Hạ bệ hoàng tử Bạch mã của Grimm

NHỮNG CHUYỆN CỔ TÍCH “XẤU XÍ TĂM TỐI”: Kho tàng truyện cổ tích đen tối hơn truyện Grimm được tái khám phá đã hạ bệ huyền thoại hoàng tử Bạch mã ra sao?

Phỏng vấn dịch giả của kho tàng mới được phát hiện gồm những truyện cổ tích 150 năm chứa những điều ngạc nhiên khi chúng thay đổi giới tính của các nhân vật. [Lược dịch từ The Salon, đây chỉ là bản tôi dịch để tự tham khảo, có nhiều chỗ tôi lược đi - NTQ]

Năm 2012, người đọc thế giới thích thú khi biết rằng một nhà nghiên cứu ở bắc Bavaria đã phát hiện ra hàng trăm truyện cổ dân gian chưa từng được xuất bản do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Franz Xaver von Schönwerth sưu tập. Làm việc chỉ vài chục năm sau anh em Grimm, Schönwerth đã ghi lại các câu chuyện nhiều chất liệu tình dục, khêu gợi và đặc biệt là tục tĩu hơn tuyển tập của anh em nhà Grimm vốn được xuất bản với tên gọi “Truyện kể cho trẻ em và người nội trợ”. Ai cũng biết rằng truyện cổ Grimm thì ảm đạm hơn các phiên bản được làm sạch sẽ của Disney, nhưng với truyện Schönwerth thì hành động trong đó còn trần trụi hơn nhiều.

Erika Eichenseer, người đã lôi ra những sản phẩm của Schönwerth từ Kho lưu trữ Regensburg, đã xuất bản những truyện được chọn bằng tiếng Đức trong nhiều năm qua, giờ đã có một bản tiếng Anh gồm hơn 70 truyện do Penguin Books xuất bản với tên gọi “Công chúa Củ Cải và những truyện cổ tích mới phát hiện khác”. Maria Tatar, trưởng bộ môn/chương trình Văn hóa dân gian và Thần thoại tại Đại học Harvard và là biên tập viên tài hoa của những cuốn sách như “Anh em Grimm Chú giải”, thực hiện từ nhiệm vụ hóc búa là diễn giải văn học dân gian vùng Bavaria thế kỷ 19 sang tiếng Anh hiện đại. Tôi đã trò chuyện với Tatar để tìm hiểu rõ hơn về kho báu đang đợi người đọc khám phá và những gì chúng sẽ làm ta ngạc nhiên về vai trò của các nam nữ nhân vật chính trong những câu chuyện xưa nhất và đại chúng nhất châu Âu.

Bà có thể cho tôi biết những bản thảo này đã được tìm thấy ra sao không? Nhiều người dường như cứ nghĩ rằng Erika Eichenseer chỉ có việc phát hiện ra một cái hộp đựng một kho báu, nhưng hẳn sự thể không hẳn đã diễn ra thế nhỉ?


Erika đã làm phát lộ hàng trăm câu chuyện trong kho lưu trữ thành phố Regensburg – đó là kết quả của một công tác nghiên cứu thư mục vất vả. Bà đã xuất bản một số truyện theo chuỗi, hoặc mang chúng ra ánh sáng tại Đức. Một tuyển tập đã được xuất bản vài năm trước bằng tiếng Đức. Tôi thêm vài truyện trong tuyển tập đó vào ấn phẩm của NXB Penguin. Nhưng cũng có những truyện thêm vào mà bà đã không phát hiện ra những năm trước.

Điểm nổi bật mang tính lịch sử hay học thuật của chúng là gì?

Với tôi, chúng tiêu biểu cho những gì mà đồng nghiệp của tôi, Allan Dundes, gọi là “dân gian/folklore chứ không phải giả dân gian/fakelore”. Những gì chúng ta có là những câu chuyện ít bị tác động hơn mọi câu chuyện cổ tích và dân gian quen thuộc. Có một tiến trình nguyên bản của cách kể chuyện đã diễn ra. Những câu chuyện ít bị biên tập hơn và chúng không bị kiểm duyệt. Anh em Grimm có sự tự do to lớn với những câu chuyện mà họ sưu tập. Tài năng của Grimm là đã tạo nên hình mẫu tiêu chuẩn hóa, cô đọng của truyện cổ tích. Họ hầu như đã tạo lập ra thể loại truyện kể là một phần của truyền thống kể chuyện truyền miệng [văn học truyền miệng?] và cũng là trong văn hóa văn chương [văn học thành văn?]. Schönwerth, theo một cách khác, đã không bận tâm tới người đọc bằng việc tái hiện lại những câu chuyện theo đúng như chúng đã được kể cho ông.

Một ví dụ trong cuốn sách này là một phiên bản của câu chuyện nổi tiếng “Chàng thợ may bé nhỏ dũng cảm” [bản tiếng Việt quen thuộc có tên “Một đòn chết bảy”], kể về chàng trai đã giết bảy con ruồi bằng một cú đấm. Bản Grimm kể là những con ruồi vo ve quanh cái bánh mật anh chàng vừa làm ra. Trong bản Schönwerth , những con ruồi vo ve quanh một đống phân bò. Vì vậy những điều đó mang lại cho bạn một nhận thức về phần năng lượng thô ráp trong các câu chuyện và cách Schönwerth quyết định ông sẽ kể chúng thẳng tuột ra, như là chúng vốn được kể vậy.

Bà có thể cho tôi biết một chút về những nguồn tư liệu của Schönwerth? Tôi biết rằng, với Grimm, một số nguồn mà chúng ta nghĩ tới có thể nhiều sự nhuận sắc hơn. Tôi không biết liệu “nông dân” có phải là một từ đúng không, nhưng người hầu…

… hoặc địa chủ. Grimm rất tuyệt vời trong việc thu nạp mọi nguồn tư liệu có thể. Trong một số trường hợp, đó là một người bạn đã kể cho họ nghe. Họ cũng gửi thư cho các đồng nghiệp và đề nghị những người này viết ra những câu chuyện được nghe kể. Họ nghe những gì mà họ gọi là “tiếng nói của nhân dân” – nghĩa là những nông dân, địa chủ, công nhân, thợ may. Vì vậy trong nhiều trường hợp họ có thể có những nguồn từ tầng lớp lao động. Họ cũng xem xét cả tài liệu văn học. Vì vậy họ vơ nhặt mọi thứ họ có thể tìm thấy, và ghi là của mình, tôi nghĩ vậy.

Schönwerth thì khiêm nhường hơn trong cách tiếp cận, mặc dù ông không cho chúng ta biết nhiều về các nguồn tư liệu đặc thù của mình. Ông không đơn thuần nêu tên hay mô tả họ, nhưng chúng ta có một cái tên bất chợt, và chúng ta biết ông đã dành nhiều tài lực vào ý tưởng hướng đến những con người thông thường, người đàn ông hay người đàn bà thông thường, và thuật lại câu chuyện như nó đã được kể. Thỉnh thoảng ông hối lộ mọi người, đưa cho họ… không phải là tiền mặt, mà là một vài khoản cấp dưỡng chẳng hạn. Do vậy, dĩ nhiên, bạn sẽ thấy nghĩa là người kể chuyện có thể sửa lại câu chuyện cho ông, cố gắng biến nó dễ chịu nhất có thể. Luôn luôn có một phần sai lạc khi bạn chuyển từ văn hóa truyền miệng sang bản in.

Nếu tôi nhớ đúng, nhiều truyện cổ mà Grimm sưu tập là những câu chuyện mà người trung lưu nhớ lại từ những gì các cô hầu gái hay những người hầu khác kể khi họ còn là trẻ con. Vì vậy những câu chuyện đó đã bị tác động và có thể đã bị sai lạc theo cách đó.

Đúng vậy. Schönwerth đã làm điều đó muộn hơn anh em Grimm một chút. Grimm thực sự còn khá trẻ khi họ làm công việc sưu tập, hai tập sách của họ ra đời năm 1812 và 1815. Schönwerth đã làm công việc của mình vào những năm 1850. Anh em Grimm biết về ông và tôn trọng ông. Nhưng họ biết Schönwerth đang làm thứ hoàn toàn khác, và dự án của ông không giống như của họ.

Bởi vì cách tiếp cận của ông có tính chất nhân học hơn, ngược lại với sự đại chúng hóa? Tôi hoàn toàn không thấy được sự phân biệt ở đây. Có phải bà muốn nói ông quan tâm đến việc ghi lại những thứ đó chính xác như có thể, chứ không tạo ra một cuốn sách ăn khách, như của Grimm?

Hoặc một hình thức tiêu chuẩn hóa của bản thân truyện cổ tích. Tôi nghĩ bạn đã nói chính xác, nó gần hơn với một mẫu hình nhân học, mang tính folklore. Schönwerth từ chối việc đồng nhất các câu chuyện, và bạn có thể tìm thấy có nhiều sự tráo đổi giới tính trong truyện Schönwerth. Không có sự phân chia rạch ròi về lao động theo giới tính như bạn thấy trong truyện Grimm. Truyện Grimm không có một Bạch Tuyết nam, ví dụ thế, trong khi truyện Schönwerth lại có. Schönwerth có cả cậu bé Lọ Lem. Ông có một cậu bé đi giày sắt đi tìm kiếm người phụ nữ cậu ta yêu, một hình ảnh như cô gái trong “Đông mặt trời, tây mặt trăng”. Ông có một hoàng tử phải chung chăn với một con ếch để giúp nó biến thành một nàng công chúa xinh đẹp. Bạn sẽ không tìm thấy điều đó trong truyện Grimm.

Cũng có một số thứ đặc trưng của giới tư sản thế kỷ 19 đem lại ý tưởng rằng chúng ta cần phải chia ra những gì nhân vật nữ làm và nhân vật nam làm. Nó là việc mà các nhân vật nữ phải học để yêu cóc và với nhân vật nam là hành trình đi diệt rồng.

Chính xác. Có chỗ nào ngoài truyện của Schönwerth mà bạn thấy một cậu bé làm việc trong bếp? Cậu ta hành động giống như một Lọ Lem. Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy những cậu bé nấu nướng trong bếp trong truyện của anh em Grimm.

Điều gì trong nửa đầu thế kỷ 19 đã khiến người ta kiên trì trong kiểu dự án tập hợp truyện kể thế này vậy?

Đầu tiên có một sự ghi nhận rất rõ ràng rằng những câu chuyện đang biến mất. Nền văn hóa đã sản sinh ra chúng không biến mất nhưng đang tàn lụi. Nó có phần hơi sớm. Chúng ta vẫn chưa đến thời Cách mạng Công nghiệp. Nhưng có một nhận thức rằng đã có ít thời gian vui chơi hơn. Có sự mọc lên của thành phố và quá trình đô thị hóa. Nỗi hoài niệm về quá khứ và một sự khao khát bảo tồn một di sản văn hóa trước khi nó biến mất. Đây cũng là thời khi con người học cách đọc. Họ mua sách. Toàn bộ sự trỗi dậy của giai cấp tư sản và ý niệm về việc có một thư viện. Lấy ví dụ anh em Grimm, khi họ bắt đầu xuất bản những cuốn sách học thuật, họ chỉ bán được chừng 15 bản. Rồi đột nhiên với “Truyện kể cho trẻ em và người nội trợ”, họ có một cuốn sách bán chạy trong tay. Điều đó nằm trong quá trình tại sao họ bắt đầu biên tập và gạt đi những phần tục tĩu và (với chúng tôi) những phần sexy của những câu chuyện.

Những câu chuyện mà Grimm kể cũng phát triển nên một thứ khung kỷ luật. Họ gọi sách của mình là “một bản chỉ dẫn cho ứng xử”. Họ đã truyền đạt một di sản văn hóa và cũng dạy dỗ hành vi đúng đắn.

Tiếp:

Chúng ta nên làm rõ rằng có một tiến trình dẫn đến vai trò đó trong các ấn bản truyện cổ của Grimm. Trước hết, có một bản gốc, rồi tuyển tập học thuật ra đời, mà chúng ta có thể nói chúng góc cạnh thô ráp hơn. Nhưng khi tuyển tập được dùng như pho kinh điển cho trẻ thơ hay bà nội trợ, họ đã làm sạch sẽ nó và đưa ra nhiều nội dung đạo đức hơn.

Nhiều nội dung đạo đức hơn, và nhiều bạo lực kỳ quặc hơn, đem lại cho họ một loại bạo lực cảm xúc và khung kỷ luật đó. Ví dụ yêu thích của tôi ở trường hợp này là truyện Chàng ngốc Hans. Anh ta là loại người như bất kỳ ai, người có thể làm cho các cô gái mang thai bằng cách nhìn họ. Grimm đã mau chóng vứt bỏ chi tiết này đi! Nó không phải là gương sáng cho lối hành xử tốt. Nó không phải nằm trong di sản mà họ muốn truyền cho con cháu.

Tôi đã bị vướng mắc bởi vài chủ đề lặp đi lặp lại trong những truyện cổ này. Có một vài truyện trong đó bố mẹ quay sang chống lại con trai bởi vì cậu ta quá khỏe. Nó dường như không khác với những truyện quen thuộc hơn mà trong đó mẹ kế chống lại con gái vì cô xinh đẹp hơn bà ta. Chúng ta luôn được kể về bà mẹ kế phù thủy và bà ta đã thù ghét Bạch Tuyết thế nào khi nàng “đẹp nhất trần gian”. Đó là một sự cạnh tranh thế hệ có thực, nhưng sự cạnh tranh tương tự lại diễn ra giữa cha và con trai, ngoại trừ việc đó là về sức mạnh nam tính hay sức khỏe thay vì nhan sắc. Tôi rất hứng thú khi nhận thấy có một sự tương đồng của nam giới trong sự cạnh tranh nhan sắc.

Điều này đáng ghi nhận, trong một câu chuyện cụ thể, là bố mẹ đã hợp lực để chống lại con trai. Bạn sẽ nghĩ họ lợi dụng sức mạnh của cậu ta để làm việc cho họ. Thay vì thế, họ cố gắng xử lý cậu ta luôn! Đó là sự khác biệt lớn khác giữa Schönwerth và Grimm. Với Grimm, luôn là bà mẹ kế quỷ quyệt. Người cha dường như được miễn trừ. Thỉnh thoảng những ông bố theo phe các bà mẹ kế, và họ không được miêu tả là có đồng lõa, chỉ là bị lấn át bởi người vợ ma quỷ thôi. Trong khi đó với Schönwerth, có câu chuyện về Hoàng tử Tóc vàng, người cha tống cậu bé vào rừng và muốn giết cậu ta. Điều đó chưa hề được nghe thấy trong truyện cổ Grimm.

Bà đã chỉ ra rằng chúng ta có một cái nhìn một chiều về cách giới tính hoạt động trong những truyện cổ có phần là do Grimm đã biên tập lại trong sách của họ, nhưng bà không nghĩ là có phần vì qua thời gian, khi những người kể chuyện truyền miệng đại đa số là nữ, nên họ hẳn đã tập trung vào các nhân vật nữ hơn?

Tôi không chắc lắm. Grimm đã nhặt và chọn những truyện của họ, và tôi nghĩ họ có phần tôn kính sâu sắc cho những người cha. Những người cha có thể không làm gì sai trái với họ. Ví dụ, lấy câu chuyện Lọ Lem chẳng hạn, trong đó nhân vật phản diện là bà mẹ kế quỷ quyệt. Nhưng có một phiên bản khác của Lọ Lem lưu hành vào thế kỷ 19 có tên là “Da lừa” hoặc “Ngàn lông thú”, và trong đó người cha yêu con gái mình vô cùng. Khi người vợ qua đời, ông ta muốn thay thế bà bằng con gái mình. Vì thế bạn có một người cha hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát. Rồi ông ta biến mất trong thế kỷ 19. Tôi nghĩ là bạn đúng, tôi không nên gán hết cho Grimm. Đó có hể là một xu hướng chung hướng đến việc tập trung vào những người phụ nữ ma quỷ.

Đọc tuyển tập này khiến tôi nhận ra mức độ của mối xung đột thế hệ trong truyện cổ không chỉ về các nhân vật nữ mà còn là một chủ đề thực sự phổ biến. Đó là về nhận thức của đứa trẻ rằng cha mẹ yêu thương chúng nhiều chừng nào, họ cũng nên biết rằng bọn trẻ rồi sẽ thế chỗ họ. Trẻ con có thể đáng sợ theo cách kỳ dị như thế, cũng như có lúc rất được khao khát [tạm dịch]. Cha mẹ có thể sẽ tàn tạ khi bọn trẻ đạt được sức mạnh, và vì thế những đứa con cũng tượng trưng cho cái chết của chính cha mẹ. Vì vậy có sự mâu thuẫn này trong mối quan hệ. Tôi không thực sự nhận thấy điều đó trước đây bởi vì nó luôn được thể hiện theo lối chia giới tính trong các truyện cổ quen thuộc, vốn được thể hiện như một mối xung đột giữa những người phụ nữ về dục vọng đối lập với điều gì đó còn bao trùm hơn thế.

Những truyện cổ về gia đình mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Xét truyện “Jack người tiêu diệt khổng lồ” chẳng hạn: Tên khổng lồ là một ám chỉ cho người cha. Luôn có một điều gì đó kinh khủng xảy ra, những bi kịch gia đình lớn hơn cuộc sống và thật phi tự nhiên.

Bà tìm thấy điều gì đặc biệt cuốn hút đến vậy về thể loại này vậy?

 Điều tôi thực sự yêu thích ở truyện cổ là ở đó chúng giúp ta nói chuyện về những vấn đề rất quan trọng trong đời sống. Tôi nghĩ đến câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ và nguyên thủy nó đã nói về mối quan hệ kẻ ăn thịt-bị ăn như thế nào, và rồi nó trở thành một câu chuyện về sự ngây thơ và quyến rũ đối với chúng ta. Chúng ta dùng câu chuyện đó trở đi trở lại để vượt qua những vấn đề rất khắc nghiệt mà chúng ta phải đối mặt. Hy vọng của tôi là ấn phẩm này sẽ giúp mọi người nói chuyện không chỉ về những câu chuyện và tích truyện mà còn cả những vấn đề nằm bên dưới nữa.

Milan Kundera đã dùng câu trích dẫn này trong “Đời nhẹ khôn kham” về việc vẽ tranh dẫn đến thứ giông giống: Vẽ tranh là một sự lừa dối minh bạch trên mặt toan, nhưng bên dưới đó là một sự thật không minh bạch. Những truyện dân gian là sự lừa dối, chúng thể hiện sai mọi thứ, chúng dường như rất thẳng thắn và đơn giản đến sai lạc. Đó là sự thật không minh bạch bên dưới rất đỗi có sức nặng, và thế nên tại sao chúng ta vẫn nói về chúng. Chúng quá phức tạp. Chúng ta có một nghĩa vụ văn hóa dành cho văn hóa dân gian. Chúng ta tiếp tục kể lại những câu chuyện bởi vì chúng ta không bao giờ có được bản đúng của chúng.

Có thể cuốn này không hẳn đã là phiên bản đúng.

 Bạn nói đúng, không có cách nào là đúng để kể chúng cả. Chúng ta đành phải cố gắng làm điều gì đó mới thôi.

Laura Miller thực hiện

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm