Mình nói gì khi nói về xe máy

(Quảng cáo tí: Bài của Nguyễn Nguyên Thảo trên Sài Gòn tiếp thị nguyệt san 5.2012)

1 - Nói về một xứ sở (hay một đất nước) mà việc đi xe máy “đã trở thành một hành vi tập thể, có lẽ là đông đảo nhất trên thế giới”. Không chừng, đó cũng là một thứ “căn cước”.

Tấm căn cước thời hiện đại này của người Việt Nam thể hiện hành vi cá nhân học lẫn cả ẩn ức tâm lý của họ, điều mà những dấu vân tay không nói được” (Di căn của xe máy).


2 - Nói về những gì phía sau hành vi, ứng xử, không đơn thuần với một đồ vật, hay phương tiện bình thường, mà là mối tương quan hành xử với một nhân quần rộng lớn, và quan trọng hơn, là hành xử với cả chính cái cuộc đời ta. Một khi, chiếc xe là của cải, phương tiện làm ăn, xa hơn, là cá tính, “ký hiệu” đẳng cấp xã hội, mô hình tư hữu hoá, thậm chí, là thời trang sự mê tín và có khi, cả khát vọng tự do. Một khi, là tính cách thực dụng, sẵn sàng sự bẻ cong phương tiện để đạt mục đích.

3 - Nói về sự thực dụng luôn cân bằng với những mộng tưởng viển vông. Điều này xảy ra trong một xứ sở ở cái thời mà người ta mua một phương tiện di chuyển dễ như mua một tô phở. Việc mua bán xe máy là một giao dịch dân sự quen thuộc trong cộng đồng. Và nói về việc thay đổi phương tiện đó như một cách làm mới đời sống đem lại chút tin vui trong cuộc sống rã rời mỏi mệt, đối phó với vô vàn chen chúc và ngổn ngang.

4 - Nói về sáng tạo. Người ta có thể nêu cao tinh thần sáng tạo trên chiếc xe máy. Có khi là việc nướng thịt bằng pô trên đường đi phượt, có khi là chuyện biến nó thành nơi cư trú chỉ sau căn nhà. Có một thế hệ được gọi tên là “thế hệ bỏng pô”. Và hình ảnh về dân văn phòng hôm nay, được thể hiện qua biếm hoạ mô tả một sinh vật đầu người mình xe máy. Cả chuyện xoay xở với chiếc xe trong một đám ùn tắc, nếu không sáng tạo tài tình để “thoát hiểm”, thì là gì?!

5 - Nói về tầm nhìn, sự cảm thụ và một thái độ sống từ yên xe máy. “Có ngồi trên xe máy mới nhận thấy, ta đang nhìn thành phố bằng một loại phim có tốc độ ba bốn chục cây số một giờ, là một cảnh tượng mà chính ta tham gia vào”, “Hầu như tất cả cái gì hay, ngon, đẹp đều đập vào mắt người đi xe máy” (Hạnh phúc trên yên xe máy). Trong một xã hội ám ảnh về giá trị đến mức chấp nhận làm sai lạc về phương tiện cốt đạt mục đích, thì phương tiện giản dị như cái xe máy cũng có thể bị biến thành hung thần đường phố” (Di căn của xe máy). Sống với xe máy thời buổi này thật khó khăn. Vợ chồng còn có thể bỏ nhau, xe máy mà bỏ thì đi bằng gì bây giờ” (Mình nghĩ gì khi đi xe máy). 

6 - Nói về một biên niên ký xe máy kéo dài một thế kỷ. 

Nói về nhiều thứ khác xoay quanh chiếc xe máy và những thứ khác, không thuộc về xe máy. “Cái thời tươi đẹp ấy qua rồi. Và chúng ta tưởng tượng đến một ngày không xa, xe máy nằm buồn bã trong kho sắt vụn, chủ nhân của chúng hì hục quay vô lăng trên những con đường xa lộ hay kịp nhảy phóc lên cửa tàu điện ngầm cho kịp giờ. Chúng ta vĩnh biệt xe máy như vị hoàng đế cuối cùng vĩnh biệt ái thiếp trong cao trào cách mạng. Nhưng xe máy không bao giờ chết. Bởi vì sự lãng mạn của nó, sự ích kỷ và nhu cầu cá thể hoá cách đi lại của chúng ta” (Mối tình trâu sắt).

“Liệu xe máy có tạo nên tấm chân dung của cả một nhân quần không?” Đó là một câu hỏi tham vọng mà phân nửa cuốn sách này gợi ra. Người viết tìm kiếm tư liệu, kết nối chúng một cách thật kỹ lưỡng, công phu như thực hiện một đề tài nghiên cứu; cách dẫn dắt câu chuyện lý thú với một giọng điệu hóm hỉnh nhưng chỉn chu, trào lộng mà nhẹ nhàng, tinh tế sắc sảo nhưng lại có độ khái quát cao. Đôi khi sự cường điệu hoá (hơi bị over) trong trào phúng đã tạo ra những hiệu ứng thể hiện đầy ấn tượng.

Câu chuyện của đời sống, trải nghiệm hàng ngày quen thuộc đã được gọi ra một cách mới mẻ, bất ngờ. Có thể hình dung, những tản văn trong cuốn sách này đem lại cảm giác như vừa trải qua cuộc tán gẫu nhiều dư vị, với một người bạn thân trong một buổi chiều dạo phố vi vu trên chiếc xe gắn máy cà tàng của mình.

Nguyễn Nguyên Thảo
(Đọc: Xe máy tiếu ngạo, tản văn
Nguyễn Trương Quý, NXB Trẻ, 2012)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm

Lưu trữ

Hiện thêm