Nhớ lúc sắp Nô-en

.
Hồi lớp 4-5 gì đó, tôi rất say mê đọc báo. Lúc ấy không hiểu sao nhà có nhiều báo với tạp chí như Văn nghệ quân đội (tháng nào cũng có), thỉnh thoảng có tờ Văn nghệ, còn lại là mấy tờ Thiếu niên tiền phong. Truyện ngắn là đọc say sưa nhất. Những tờ như Nhân dân, Quân đội nhân dân thì lại ít thấy, và cũng chẳng đọc, chỉ nhớ phong cách phiên âm tên các vị nguyên thủ rất buồn cười, và tôi còn nhớ mình thích tìm hiểu tên gọi và thủ đô các nước nữa.

Lớn hơn thì tôi thích đọc tờ Điện ảnhĐiện ảnh Việt Nam. Sau mới biết một tờ là do ông Vũ Bão tổ chức làm. Nhớ lại thì mấy tờ đó chỉ toàn ảnh đen trắng rồi có những mục viết kiểu "đời thăng trầm của nữ minh tinh Rita Hayworth" chẳng hạn, li kì và đẫm mùi tình sử. Có cái hay là giới thiệu khá nhiều chuyện bếp núc làm phim của VN.

Có lần lớn hơn thì phải, lúc ấy cũng đổi mới rồi, không biết nhà tôi ai tha về một quyển Du lịch Việt Nam. Hồi ấy kiểu như cũng tươi mát tí cho nhân dân, núp dưới dạng phổ biến chuyện lạ thế giới, tờ này có một bài về tắm khỏa thân ở Tây. Đáng nói là nó có một cái ảnh bãi tắm truồng, ảnh đen trắng thôi nhưng cũng trưng ra hình đàn ông hở chim đàn bà hở vú (tất nhiên là hở hết). Gay cấn phết đấy, với một đứa dậy thì. Nhưng bố mẹ chắc chẳng có thì giờ mà đọc. Thế rồi, một hôm có một chị nào vào nhà, khách hàng hay gì đó của chị lớn. Chị này vào vớ lấy chỗ tạp chí, rồi khi về nhất định xin tờ Du lịch. Chị ấy bảo có cái bài về thời trang (!!!) Hì hì, thằng cu này đã đọc kỹ lắm, làm gì có cái hình thời trang nào tử tế ngoài mấy cái váy Vi Thị Đông quê chết đi được, với lại nó đã có cái khoái cảm hư hỏng là quan sát cái sự đọc tạp chí của chị kia, biết thừa chị ấy khựng lại đủ lâu ở trang tắm tiên. Tôi ghét cái thái độ giả đò của chị gái, trông horny lắm rồi mà cứ đậy. (Hồi đấy đầu óc tôi đã nghĩ gớm lắm). Thôi thì tờ tạp chí ra đi. Cười.

Một kỷ niệm khác, thực ra chỉ là một chuyện nhỏ tí, vẫn về báo. Một lần chị tôi mang về một số báo Người công giáo Việt Nam số Tết. Tôi nhớ là năm 1987 thì phải. Tôi vẫn nhớ cảm giác về một tờ báo có những bài man mác buồn và là lạ, đặc biệt là có một truyện ngắn viết về một mối tình. Chàng và nàng gặp nhau ở Hà Nội thời những năm 1940-50 gì đấy. Hai người có quan hệ lãng mạn, nàng là dân đi đạo. Nhưng rồi nàng di cư vào Nam, để lại người kể chuyện nhớ nhung trong những đêm Giao thừa Hà Nội, khi tiếng chuông nhà thờ đổ dồn trong tiết trời lạnh giá. Tôi chẳng nhớ được chi tiết gì, chỉ nhớ nó cứ dội lại mỗi khi giao thừa hay Noel, trong trời Hà Nội mưa rét, tôi nhớ nhớ có một truyện ngắn mình đã đọc, bâng khuâng...

Nhưng điều tôi nhớ hơn ấy là đến năm học sau, tôi đem tờ báo ấy ra bọc vở. Ngày xưa việc bọc vở và dán nhãn vở là rất quan trọng. Tôi rất giỏi môn thủ công và mỹ thuật, tôi có hoa tay thật - có lẽ vì thế sau này tôi đi học vẽ, thi trường MTCN với KT là vì thế. Hồi ấy cô giáo chủ nhiệm của tôi (cấp 1) nổi tiếng khó tính và ghê gớm bà la sát. Tên cô là Mão. Chẳng hiểu sao mà cả chị tôi cũng từng học cô ấy và đến bố mẹ tôi cũng có vẻ ngán cô, gọi cô là Mão Mèo. Mặt cô khắc khổ và nghiệt. Tôi có nhiều ác cảm với cô hồi ấy nhưng không nói ra.

Đến giờ tôi vẫn nhớ. Chẳng hạn có lần tôi cắt chữ thủ công, cô xem mà không tin là tôi cắt. Cô bắt tôi khai là ai đã cắt hộ. Tôi không chịu nhận, cô bắt ở lại cắt chữ khác. Về nhà tôi mới ấm ức khóc. Bố mẹ tôi lồng lên, bảo để đến trường chứng minh cho cô thấy con trai mình khéo tay thế nào. Đại khái rồi thì cô cũng thấy là tôi làm được thật. Còn nhiều vụ khác, chẳng hạn tôi cũng không hiểu vì sao điểm trung bình năm học của lớp bao giờ cũng chỉ có 2 đứa con gái được 8,0 và tôi cố gắng bao nhiêu cũng chỉ xếp thứ 3-4 và chỉ 7,8. Tôi không hiểu những điểm 9, 10 mình đã đạt được nó đi đâu về đâu mà chẳng ảnh hưởng gì đến kết quả cuối cùng? Điều đáng sợ nữa là cô biến những đứa tổ trưởng, tổ phó, bàn trưởng... thành người giám sát các bạn khác, hoặc là giám sát nhau. Nói là giống Stasi thì hơi quá, nhưng cảm nhận của tôi là rất hãi. Bởi vì cô có lối tiếp nhận thông tin rất khủng bố. Cô bêu tên và gióng giả những đứa nào trót phạm lỗi, những cái lỗi có lẽ là vớ vẩn mà đứa trẻ nào hiếu động cũng mắc phải. Rồi cô sẽ phê vào sổ liên lạc mới khiếp. Cái sợ nữa mà tôi nhớ là đứa nào từng hư mà có được một chút gì khá khẩm là cô thánh thót như ghi công cải tạo... Đó chỉ là những chuyện rất li ti, nhưng tôi nghĩ nó đã hằn vào óc tôi nhiều năm trời, có thể liên quan đến việc hình thành tính cách tôi về sau nữa.

Quay lại chuyện bọc vở. Quyển vở bọc bằng tờ báo Người công giáo VN là vở bài tập. Có một lần nộp vở rồi, cả lớp ngồi dưới làm bài để cô chấm bên trên. Tôi để ý thấy lúc đang chấm, cô cầm một quyển lên đọc cái bìa. Ồ, quyển của mình. Cô đọc rồi nhìn nhãn vở. Cô hỏi tôi, giọng khá là ân cần: Em bọc vở bằng báo gì thế? Cô bảo có cái truyện hay, cho cô gỡ ra đọc rồi bọc lại nhé.

Tôi nhớ ra, mặt ngoài quyển vở là đúng trang có truyện ngắn kia. Cà lớp nhìn tôi như thể ghen tị vì tôi có được ân huệ. Tôi cảm thấy cũng hơi sướng sướng trong bụng, hóa ra cô cũng phải lụy mình. Hay thực ra là hơi vui vui vì thấy cô tự nhiên có phút mềm yếu bởi một cái truyện ngắn mà mình cũng bâng khuâng.

Sau này khi đã lên cấp hai, tôi không đến thăm cô, mà chỉ thỉnh thoảng gặp cô khi về trường lấy sổ sách gì đấy. Cô cũng già đi, và lúc ấy tôi cũng không thấy mặt cô nghiệt lắm! Có điều tôi vẫn cứ buồn, nghĩ nếu cô đừng tỏ ra cứng nhắc hồi ấy thì việc đi học của bọn tôi sẽ vui biết bao? Chúng tôi cũng toàn đứa ngoan cả đấy chứ. Và cô nào có biết, có đứa học trò đã để bụng rất lâu thế không?

Bây giờ, có hai thứ khiến tôi cứ nao nao mỗi kỳ Giáng sinh hay Giao thừa, ấy là truyện ngắn nọ mà cô giáo tôi đã gỡ từ bìa vở ra đọc, và mấy câu trong bài Gửi người em gái của Đoàn Chuẩn - Từ Linh mà tôi cứ nghĩ là có liên quan gì với nhau chăng:

Đêm tân xuân, Hồ Gươm như say mê.
Chuông reo ngân, Ngọc Sơn sao uy nghi
Ngàn phía đến lễ đền, chạnh lòng tôi nhớ tới người em

Mỗi đêm như thế đi ra đường, tôi ước trời đừng bao giờ sáng. Ngày hôm sau đã hết nao nao rồi.
.

Nhận xét

Khuê Việt đã nói…
Nhân dân từ lớp 4-5 thoát khỏi hệ thống Staci rất hãi để vươn ra biển lớn với tắm tiên xong quay lại làm những đồ thủ công là sao ạ? ;)
lvu đã nói…
Cái vụ Văn nghệ quân đội thì bạn Quý giống tôi. Ngày ấy tôi bị mấy bà chị đầu độc những tập tạp chí quân đội, hình như mỗi tháng 1 kỳ. Mà ngày đó các nhà văn hình như toàn đăng trên tạp chí quân đội.

Cái đoạn cuối, không biết là chạnh lòng nhớ tới mấy người em?
Unknown đã nói…
@KV: Đấy, nó lại quanh quẩn trong một hệ thống khác, tỉ như thuốc ba con năm, bia ba con ba, tiết kiệm ba chữ a...
@lv: Cái cách vòng vèo ấy cũng như là kiểu giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay thôi. Chả lẽ lại gom cả cô M vào...
Unknown đã nói…
Cái nhớ này sao nó giống mình thế.
Nhất là vụ đọc "Quân đội nhân dân".
Có lẽ những truyện ngắn trong này, vốn rất hay, đã cho mình tình yêu đối với mấy con chữ.
Đi một vòng, cuối cùng mới ra được cái đêm lành lạnh của Nô En, nhất bác.
Chu Chu đã nói…
Mình cũng từng đọc Văn Nghệ quân đội, tranh minh họa ở đó rất đẹp.
Unknown đã nói…
@anh Phú: ý anh là Văn nghệ quân đội phải không ạ? Qúy còn nhớ một truyện viết về một anh bộ đội hồi còn đi học phổ thông, bị bọn trẻ con nó nghịch trêu, tức quá cầm cành tre đuổi, chẳng may quật phải một đứa con gái. Mấy năm sau về làng, giờ cô em thành thiếu nữ cốt cán địa phương, hai anh em nhớ lại chuyện xưa rồi thì... :-)
@Mỵ: Cái hay là sao họ phân bố tỉ lệ tranh khéo nhỉ, mà gần như chẳng có ảnh chụp gì cả.

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm