Mã thượng... xe bò

Bổ sung vào những hình ảnh đậm nét trong tôi về Hà Nội hơn 20 năm trước, bên cạnh những ngã tư Vọng, ngã tư Sở, những dãy phố đầu ô san sát cửa hiệu Rồng Đất, điện Ba Con Sáu, vàng Kim Thành… là những cái xe bò.

Trong truyện Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, có nhân vật ông Bổng làm nghề đánh xe bò, “hai cha con đều ghê gớm, to như hộ pháp, ăn nói văng mạng”. Nhưng, đấy cũng là nhân vật sinh động nhất trong thiên truyện xuất sắc này. Vài nét phác họa của nhà văn đã vẽ nên diện mạo của những người làm cái nghề vận tải từng được dành hẳn làn giao thông cho xe súc vật kéo. Tất nhiên không phải ông đánh xe bò nào cũng ghê gớm như ông Bổng, họ chủ yếu là người nghèo ở ven đô hoặc từ các vùng quê lân cận ra Hà Nội kiếm sống trong cái thời bao cấp đã qua nhưng thị trường chưa tới.

Cái xe bò tưởng là đồ của nhà quê nhưng thời những năm 80, thậm chí mãi đến năm 1996 thì phải, trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ là lúc bị cấm trong nội thành, thì nó là thứ rất Hà Nội. Ít nhất phải có đến năm – bảy bức tranh phố của Bùi Xuân Phái có hình cái xe bò. Cái xe cục mịch, đi vừa chậm vừa nghênh ngang (vì toàn chở những thứ cồng kềnh), vì không có ghế cho người điều khiển nên trên nóc đống vật liệu chở chễm chệ ông tài đội mũ cối, mặc áo bộ đội, quần xắn móng lợn, uể oải vút roi thúc con vật chầm chậm bước.

Xe bò kéo trong tranh Bùi Xuân Phái

Thi thoảng những con vật này dừng lại ăn cỏ hay bã mía, hoặc làm một bãi ra dọc đường. Dân Hà Nội ngày xưa chủ yếu đi xe đạp chung với làn cho xe bò đi (lúc ấy biển báo có hai phần, nửa trên hình tròn vẽ cái xe đạp, nửa dưới là vẽ cái xe bò. Nói chủ yếu có nghĩa là lúc ấy xe đạp có lẻn đánh ra đường xe cơ giới cũng chẳng làm sao, có công an nào bắt xe đạp mà làm gì. Nhất là ngày xưa đi xe đạp ở Hà Nội là số đông và khá an toàn). Bánh xe đạp có trót đè qua bãi con vật thải ra cũng chẳng sợ lắm vì phân bò không thối lâu, lại nhanh hoai, thậm chí khô nẻ như bùn. Điều đáng nói là cái xe bò một thời, rồi xe công nông, cho đến xe ba bánh ngày nay, đi kèm là một kiểu ứng xử và thích nghi với hoàn cảnh của thị dân. “Ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì” mang một kiểu nghĩ suồng sã, vừa gàn dở lại vừa hóm hỉnh, cũng chính là không gian định hình cho những cái xe bò lam lũ chở vôi, cát, gạch đá từ ngoại ô vào phố, hay những cái xe dán mác thương binh len lỏi vào tận những ngõ ngách nơi các phương tiện vận tải khác không vào được hoặc không được vào.

Cái lối thích ứng đó chẳng có nơi nào thích hợp hơn Hà Nội, sinh ra bởi hiện trạng quần cư manh mún và tự phát từ làng lên phố. Những cái ngõ ngoằn ngoèo như ngõ Quỳnh dài đến gần 1,5 cây số hay đường Hoàng Mai dài hơn hai cây số mà bề rộng không đủ cho hai xe ôtô con. Và đến cả trăm cái ngõ khắp Hà Nội hẹp hơn 3m thì mấy thứ phương tiện thô sơ là không thể thiếu. Cuộc sống của phần lớn dân ở những cái ngõ ấy, dù đã khá giả hơn xưa nhiều, nhưng ngoài lý do khách quan phải cậy đến những cái xe cải tiến người kéo hay xe ba bánh hoặc cửu vạn ở chợ người, thì còn một lý do chủ quan là cái sự vun vén tằn tiện, được đồng nào hay đồng ấy, đánh nhanh thắng nhanh của dân Hà Nội. Chứ còn biết tính kiểu gì? Có phải ai cũng ở những khu đô thị mới rộng thênh thang, lắm tiền dư dật, đụng đến cái gì cũng taxi tải với lại xe hơi SUV có cốp chở đồ đằng sau đâu.

Vì thế những ông đánh xe bò ngày xưa, cưỡi công nông kế tiếp hay lái xe ba bánh bây giờ ghê gớm lắm, yêng hùng lắm. Họ ý thức được tình trạng mấp mé bên lề luật lệ của cái thứ phương tiện mình cưỡi, nhưng lâu dần ai cũng quen, lại thấy cái sự ngạo nghễ của họ lại cũng hay. Cái sự nguy hiểm họ gây ra vừa gợi một vẻ hoang dại đầy khích động, lại vừa khiến hàng phố có chút nể như thể hình ảnh những bậc giang hồ mã thượng. Mặc dù có lúc sợ xanh xám mặt mày khi cái xe công nông hay ba bánh phóng rầm rập qua, khói đen xả mù mịt đường phố, nhưng dân Hà Nội còn biết làm gì hơn ngoài việc dạt ra nhường đường cho các vị ấy (“dây vào thì khốn”). Chả biết có phải ai cũng là bộ đội xuất ngũ từng vào sinh ra tử hay thương binh không, nhưng cũng lắm dân anh chị đao búa giang hồ chọn các phương tiện “ưu tiên” này mà trá hình hành nghề. Sự ưu tiên ấy chẳng nằm đâu xa, nó ở ngay trong cách nghĩ của người Hà Nội mấy chục năm gần đây. Cái hình ảnh lừ đừ của những chiếc xe bò vào phố năm nào thậm chí đã bắt đầu vắng bóng ở các đô thị tỉnh lẻ, như Phủ Lý đã cấm xe súc vật kéo chạy ban ngày, nhưng cái tâm lý chềnh ềnh hãy còn đấy, ở cách đi lại của những phương tiện đắt tiền hơn rất nhiều lần, ở lối sử dụng không gian sống.

Cũng trong Tướng về hưu, lúc bà vợ ông tướng về hưu chết, ông Bổng vốn là em cùng cha khác mẹ với ông tướng khóc òa: “Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Chỉ có chị gọi em là người”… “Lần đầu tiên, cái ông chú đánh xe bò, lỗ mãng, táo tợn, làm đủ mọi điều phi nhân bất nghĩa hóa thành đứa trẻ ngay trước mắt tôi”. Đó cũng là những dòng cảm động nhất trong một truyện ngắn có giọng văn sắc lạnh đặc biệt nhất của văn học Việt Nam.

Nguyễn Trương Quý

(Báo Phụ nữ TP.HCM 11.10.2010)

Nhận xét

Titi đã nói…
Khổ, đường xá ở ta không phát triển kịp với tốc độ giàu có của dân chúng. Chị tin, rất nhiều chủ nhân của chiếc ô tô bây giờ không tệ như cha con lão Bổng đâu em :-P
Unknown đã nói…
Ông Bổng hay phết đấy chứ ạ (con ông ấy thì khốn nạn rõ rồi). Em thấy ôtô mình ở HN đi hay lấn làn lắm, nói chung là vì tâm lý không nhanh thì thiệt ăn sâu quá. Chắc là giàu có hơn thì dân mình sẽ có sự thay đổi :-)

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm