Nơi tuổi 17 hẹn
Hà Nội vẫn còn nhiều
quán nước chè. Có thể nói hình ảnh quán nước chè, nhất là vào mùa đông, đã làm
nên khung cảnh thành phố, thậm chí còn có mặt trong thi tứ. Tuy nhiên quán nước
chè thường gây cảm giác cũ kỹ, không mấy hấp dẫn với giới trẻ trừ khi có những
cậu choai choai mê số đề. Sáng tạo vô cùng là khả năng kinh doanh của thị dân,
bởi một biến tướng của nước chè là trà chanh đã một dạo làm mưa làm gió, đến mức
có hẳn cụm danh từ “trà chanh chém gió” thuần ưu tiên cho giới trẻ. Cả khu vực
quảng trường Nhà thờ Lớn, dọc theo các phố cổ Hà Nội là các quán trà chanh với
hàng nghìn cô cậu mới lớn ngồi trên những cái ghế nhựa, với thực đơn chủ yếu chỉ
là trà chanh và hạt hướng dương. Nhưng nhất thiết là phải nhắm với Nhà thờ Lớn,
với quảng trường, với ngã tư phố cổ. Nghĩa là phải có những điểm hẹn. Những nơi
mà tuổi trẻ chiếm đa số, và người nào chỉ cần xấp xỉ bốn mươi chen vào ngồi là
đã có thể làm bọn chanh cốm ấm ách như đang chơi vui thì bị phụ huynh phá đám.
Năm vừa rồi, bộ phim được
nhiều người thích là Giải cứu ngài Banks,
nội dung về việc tác giả P. L. Travers của tác phẩm Mary Poppins nổi tiếng dành
cho trẻ em khắp thế giới đã đồng ý cho hãng Disney chuyển thể thành điện ảnh
sau 20 năm từ chối. Bà Travers có sở thích uống trà như những người Anh điển
hình khác, và ông Walt Disney đã chinh phục được nữ tác giả khó tính bằng một
việc là bay từ Hollywood đến tận nhà bà ở London, và làm bà ngạc nhiên khi ông
tự tay rót trà đúng nghi thức cho người phụ nữ này: “Rót trà từ ấm vào tách rồi
mới rót sữa vào sau”. Bà ta tuyên bố ghê tởm việc uống trà từ cốc giấy kiểu Mỹ.
Có vẻ như cũng khó tính ngang người Hà Nội uống nước chè phải được hãm đặc và
trong chén sứ. Nhưng đấy chưa phải câu chuyện tôi muốn đề cập, mà là câu chuyện
không đưa lên phim. Bà Travers không lập gia đình, đến năm 40 tuổi nhận một cậu
bé người Ireland làm con nuôi. Cậu bé còn có một đứa anh trai song sinh nữa,
nhưng bà chỉ nuôi một đứa theo lời khuyên của thầy bói. Thằng bé cho đến năm 17
tuổi mới biết là mình có anh trai song sinh, nhân một hôm đứa kia đến London gõ
cửa nhà bà Travers đòi gặp em mình, trong tình trạng đang say rượu. Bà này dĩ
nhiên từ chối, tống cổ nó ra đường và dọa gọi cảnh sát. Sau đấy thì thằng con
nuôi cũng cãi nhau với bà mẹ và đi tìm thằng anh đang ngồi trong một quán rượu.
Lời đứa cháu kể lại: “bà chết mà không yêu ai và cũng không ai yêu”.
Trong câu chuyện cuộc đời
có vẻ bi kịch của người phụ nữ uống trà cầu kỳ kia, tình tiết cậu trai 17 tuổi
đi tìm được người anh song sinh trong một quán rượu ở trong phố lại là một cuộc
đoàn viên ấn tượng. King Cross (Ngã tư Vua) – nơi có quán rượu đó – là một khu
vực có nhà ga, hẳn là một điểm hẹn phổ thông để giữa thành phố lớn vào năm 1940
không có điện thoại di động, người ta vẫn tìm nhau được. Sau này thế hệ trẻ cả
thế giới đã biết Ngã tư Vua với sân ga 9 ¾ hư cấu trong truyện Harry Potter. Dĩ nhiên quán rượu của người
Anh chắc cũng phổ thông như quán nước chè Hà Nội, nhưng ngoài ngôi nhà mình,
không gian thứ hai nào tuổi trẻ thích ngồi hơn cả ngoài những điểm hẹn như thế?
Ngay từ khi người Pháp tiến
hành xây dựng thành phố Hà Nội hiện đại, việc mở các quán cà phê là “nghiệp
đoàn thương nhân đầu tiên có nhiều người tham dự” và sôi nổi nhất. Ngay sau khi
chiếm đóng Hà Nội năm 1884, trong vòng 1 năm, ở phố Hàng Khảm (tức Hàng Khay và
đoạn đầu Tràng Tiền ngày nay) đã có một loạt quán cà phê ra đời: Café du
Commerce, “nơi tụ hội của các quý ông thương gia”, Café de Paris gần khu Nhượng
địa, Café Albin, Café de la Place, Café Block và Café de Beira, “nơi hội tụ của
quý ngài sĩ quan”, quán sớm nhất, gọi theo tên bà chủ. Báo chí thời đó đã ghi
nhận “hiệu cà phê của bà Beira là một thiết chế của Hà Nội”, nó có sân thượng
và mái hiên nhìn ra phố. Cà phê đã tham gia vào việc ấn định những điểm hẹn cho
khung cảnh đô thị Hà Nội, rồi ngay cả thời bao cấp khi cà phê là của hiếm, có
lúc còn bị cấm bán, vẫn có những “Quán cà phê ngoại ô” của Lưu Quang Vũ, điểm hẹn
của tuổi trẻ mộng mơ mà cao ngạo:
Mười bảy tuổi chúng ta thường tới đó
Nói rất nhiều về những cửa biển xa
Cái tuổi trẻ ồn ào mà cay cực của ta
Nói rất nhiều về những cửa biển xa
Cái tuổi trẻ ồn ào mà cay cực của ta
Thời của Lưu Quang Vũ,
điểm hẹn là những quán cà phê, quán rượu cóc bên cạnh những“Trong thành phố có một vườn cây mát. Nơi thu
sang mây trắng vẫn bay về”. Thật ra uống rượu, cà phê hay nước chè không phải
là cái quyết định cho đám thanh niên tới hay không, lịch sử cũng cho thấy thức
uống là theo trào lưu và điều kiện nguồn pha chế dồi dào hay không. Cái chính
là địa điểm có cảm giác khiến cho bọn họ thấy mình thuộc về. Nên mới hiểu vì
sao có những quán có chỗ ngồi khá tiện nghi nhưng lại không đông bằng quán có mỗi
đoạn vỉa hè. Khổ nỗi vỉa hè ấy lại nhìn ra nhà thờ, ra hồ Thiền Quang, hay ra
ngã tư có cái cây bàng dáng đẹp nhiều lá đỏ. Ấm ớ thay, đơn giản mà nhiêu khê
là tuổi trẻ.
Tác giả đoạt giải Nobel
văn học mới nhất là Patrick Modiano có cuốn sách mang cái tên gây chú ý: Ở quán
cà phê của tuổi trẻ lạc lối. Lấy bối cảnh là quán cà phê và những phố xá
Paris, cuốn sách nên chuyện trước hết là vẽ ra một không gian có những điểm hẹn
của giới trẻ thành thị. Nếu thay “quán cà phê” bằng một loại địa điểm khác, có
vẻ không gian không gợi được nhiều liên tưởng bằng. Cà phê là nơi người ta dễ
ngồi để nói chuyện nhất, và mang tinh thần hiện đại của đô thị. Có những đô thị
đã hấp dẫn vì nền văn hóa quán xá, chúng làm nên cái nội dung sinh động cho cái
vỏ kiến trúc.
Một trong những điểm đến
được khách du lịch nước ngoài ưa thích ở Hà Nội là ngã tư Tạ Hiện-Lương Ngọc
Quyến. Ở đây cũng có nhà đặc trưng phố cổ, nhưng đáng kể là tập trung các quán
bia hơi, cà phê và nước chè, theo đúng lối vỉa hè Hà Nội. Sự đông đúc nhộn nhịp
du khách trẻ các màu da khiến cho nó được gắn mác hơi có chất tự trào “ngã tư
quốc tế”. Cái gì làm nên hiện tượng này? Khách vào những quán này không kể Tây
hay ta đều được đón tiếp đon đả, giá bia hay lạc đều rẻ ngang nhau. Vài con phố
nhỏ loanh quanh, đi một hồi dễ gặp lại người mới quen. Tất cả khiến cho họ thấy
đây là nơi họ thuộc về. Nếu bạn 17 tuổi và ở Hà Nội, bạn sẽ hẹn nhau ở chốn
nào?
Nguyễn Trương Quý
Nhận xét