Sinh ra đã đỏ (P.2)

Tập mô tả kế hoạch cần thiết của mình như một cuộc giải cứu: ông phải cứu lấy nước Cộng hòa nhân dân và Đảng cộng sản trước khi chúng bị nhấn chìm trong tham nhũng; trong ô nhiễm môi trường; trong bạo động ở Hồng Kông, Tân Cương cùng nhiều vùng khác; và những áp lực từ một nền kinh tế đang phát triển chậm lại hơn bất cứ lúc nào kể từ năm 1990 (cho dù vẫn ở mức khoảng 7%, tốc độ nhanh hơn bất kỳ mọi cường quốc). “Nhiệm vụ mà Đảng ta phải đối mặt trong việc cải cách, phát triển và ổn định nặng nề chưa từng thấy, và những mâu thuẫn, nguy cơ và thách thức đang lớn hơn bao giờ hết,” Tập phát biểu trước Bộ Chính trị hồi tháng 10. Năm 2014, chính quyền đã bắt giữ gần một ngàn thành viên của xã hội dân sự, nhiều hơn bất kỳ một năm nào kể từ giữa những năm 1990, sau sự kiện Thiên An Môn, số liệu theo tổ chức Chinese Human Rights Defenders, một tổ chức phản biện xã hội ở Hồng Kông.

Tập phản đối rất rõ ràng các khái niệm về dân chủ của Mỹ. Năm 2011 và 2012, ông đã dành vài ngày cùng Phó tổng thống Joe Biden, người đồng cấp với mình lúc đó, ở Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Biden kể với tôi rằng Tập hỏi ông tại sao Hoa Kỳ lại “nhấn mạnh quá nhiều vào nhân quyền”. Biden trả lời Tập, “Không Tổng thống Hoa Kỳ nào có thể đại diện cho Hoa Kỳ mà không cam kết về vấn đề nhân quyền,” và nói thêm, “Nếu ông không hiểu điều này, ông sẽ không thể làm việc được với chúng tôi. Tổng thống Barack Obama sẽ không thể nắm quyền nếu ông ấy không nói về điều đó. Vì vậy hãy nhìn vào nó như một yếu tố chính trị tiên quyết. Nó không làm cho chúng tôi tốt hơn hay xấu hơn. Chúng tôi là như vậy. Các ngài ra quyết định của các ngài. Chúng tôi sẽ làm phần của chúng tôi.”

Trong những tháng đầu tiên của Tập, những người ủng hộ ở phương Tây nghiệm ra rằng ông muốn làm in mồm các nhà chỉ trích cứng rắn, và sẽ cởi mở sau, có thể là vào nhiệm kỳ thứ hai, bắt đầu vào năm 2017.  Quan điểm đó gây thất vọng lớn. Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính, người sắp ra mắt cuốn sách “Dealing with China” [Thương thuyết với Trung Quốc], kể về một thập niên liên lạc với Tập, nói với tôi, “Ông ta rất quả quyết và thẳng thắn – cả việc tư lẫn công – về sự thật rằng người Trung Quốc đang từ chối các giá trị Tây phương và dân chủ đa đảng.” Ông nói thêm, “Với người phương Tây, dường như thật vô lý khi khuyến khích cạnh tranh và sự linh hoạt theo thị trường trong kinh tế mà lại vẫn tìm kiếm nhiều quyền kiểm soát hơn trong môi trường chính trị, truyền thông và Internet. Nhưng chìa khóa là đây: ông ta nhìn thấy một Đảng mạnh là sự cần thiết để ổn định, và chỉ có chính đảng đó mới đủ mạnh để giúp ông ta hoàn thành những mục tiêu khác”.

Trong sự quyết liệt để giành được quyền kiểm soát và bảo vệ Đảng, Tập có thể đã tạo nên một cách đe dọa khác: ông đã can thiệp vào những đường dây suy thoái nội bộ và làm rung chuyển sự ổn định vốn dành cho một thế hệ đã làm nên sự trỗi dậy của quốc gia. Trước khi Tập nắm quyền, các quan chức chóp bu đã lấy làm chắc rằng họ được bảo vệ. Dư Hoa, một nhà văn, đã nói với tôi, “Khi Trung Quốc phát triển, điều thực sự trở thành vấn đề là những ‘luật bất thành văn’. Khi những điều luật thật không đủ chính xác hoặc rõ ràng, thì chính sách và luật pháp ì ạch đằng sau thực tiễn, anh luôn phụ thuộc vào những luật bất thành văn.” Họ diễn giải mọi thứ từ việc biếu một bác sĩ phẫu thuật bao nhiêu tiền đến một tổ chức phi chính phủ có thể đi xa đến đâu trước khi nó bị giải tán. “Những điều luật bất thành văn đã bị bẻ gãy,” Dư nói. “Đó dĩ nhiên là điều nên làm, nhưng luật pháp vẫn chưa thấy đến.”

Đảng cộng sản đã xác định phụng sự cho một xã hội không có giai cấp nhưng lại tổ chức bản thân mình thành một hệ thống vững chắc, và Tập đã bắt đầu cuộc đời ngay gần phần chóp. Ông sinh ra ở Bắc Kinh năm 1953, là thứ ba trong số bốn người con. Cha ông, Tập Trọng Huân, Bộ trưởng Tuyên truyền Trung Quốc vào lúc đó, đã gây nên cách mạng ngay từ năm mười bốn tuổi, khi ông và các bạn học tìm cách đầu độc một thầy giáo vốn bị họ coi như một kẻ phản cách mạng. Ông đã bị bắt vào tù, ở đây ông gia nhập Đảng cộng sản, và cuối cùng trở thành một chỉ huy cấp cao, việc đã dẫn ông đến những cuộc đấu đá nội bộ trong Đảng. Năm 1935, một nhóm bất đồng đối thủ đã buộc tội Tập [Trọng Huân] là không trung thành và yêu cầu chôn sống ông, nhưng Mao đã ngăn chặn vụ khủng hoảng này. Tại một hội nghị của Đảng tháng Hai 1952, Mao đã nêu lên rằng để “ngăn chặn các phần tử phản cách mạng” thì yêu cầu việc xử tử phải lấy tỉ lệ trung bình là 1 trên 1000 hoặc 2000 công dân. Tập Trọng Huân ủng hộ “trừng phạt và ngăn chặn quyết liệt” nhưng ở vùng của ông “việc giết người thì thấp hơn đáng kể”, theo hồi ký chính thức của ông.

Tập Cận Bình đã lớn lên với những câu chuyện của cha mình. “Ông đã kể về việc ông gia nhập cách mạng thế nào, và ông đã nói, ‘Con sẽ chắc chắn làm nên cách mạng trong tương lai’,” Tập nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn năm 2004 với tờ Tin chiều Tây An, một tờ báo nhà nước. “Ông đã giải thích cách mạng là gì. Chúng tôi đã nghe điều đó nhiều đến nỗi tai chúng tôi ù hết cả lên.” Trong sáu thập niên tham chính, cha ông đã nhìn thấy hoặc tham dự vào mọi chiến lược. Trong một bữa tiệc với Tập cha năm 1980, David Lampton, một chuyên gia về Trung Quốc ở Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp ở đại học John Hopkins, ngạc nhiên rằng ông có thể nâng cốc với hàng tá thực khách, luôn cạn chén rượu Mao Đài mà không có dấu hiệu suy xuyển gì. “Cứ như là ông ta uống nước lã vậy,” Lampton nói.

Khi Tập Cận Bình lên năm, người cha được cử giữ chức Phó Thủ tướng, và đứa con trai thường đến thăm ông ở Trung Nam Hải, khu tổ hợp đặc biệt cho các lãnh đạo cao cấp. Tập được nhận vào ngôi trường đặc biệt - Trường 1 tháng Tám, đặt tên theo một chiến thắng nổi tiếng của những người Cộng sản. Ngôi trường vốn là cung điện cũ của một hoàng tử nhà Thanh, có biệt danh là lãnh tụ dao lam [lingxiu yaolan, dao = dao động = đưa, lam = cái nôi, dao lam nghĩa là đưa nôi] - “Cái nôi của những nhà lãnh tụ”. Học sinh tạo thành một tầng lớp tinh hoa gắn bó phạm vi nhỏ, họ sống trong cùng những khu liên hợp, cùng hưởng chế độ nghỉ hè như nhau, và chia sẻ một ý thức về quy tắc có tính quý tộc. Trong nhiều thế kỷ trước khi có Cộng hòa nhân dân, một bảng các tước hiệu quyền quý được trộn lẫn với sự giàu có và vai trò chính trị. Vài công tử còn nắm quyền kinh doanh, số khác lại theo đuổi các vị trí quyền lực cao cấp.

Những người chiến thắng đổi thay theo thời gian, và khi các nhà lãnh đạo Cộng sản thắng thế năm 1949, họ đã đoạt lấy cái vỏ ngoài này. “Ngôn ngữ thông dụng để dùng mô tả điều này là họ đã “đoạt được cả thiên hạ”, Yang Guobin, một nhà xã hội học ở trường Đại học Pennsylvania đã nói với tôi, “Họ tin rằng họ có một sự xác nhận tự nhiên với quyền lãnh đạo. Họ sở hữu nó. Và con cái của họ cũng nghĩ một cách tự nhiên rằng bản thân chúng sẽ là, và nên là, những ông chủ tương lai”.

Như nhà sử học Mi Hedu quan sát trong cuốn sách in năm 1993 của ông, “Thế hệ Hồng vệ binh”, học sinh ở trường 1 tháng Tám “so sánh một học sinh thuộc thành phần có cha ở địa vị cao hơn với học sinh có cha lái một chiếc xe hơi tốt hơn. Có đứa nói, ‘Tuân theo ai có cha giữ chức vụ cao nhất’.” Khi Cách mạng văn hóa bắt đầu năm 1966, những học sinh Bắc Kinh vốn là “tự lai hồng” (“sinh ra đã đỏ”) nêu cao khẩu hiệu: “Cha anh hùng, con cũng anh hùng; cha phản động, con ắt nghịch tặc”. Hồng vệ binh tìm cách xóa sổ tiền bạc của phe đối phương, để làm cho đám này “trong sạch như kim cương”. Từ cuối tháng Tám đến cuối tháng Chín năm 1996, gần hai nghìn người đã bị giết ở Bắc Kinh, và ít nhất 4900 địa điểm lịch sử đã bị hủy hoại hay triệt hạ, dẫn theo Yiching Wu, tác giả cuốn “The Cultural Revolution at the Margins.”

Nhưng Tập Cận Bình không vừa khớp rõ rệt trong vai trò của kẻ tấn công lẫn nạn nhân. Năm 1962, người cha bị buộc tội đã ủng hộ một cuốn tiểu thuyết mà Mao phản đối, và đã bị đưa đi lao động ở một nhà máy; còn người mẹ, Tề Tâm, đã bị phái đi lao động nặng nhọc ở một nông trại. Tháng Giêng 1967, sau khi Mao khuyến khích sinh viên nhắm tới “kẻ thù giai cấp”, một nhóm những thanh niên đã lôi Tập Trọng Huân ra trước đám đông. Cùng với những lời buộc tội khác, ông bị lên án vì đã nhìn chăm chú về Tây Berlin qua ống nhòm khi đi thăm Đông Berlin vài năm trước. Ông đã bị giam giữ trong một căn cứ quân sự, nơi ông đã trải qua nhiều năm đi bộ theo những hình tròn, ông kể lại sau đó – mười ngàn vòng, và rồi mười ngàn vòng đi giật lùi lại. Đứa con trai quá nhỏ để trở thành một Hồng vệ binh chính thức, và tình trạng của người cha khiến cho cậu không còn đáng được quan tâm.

Hơn nữa, sinh ra đã đỏ là trở thành một bổn phận. Các trường giáo dục kiểu tinh hoa bị buộc tội là trở thành “tiểu bảo tháp” – và cần phải đóng cửa. Tập và các con của những quan chức mục tiêu khác cùng ở với nhau, tham gia các trận đánh đường phố và ăn cắp sách từ những thư viện bị đóng cửa. Sau này, Tập kể rằng thời kỳ đó là sự sụp đổ toàn diện trong việc quản lý. Tập đã bị Hồng vệ binh bắt “ba hoặc bốn lần”, và bị buộc phải tố cáo cha mình. Năm 2000, ông đã kể với nhà báo Yang Xiaohuai về việc bị bắt giữ do một nhóm trung thành với vợ của người đứng đầu cơ quan cảnh sát mật Trung Quốc:

Tôi mới chỉ 14. Hồng vệ binh hỏi, “Mày có biết tội ác của mày nghiêm trọng thế nào không?”

“Bọn mày có thể tự đo lấy được. Thế đã đủ để xử tử tao chưa?”

“Chúng tao có thể xử tử mày cả trăm lần”.

Trong đầu tôi không có gì khác giữa xử tử một trăm lần hay một lần, vậy tại sao lại phải sợ bị một trăm lần? Hồng vệ binh muốn dọa tôi, nói rằng bây giờ tôi đã cảm thấy sự độc quyền dân chủ của nhân dân, và như thế tôi chỉ còn có năm phút. Nhưng kết cục, chúng bảo tôi, thay vì thế hãy đọc các trích dẫn của Mao Chủ tịch mỗi ngày cho đến đêm khuya.

Vào tháng Chạp 1968, trong một cuộc điều đình để khôi phục lại quyền kiểm soát, Mao ra lệnh cho Hồng vệ binh và những sinh viên khác về nông thôn, để được “bần cố nông giáo dục lại”. Các gia đình tinh hoa gửi con cái về những vùng quê mà họ có đồng minh hoặc họ hàng, và Tập về đồn binh cũ của cha mình ở Thiểm Tây. Cậu được đưa về Lương Gia Hà, một ngôi làng bên sườn những vách núi hoàng thổ. “Cường độ lao động làm tôi sốc”, Tập nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn truyền hình năm 2004. Để trốn phải làm việc, cậu bắt đầu hút thuốc – không ai được quấy rầy một người đàn ông đang hút thuốc – và ở lì trong nhà vệ sinh.

Sau ba tháng, cậu trốn về Bắc Kinh, nhưng đã bị bắt và trở lại làng. Trong những gì sau này đã trở thành phần trung tâm của lý lịch tự thuật chính thức, Tập đã được tái sinh. Một bài báo của cơ quan thông tấn nhà nước đã tung ra huyền thoại: “Tập đã sống trong một cái hang cùng dân làng, ngủ trên một cái kháng, một cái giường truyền thống [ở miền Bắc] Trung Quốc được đắp bằng gạch và bùn, [dưới có ống lò sưởi để sưởi ấm], chịu được bọ chét cắn, chở phân bón, đắp đập và sửa đường”. Nó cho thấy một số chi tiết khắc nghiệt. Có lần, cậu đã nhận được một bức thư báo tin rằng người chị cùng cha khác mẹ Tập Hà Bình đã chết. Nhà báo Úc John Garnaut, tác giả của cuốn sách sắp ra mắt nói về sự trỗi dậy của Tập và phe nhóm, đã nói, “Đó là một vụ tự tử. Những người thân cận đã nói với tôi, trong ghi âm, rằng sau một thập niên bị đàn áp, bà đã treo cổ trên một cái ống vòi hoa sen”.

Tập đã chọn gia nhập Đoàn thanh niên cộng sản. Do tình trạng của người cha, đơn gia nhập của anh đã bị từ chối bảy lần, theo như anh đã đếm. Sau khi Tập kết bạn với một quan chức địa phương, anh đã được chấp nhận. Tháng Giêng 1974, anh đã là thành viên chính thức của Đảng và trở thành bí thư của làng. Con đường vào Đảng của anh gập ghềnh hơn một số bạn bè cùng lứa. Một người bạn lâu năm sau này đã trở thành một giáo sư đã kể với một nhà ngoại giao Mỹ rằng ông cảm thấy “bị lừa gạt” bởi tham vọng của Tập “muốn vào hệ thống”. Theo một bức điện ngoại giao Mỹ đánh giá các quan điểm của ông, nhiều người trong nhóm bạn tinh hoa của Tập đã cố gắng thoát khỏi chính trị; họ hẹn hò, uống rượu và đọc văn học phương Tây. Họ đã “cố gắng đuổi kịp những năm tháng mất mát bằng việc giải khuây,” vị giáo sư nói. Ông rút cục kết luận rằng Tập có “tham vọng khác thường” và biết rằng mình sẽ “không đặc biệt” ở bên ngoài Trung Quốc, vì vậy ông “chọn cách tồn tại nhờ việc trở nên đỏ hơn cả đỏ”. Sau hết, Yang Guobin nói với tôi, nhắc đến con cái của một số cựu lãnh đạo, “cái ý thức về cầm quyền không mất đi. Một ý thức về lòng tự hào và uy thế còn ngự trị mãi, và có sự tự tin nào đó rằng nghịch cảnh của ông cha họ chỉ là nhất thời và sớm hay muộn thì họ sẽ quay trở lại. Chính xác đó quả là những gì đã diễn ra.”

Năm sau đó, Tập ghi danh vào Đại học Thanh Hoa với tư cách một sinh viên “công-nông-binh” (người đăng ký được nhận vào nhờ thành phần xuất thân chính trị thay vì điểm thi). Mùa xuân năm đó, Tập Trọng Huân được tha, sau 16 năm bị cầm cố. Khi gia đình đoàn tụ, ông đã không thể nhận ra những đứa con đã lớn của mình. Lòng trung thành của ông không bao giờ suy xuyển. Tháng 11 năm 1976, ông viết thư cho Hoa Quốc Phong, người lãnh đạo Đảng, đề nghị được tái bổ nhiệm, nhằm “dâng cả phần đời còn lại cho Đảng và phấn đấu hơn nữa cho nhân dân”. Ông ký tên, “Tập Trọng Huân, một người đi theo Mao Chủ tịch và một đảng viên đã không được giao nhiệm vụ đối với những công việc Đảng chính thức”.

Gia thế của Tập Cận Bình đã mở ra cho ông đến với lĩnh vực chính trị khắc nghiệt – thanh trừng, triệt hạ, cải tạo – và ông đã thu được những bài học không mới từ nó. Trong một bài phỏng vấn năm 2000 với nhà báo Chen Peng của tờ Thời báo Trung Hoa tại Bắc Kinh, Tập nói, “Những ai có ít kinh nghiệm quyền lực, những ai ở xa với nó, dường như coi những điều đó là bí ẩn và tiểu thuyết. Nhưng tôi bỏ qua những thứ bề mặt: quyền lực và những bông hoa và hào quang và tiếng vỗ tay. Tôi nhìn những những ngôi nhà giam giữ, sự thay lòng đổi dạ trong quan hệ con người. Tôi hiểu chính trị ở một mức độ sâu hơn.” Cách mạng văn hóa và những năm ở Diên An, vùng mà ông đã bị đày đến khi là một thiếu niên, đã tạo nên ông. “Diên An là nơi khởi đầu đời tôi,” ông nói vào năm 2007. “Nhiều ý tưởng và giá trị nền tảng tôi có ngày nay đã được hình thành ở Diên An.” Cựu Thủ tướng Úc Rudd đã nói với tôi, “Điểm mấu chốt trong bất kỳ cách hiểu nào về việc Tập Cận Bình là ai phải bắt đầu với sự cống hiến của ông ta dành cho Đảng như một điều tiên quyết - cho dù sự thật là qua cuộc sống riêng tư và cuộc đời chính trị của mình, ông ta đã nếm trải cả phần tốt nhất của Đảng lẫn phần tệ hại nhất của nó.”

Các anh chị em của Tập cũng lưu tán khắp nơi: anh trai và một chị gái đã đi làm ăn ở Hồng Kông, một người em gái định cư ở Canada. Nhưng Tập ở lại và, năm này qua năm khác, đã tiến vào sâu hơn trong tổ chức Đảng. Sau khi tốt nghiệp năm 1979, ông đã có một công việc đáng ước muốn là trợ thủ cho Geng Biao, một sĩ quan quốc phòng cao cấp mà cha của Tập đã gọi là “người đồng chí sát cánh thân thiết nhất của tôi” trong cuộc cách mạng. Tập mặc một bộ quân phục và tạo nên các mối quan hệ có giá trị ở các cơ quan đầu não của Đảng. Không lâu sau khi ra trường, ông đã cưới Kha Tiểu Minh, cô con gái phong cách quốc tế của đại sứ Trung Quốc tại Anh. Nhưng họ cãi cọ nhau “hầu như hàng ngày”, theo lời vị giáo sư, người sống ở nhà đối diện. Ông kể cho nhà ngoại giao rằng đôi vợ chồng ly dị khi Kha quyết định chuyển sang Anh sống và Tập thì ở lại.


Các nhà cách mạng của Trung Quốc đang già đi, và Đảng cần kén lấy những nhà lãnh đạo mới. Tập kể cho vị giáo sư rằng đi về các tỉnh là “con đường duy nhất đến trung ương”. Ở tại tổng hành dinh của Đảng ở Bắc Kinh sẽ làm thu hẹp lại mạng lưới của ông và chuốc lấy oán giận từ các đồng cấp có xuất thân kém hơn. Năm 1982, ngay trước khi Tập 30 tuổi, ông đề nghị được đưa về nông thôn, và được chỉ định về một huyện chuyên đóng xe ngựa ở tỉnh Hà Bắc. Ông muốn được làm bí thư huyện – ông chủ - nhưng lãnh đạo tỉnh tức giận vì kẻ con ông cháu cha từ Trung ương về và cho Tập ở vị trí số 2. Đó là một cách thức tương tự như trao đổi một ban điều hành ở Lầu Năm góc lấy một đồn cấp trung ở vùng nông thôn Virginia.

EVAN OSNOS
(NTQ lược dịch từ The New Yorker, còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm