TCS và Bob Dylan: Như trăng và nguyệt? (sách mới)

Một cuốn sách mới về Trịnh Công Sơn đã ra, tôi là người biên tập. Mời bà con đón đọc. Sau đây là lời giới thiệu của NXB và lời cảm ơn của tác giả. Cuốn sách gồm Lời giới thiệu, lời bạt của GS Cao Huy Thuần và tiểu luận chính của John C. Schafer qua bản dịch của Cao Thị Như Quỳnh.

Đã có nhiều sách viết về Trịnh Công Sơn và cố gắng giải mã những huyền thoại cũng như đưa ra cách hiểu về cuộc đời âm nhạc của người nhạc sĩ này. Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn hiện diện như thế nào ở góc độ một người nước ngoài, đặc biệt là một người Mỹ đã từng trải qua thời nhạc sĩ sống, thì cuốn sách này có lẽ là một trong số ít ỏi đã nói đến, và hơn thế, phân tích một cách chi ly mà bao quát.



Tác giả quyển sách này, John Schafer, là giáo sư dạy môn văn chương đối chiếu tại Đại Học Humboldt, California, từng viết nhiều bài nghiên cứu về văn chương Việt Nam. Ông đã chọn điểm nhìn so sánh giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, một so sánh tưởng chừng có lý để rồi chỉ ra rằng, đây là hai con người hoàn toàn khác nhau, cả về cá tính âm nhạc lẫn tâm thế.

Bob Dylan là hào quang trong lịch sử âm nhạc Mỹ của những năm chiến tranh Việt Nam, người đã dẫn đầu, bằng âm nhạc, phong trào chống chiến tranh và đòi quyền bình đẳng công dân ở Mỹ, vào năm 2011 đã có một buổi biểu diễn trong dịp kỷ niệm mười năm ngày mất của Trịnh Công Sơn. Nhưng Dylan là người như thế nào và âm nhạc của ông có gì để chia sẻ với những bản tình ca và ca khúc phản chiến của Trịnh?

Cuốn sách so sánh những bài hát, những trường liên tưởng nghệ thuật, và cặp đôi nhạc sĩ – ca sĩ ở cả hai bên để làm rõ lên rằng, dù đều là nhạc sĩ – thi sĩ nhưng Bob Dylan và Trịnh Công Sơn đã có những con đường khác nhau. Ảnh hưởng của Kitô giáo lên Dylan hay Phật giáo nơi Trịnh là những ánh sáng soi rọi cho các tác phẩm của họ, và sự trải nghiệm của mỗi người trong hoàn cảnh chiến tranh đưa đẩy họ đến vị trí tiêu biểu cho cảm thức của thế hệ.

Cuốn sách đặc biệt ở chỗ là gồm tiểu luận của một giáo sư người Mỹ đã từng dạy học ở Huế những năm 1960, và được người bạn đời người Việt dịch, và có lời giới thiệu của một người yêu nhạc Trịnh Công Sơn bằng sự thông tuệ sâu sắc là giáo sư Cao Huy Thuần. Có thể nói, cuốn sách còn là cuộc gặp gỡ Trịnh Công Sơn từ ba lục địa, nơi nhạc Trịnh vẫn được hát và yêu thích như thuở nào.



Thư gửi độc giả và vài lời cảm ơn

            Nếu một người Việt, kể cả những người giỏi tiếng Anh hơn tôi giỏi tiếng Việt, tuyên bố rằng anh ta sẽ viết một cuốn sách về Bob Dylan bằng tiếng Anh, tôi sẽ tỏ ra rất hoài nghi. Làm sao một người không thấm nhuần văn hóa người Mỹ từ khi lọt lòng có thể hiểu được thiên tài của Bob Dylan? Phản ứng tự nhiên của các bạn về tôi chắc cũng tương tự như vậy: Làm sao một người Mỹ có thể thấu hiểu được Trịnh Công Sơn?

            Câu trả lời đúng là tôi không hoàn toàn thấu hiểu nhạc Trịnh. Tuy nhiên tôi tin rằng các bài hát của những nhà sáng tác tài năng như Bob Dylan và Trịnh Công Sơn có thể hiểu được ở nhiều trình độ khác nhau. Mặc dầu một người có thể không hiểu thấu đáo những khía cạnh tinh tế – như các cách chơi chữ, các từ vay mượn từ những bài hát khác, hay từ những thành ngữ, những lời kinh – nhưng người đó cũng có thể rút ra nhiều điều từ các bài của Trịnh Công Sơn. Có thể nói tôi đã học được rất nhiều từ nhạc Trịnh. Tôi hy vọng những gì tôi viết về cuộc đời và tài năng của Trịnh Công Sơn là đúng , hay ít nhất, đáng được độc giả để ý.



            Nếu tập sách thành công trong việc làm vui lòng các bạn là vì nhiều người đã giúp tôi hiểu nhạc Trịnh. Trước hết là những học sinh và giáo sư của trường trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, sau đó là những sinh viên và các bạn đồng nghiệp của tôi ở Đại học Huế và sau đó, theo thứ tự thời gian, là vợ tôi và gia đình bên vợ, và bạn bè của gia đình. Nhưng đặc biệt là Quỳnh, người đã không những dịch cuốn sách này mà còn khuyến khích tôi nên viết về đề tài này. Quỳnh cũng là người trao đổi ý tưởng với tôi khi tôi viết cuốn sách này, là người độc giả đầu tiên của tôi và tôi đã học rất nhiều từ Quỳnh và anh Cao Huy Thuần.

            Tôi cũng muốn cám ơn anh Nguyễn Trương Quý và cô Lê Hoàng Anh của Nhà xuất bản Trẻ đã làm cho việc cộng tác để cho cuốn sách này được ra đời trở thành một niềm vui. Anh Quý đã rất khéo léo giúp chúng tôi sửa cách diễn đạt để phù hợp với độc giả ngày nay, vì Việt Nam, cùng với ngôn ngữ, đã qua biết bao thay đổi từ khi nhạc Trịnh ra đời.

            Hy vọng của tôi là cuốn sách này sẽ gây ra tranh luận không những chỉ về Trịnh công Sơn và Bob Dylan mà còn về những vấn đề hấp dẫn khác được khơi lên khi hai nền văn hóa và tôn giáo được đưa lên sân khấu cùng một lần.

JOHN C. SCHAFER

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm