mọi cuốn sách văn học mạng đều là những thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn, nơi hàng triệu người trẻ rời bỏ miền quê ra kiếm cơ hội trong cuộc sống.

Khi văn học mạng trở thành “những cuốn cẩm nang phong cách sống”, các tác giả của chúng và các nhà phân phối đem bán giá trị của trải nghiệm cá nhân. Sách của Huyền Chip không phải là ví dụ đầu tiên của một đề tài hướng ngoại. Năm 2007, sau khi trở thành một hiện tượng trên mạng, Chuyện tình New York của Hà Kin trở thành một cuốn sách ăn khách. Joe Ruelle, một blogger người Canada sống ở Hà Nội, cũng trở thành một tác giả mạng nổi tiếng ở đây nhờ những bài viết đầy hóm hỉnh với một lối văn tiếng Việt cực kỳ nhuần nhuyễn. Bút danh “Dâu” của anh là một sự chơi chữ dựa trên sự đồng âm khi tên riêng “Joe” đọc lên cũng giống “dâu”, tên một thứ quả trong tiếng Việt. Trải nghiệm của anh ta ở Việt Nam hấp dẫn độc giả trẻ bởi vì chúng giống như một cây cầu cho phép họ chia sẻ từ người đàn ông phương Tây này một khía cạnh “bản địa hóa giá trị toàn cầu” đang được khao khát.

Bên cạnh sự phân phối thương mại, nhiều tác giả mạng nghiêm túc quan tâm đến một giá trị thẩm mỹ của văn học mạng đối với công chúng rộng rãi. Nguyễn Quang Lập ý thức rằng công chúng mục tiêu trên mạng của ông thực tế là một “đám đông thực”. Nhiều câu thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh đã lan truyền trong giới trẻ và nằm trong số những câu được trích dẫn nhiều nhất trên mạng xã hội. Một số trang văn học mạng “ngách” (niche) tiếp tục việc sử dụng khía cạnh tiền phong của phương tiện mới để định nghĩa một thế giới underground, ví dụ một số website hải ngoại hay các câu lạc bộ yêu thích sách trên mạng.

Vượt ra khỏi phạm vi của vùng đô thị, nhiều nhà hoạt động xã hội và tổ chức đã cố gắng đem sách về những vùng nông thôn xa xôi và mong đợi quyền năng của các phương tiện truyền thông mới sẽ giúp họ tiếp cận được với người nông dân tốt hơn. Người sáng lập nên chương trình “Sách hóa nông thôn”, Nguyễn Quang Thạch, đã đi bộ 1730km từ Hà Nội vào TPHCM trong vòng năm tháng đầu năm 2015 để cổ động cho chương trình. Một trong những mục tiêu của người đàn ông 40 tuổi này là giúp đỡ 10 triệu học sinh có thể đọc sách tại 300,000 tủ sách khắp các vùng nông thôn. Thông qua Facebook và website của anh, nhiều cuốn sách đã được đóng góp và nhiều quyên góp được thực hiện để giúp theo đuổi mục tiêu. (Trung, 2015; Nguyễn, 2016; Sách hóa nông thôn, 2016). Không nghi ngờ rằng những hoạt động này có thể thực hiện được là nhờ sức mạnh của các phương tiện truyền thông mới. Chúng đã thay đổi xã hội Việt Nam ngay cả những vùng sâu vùng xa nhất mà các phương tiện cũ không tiếp cận được. Bối cảnh này đã tạo nên một mối suy nghĩ khi văn học mạng vẫn nhằm vào riêng thị trường thành phố lớn.



KẾT LUẬN

Văn học mạng không chỉ là một sự thay thế kỹ thuật mà còn là một khái niệm về mặt tinh thần. Ở Việt Nam, nó có thể được xem như một sự xuất hiện quan trọng của dân chủ hóa trong tập quán văn hóa. Nó thay đổi định nghĩa của sản phẩm văn học từ một chiều sang tương tác. Nó cũng đóng góp một số đặc điểm của văn hóa pop và hậu hiện đại, do đó gần lại với thế hệ trẻ là những người yêu thích phương tiện mới. Xã hội Việt Nam đang định hình lại hệ giá trị của riêng nó, vì thế phương tiện mới đem lại một sự thách thức cho một vài quan niệm truyền thống. Văn học và những người sáng tạo của nó – các tác giả - phải lựa chọn những phương pháp mới này để chinh phục công chúng của mình. Nói cách khác, như Eric Hobsbawm đã chỉ ra nhưng ở một giới hạn hẹp hơn, các tác giả Việt Nam này phải tạo ra một truyền thống mới của văn học Việt Nam.

Thảo luận về vai trò của tác giả mạng có thể cho thấy tư cách này đại diện chỉ cho một số tác động mà phương tiện truyền thông mới tạo ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ vào mối liên quan của vai trò ấy đến nền tảng tư tưởng của xã hội, nó có thể gợi ý những nghiên cứu xa hơn về cách thức truyền thông đã tạo nên những chỉ dấu văn hóa xã hội Việt Nam mà văn học là một mắt xích trong nghiên cứu liên ngành.


© 2016 | Nguyễn Trương Quý


Tài liệu tham khảo


Away, 2005. Trái Tim Việt Nam Online. [Online]
Available at: http://ttvnol.vn/threads/co-mot-ngoi-nha-moi.221106/
Barthes, R., 1977. Image - Music - Text. Hammersmith, London: Fontana Press.
Central Comittee of Indochina Communist Party, n.d. Cổng Thông tin điện tử [The Portal of Ministry of Culture, Sports and Tourism]. [Online]
Available at: http://bvhttdl.gov.vn/vn/vb-qly-nn/1/1240/index.html
Curtin, P. A. & Gaither, T. K., 2007. International Public Relations: Negotiating Culture, Identity, and Power. Thousand Oaks: Sage.
Doyle, G., 2013. Understanding Media Economics. London: Sage.
Du, T., n.d. Văn học mạng và một số thuộc tính [Net-literature and some features]. Báo điện tử Tổ quốc - Văn học quê nhà.
Hòa, B., 2016. Văn học trẻ - “Văn học thời trang” [Young literature - "À la mode literature". Người lao động, 8 April.
Hoàng, A. T., 2015. Vanvn.net - Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam [Portal of Vietnam Association of Writers]. [Online]
Available at: http://vanvn.net/tim-toi-the-nghiem/ban-doc-tre-voi-viec-tiep-nhan-van-hoc-mang/177791
Hoàng, M. & Lê, N., 2015. Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX: Những kỳ vọng [Vietnam Association of Writers' 9th Congress: Expectations. Đại đoàn kết, 7 July.
Hollingshead, A. B. & Contractor, N. S., 2002. New Media and Organizing at the Group Level. In: L. A. Lievrouw & S. Livingstone, eds. Handbook of New Media: Social Shaping and Consequences of ICTs. London: Sage, pp. 221-235.
Hồ, M. C., 2016. Nhật ký trong tù: = Carnet de prison = 獄中日記 / Hồ Chí Minh; Trans. Vietnam Institute of Literature. 14 ed. Hanoi: Thế Giới.
Kelleher, T., 2007. Public Relations Online: Lasting Concepts for Changing Media. Thousand Oaks: Sage.
Khải, T., 2016. Văn học mạng: thế mạnh và hạn chế [Net-literature: advantages and disadvantages]. Văn nghệ quân đội [Army's Arts and Literature], 6 August.
Kreab Gavin Anderson, N/A. The New Era of Media: The Future of Media Industry in Asia, Auckland: Kreab & Gavin Anderson Worldwide.
Lam, T., 2014. VnExpress. [Online]
Available at: http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/sach-cua-dinh-vu-hoang-nguyen-doat-giai-van-hoc-nghe-thuat-thu-do-3120035.html
Landow, G. P., 2006. Hypertext 3.0: Critical Theory and New Media in an Era of Globalization. Baltimore: Johns Hopkins University Press.
Lê, Q. X., 2008. Văn chương Việt [Vietnamese Literature]. [Online]
Available at: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=8495
Marr, D. G., 1981. Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945. Berkeley: University of California Press.
McLuhan, M., 1994. Understanding Media: The Extensions of Man. 1 ed. Massachussetts: MIT Press.
Minh, T., 2014. Thời của người viết trẻ [Era of young writers]. Tuổi Trẻ, 10 April.
Minh, T., 2016. Hoàng tử làng sách Anh Khang: Tìm được tiếng nói cùng tần số [Book prince Anh Khang: Found the. Tuổi Trẻ, 22 March.
Moore Corporation, 2015. Vietnam Digital Landscape 2015, Hanoi: Moore Corp.
Nawotka, E., 2011. Publishing Perspectives. [Online]
Available at: http://publishingperspectives.com/2011/04/bui-chat-of-vietnams-scrap-paper-publishing-house-wins-ipa-freedom-to-publish-award/#.V8UaDZh9600
Nguyễn, C. Đ., 1982. Dương Từ - Hà Mậu. Ho Chi Minh: Ty Văn hóa và Thông tin Long An.
Nguyễn, H. M., 2009. Ký ức vụn - bao nhiêu phần sự thật? [Dusty memories - how many per cent of trust?]. Tiền Phong, 14 May.
Nguyễn, H. T., 2006. Talawas chủ nhật [Sunday Talawas]. [Online]
Available at: http://www.talachu.org/tho.php?bai=26
Nguyễn, L. T. H., 2005. Chuyện của thiên tài [The Story of a Genius]. Hanoi: Hội Nhà văn and Đông A.
Nguyễn, T. H., 2005. Giăng lưới bắt chim [Netting the birds]. Hanoi: Hội Nhà văn & Đông A.
Nguyễn, T. H., 2016. Giăng lưới bắt chim [Netting the birds]. Ho Chi Minh: Trẻ.
Nguyễn, T. Q., 2016. Nguyễn Quang Thạch (Sách nông thôn). [Online]
Available at: https://www.facebook.com/nqthach
Pham, N., 2004. BBC News. [Online]
Available at: http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/3614760.stm
Sách hóa nông thôn, 2016. Sách Hóa Nông Thôn. [Online]
Available at: http://sachhoanongthon.vn/
Talawas, 2001-2008. Talawas. [Online]
Available at: http://www.talawas.org/talaDB/talaDBFront.php
Tiki, 2016. Gào. [Online]
Available at: https://tiki.vn/author/gao.html
Tiki, 2016. Sách Văn Học - Tiểu Thuyết bán chạy: Bestseller 2015 [Bestsellers of Literature Books and Novels 2015]. [Online]
Available at: https://tiki.vn/bestsellers-2015/sach-van-hoc/c839?p=1
Trần, T. T., n.d. Sách của Trang [Trang's books]. [Online]
Available at: http://www.tranthutrang.net/sachcuatrang/breview7.html
Trung, H., 2015. ‘Education Knight' helps others turn pages oages. Việt Nam News, 20 September.
Tuoi Tre News, 2015. Facebook now has 30 million monthly active users in Vietnam. Tuoi Tre News, 17 June.
Tuoitrenews Media, 2013. Is Huyen Cheap?. Ho Chi Minh: Tuổi Trẻ Newspaper.
Tuoitrenews, 2014. Young, online writers’ ‘golden era’ has come in Vietnam?. Tuổi Trẻ, 22 May.
Vân, H., 2013. Những thứ của nhóm Mở Miệng không phải là thơ [Mo Mieng's things are not poem]. Sức khỏe & Đời sống [Health & Life], 15 September.
Vietnam News Agency, 2016. Around 35 million Vietnamese use Facebook. Vietnam Plus, 28 March.
Xinhua, 2015. Chinese literature thrives in Vietnam. [Online]
Available at: http://news.xinhuanet.com/english/2015-03/16/c_134069660.htm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm