75 năm trước, rạng sáng ngày 22. 6. 1941, Đức Quốc xã bất ngờ tấn công Liên Xô, đưa cuộc Thế chiến II vào một giai đoạn khốc liệt ngoài sức tưởng tượng. Chiến dịch mang tên Barbarossa này khởi đầu thuận lợi cho Đức Quốc xã, chiếm được đến phân nửa lãnh thổ thuộc châu Âu của Liên Xô, song cuối cùng phải dừng chân tại cửa ngõ Matxcơva tháng 2. 1942, đánh dấu sự chuyển hướng có tính thất bại chung cuộc của Đức. Nhưng vào cuối những năm 1930, với việc ký Hiệp ước không xâm phạm Xô-Đức (còn gọi là Hiệp ước Molotov-Ribbentrop), người ta chưa thể hình dung được sự kinh khủng của cuộc đối đầu quân sự sau đó, vốn dẫn tới cái chết của 26 triệu người trên đất Liên Xô.
|
Ký Hiệp ước không xâm phạm Xô-Đức tại Điện Kremlin 23. 8. 1939. Ngoại trưởng Đức Joachim Von Ribbentrop (ngoài cùng bên trái), Joseph Stalin (giữa), Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov (ngoài cùng bên phải) |
|
Biếm họa trên báo DailyMail của Anh năm 1941: Hitler cầm dao đâm vào sau lưng Stalin: “Thứ lỗi cho tôi, thưa đồng chí, nhưng cơ hội này coi bộ tuyệt làm sao!” |
|
Trong khi đó, nước Mỹ ung dung ngồi yên trên tổ: “Tội chưa, mổ gục được cái cây đó thì y cũng nhừ tử mất thôi.” Cái cây cuối cùng đó là nước Anh. Tranh của Dr. Seuss, 1940. |
Tuy nhiên, cuộc đối đầu về chính trị qua các hoạt động văn hóa-thể thao đã rất nổi bật trong các sự kiện như Olympic 1936 tại Munich hay Triển lãm Thế giới 1937 tại Paris. Trước khi các sức mạnh vũ khí được trưng trổ, thì sức mạnh của kiến trúc và kỹ nghệ đã được hai bên phô diễn chẳng giấu giếm gì. Bài viết dưới đây cho thấy sự liên quan, thậm chí là tương đồng của kiến trúc trong việc tạo ra biểu tượng chính trị thế nào ở hai cường quốc đối địch. Dịch chủ yếu từ bài của Christopher Laws. Ngoài ra các hình ảnh bổ sung thêm từ nhiều trang khác.
*
Triển lãm quốc tế Nghệ thuật và Kỹ thuật trong Đời sống hiện đại năm 1937 (Exposition Internationale des Arts et Techniques dans la Vie Moderne, thời trước các cụ ta hay gọi là Đấu xảo) được tổ chức tại Paris, diễn ra từ ngày 25. 5 đến 25. 11, đặt tại khu Trocadéro, bên sông Seine ngay đối diện tháp Eiffel. Đây là triển lãm quốc tế lần thứ sáu tại thủ đô của Pháp, sau các năm 1855, 1867, 1878, 1889 và 1900.
Trên cùng một ngọn đồi đã từng được sử dụng cho triển lãm vào năm 1867, vào năm 1878, người ta cho xây Cung Trocadéro. Được kiến trúc sư Gabriel Davioud thiết kế, gồm một sảnh hòa nhạc trung tâm, hai tòa tháp và hai dãy nhà cánh, cung điện là một tổ hợp của kiến trúc Moor (hình thức kiến trúc Hồi giáo phổ biến ở Bắc Phi và bán đảo Iberia), Byzantine và cổ điển, tạo ra cảm giác không gần gũi với công chúng.
|
Palais du Trocadéro cũ |
Ẩm thấp, không có hệ thống sưởi và chiếu sáng, cung điện cũng cho thấy không phù hợp với vai trò sau đó của nó trong việc là bảo tàng nhân học đầu tiên của Paris, Musée d’Ethnographie du Trocadéro. Picasso đã tới đây thăm vào năm 1907, và bộ sưu tập bảo tàng (gồm các đồ thủ công châu Phi, mặt nạ, tượng gỗ) đã cho thấy sự ảnh hưởng có tính quyết định của nó đến tác phẩm Những cô gái ở Avignon được ông hoàn thành sau đó. Mặc dù vậy, ông đã ghi lại trong chuyến thăm đầu tiên rằng “mùi ẩm mốc và thối rữa lưu cữu trong cổ họng tôi. Nó làm tôi xây xẩm đến nỗi muốn lao ra ngoài thật nhanh”. Tuy nhiên sau đấy ông hồi tưởng lại có một chút hài lòng hơn:
“Khi tôi tới Trocadéro, khung cảnh thật kinh tởm. Chợ giời. Mùi hôi. Tôi hoàn toàn đơn độc. Tôi muốn đi khỏi ngay. Nhưng tôi đã không đi. Tôi đã ở lại. Tôi ở lại. Tôi hiểu điều gì đó rất quan trọng: điều gì đó đang xảy ra với tôi, phải không nhỉ? Những cái mặt nạ không giống như những loại điêu khắc khác. Không hề giống. Chúng là những thứ đầy ma thuật”.
|
Les Demoiselles d’Avignon của Pablo Picasso |
Do tình trạng xuống cấp, năm 1935, cung Trocadéro đã bị phá bỏ, và được xây lại để chuẩn bị cho triển lãm sắp diễn ra, với tên gọi mới là Palais de Chaillot như ngày nay vẫn còn. Cung Chaillot là một sáng tạo của các kiến trúc sư Léon Azema, Jacques Carlu và Louis-Hippolyte Boileau, vốn đã giành chiến thắng trong cuộc thi chọn phương án cung điện mới.
Mang phong cách kết hợp Tân cổ điển (Neoclassical) và Hiện đại (Art Moderne), cung điện có hai dãy nhà hình cánh cung đứng độc lập với tòa nhà chính. Hai cánh cung ngày nay là trụ sở của bảo tàng Con người – kế thừa bảo tàng Nhân học Trocadéro – cùng với các bảo tàng Kiến trúc và Di tích Paris, bảo tàng Hàng hải; còn tòa nhà trung tâm biến thành Nhà hát quốc gia Chaillot. Ngày 10. 12. 1948, Palais de Chaillot còn là nơi diễn ra phiên họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc khi công bố Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền.
|
Khu trung tâm triển lãm trong công viên Trocadéro, với Palais de Chaillot ở phía sau |
|
Palais de Chaillot ngày nay nhìn từ tháp Eiffel |
Tháp Eiffel được mọc lên và tạo thành trung tâm của triển lãm 1889, như một ẩn dụ cho những sáng tạo khoa học và kỹ thuật của thế kỷ trước. Theo lời Gustave Eiffel, ngọn tháp mà hãng của ông xây nên nhằm sẽ biểu tượng hóa:
“không chỉ nghệ thuật của các kỹ sư hiện đại, mà còn là thế kỷ của Công nghiệp và Khoa học mà chúng ta đang sống, và còn cho cách thức đã được chuẩn bị bởi trào lưu khoa học của thế kỷ 18 và của Cách mạng 1789, vì lẽ đó đài kỷ niệm này sẽ được xây dựng như một biểu hiện của tinh thần Pháp”.
Trong cùng một hướng như thế, sự kiện năm 1937 là một cuộc trình diễn thành tựu khoa học kỹ thuật đương đại hoành tráng nhất của thế giới. Các gian trưng bày được dành cho điện ảnh, phát thanh, ánh sáng, đường sắt, hàng không, tủ lạnh và in ấn. Các bích chương quảng cáo cho triển lãm nhấn mạnh đây là một sự tụ hội của “nghệ thuật và kỹ thuật”.
Bản đồ Triển lãm giá 3 franc: Các cường quốc ở chủ yếu khu trung tâm. Khu thuộc địa nằm trên hòn đảo Île aux Cygnes (Thiên nga). Xứ Đông Dương nằm ở gần chót cùng hòn đảo, tức là khu xa nhất của Triển lãm. Ở mỏm của đảo bên cạnh cầu Grenelle là nơi đặt một phiên bản bức tượng Nữ thần Tự do đúc năm 1889 – có ý liên hệ gì với các thuộc địa trên đảo này và với xứ Đông Dương nơi có một phiên bản ở Hà Nội?
|
Đồng xu lưu niệm của Triển lãm |
Các gian trưng bày được trang hoàng và thiết kế bởi các nghệ sĩ và kiến trúc sư như Robert và Sonia Delauny, Robert Mallet-Stevens và Le Corbusier; Fernand Léger thì đóng góp tác phẩm
Le transport des forces (Sự chuyển giao quyền lực) cho Cung Khám phá của triển lãm; còn Raoul Dufy hoàn thành và trưng bày bức tranh tường hoành tráng
La Fée Electricité (Cổ tích của ánh điện) – một tác phẩm thần thoại hóa đầy màu sắc của lịch sử ngành điện.
|
“La Fée Electricité” của Raoul Dufy (bức tranh chạy theo hình vòng tròn) |
Thực ra, người ta cũng đã lên kế hoạch để xây dựng một ngọn tháp, dùng làm trung tâm của triển lãm 1937, giống như tháp Eiffel đã là trung tâm của triển lãm vào năm 1889. Được đặt tên là
Phare du Monde (Hải đăng của thế giới), đài quan sát kiêm tháp này cao 700m – hơn gấp đôi tháp Eiffel – và định xây bằng bê tông. Sẽ có một nhà hàng ở trên đỉnh và một đường xoắn ốc dẫn đường lên bên trong, với một bãi đỗ xe ở độ cao 500m. Ngọn tháp sẽ được dùng như một nơi trình diễn ôtô và cho ngành công nghiệp xe hơi của Pháp vốn dẫn đầu châu Âu suốt thập niên 1920s.
|
Minh họa và mô tả chi tiết đề xuất của Phare du Monde |
Dự án xây ngọn tháp ước chừng khoảng 2,5 triệu đôla Mỹ thời ấy (tính trượt giá thì bây giờ khoảng 42 triệu) đã bị hủy bỏ. Thêm vào đó, triển lãm đã phải trì hoãn. Kế hoạch ban đầu khai mạc ngày 2.3 nhưng đã phải lùi lại đến 1.5. Nhưng vào ngày này, chỉ có hai gian trong số 44 nước tham gia là đã hoàn thiện: Liên Xô và Đức Quốc xã, là hai kiến trúc ốp đá khối đối diện nhau qua công viên Trocadéro mới xây, với tháp Eiffel bên kia sông Seine làm hậu cảnh.
Cuối cùng thì triển lãm cũng đã sẵn sàng mở cửa ngày 25.5.
(c) 2016 | Trương Quý dịch. Bài đã đăng trên Soi.
(Còn tiếp)
Nhận xét