Bớt vợ hay là một cách viết lại

"...Ai mà ai còn vở Lưu Bình Dương Lễ bằng băng cát sét do Cụ Mạnh Tuấn đóng vai hề, Cụ Quý Bôn đóng vai Dương Lễ, Cụ Bùi Trọng Đang đóng vai Lưu Bình (bốn câu ngâm sổng đã đi vào huyền thoại), Bà Xuân Theo đóng vợ Dương Lễ (nguyên vở chèo này theo tích cổ Dương Lễ có ba vợ, khi Bùi Hạnh Cẩn chỉnh lý lại, Trường Chinh chỉ đạo là chỉ để Dương Lễ một vợ thôi, lý do của Trường Chinh: có một vợ mà nhường cho bạn mới là thành thật vì bạn, thế mới quý (nên mất hai diễn viên nữ nữa)..." (http://hatvan.vn/forum/archive/index.php/t-310.html). 

"Lưu Bình - Dương Lễ tân truyện" là một truyện thơ Nôm Việt Nam, khuyết danh, gồm 788 câu lục bát. Năm 1958, tích cổ này được Hàn Thế Du viết lại, Đoàn chèo Trung ương dựng làm tiết mục tham gia Hội diễn sân khấu toàn quốc 1958 và được giải thưởng đặc biệt về ca hát. Ở đây có sự nhuận sắc đã khiến cho áp lực đối với nàng Châu Long biến mất khi trở về chỉ còn là chuyện tình ái đơn thuần. Thực tế là thân phận vợ ba (thiếp) của Châu Long nói lên nhiều điều về vai trò phụ nữ thời phong kiến, và mặc dù tên vở chèo là tên 2 người đàn ông nhưng nhân vật trọng yếu là Châu Long - cái này thì rõ rồi. Nàng Châu Long được ca tụng vì ba năm nuôi bạn chồng ăn học mà không động phòng lần nào. Dương Lễ được kính trọng vì đã khiến bạn phải tự ái mà tỉnh ngộ chuyên chú học hành, vì nhường vợ cho bạn mà giấu kín sự tình. Lưu Bình được đánh giá cao vì không bị sắc dục quấy rối mà biết tỉnh táo dùi mài kinh sử. Kết cục là đại đoàn viên, đại đăng khoa... Người ta thường sẽ nói về khía cạnh nhân cách kẻ sĩ (ý chí đạo đức giữ mình để thành công) hoặc đức hi sinh chịu đựng của phụ nữ xưa, tùy mục đích.

Năm 1958, Quốc hội có một Nghị quyết không số ngày 14.12 do ông Hoàng Văn Hoan ký, với nội dung: 1) Giao cho Chính phủ nghiên cứu thảo một đạo luật về hôn nhân và gia đình, để trình Quốc hội xét trong một khoá họp gần đây. 2) Trước khi có đạo luật hoàn chỉnh, Chính phủ nên có những biện pháp thích đáng nhằm ngăn chặn những việc không hợp lý còn tồn tại trong xã hội ta về hôn nhân và gia đình. Không rõ "những điều không hợp lý còn tồn tại trong xã hội ta" có liên quan đến việc nhuận sắc các nội dung về phong tục đa thê của đàn ông Việt trước đây không.

Cũng theo trang đã dẫn trên, một người đã nói khi thâu băng (thời những năm 80), vở chèo này cũng có hai bản. Đều là các diễn viên ở trên diễn, nhưng bản 1 dài hơn bản 2 mười lăm phút.

Bùi Hạnh Cẩn có nói Đoàn Thị Điểm trong "Truyền Kỳ Tân Phả" có viết Tùng Bách thuyết thoại, (cuộc trò chuyện dưới rặng thông, trắc) [cái này còn tồn nghi], lấy cốt truyện Lưu Bình Dương Lễ, tạo ra hai nhân vật mới : chàng Hà, một thư sinh thi hoài không đỗ, nhờ lấy vợ giàu, có ruộng nên chăm chỉ cày ruộng trở nên giàu có và thư sinh họ Nguyễn, hai người gặp nhau dưới rặng tùng bách cùng biện luận với nhau về Sĩ và Nông. Hà được vợ và Nguyễn thuyết phục trở về trường học, sau đỗ đạt làm quan to, Nguyễn thi hỏng đến thăm, Hà hất hủi nhưng sai vợ thiếp nuôi dưỡng, Nguyễn lại thi đỗ. Hai nhà gặp lại thân thiết với nhau. Bùi Hạnh Cẩn có cuốn Bà Điểm họ Đoàn (1987). Hiện NXB Trẻ có in cuốn "Truyền kỳ tân phả" trong bộ Cảo thơm trước đèn, bản dịch Ngô Lập Chi, Trần Văn Giáp.

Một thông tin không biết có tính là liên quan không đến vấn đề mô hình gia đình VN: cũng những năm 80, thì năm 1983 UB Dân số và Kế hoạch hóa gia đình được thành lập với Chủ nhiệm là Võ Nguyên Giáp. Rõ ràng câu chuyện về đức hi sinh của những nhân vật chính trong Lưu Bình Dương Lễ được lấy làm trọng tâm để tuyên truyền nên người ta cho rằng hi sinh vợ duy nhất oách hơn. Thứ hai là thuyết phục quần chúng dễ hơn khi cắt bớt lớp diễn của hai diễn viên đóng vai bà cả và bà hai, để nói rằng không chỉ Châu Long xa chồng mà Dương Lễ cũng phòng không đợi vợ.

Trong bản chèo gần đây nhất được phát hình trực tiếp trên truyền hình, do Nhà hát Chèo Hà Tây biểu diễn, thì không có nhân vật hai bà vợ đầu. Vở của đoàn chèo Thái Bình cũng tương tự (có thể xem các vở này trên YouTube).

Điều đáng nói ở đây là có thể các soạn giả ngày xưa chủ ý xây dựng bài học đạo đức qua việc các nhân vật hi sinh qua lại cho nhau, chăm chăm giữ cương thường như một mục đích cao hơn hẳn những nhu cầu tâm tình của con người. Tuy nhiên, họ cũng vô tình làm hiện ra các quan niệm vô cùng vững chắc của hệ thống kiểm soát cá nhân trong xã hội Việt Nam truyền thống. Trong trang này, tác giả có lẽ đã khai thác từ truyện thơ Nôm (http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=237&Itemid=46), vợ Dương Lễ chủ động đề nghị cho nàng ba Châu Long sang nhà Dương Lễ và chính bà cũng là người kéo bức rèm để Châu Long bước ra cho rõ cuộc vuông tròn. Rõ ràng như thế là người phụ nữ nằm trong trật tự ngăn nắp, chấp nhận mình làm nên trật tự đấy. 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong buổi giao lưu "Trong văn có sử" diễn ra hôm qua, nhân chuyện nhà văn Trần Chiến nói về việc ông viết lại truyện "Châu Long" trong tập "Gót Thị Màu, đầu Châu Long" có nói rằng có thể làm cả 1 tập toàn truyện viết về Châu Long của các nhà văn VN, phải đến 10 truyện (trong đó có truyện của Lê Minh Hà trong tập "Truyện cổ viết lại").

Tất nhiên ở tích xưa thì các sự bất thường như cho vợ (dù là vợ bé) đi ở với người đàn ông khác (dù là bạn thân) ba năm, hoặc ở ba năm với nhau mà không ăn nằm gì, vẫn đi đến kết cục "bình thường" là hòa hợp, hòa giải và êm thuận. Còn bây giờ, chuyện vợ đi ở với người đàn ông khác thì chẳng biết có bình thường không (!), hay ở với nhau ba năm mà chẳng sờ gì vào nhau có khi không hiếm, còn chuyện tái hợp ba mặt một nhời có lẽ rất bất thường. Vì thế cả truyện của Trần Chiến lẫn Lê Minh Hà đều không chấp nhận kết cục cổ điển, mà hoặc cho Châu Long đi tu, hoặc bỏ đi trong đêm tối. Điều ấy chắc chắn có được là nhờ sự có mặt của quan niệm một vợ một chồng (do công tác DS & KHHGĐ hay do ảnh hưởng phương Tây trong bình đẳng giới). 

Cũng trong những năm 80, trào lưu các vở chèo, cải lương cải biên từ các câu chuyện lịch sử được khai thác rầm rộ, ngay Lưu Quang Vũ cũng có nhiều vở đắt khách, ra rạp đông mà lên TV cũng nhiều người xem (vì lúc ấy TV là phương tiện giải trí duy nhất để xem). "Ngọc Hân công chúa" của đoàn chèo HN (kịch bản hình như LQV viết chung với cha là Lưu Quang Thuận) rõ ràng lờ đi việc Ngọc Hân phải làm lẽ mà xây dựng sự hân hoan của công chúa khi lấy một vị anh hùng. Chưa kể đến việc tác giả ngang nhiên bê Bùi Thị Xuân ra Thăng Long để làm thành đối trọng về nhan sắc/văn hóa... giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài, trong khi Bùi Thị Xuân chưa bao giờ ra Bắc cả (cũng như chuyện cầm cành đào vào Nam cũng khởi phát từ đây). May mà truyện Kiều chỉ xây dựng mối quan hệ trung tâm giữa 3 nhân vật Kim Vân Kiều, chứ nếu đúng kiểu truyền thống VN thì Kim Trọng khi làm quan, chắc gì đã có mỗi Thúy Vân làm vợ mà phải có 2-3 cô thê thiếp nữa. Thật tình cờ, Nguyễn Du xây dựng các mối quan hệ của Kiều với các người đàn ông trong đời cô đều không bị cạnh tranh với các bà vợ khác, trừ Hoạn Thư vợ chính thất của Thúc Sinh ra. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm