Kiến trúc phục vụ chính trị (bài 3): Đại bàng đối đầu cùng công nông
Ứng với khung cảnh đầy những tuyên ngôn chống Slav của Hitler và sự can dự vào hai phe đối đầu nhau trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, người Xô-viết và Đức cảm nhận được sức nặng của cuộc cạnh tranh ngay cả trước khi gian triển lãm của họ sẽ đối mặt với nhau qua công viên Trocadéro. Hitler thoạt đầu cân nhắc việc Đức rút khỏi triển lãm, nhưng vì mối ưu ái dành cho với Albert Speer, kiến trúc sư trưởng của Đế chế thứ Ba, nên Speer đã thuyết phục được ông ta tham gia.
Trong khoảng 1933-1934, Speer đã thiết kế các đồ án và nhiều công trình làm nơi diễn ra các buổi tuần hành của đảng Quốc xã, chẳng hạn ở Nuremberg; và ông đã sinh ra “thánh đường ánh sáng”, dùng 130 ngọn đèn rọi dùng chống không kích chiếu lên trời đêm để tạo nên biểu tượng thị giác cho lễ Tuần hành Nuremberg. Đám đông tuần hành đã được ghi lại đầy ấn tượng trong bộ phim Chiến thắng của Ý chí của Leni Riefenstahl, một bản ký sự về cuộc Tuần hành Nuremberg 1934.
Cuộc tuần hành của đảng Quốc xã tại Nuremberg |
‘Thánh đường của Ánh sáng’ tại Nuremberg: 130 ngọn đèn pha chống không kích được rọi thẳng lên trời đêm |
Để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè 1936 tại Berlin, Speer điều chỉnh lại thiết kế sân vận động Olympiastadion của Werner March, thêm vào một mặt đứng ốp đá.
Trong những năm này, Speer phát triển ý tưởng của “giá trị tàn tích”: những tòa nhà nên được thiết kế với một dự kiến về sự hư hại và thậm chí sụp đổ của chúng, vì vậy những phế tích để lại cuối cùng sẽ giữ lại được giá trị thẩm mỹ và biểu tượng. Nếu như Speer đem lại cho khái niệm một cái tên, thì khái niệm này đã có một tiền đề từ lâu, qua những bản vẽ của John Soane (1753-1837, một kiến trúc sư người Anh) và sự tôn vinh theo trường phái Romanticism (Lãng mạn hóa hình ảnh các phế tích đền đài, chủ yếu phong cách Hy-La cổ đại). Trong hồi ký của Speer, Trong lòng Đế chế thứ Ba, ông giải thích nền tảng lý thuyết của mình:
“Hitler thích nói tới mục đích của công trình là để truyền tải thời đại của ông và tinh thần của nó cho hậu thế. Sau cùng, những điều nhắc nhớ đến những con người của kỷ nguyên vĩ đại trong lịch sử chính là kiến trúc mang tính biểu tượng của họ, ông đã triết lý hóa như vậy […] Lẽ tự nhiên, không thể chỉ dùng mỗi ngành kiến trúc mà đánh thức được một nhận thức quốc gia mới. Nhưng sau một thời gian dài trì trệ, một cảm hứng về sự vĩ đại của quốc gia đã được sinh ra, với các tượng đài của tổ tiên là những sự biểu dương ấn tượng nhất. Chẳng hạn ngày nay, Mussolini có thể lấy những công trình của Đế chế La Mã làm biểu tượng của tinh thần anh hùng La Mã. Nhờ thế ông có thể thiêu đốt dân tộc mình với ý niệm về một đế chế hiện đại. Các công trình kiến trúc của chúng ta cũng nên nói tới sự nhận thức về những thế kỷ Đức tương lại ngay từ bây giờ”.
Speer đã thiết kế gian của Đức tại Triển lãm 1937. Trong một chuyến thăm Paris vài tháng trước khi triển lãm khai mạc – tại đây vị trí của các gian Liên Xô và Đức đã được các nhà tổ chức Pháp xác nhận, do tổng công trình sư Jacques Gréber chỉ đạo – Speer “tình cờ lọt vào một căn phòng chứa những bản phác thảo bí mật của gian Liên Xô”. Nhờ cơ hội quý báu này, ông đã thiết kế một gian triển lãm với ý đồ đáp trả lại một cách cứng rắn vẻ tấn công của bức tượng Công nhân và nông trang viên. Trong khi phần đế giật cấp của Iofan và bức tượng của Mukhina chủ yếu chạy theo phương ngang, Speer tạo nên một khối đầy tính áp chế theo phương đứng, phần nóc kết thúc bằng một con đại bàng đậu trên biểu tượng chữ thập ngoặc.
“Một cặp tượng cao mười mét [thực tế là 24,5m], trên một cái đài cao, đang sải bước đầy chiến thắng về phía gian của Đức. Do vậy tôi đã thiết kế một khối hộp, dựng dọc trên những cột cường tráng nhằm để ngăn sự tấn công đó, trong khi ở đỉnh tháp là một con đại bàng với chữ thập ngoặc giữ trong móng vuốt đang nhìn xuống điêu khắc của người Nga. Tôi đã nhận được huy chương vàng cho tòa nhà; và đồng nghiệp Xô-viết cũng vậy”.
Khu vực triển lãm của Đức Quốc xã vào ban đêm |
Chi tiết đại bàng trên nóc gian triển lãm của Đức |
*
Mặc dù trong lý thuyết của Speer về “giá trị tàn tích” có sự ưu tiên cho vật liệu đá, với ý đồ dành cho những dự án trường cửu, trên thực tế, gian triển lãm tạm thời của Đức tại triển lãm là một cấu trúc bằng thép.
Một mặt tiền ốp đá granite Bavaria bao phủ một cấu trúc hợp từ ba ngàn tấn thép. Các trụ cột ốp đá granite và khảm mosaic. Bên trong nội thất, sàn nhà được phủ bằng cao su đỏ.
Nội thất gian triển lãm của Đức |
Người Xô-viết cử một đội chuyên gia đến để lắp đặt bức tượng thép không gỉ của Mukhina – tác phẩm đã được làm khuôn và đúc ở Matxcơva tại Học viện Thép và Luyện kim, trước khi xẻ ra thành 65 khối và vận chuyển tới Paris. Khi đến nơi, một cần trục được dùng để cẩu các khối điêu khắc vào vị trí và toàn bộ quy trình chỉ diễn ra trong 13 ngày. Tuy nhiên, để xây dựng phần gian triển lãm, Liên Xô phải phụ thuộc vào công nhân Pháp. Điều này ngược với Đức: họ đã cử một đội cả ngàn thợ xây sang dựng công trình do Speer thiết kế.
Bức tượng “Công nhân và nông trang viên” được lắp đặt bằng cần trục tại Paris |
Nếu toàn bộ ý tưởng của Speer được chuyển hóa từ việc được xem lén các bản thiết kế của Liên Xô, thì ngược lại có một điểm về mặt chi tiết, kiến trúc sư Iofan của Liên Xô đã được gợi hứng từ phía Đức: biết được rằng Speer dự định ốp đá granite bao quanh công trình của Quốc xã, Iofan đã chọn đá cẩm thạch (marble, ở Việt Nam có khi gọi là đá hoa) để ốp gian triển lãm của mình. Speer đã đảm bảo rằng gian của Đức sẽ lấn át gian của Liên Xô về chiều cao – vì thế con đại bàng thực sự đã nhìn chằm chằm xuống Công nhân và nông trang viên. May mà Gréber đã thuyết phục được ông ta giới hạn phạm vi thiết kế ban đầu của mình, nhằm tôn trọng các gian triển lãm của các nước khác và để hài hòa tốt hơn với cung Chaillot, vốn cũng có chung hình thức dùng nhiều cột và tinh thần Tân cổ điển.
Mặc dù hình thức kiến trúc và trang trí nặng nề tinh thần cổ điển, các mẫu vật công nghệ Đức trưng bày lại rất hấp dẫn, như chiếc ôtô Mercedes-Benz với hình thức vị lai nổi bật |
Vào ban đêm, gian của Đức được chiếu sáng từ bên dưới và từ phần âm giữa các cột, thông qua một hệ thống chiếu sáng do Zeiss-Ikon thiết kế. Giáo sư kiến trúc Danilo Udovički-Selb đã mô tả hiệu ứng của những dải ảnh sáng được giấu này là sản xuất ra “hình ảnh ma quái của một bức ảnh âm bản”. Udovički-Selb sau đó đã coi gian triển lãm của Speer – cùng với những ví dụ khác về kiến trúc bằng kính ở Đức Quốc xã – nằm trong ngữ cảnh của thần thoại Đức thời Trung cổ.
Khu triển lãm của Liên Xô và Đức được chiếu sáng vào ban đêm |
Bắn pháo hoa từ tháp Eiffel trong đêm khai mạc |
Bắn pháo hoa từ tháp Eiffel trong đêm khai mạc. (Ảnh đen trắng thì rõ hơn, nhưng ảnh màu thì giá trị vì hiếm, nên xin được dùng cả hai để dễ so sánh) |
*
Speer với những dự án lớn khác tại Đức
Đến cuối thập niên 1930s, Speer tập trung vào hoàn thành Dinh Nguyên thủ (tạm dịch từ Reichskanzlei / Chancellery) Đế chế mới ở Berlin. Do Hitler ấn định một thời hạn ngặt nghèo, tòa nhà được hoàn thành vào tháng Giêng 1939. Trị giá 90 triệu đồng Reichsmark, tòa nhà bao gồm một sảnh đường dài 150m, gấp đôi Sảnh Gương của cung điện Versailles. Dinh đã bị hủy hoại trong trận đánh chiếm Berlin và bị Hồng quân phá sập vào lúc kết thúc Thế chiến II.
Sảnh đá cẩm thạch của Dinh Nguyên thủ Đế chế mới |
Mặt tiền tòa nhà |
Trước khi chiến tranh bùng nổ, Hitler đã có các bản đồ án phát triển quy hoạch lại Berlin. Trung tâm của những quy hoạch này là Prachtstrasse (Đại lộ Quang Vinh): một đại lộ rộng và hoành tráng khác thường, chạy dài 5km thẳng tắp từ bắc xuống nam. Đại lộ sẽ quy tụ tất cả trụ sở các bộ và đại sứ quán. Bên cạnh quá nhiều dự án kiến trúc đồ sộ như thế, sự thúc đẩy các công trình lớn ở các thành phố khác trở nên yếu ớt. Và Hitler vẫn tiếp tục muốn ý tưởng hóa Berlin mới của ông ta – mà sau đó Speer gọi là “Germania” – trong những ngày đầu của chiến tranh. Ông có cảm hứng từ ví dụ của Rome, nơi ông đã đi thăm vào tháng 5. 1938; và cả Paris, nơi có các kiến trúc mà ông đã đến vào những ngày ngay sau khi nước Pháp sụp đổ cuối tháng 6. 1940.
Đại lộ Quang Vinh trong quy hoạch Berlin, với Khải hoàn môn và Đại sảnh Nhân dân |
Chi tiết thiết kế mặt đứng Đại sảnh Nhân dân |
Mô hình thiết kế của Speer cho bên trong của Đại sảnh Nhân dân |
Speer tiếp tục đồ án của mình cho đến giai đoạn đầu Thế chiến II, nhưng ông nhanh chóng hiểu rằng khi Đức đã tham gia một cuộc chiến tranh thì không còn chỗ cho các công trình xây dựng quy mô lớn. Về phần Stalin, trước đó đã ấn tượng với gian triển lãm của Speer ở Paris, vào cuối năm 1939, khi xem những hình ảnh mô hình về tái thiết của Speer, ông khao khát Speer sẽ có một chuyến thăm Matxcơva để thảo luận về công việc – nhưng Hitler đã từ chối chấp thuận cho Speer đi, sợ rằng Stalin sẽ không cho kiến trúc sư danh giá của mình quay về Đức.
(c) 2016 | Trương Quý dịch
Bài đã đăng trên Soi.
Nhận xét