Sinh ra đã đỏ (P.5)

Điều ngạc nhiên nhất trong thời kỳ của Tập Cận Bình là quyết định đóng cửa các vùng biên – những cuộc nổi loạn nhỏ và những sự khoan hồng được cho phép như một cách tránh đẩy những công dân có học vấn cao và giàu có nhất chạy ra nước ngoài. Đã nhiều năm, chính quyền ngầm cho phép người dân được truy cập vào các mạng cá nhân ảo, vốn cho phép người dùng tiếp cận các trang web bị chặn ở Trung Quốc. Nguy cơ dường như có thể khống chế được; hầu hết người dùng mạng Trung Quốc ít quan tâm hơn tới chính trị so với vào các trang cập nhật Instagram của người nổi tiếng (Instagram, cũng như Facebook, Twitter, Bloomberg, Reuters và Times đều bị chặn).

Để cho những trang đó được mở, cho phép những người dùng ở cấp độ phức tạp có được những gì họ muốn hay cần – ví dụ, các nhà nghiên cứu truy cập Google Scholar, hay các nhà kinh doanh giao dịch chuyển khoản – trong khi ngăn chặn đám đông không động đến công nghệ làm Đảng đau đầu. Nhưng vào ngày 23/1, khi tôi đang ở Bắc Kinh, chính quyền đã đột ngột chặn các mạng cá nhân ảo và truyền thông nhà nước nhắc lại rằng chúng bất hợp pháp. Qua một đêm, ngay lập tức trở nên khó khăn hơn để vào bất cứ thứ gì trên Internet có từ bên ngoài Trung Quốc. Trước khi các bình luận bị dỡ xuống khỏi trang Computer News, 12000 người đã để lại ý kiến của họ. “Các bạn sợ điều gì?” một người hỏi. “Bước tiến lớn để trở thành một Bắc Triều Tiên mới,” một người viết. Một người khác lại viết: “Một sự quảng cáo nữa cho việc di cư [ra nước ngoài].”

Một thập niên trước, Internet Trung Quốc vẫn tồn tại với tranh cãi, thú tội, hài hước và khám phá. Rồi từng tháng qua, nó trở nên bị thanh lọc và khép kín hơn. Đến mức độ sự kết nối của Trung Quốc với thế giới bên ngoài gây ra vấn đề, chất lượng các đường link bị làm cho tồi đi. Các cuộc đàm thoại qua Internet, các đoạn video lan truyền, các đoạn âm thanh – những sản phẩm nhỏ của cuộc sống số đương đại – ít có khả năng truy cập được với nước ngoài hơn so với một năm trước. Nó trở thành thứ đáng kinh ngạc để quan sát ở một siêu cường đang lên. Bao nhiêu quốc gia trong năm 2015 có một đường truyền Internet kết nối với thế giới kém hơn một năm trước?

Tổng Bí thư, trong vai trò là Bác Tập Vĩ Đại, đã đưa ra lời khuyên cho những vấn đề phi chính trị: mùa thu năm ngoái, ông phàn nàn về một xu hướng quá “nhục cảm” trong xã hội. (Đáp lại, các nhà điều hành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã ngừng sử dụng đội ngũ các người mẫu ăn mặc hở hang lượn quanh các xe hơi ở các triển lãm ô tô). Tháng Giêng, ông thúc giục mọi người phải ngủ nhiều hơn, “tuy nhiên rất thông cảm với các bạn phải bận rộn cho công việc,” nói rằng ông đi ngủ trước nửa đêm. Trên mạng, mọi người đùa rằng điều đó dường như không thích hợp mấy: kể từ khi nắm quyền, Tập đã có bọng mắt sùm sụp và có một vẻ ngoài cáu kỉnh gần như thường trực.

Qua một thế hệ, Đảng cộng sản đã vẽ ra một sự đồng thuận chính trị xây dựng trên sự tăng trưởng kinh tế và sự mơ hồ về pháp luật. Các nhà hoạt động tự do và tầng lớp quan liêu tham nhũng học cách đi vòng (hoặc phớt lờ) các ranh giới pháp lý, bởi vì Đảng chỉ phản đối tùy lúc. Ngày nay, Tập đã chỉ ra rằng sự đồng thuận đó, vượt ra ngoài tầng lớp tinh hoa của Đảng, là vô nghĩa – hoặc, ít nhất, ít tin cậy hơn so với một ranh giới rạch ròi giữa bạn và thù.

Khó mà biết đích xác những người ủng hộ Tập hài lòng ở mức độ nào. Những thăm dò dư luận riêng tư không được phép công bố các số liệu ủng hộ ông, nhưng Victor Yuan, chủ tịch của Tập đoàn nghiên cứu tư vấn Horizon, một hãng thăm dò dư luận ở Bắc Kinh, nói với tôi, “Chúng tôi đã làm vài nghiên cứu gián tiếp, và sự ủng hộ ông ấy dường như khoảng 80%. Khu vực không rõ ràng là kinh tế. Họ nói sẽ đợi để xem đã.”

Kinh tế Trung Quốc quả là chướng ngại vật lớn nhất của Tập. Sau hơn ba thập niên kinh tế tăng trưởng trung bình gần 10%/năm, Đảng mong đợi tốc độ tăng trưởng chậm lại xuống một nhịp chấp nhận được là khoảng 7%, nhưng nó có thể tụt dốc thấp hơn. Trung Quốc vẫn là công xưởng lớn nhất thế giới, với 4000 tỷ đôla trao đổi ngoại hối (một con số tương đương với nền kinh tế lớn thứ tư thế giới). Trong tháng 11/2013, Đảng công bố các kế hoạch phục hồi năng lực cạnh tranh bằng cách mở rộng vai trò các ngân hàng tư nhân, cho phép thị trường (thay vì các cơ quan nhà nước) quyết định nước, dầu khí, và những nguồn tài nguyên quý giá khác được đưa về đâu, và buộc các công ty nhà nước từ bỏ các khoản cổ tức to lớn và phải cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân.

Mùa xuân vừa rồi, Trung Quốc hủy bỏ việc đăng ký vốn và các yêu cầu khác đối với các công ty mới, và trong tháng 11 đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên được mua bán cổ phiếu trực tiếp tại sàn chứng khoán Thượng Hải. “Công bằng mà nói, chính quyền của Tập đã đạt được nhiều tiến bộ hơn, trong nhiều lĩnh vực hơn, trong 18 tháng vừa qua, nhiều hơn so với chính quyền của Hồ Cẩm Đào đã làm trong cả nhiệm kỳ hai,” Arthur Kroeber, một nhà kinh tế lâu năm ở Bắc Kinh làm việc cho Gavekal Dragonomics, một hãng nghiên cứu, đã nói với tôi. Và dẫu vậy, Kroeber nói thêm, “mức độ tin tưởng của tôi chỉ nhỉnh hơn 50% chút” rằng những cải cách sẽ đủ để đương đầu với một sự suy thoái.

Những nguy cơ đối với kinh tế Trung Quốc hiếm khi rõ ràng hơn thế. Lực lượng lao động đang già đi nhanh hơn so với những nước khác (do chính sách một con), và những doanh nghiệp đang vay tiền nhanh hơn mức họ kiếm được. David Kelly, một nhà đồng sáng lập của China Policy, một hãng nghiên cứu và tư vấn ở Bắc Kinh, nói, “Điểm bước ngoặt của nền kinh tế thực sự ở 4, 5 năm trước, và giờ anh thấy vấn đề kinh điển của việc thoái vốn. Với mỗi đôla đầu tư, anh đang nhận được ít lời hơn cho đồng tiền của mình.” Sự tăng trưởng của nhu cầu năng lượng và các nguyên liệu thô đã chậm lại, nhiều nhà cửa và trung tâm thương mại bị bỏ trống, và những nhà tiết kiệm Trung Quốc lo âu đang gửi tiền ra nước ngoài, để đảm bảo chúng không bị rơi vào một cuộc khủng hoảng. Một số nhà máy không trả được lương, và trong quý IV năm 2014, công nhân đã tổ chức đình công, hoặc những cách thức chống đối khác, gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước đó.

Năng lực của Tập để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế phụ thuộc phần nào vào việc liệu ông ta có sức mạnh chính trị để thắng được các công ty nhà nước, các chính quyền địa phương và những nhóm lợi ích quyền lực khác. Trong những cuộc gặp của ông với Rudd, cựu Thủ tướng Úc, Tập đã nhắc đến những nỗ lực thất bại của cha ông trong việc hướng đến những cải cách theo khuynh hướng thị trường. “Tập Cận Bình tự hào chính đáng về cha ông ta,” Rudd nói, “Cha của ông ấy có một bằng chứng về thành tựu thực tế và nói một cách thẳng thắn, thì là một người đã phải trả một cái giá quá khổng lồ về chính trị và cá nhân để trở thành một người hết mình cho Đảng và cho cải cách kinh tế.”

Trong lịch sử, Đảng chưa từng cảm thấy một sự mâu thuẫn giữa đàn áp chính trị và cải cách kinh tế. Năm 2005, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã gặp một phái đoàn Hạ viện Mỹ, và một thành viên, dẫn lời một giáo sư gần đó mới bị đuổi việc vì những lý do chính trị, hỏi Thủ tướng vì sao. Ôn đã lúng túng trước câu hỏi; vị giáo sư chỉ là một “vấn đề nhỏ,” ông nói. “Tôi không biết người ngài nói tới là ai, nhưng là Thủ tướng tôi có 1,3 tỷ người trong tâm trí mình.”

Để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đang gắng sức thúc đẩy sáng chế, nhưng bằng cách thi hành một không khí chính trị lạnh lẽo trong các trường đại học Trung Quốc, Tập đã đầy rủi ro khi ngăn chặn chính những suy nghĩ đột phá vốn là những điều đất nước cần cho tương lai. Đôi khi chính trị chiếm ưu thế hơn so với những tính toán hợp lý. Năm 2014, sau khi Trung Quốc đã có nhiều năm đầu tư vào khoa học kỹ thuật, tỉ trọng của nền kinh tế dành cho nghiên cứu phát triển đã vượt châu Âu. Nhưng khi chính quyền công bố những nơi nhận được ngân sách cho nghiên cứu khoa học xã hội, 7 trong số 10 dự án hàng đầu đã được dành cho phân tích các phát biểu của Tập (chính thức được gọi là “Loạt bài phát biểu quan trọng của Tổng bí thư Tập”) hoặc khẩu hiệu mang dấu ấn của ông: Giấc mơ Trung Hoa.

Kỷ nguyên của Tập Cận Bình đã phủ nhận các giả định rằng sự mở cửa chập chờn của Trung Quốc với thế giới quá quan trọng và nhiều thành quả để có thể ngăn lại. Đảng hôm nay đã nhận ra được một danh sách những mối đe dọa rằng, theo quan điểm của giáo sư luật He Weifang, sẽ chỉ tăng lên trong những năm tới. Trước khi có mạng, giáo sư nói, “thực sự không có nhiều người có khả năng truy cập thông tin bên ngoài, đến thời Đặng Tiểu Bình, Đảng có thể chấp thuận mở cửa nhiều hơn.” Nhưng bây giờ, nếu Internet không bị hạn chế, “tôi tin nó sẽ mang tới những điều mà các lãnh đạo sẽ coi như rất nguy hiểm.”

Như nhiều người khác tôi đã gặp mùa đông này, He Weifang lo ngại rằng Đảng đang thu hẹp phạm vi thích nghi chấp nhận được đến độ nó tạo nguy cơ gây ra sự thay đổi không kiểm soát nổi. Tôi hỏi ông nghĩ Đảng sẽ như thế nào trong 10 hoặc 15 năm nữa. “Tôi nghĩ, với tư cách những trí thức, chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để thúc đẩy sự chuyển hóa hòa bình của Đảng – khuyến khích nó trở thành một “đảng cánh tả” theo khái niệm châu Âu, một loại đảng dân chủ xã hội.” Ông nói, điều đó sẽ giúp các thành viên của nó tôn trọng hơn một hệ thống luật pháp đúng đắn và cạnh tranh chính trị bao gồm tự do báo chí và tự do tư tưởng. “Nếu họ từ chối cả những thay đổi cơ bản này, thì tôi tin Trung Quốc sẽ bị trải qua một cuộc cách mạng khác.”

Đó là dự báo bi kịch – và là một điều thông thường mà kỳ lạ những ngày này. Chương Lập Hoàn, nhà sử học tôi đã gặp ở Starbucks, nói với cái nhìn toàn diện của mình, “Trước mặt nhiều bạn bè có chức tước hàng “thái tử”, tôi đã nói rằng, nếu Đảng cộng sản không thể tiến hành cải cách chính trị đầy đủ trong 5 hoặc 10 năm, nó sẽ bỏ lỡ cơ hội hoàn toàn. Là những học giả, chúng tôi luôn nói rằng tốt hơn là có cải cách hơn cách mạng, nhưng trong lịch sử Trung Quốc, vòng tròn này tự nó lặp lại. Mao đã nói chúng tôi phải vứt đi cái vòng đó, nhưng đúng lúc này chúng tôi vẫn quẩn ở trong nó. Điều này thật đáng buồn.”

Hai tháng sau những sự kiện của lễ Năm mới, Đảng một lần nữa phải chấn chỉnh sự đụng độ giữa bản năng kiểm soát của nó và sự phức tạp của xã hội Trung Quốc. Đã nhiều năm, chính quyền đã giảm nhẹ sự nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, mô tả nó như một cái giá không tránh khỏi của sự tăng trưởng. Nhưng, qua các năm, tầng lớp trung lưu đã trở nên ít dễ tính hơn; trong các thăm dò, các cư dân đô thị mô tả ô nhiễm như mối bận tâm hàng đầu của họ, và bằng smartphone, họ so sánh mức độ ô nhiễm hàng ngày với các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Sau một đợt tăng đột biến khói mù năm 2013, chính phủ tăng cường các nỗ lực nâng cấp các nhà máy điện, đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm nhỏ, và thắt chặt quản lý nhà nước. Năm ngoái, chính quyền tuyên bố một “cuộc chiến chống ô nhiễm,” nhưng  thừa nhận rằng Bắc Kinh sẽ không đạt được không khí trong sạch trước 2030. Trong một giây phút thành thật, thị trưởng đã nói thành phố “không thể sống nổi.”

Trong tháng Hai, các trang video tiếng Trung đăng một bộ phim tài liệu làm bằng tiền túi, tên là “Dưới mái vòm”, trong đó Chai Jing, một cựu phóng viên truyền hình quốc gia, mô tả sự báo động đang tăng lên của cô về những nguy cơ mà ô nhiễm môi trường đã tác động lên đứa con gái sơ sinh của cô. Đó là một sản phẩm hợp thời: Chai, mặc chiếc quần bò bạc thời trang và áo blouse trắng, truyền đạt một bài nói kiểu TED với tốc độ nhanh tới một cử tọa trường quay chăm chú lắng nghe, những số liệu thống kê và cảnh tượng tàn nhẫn trong đó những quan chức thừa nhận rằng các công ty và cơ quan có quyền lực đã khiến họ mất khả năng bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Về mặt tinh thần, bộ phim nhất quán với cuộc “chiến tranh chống tham nhũng” chính thống, và truyền thông nhà nước đáp lại với một danh sách nhịp nhàng những lời tâng bốc.

Bộ phim đã chạy ráo riết trên hệ thống truyền thông xã hội, và vào cuối tuần đầu tiên nó được xem tới 200 triệu lượt – một cấp độ thường chỉ có ở các video nhạc pop hơn là những bộ phim tài liệu  ngớ ngẩn dài hai tiếng đồng hồ. Vào cuối tuần tiếp sau, các nhà chức trách ra lệnh các trang video gỡ bỏ bộ phim, và các cơ quan tin tức hạ bài viết đưa tin xuống. Nhanh như khi nó xuất hiện, bộ phim biến mất khỏi mạng Trung Quốc – một sự hủy bỏ thực phi thường.

Vào thời đại của Tập Cận Bình, công chúng đã lần nữa chứng tỏ rằng mình là một đối tác khó dự đoán. Nó là một bài học mà Tập đã tiếp thu từ lâu. “Nhân dân đưa tôi lên vị trí này vì vậy tôi phải lắng nghe họ và làm lợi cho họ,” ông nói vào năm 2000. “Nhưng, đối diện mọi ý kiến và bình luận này, tôi đã phải học cách thích việc được chỉ ra các lỗi, nhưng tôi không quá lung lay bởi chúng. Chỉ vì để nói điều gì đó tầm tầm, tôi sẽ không đi cân đo mọi chi phí và lợi ích. Tôi sẽ không đánh mất khát vọng của mình vì điều đó.”

(Hết)

EVAN OSNOS
(NTQ lược dịch từ The New Yorker)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm