Mưa hay nhiều lời

Nhắc đến “nói nhiều” thì ai cũng nghĩ là không hay, là dở, là chỉ tổ bộc lộ những nhược điểm cố hữu của bản thân. Nói dài, nói dai, nói dại. Người ta đã có cả tá châm ngôn khuyên nhủ về đường ăn nói, đa phần không mấy ủng hộ việc nói lắm, nhất là với phụ nữ. Này nhé, “người khôn ăn nói nửa chừng”, rồi “cơm sôi bớt lửa, vợ ngoan bớt lời”. Những nàng thơ của thời lãng mạn cho đến hiện đại, có bao giờ là kẻ ưa buôn chuyện làm quà. Các nàng thật khôn ngoan, chỉ tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì, mà tốn bao giấy mực. Nhưng mà dường như đấy là mơ ước, là góc nhìn của đàn ông.

Mặc dù đàn ông chưa chắc đã ít nói, nhưng người ta vẫn xem nói nhiều là một đặc tính của phụ nữ. Cho đến mức, người phụ nữ thế kỷ 21 nơi chốn văn phòng được xem như đầu têu và hà hơi tiếp sức cho thứ kinh doanh không ai lãi là buôn chuyện kia. Cho dù nó được địa phương hóa bằng những tên gọi khác nhau: buôn dưa lê (lê ở đây là ngồi lê đôi mách), tám, gossip, hay bằng những phương tiện phi truyền thống như chat chit, thì tính chất “âm thịnh” là phổ biến. Đàn ông nhìn vào thường thông cảm kiểu bề trên: Mưa hay nhiều lời, khiến trăng mỉm cười (Y Vân).

Ai cũng biết câu “Hai mụ đàn bà với một con vịt thành cái chợ”, nhưng hãy để ý cái bối cảnh ngầm của nó. Cái chợ, nơi diễn ra môi trường làm việc thứ cấp sau đồng ruộng nhưng là nơi giao lưu tự nhiên số một của người phụ nữ thời trước. Và có gì tự nhiên hơn khi những người phụ nữ gặp được bạn cùng giới, cùng hoàn cảnh và địa vị, dốc bầu tâm sự với nhau qua mớ rau con cá hay bát bánh đúc làm quà. Vậy thì văn phòng làm việc bây giờ, nhất là những nơi phụ nữ tập trung đông, ngồi san sát bên nhau suốt tám giờ hàng ngày, cũng đương nhiên là môi trường giao tế của chị em và là cái “chợ” để… chăn vịt. Kể ra chuyện chị em bàn luận với nhau mà chỉ bị coi như “vịt” thì quá đáng, song ở chốn văn phòng, tinh thần ưa mắm muối, bơm vá li kì vừa là thủ phạm gây nên sự đáng ngờ của nội dung, nhưng mặt khác, chính nó là thứ hấp dẫn các nữ nhân viên hết thế hệ này đến thế hệ khác.

Thực ra, có gì hấp dẫn đâu, toàn những chuyện vặt vãnh, cơm áo gạo tiền, “đẳng cấp” hơn thì có chứng khoán, nhà đất hay các chính sách giấy tờ, nhưng thử ngồi nghe mà xem, cái làm bạn há hốc mồm, mắt chữ A mồm chữ O mới là cách các chị em nói. Năng khiếu ngôn ngữ của nhà văn Việt Nam có thể nghèo nàn, nhưng năng lực hội thoại của của cánh phụ nữ văn phòng thì chẳng bao giờ cạn. Mổ xẻ một vấn đề, ví dụ như chuyện đưa con đến lớp, người phụ nữ này có thể nói từ những chi tiết nhỏ nhất như cho con mặc quần gì thì mát đến những việc tày đình như tính chuyện cho con đi du học sao cho khỏi mất gốc, và cái hay là mỗi người tham gia “diễn đàn” lại có thể tán rộng ra ngóc ngách khác, bên cạnh những góp ý chả kém gì một cẩm nang đời sống vô cùng sinh động và thiết thực cho chính họ. Vì thế mà những diễn đàn trên mạng cho các bà mẹ đi làm lại nở rộ và thu hút họ vào chia sẻ niềm vui nỗi buồn, bất luận kẻ đối thoại ở xa hàng nghìn cây số.

Có đi làm hàng ngày tám tiếng mới thấy người phụ nữ văn phòng cũng đáng thông cảm cho sự nói nhiều của họ. Văn phòng dẫu chật hẹp trong bốn bức tường hiu hiu máy lạnh, với những đồng nghiệp thể nào cũng có khi không ưa nhau, nhưng vẫn là nơi các chị em tạm thoát khỏi vai trò “ôsin không lương”, tạm quên đi cái tạp dề và những thứ trách nhiệm không nhường được ai, để mà có cơ hội thể hiện mình như con người xã hội. Buôn chuyện ở văn phòng vì thế thành một nhu cầu, một phản ứng để khẳng định “tôi tồn tại”. Nhưng cách khẳng định này có tiêu cực không, chắc các chị em mới trả lời được. Đến văn phòng mà thấy họ túm năm tụm ba, đưa câu này đẩy câu nọ như những màn ứng tác sân khấu để “đánh hội đồng” một nạn nhân nào, hay có một màn tỉ thí ngầm bằng ngôn từ, thì cái đó thuộc về thứ cao hơn, là văn hóa ứng xử cơ quan rồi. Không cho họ buôn chuyện đằng mồm, thì họ lại tung hoành trên mạng, nơi mà việc “buôn” còn đắt hơn tôm tươi. Nhưng buôn chuyện cũng không hẳn là dấu vết của kiểu văn hóa làng xã, thứ thóc mách kèn cựa tiểu nông hay thị dân. Thử ngó sang Tây mà xem, các loại ấn phẩm báo chí lá cải buôn chuyện đầy rẫy ra. Buôn chuyện của chị em văn phòng, thực tế là cuộc đo lường phản ứng tức thì của xung quanh, một loại survey hiệu quả kinh khủng đem lại cho họ sự tự tin, và rõ ràng, đấy là một không gian có đối thoại đa chiều mà khi về gia đình hay ở nơi khác, phụ nữ thường bị xem là phái yếu!

Nguyễn Trương Quý

Nhận xét

Nặc danh đã nói…
Ah one, ah two, ah three, one two three testing, testing....
Nặc danh đã nói…
OK, thế là được rồi Qúy (chị Tr đây)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm