Rau tươi sách sạch

.
Tự nhiên thấy sao không viết những ghi chép này nọ về đời sống Hà Nội, những gì mình biết, mình thấy, đơn giản, không đặt nặng sự vụ nào. Viết ngăn ngắn cho vui. Sau đây là bài thứ nhất.
--------

Sài Gòn mới là nơi đi đầu trong phong trào nhà sách, phố sách hình như cũng có, nhưng phố sách tiện lợi như Đinh Lễ-Nguyễn Xí thì chỉ Hà Nội mới có. Phố sách mà như chợ xanh, chợ cóc, ấy mới vui. Cũng có bầy hàng tươi sống ra như mẹt rau chợ sớm mà trí thức elite vẫn lăn vào mua. Mà gần như chỉ có xuất phát từ tiêu chí "rẻ hơn giá bìa" - tức là từ cái kẽ hở giá bán được chiết khấu trừ phần trăm phát hành.

Nhưng tại sao lại là Đinh Lễ và Nguyễn Xí? Đơn giản lắm. Đinh Lễ là phố phía sau nhà Bưu điện Bờ Hồ, có trụ sở cơ quan phát hành báo chí Trung ương, cứ 5 giờ sáng là dân đưa báo đến lấy từ đây ra giao khắp các sạp Thủ đô. Mà chữ sách dẫu không liền chữ báo một vần cũng chẳng khéo là ghét nhau, nên sách cũng tiện mà có mặt. Nguyễn Xí là phố nối từ Đinh Lễ sang Tràng Tiền, bên sườn của Tổng công ty phát hành sách Việt Nam, vốn là cửa hàng sách Quốc văn ngày xưa. Phố Tràng Tiền ngày trước có ba hiệu sách nổi tiếng là Quốc văn, Ngoại văn và Hiệu sách nhân dân. Hiệu sách Ngoại văn nay là tòa nhà văn phòng 17 Ngô Quyền, còn chừa một gian làm cửa hàng sách đối diện khách sạn Dân Chủ. Hiệu sách nhân dân dễ nhận ra vì có cái biển hộp gần như duy nhất ở Hà Nội ngày xưa, hình hộp đứng có 3 mặt kính màu, mỗi mặt một thứ tiếng của chữ SÁCH, là tiếng Nga, Anh và Pháp. Nay hộp đó vẫn còn, và hồi ấy dễ nhớ vì nó có mặt tiền hoành tráng nhất phố, lại thêm việc đứng bên cạnh cửa hàng ăn uống Bodega, mà người ta hay đọc linh tinh là Bò Dê Gà. Cửa hàng này có từ thời Pháp, sau thành Mậu dịch quốc doanh. Hai cửa hàng Quốc văn và Ngoại văn cách nhau có một dãy phố có kiến trúc hai tầng gần giống hệt nhau, kiểu Art-Deco, với dòng chữ đắp nổi to trên tầng hai là để nhận ra được, vì lúc ấy phố Ngô Quyền cũng vắng như phố Nguyễn Xí. Nay thì chỉ còn hiệu sách Nhân dân đổi tên thành Hiệu sách Thăng Long là còn giữ kiến trúc cũ với cái mái hiên đua hàng cột ra tận mép vỉa hè, nhưng bị lút giữa các hiệu kính và gallery. Nói chung phố Tràng Tiền bây giờ không có dấu hiệu là một phố kinh doanh tốt, cho dù có người cứ ví nó với đường Đồng Khởi ở Sài Gòn. Có lẽ vì Tràng Tiền vẫn cứ phảng phất chất "mậu dịch quốc doanh" như năm nào.

Nhưng thôi, nói về phố sách. Thì đấy, các hiệu sách trên phố này có thâm niên lâu thế mà giờ phải chào thua hai phố sách, như siêu thị thua chợ xanh ngay sát nách. Cũng không hẳn vì giá rẻ, mà vì sự tiện lợi. Dân bán sách Xí-Lễ dù chưa chắc đã đọc các sách họ bán nhưng nhắm mắt cũng biết sách nào cần phải bày ra sạp ở mặt tiền. Nói đến dân bán sách ở đây, phải nhắc tới bà Mão, cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến phong trào kinh doanh sách liên kết nở rộ và hình thành phố sách. Thời bà Mão là cách đây gần chục năm, các thể loại sách nở như nấm sau mưa, không khác thời phim mì ăn liền, nhưng bây giờ khi cái bọn đọc sách ẩm ương cũng như giới khán giả đã đua đòi đọc "giải cấu trúc", "dòng ý thức" hay là xem "art-house", cãi nhau Chơi vơi Bi ơi đừng sợ với Đừng đốt... thì bà Mão đành yên vị ở trên gác hai nhà số 5 Đinh Lễ, lùi về hậu trường như chốn đại lộ Hoàng hôn mà chịu thua đám con cháu vừa khỏe mồm chào hàng vừa nhanh chân thuê mặt phố bên dưới. Các nhà văn giờ vừa ngấm ngầm hãnh diện vừa nhăn mũi nhìn sách mình bày la liệt trên các "mẹt" của hai góc phố - đại lộ Danh vọng những năm này. Hồi lên cơn sốt hồi ký của diễn viên Lê Vân - ở đây phải trưng biển: Ở đây không có Lê Vân - Yêu và Sống. Tức là quyển này bán chạy kinh hoàng, đến mức các nhà bán sách khản cả cổ vì trả lời rằng sách đã bán hết, nhà in chưa kịp mang về. Thôi thì ông trưng biển luôn cho được việc. Cái tên Lê Vân phát ra từ miệng người Hà Nội dạo ấy nhiều hơn cả thời chị đóng cô Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười hay chị Dậu. Thật là một danh vọng tái xuất độc đáo mà chắc nữ nghệ sĩ cũng chẳng ngờ.

Bọn bán sách thì cũng vốn là dân bán hàng Hà Nội. Mà đã là dân bán hàng Hà Nội thì cái mồm chẳng phải nể nang gì ai. Tất nhiên là cũng có sự khác biệt. Ví dụ chị Hoa ở ngay sát đầu ngõ vào nhà bà Mão vốn chuyên bán những sách tưởng có vẻ khó bán hơn, nhưng thế mà khôn. Sách của Nhã Nam trắng phau phau, sách Tinh hoa khó nhằn của Trí Thức, sách dầy hự của đám liên kết không hiểu ai mua, chị ấy xử lý được tất. Những quyển cành cao nào các hàng khác chê, rất có khả năng nhà chị này (hiệu sách Minh Trí) bán. Những sách best-seller kiểu Harry Potter hay Chạng vạng của Trẻ thì thôi không bàn, vì cấm có hiệu nào không bán, kể cả ngang nhiên bày sách giả ra.

Còn người đi mua sách, cái thú nhung nhăng tạt qua hàng này, chạy sang hàng kia, không lo bị mấy cô mặc áo dài trông nhà sách canh chừng với xầm xì không ra tiếng (mà tưởng như trật tự viên đeo băng đỏ) thật là thích. Bọn bán hàng Xí-Lễ cũng biết thừa người ta có đọc qua thì mới mua, cũng biết cái mặt hàng của mình chẳng phải thứ chóng ôi thiu với lại ép mà mua được. Số lượng người mua và đọc sách ở Hà Nội xét cho cùng cũng chỉ ở mức nhất định. Mua dền dền là nhẵn mặt ngay, thế nên không biết điều mà xẵng với khách thì chỉ sớm mất khách (Sách hay thì đâu nhiều, mà đã hay thì hàng nào chả bán!) Cho nên cứ để khách đứng đó, hàng có nhiều khách đứng lật giở sách là chứng tỏ hàng có lộc. Đã cất công buôn văn bán chữ thì chịu khó gật gù với cái sĩ diện tôi-có-văn-hóa-cao của giới mua sách Hà thành (sĩ diện ở đây nghĩa là cái thể diện của trí thức).

Định nghĩa khu phố văn hóa nếu mà lấy tiêu chí số đầu sách trên số nhân khẩu thì Xí-Lễ ắt đầu bảng cả nước. Hai con phố bé tí, thế mà những cái ngõ bên trong đầy hự sách, những ông bà chủ trẻ nhau nhảu mồm miệng giữa ba bề tứ phía sách. Có điều lấy làm lạ là các cơ quan xuất bản lớn tìm cách chen chân vào đây mà không được thì lâu lâu vẫn có nhà sách tư nhân mới trưng biển. Bọn bán sách ở đây không có cái cảnh vẻ kiểu dò mã số sách trên máy tính với in roèn... roẹt... phiếu tính tiền như hiệu sách lớn, mà nó nhớ ngay sách nằm ở đâu trong đầu. Muốn mua bao nhiêu cũng có, kể cả trên giá đang hết, nó ới nhau một phát, lúc sau có cậu người nhà khuân một chồng ra như kiện quần áo. Còn khi khách cứ hỏi những sách ấm ớ, đã hết hút hàng từ lâu, bọn này chỉ như lườm cái rồi chỏng lỏn đáp: Hết rồi. Nhiều lời hơn thì cười vẻ khinh thị: Giờ này ai còn bán sách ấy. Còn khi mà đã đúng mùa thì "cho năm Chỉ là con đĩ với ba Ăn phở cùng một Ở trên giường nhé."

Kể cũng lạ. Các nhà chủ trương đặt tên phố thời nào, tính toán thế nào mà phố mang tên hai võ tướng thời Lê với phường đúc tiền lại thành bán sách. Còn phố mang tên thi hào dân tộc thì nồng nàn cà phê hoa sữa. Ừ thì có sao, nhân vật đi làm nghề phấn hương mời rượu thì cha đẻ cũng được thơm nồng đầu phố đêm đêm. Đánh nhau mãi, tiền bạc mãi thì cũng phải đến lúc yêu sách chứ. Mà sách bầy ra mẹt càng vui, người viết sách mong sách mình cũng như mớ rau được chị bán hàng chăm chút mà vẩy nước yêu thương như nước cam lồ Bồ Tát cho tươi. Ờ, nhưng mà rau thì quảng cáo sạch mới bán được, chứ sách chớ nên bảo sạch, sạch là nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt, không bán được đâu.
.

Nhận xét

Marcus Vu đã nói…
bài này đọc yêu thế. Em vỗ tay và chờ những bài thứ hai, thứ ba, thứ vân vân.
Unknown đã nói…
Cảm ơn người mẫu :-) Đang sợ lạm công vào job khác đây. Mà gợi ý đề tài đi, để tớ tập làm văn.
lvu đã nói…
Quảng cáo chỗ này rất khéo nha: năm Chỉ là con đĩ với ba Ăn phở cùng một Ở trên giường nhé.

Năm nay không cho ra cuốn nào à?

VN mình có in lậu sách tiếng Anh không vậy?
Unknown đã nói…
Bài này hay quá bác ạh. Cảm ơn bác.
whats up đã nói…
Bài này có mùi phở nhưng ăn thấy ngon :D
Unknown đã nói…
LV: Khéo rao mà. In lậu sách luyện thi tiếng Anh với Lonely Planet thì chắc là có. Cái chính là phải có thị trường.
Phú và Stuff: Cảm ơn đã khen hay và ngon ạ. :-)
Unknown đã nói…
Hi, e thik qua duong Lang mua sach hon!
Sơn Lê đã nói…
anh ơi, bài hay thế, cho em đăng về blog.tamtay.vn nhé
Càfê sữa đã nói…
Phải ra HN một lần, ghé mắt nhòm sách Đinh-Xí một phát, mới thực hiểu là: quá hay! :)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm