Điều tốt nhất cho gã có vợ
Có những người được sinh ra với bản năng làm bố, có những người lại phải làm bố một cách miễn cưỡng. Khi đứa con đầu tiên ra đời, Michael Adams tưởng tượng đứa bé như là người cai tù, cướp đoạt cả tuổi trẻ và sự tự do của anh mãi mãi. Hoảng sợ trước những trách nhiệm mới, anh đã lựa chọn cho mình một cuộc sống hai mặt, hy vọng rằng mình sẽ có tất cả, gia đình và tự do tuổi trẻ. Anh ta có hai cuộc sống ở hai bờ sông Thames, một phía là nơi “Michael độc thân” chỉ việc nằm khểnh, chơi điện tử và động tay làm việc tí chút, một phía là nơi “Michael có vợ và hai con” thi thoảng anh ta mới tạt về.
Bằng ngòi bút dí dỏm và cảm động, tác phẩm của O' Farrell làm bật lên tiếng cười trước tâm lý lo âu, ngần ngại của các ông bố trẻ của thế kỷ 21. Liệu náu mình ở một nơi chả có gì vướng bận có thật là “điều tốt nhất mà một gã đàn ông có được” hay không?
“Lối viết thông minh, cực kỳ hóm hỉnh. Tác phẩm phân tích lối suy nghĩ, hành động của cánh đàn ông một cách chân thực, dí dỏm. Phụ nữ không thể hiểu về phái kia một cách rõ ràng hơn được nữa. Mỗi trang sách đảm bảo cho bạn đọc vài nụ cười khúc khích và cả câu chuyện là hàng loại các tình tiết cười ngặt nghẽo. John O'Farrell có hài không? Quá cỡ.” - The Mirror
“Thật hài hước và cũng rất tả thực. Tác phẩm tràn ngập những câu đùa tinh tế.” - The Times
“Tác phẩm thực thành công. Vô cùng hài hước. Lối viết tinh tế, sắc sảo và cực kỳ chân thực về đàn ông, đàn bà, tình yêu, tình phụ tử khiến cho bạn có thể nhận thấy bản thân mình trong từng trang sách” - India Knight
“Một áng văn xuôi tự sự hóm hỉnh. Cách viết thu hút, đưa nỗi nhớ đời trai đến một điểm kết bất ngờ... Trào phúng và vô cùng châm biếm” - Literary Review
“Đây thực sự là một cuốn Nhật ký tiểu thư Jones cho mày râu… cái nhìn xuyên thấu vào tâm lý đàn ông như thể một cái máy nội soi” – People
John O’Farrell sinh năm 1962, là một nhà văn Anh đa tài. Ngoài việc viết thường xuyên cho tờ báo nổi tiếng The Guardian, John O'Farrell còn từng được chọn là ứng cử viên cho chức nghị viên ở Maidenhead. John O'Farrell nổi tiếng với ngòi bút châm biếm và thông minh trong các kịch bản cho TV, radio, sách chính trị và văn học. Điều tốt nhất cho gã có vợ là tiểu thuyết văn học đầu tay của John, là tác phẩm bán chạy nhất tại Anh quốc năm 2002. Tác phẩm đã được chuyển thể để đọc trên đài phát thanh và đã được hãng phim Paramount Picture mua lại.
Người dịch là bạn Lê Thu Thủy, người từng dịch cuốn "Từng qua tuổi 20" của Iain Hollingshead. Hiệu đính: Thái Thanh Sơn. Sách của NXB Trẻ, 12-2010.
***
CHƯƠNG I: ĐIỀU TỐT NHẤT CỦA GÃ ĐÀN ÔNG
The best a man can get - slogan của hãng Gillette
....
Mỗi khi có ai hỏi về nghề nghiệp, tôi thường lý nhí trả lời rằng mình làm trong lĩnh vực quảng cáo. Hồi xưa tôi hay thực thà bảo mình soạn nhạc hoặc là nhạc sĩ nhưng người nghe thường quá phấn khích và tưởng tượng cao xa nên khi hiểu thực ra tôi chỉ là kẻ viết nhạc đệm cho đoạn quảng cáo hộp số ôtô trên Capital Radio, họ tỏ vẻ thất vọng lắm. Tôi là một nghệ sĩ tự do chuyên viết nhạc quảng cáo, cho dù những người trong nghề thường tránh dùng từ này, nhưng thực chất thì đúng là tôi chỉ là kẻ viết nhạc ở mức rẻ mạt nhất. Nếu như người sáng tác đoạn: “Gillette, thứ tốt nhất dành cho đàn ông” ngang ngửa với Paul McCartney của Beatles trong làng quảng cáo thì tôi chỉ là một tay trống quèn trong ban nhạc xếp hạng năm ở cuộc thi âm nhạc Châu Âu năm ngoái.
Ai ai cũng tưởng làm quảng cáo là kiếm bộn tiền, nhưng tôi bắt đầu vỡ ra rằng mình sẽ không bao giờ giàu được nhờ viết những đoạn nhạc 20 giây, cho dù mỗi ngày tôi có cày cật lực đủ tám tiếng đi chăng nữa.
Đã có thời tôi thực sự tin rằng mình sẽ trở thành một ngôi sao nhạc rock đáng giá triệu bảng. Khi tốt nghiệp trường nhạc, tôi về quê và thành lập một nhóm nhạc, cũng đi biểu diễn ở các quán rượu và đêm nhạc ở các trường đại học như ai. Cứ cho là tôi có hơi phóng đại đi nhung thực tế mà nói thì đã có thời vào cuối những năm 80, chúng tôi là ban nhạc nổi nhất vùng Godalming đấy. Nhưng rồi ban nhạc tan vỡ chỉ vì tay trống ra đi do “sự khác biệt về âm nhạc”. Chúng tôi là những nghệ sĩ thực thụ còn hắn ta thì không! Mặc dù hắn là tay trống dở nhất thời đại mà tôi từng biết nhưng hắn lại là thành viên quan trọng nhất trong ban chỉ vì hắn sở hữu một chiếc xe tải. Tôi đã nghiệm ra rồi, không ai có thể chở được nhiều loa kèn, âm li trên một chiếc xe máy còm cả. Sau đỉnh cao ấy, tôi vẫn tiếp tục thu âm và cố gắng dựng lại nhóm nhạc nhưng sản phẩm cuối cùng chỉ còn lại mỗi một hộp đầy đĩa demo và một CD quý giá ghi lại những tác phẩm bất hủ của mình.
Tôi trèo ra khỏi giường, vừa thay quần áo vừa nghe lại đĩa nhạc của mình. Vẫn thấy tự hào hơn bao giờ hết và không thể tha thứ được cho bọn sản xuất của John Peel đã dám từ chối dùng nhạc của tôi.
Quãng đường từ nhà tới công sở của tôi chỉ là đi vài bước từ phía này sang phía kia của phòng ngủ. Trước khi bắt tay vào làm việc, tôi thường cố biến phòng ngủ cho giống phòng làm việc một chút. Như thế có nghĩa là gập đôi cái giường ngủ lại cho thành sofa và nhặt nhạnh vài cái tất bẩn hay quần áo lót còn vương bừa bãi trên keyboard. Ngoài chiếc Roland XP-60, phòng thu âm của tôi còn được trang bị một máy tính, một bàn mix 18 kênh, một đầu đĩa, một máy reverb, một mini-box, vài bộ tạo thanh, vài bộ loa và một tape desk. Đằng sau đống máy móc bừa bộn ấy là hơn mười ki-lô-mét các loại giây rợ lùng nhùng. Với những kẻ ngoại đạo thì dàn nhạc cụ của tôi có vẻ khủng lắm nhưng thực chất chúng chỉ là một đống tạp nham. Càng lôi về nhiều thiết bị, tôi càng mất thời gian tìm kiếm những vật dụng cần thiết khiến cho nhiều khi muốn tập trung làm việc cũng không được. Tôi chủ yếu chỉ dùng đến keyboard, bộ âm thanh cài sẵn và bộ hợp âm mẫu đa năng. Chúng có thể tạo ra hầu hết thanh âm của bất cứ một loại nhac cụ nào. Cho dù tôi có vài thiết bị trông rất tối tân nhưng thực tình chúng đã lạc hậu ít nhất là vài năm hoặc sẽ thành lạc hậu khi tôi vỡ ra cách sử dụng. Tôi chẳng bao giờ có thời gian để đọc hướng dẫn sử dụng, chẳng khác gì làm chủ con Ferrari mà chỉ biết đi số một.
Bước loạng quạng vào nhà tắm, tôi chằm chằm nhìn vào gương. Mới qua một đêm mà đống tóc bạc đã loi nhoi lên cả phía trán. Tóc muối tiêu ở đâu ra mà nhiều thế này? Mặc dù chúng vẫn là thiểu số nhưng tôi hiểu rằng, chúng cúng như bọn sóc lông bạc, một khi vài con đã tìm được nơi trú ngụ thì cả bầy cả đoàn sẽ kéo đến, khiến cho toàn bộ đám tóc đen nhánh ngày xưa trở thành tuyệt chủng, may chi chỉ còn vài cái lơ thơ ở lông mày hay trong lỗ mũi mà thôi. Ngự ngay trên mũi của tôi là cái cái nhọt đầu vàng ủng mà dưới con mắt chuyên gia hai chục năm ròng của tôi thì sắp đến hồi bục mủ. Khi còn là gã trai đang lớn, tôi cứ mơ tưởng tới một thời kỳ vàng son khi tuổi mụn nhọt qua đi và giai đoạn bạc đầu còn lâu mới tới. Giờ đây mới thấy sao mà mình ngây ngô đến thế. Mới ba chục tuổi đầu mà sức lực của tôi đã khá tiều tụy. Tôi cũng như bình minh ngày hè chưa kịp chớm đã thấy bóng tối mùa đông sầm sập kéo về.
Cuối cùng thì khoảng bốn giờ chiều tôi cũng mò vào được phòng khách, nơi Jim miệt mài đèn sách mấy năm giời cho cái luận án tiến sĩ. Hôm nay là chuyên đề luyện Tom Raider cùng với Simon. Cả hai lầm bầm chào tôi, mặc dù không thằng nào ngước mắt khỏi màn hình. Có khi tôi hay là quái vật từ biển đen đột nhập vào nhà để bật bình đun nước lên thì đối với chúng nó cũng thế. Jim và Simon trông giống hệt những hình ảnh “trước đó” và “sau này” trong quảng cáo về rèn luyện thể lực của Charles Atlas. Jim có dáng cao lớn và cơ bắp của một thanh niên cường tráng, năm nào cũng đi trượt tuyết kể từ khi tròn 5 tuổi. Ngược lại, Simon thì gày gò, ốm yếu và vụng về. Nếu nhà sản xuất có thể làm cho game sống động hơn nữa thì Lara Croft hẳn sẽ phải quay lưng lại và quát sa sả từ màn hình: “Bỏ cái kiểu nhìn chằm chằm vào ngực phụ nữ như thế đi nhé, mấy thằng khốn nạn!” và tạt Simon bay khỏi sofa từ lâu rồi. Simon có một công việc đầy tiềm năng là rót bia vào cốc nhựa cho sinh viên ở cái trường mà hắn đã tốt nghiệp cách đây vài năm. Hắn kiếm được công việc ấy vào đúng hôm ra trường với hy vọng một ngày nào đó sẽ kiếm đủ tiền để trả hết những khoản nợ chồng chất từ mấy năm vui thú phía bên kia quầy.
Vừa lúc đó có tiếng sập cửa và Paul bước vào, quẳng phịch một đống sách giáo khoa lên mặt bàn ăn với một tiếng thở dài thê thảm, nhằm câu kéo sự chú ý của mọi người nhưng hiển nhiên là chẳng ai thèm bận tâm cả.
“Giời ạ!” Paul than, nhưng cả bọn vẫn chẳng buồn hỏi chuyện. Paul đành tự cất bình sữa tươi vào tủ lạnh, vớt mấy túi bã chè ra khỏi chậu rửa bát và tặc lưỡi một mình. Hắn tỏ rõ thái độ không hài lòng vì mọi người trong nhà sống quá bừa bộn và mọi việc cuối cùng cũng về tay hắn trong khi hắn đã mệt dừ người với một ngày dạy ở trường. Điều đó cũng như để ám chỉ công việc buổi tối của Simon hay cái bằng tiến sĩ của Jim và cả công việc soạn nhạc của tôi thực sự toàn là những công việc vớ vẩn, nhàn hạ. Thực chất là Paul cực kỳ có lý nhưng dẫu sao thì lũ chúng tôi cũng chẳng bận tâm gì.
Bốn đứa chúng tôi thuê chung căn hộ này đã được hai năm rồi. Không một ai trong số còn lại biết tôi khi tôi mới chuyển đến và tôi cũng là người thích giữ kín chuyện đời tư của mình. Căn hộ này có vị trí đẹp, nhìn xuống ngay con đường Balham nhộn nhịp và nằm ngay phía trên một cửa hàng nơi chúng tôi có thể chạy xuống và mua thực phẩm của người Hồi giáo bất cứ ngày hay đêm. Đây không phải là một căn hộ xập xệ xuống cấp mà người ta thường nghĩ khi có bốn thằng đực rựa ở chung. Chúng tôi có lịch dọn dẹp rất rõ ràng mà ba đứa thường xuyên nhường phần cho Paul.
Paul nhặt miếng bơ còn sót lại bỏ vào đĩa đựng bơ rồi cẩn thận gấp nhỏ miếng giấy bọc lại trước khi vứt vào thùng rác. Sau mọi nỗ lực để thu hút sự chú ý của chúng tôi đều thất bại thảm hại, Paul chủ ý gợi chuyện:
“Michael, tình hình thế nào?”
“Quả là một ngày chó chết,” tôi trả lời.
“Ồ không, có chuyện gì thế?” Giọng cậu ta rất sốt sắng quan tâm.
“Thằng nhóc đưa báo khốn khiếp đánh thức tôi dậy vào lúc 7 giờ sáng để thông báo rằng từ nay nó sẽ không đưa báo đến tận giường tôi nữa, viện lí do là mẹ nó bảo như thế là không bình thường. Tôi nhớ đinh ninh là hai bên đã cam kết là không nói cho bố mẹ biết vể chi tiết này cơ mà.”
Thời gian như dừng lại.
“Không, chính tôi nói với mẹ nó đấy.” Paul thú nhận với vẻ mặt căng thẳng của một kẻ đã chuẩn bị tinh thần lâm trận.
“Cậu ấy hả? Cậu làm trò gì thế?”
“Hừm, thứ nhất là tôi chẳng hài lòng gì với việc ông giao chìa khóa nhà cho một thằng 13 tuổi đầu đường xó chợ”
“Nó không phải là một thằng đầu đường xó chợ!”
“Đúng đấy. Mà ông có biết vì sao tôi dám khẳng định thế không? Bởi vì tôi là giáo viên của nó. Troy là học sinh của tôi. Và hôm kia, vào lúc 7 giờ sáng, khi tôi bước ra khỏi nhà tắm, trần như nhộng, thì thấy Troy đứng trên bậc cầu thang nhìn tôi trân trối.”
Lúc đó thì Jim phá lên cười ngặt nghẽo nên phải nhổ cả ngụm chè đang uống dở vào cốc. “Thế ông có nói gì không?”
“Hả, tôi nói: ‘Hello Troy’.”
“Thế nó bảo gì?”
“Nó bảo, ‘Hello, Mr. Hitchcock.’ Thực tình mà nói, nó trông có vẻ hơi rối trí. Quả tình là nó cũng đen đi. Đã mấy ngày nay nó cố tính lẩn tránh tôi vì còn nợ một vài luận về nhân vật Piggy trong tác phẩm ‘Chúa tể của loài ruồi.’ Trong tích tắc, tôi nghĩ nó đang tưởng tôi lẻn vào căn hộ này lúc 7 giờ sáng, không quần không áo chỉ để tra khảo nó về bài luận.”
Tôi vẫn không khỏi bực mình. “Ừ, thì cứ cho là cậu chạm mặt Troy ở cầu thang đi. Thì sao nào? Thì có nghĩa là cậu phải ton hót với mẹ nó về việc của tôi à?”
“Tôi là giáo viên của Troy. Chẳng hay ho gì khi thấy tin giật gân trên báo: ‘Học sinh thăm thầy giáo khỏa thân trước giờ vào lớp.’ Hơn nữa, tôi không muốn một lúc nào đó phải hiệu chính với học sinh của tôi là tên tôi đọc đúng là Mr Hitchcock chứ không phải Mr Titchy[1]-cock.”
Cốc trà của Jim đã bị nhổ đi nhổ lại quá nhiều lần đến mức không thể uống được nữa.
“Vì thế, tối qua khi họp phụ huynh,” Paul tiếp lời, “Tôi đã nói cho mẹ Troy biết rằng cậu ta có chìa khóa vào căn hộ và sáng hôm trước cậu ta đã nhìn tôi trần truồng bước ra từ nhà tắm.”
“Có lẽ đó không phải là cách tốt nhất để thông báo tình hình nhỉ?”
“Hừm, mặc dù tôi đã lường trước hậu quả và đã nói tránh đi một chút rồi đấy. Bà ta lên cơn điên và dùng giầy đánh tôi tới tấp. Phải nhờ sự can thiệp của ông hiệu phó mà tôi mới thoát đấy.”
Trông Paul có vẻ tổn thương vì bị lôi ra làm đề tài giải trí.
“Đừng giận Paul, bọn tôi không cười ông đâu.”
“Tôi thì có.” Jim nói.
“Ừ, tôi cũng thế!” Simon tiếp lời.
Paul lẳng lặng ngồi xuống một góc chấm bài. Khổ thân bọn học sinh sẽ bị nhận điểm thấp hơn bình thường chỉ vì ông giáo viên đáng kính của chúng bị chúng tôi chọc ngoáy. Paul đúng là loại giáo viên dễ bị bắt nạt. Cậu ta lúc nào trông cũng như con thú bị tổn thương. Tính Paul lại hiền lành và điềm đạm, ngay cả lúc bọn học sinh láo lếu dám mang ô tô của thầy ra bán.
Tôi chẳng hiểu sao mấy thằng bạn cùng nhà lại phải mất công chọc tức Paul đến thế bởi cậu ta có thể tự nhiên bực mình từ những việc nhỏ nhặt nhất. Đã có lần, cậu ta thẳng thừng tuyên bố rằng sẽ chỉ nhặt tóc của mình rơi trong nhà tắm vì lũ bọn tôi chẳng đứa nào buồn dọn dẹp gì cả. Và thế là chúng tôi được chứng kiến Paul chổng mông ngồi phân loại tóc để nhặt ra những sợi tóc đỏ của mình. Cũng chẳng phải Paul ki bo gì nhưng hắn rất bực bội với cách người khác nặn kem đánh răng từ đầu tuýp thay vì từ cuối. Nói chung là tất thảy mọi chuyện chúng tôi làm đều khiến Paul cực kỳ khó chịu.
Cả lũ ngồi khểnh quanh bàn ăn thêm một lúc nữa rồi Jim tuyên bố sẽ đi pha chè. Paul luôn từ chối để Jim pha chè cho mình vì kiểu cách của Jim làm hắn tức lộn ruột. Cách pha chè của Jim là biểu tượng không thể hình dung nổi về cung cách làm việc thiếu hiệu quả. Đầu tiên, hắn sẽ lôi cốc ra khỏi tủ và bày ngăn ngắn lên khay. Sau đó, hắn đi về phía chậu rửa bát, ngơ ngẩn vài phút như để trấn tĩnh xem mình đang định làm gì. Khi định thần lại, hắn sẽ lấy sữa ra khỏi tủ lạnh. Sau khi sữa đã được rót đều vào từng cốc, hắn sẽ đi tìm túi chè vào bỏ vào mỗi cốc. Xong rồi thì hắn sẽ chợt nhận ra là mình làm thừa một cốc nên sẽ cất một cái đi và lôi lọ đường ra, đặt lên khay và xoa tay thỏa mãn rồi mới bắt đầu đi đặt nước nóng.
Đối với Paul, những công đoạn đó chứng tỏ Jim là kẻ không thể sống cùng được. Jim không những chỉ đun nước nóng vào phút cuối cùng mà còn lấy ấm nước đầy đến ngọn nên càng phí nhiều thời gian cho ba cốc trà. Và khi đợi ấm nước mất ngàn năm để sôi, Jim sẽ đứng đó, thỉnh thoảng di chuyển vị trí các cốc trên khay. Thực tình Jim không biết là phía sau lưng, Paul đang lồng lộn lên vì cách thức tổ chức công việc thiếu khoa học của hắn. Dù cố nhịn đến đâu, Paul cũng không thể để Jim yên. Tôi biết thừa rằng trong vòng 60 giây, Paul sẽ hỏi Jim tại sao không đặt nước lên ngay từ đầu.
“Jim, sao ông không đun nước trước?” Chỉ sau 3 giây, Paul cất tiếng.
“Hả?”
“Ý tôi là, nếu ông đun nước trước có phải là tiết kiệm được khối thời gian không? Trước khi ông lấy cốc ra và làm những thủ tục khác ấy!”
Jim nhún vai bất cần: “Hừm, làm thế thì bình nước cũng chẳng sôi nhanh hơn, đúng không?”
Jim quả là chậm để hiểu cái logic của Paul cũng như chậm để pha một cốc trà.
“Hiển nhiên là không, nhưng ông sẽ có nước sôi trước, bởi vì trong lúc đợi nước sôi, ông có thể lấy túi trà, lấy sữa và làm các việc khác.” Paul phải kiềm chế lắm để không hét toáng vào mặt Jim. Jim có vẻ choáng trước sự bận tâm thái quá của bạn.
“Nhưng bọn nó chẳng vội đi đâu hay làm gì cả, phải không? Simon, mày không phải đi đâu đấy chứ?”
Simon ngước mắt lên khỏi tờ báo đang đọc giở. “Tôi á? Không.”
“Chẳng ai vội, thế thì việc gì phải bận tâm?”
Tôi có thể nhận thấy sự tức giận của Paul dâng trào. Mặt cậu ta đỏ ửng, nhưng ít nhất là cũng làm cho bộ râu đỏ đỡ đơn độc. “Nhưng đó là cách pha trà cực kỳ bất hợp lý.”
“Nhưng ông có uống đâu?”
“Không, tôi không uống bởi vì tôi không thể chịu đựng nổi cách làm ngược đời của ông.” Và thế là Paul đùng đùng bỏ ra khỏi phòng. Jim hoàn toàn sửng sốt.
“Có phải tại tôi cho đường vào cốc của Paul khi nó không uống ngọt hay không?”
Simon lẩm bẩm rằng chắc không phải thế và Jim lại nhún vai và đứng ngẩn tò te bên chậu rửa bát một lúc. Sau 5 phút, hắn nhận ra rằng mình chưa bật công tắc của bình đun nước.
Khi trà pha xong, ba đứa chúng tôi nhấp nháp trong im lặng. Simon vẫn chăm chú vào mục “Giải quyết các thắc mắc về tình dục” của tờ The Sun, mà tôi đảm bảo là được bịa ra từ mấy nhà báo đồng nghiệp ngồi ở văn phòng bên cạnh.
“Em chồng tôi trở thành tình nhân.” Hắn đọc to.
“Deirdre thân mến, tôi là một cô gái tóc vàng hấp dẫn và theo mọi người nhận xét thì còn có thân hình khá khêu gợi. Một hôm, khi chồng tôi đi vắng, cậu em chồng qua chơi rồi từ chuyện này dẫn đến chuyện kia, chúng tôi đã ngủ với nhau...” Simon đặt phịch tờ báo xuống, bình luận: “Họ luôn biện bạch rằng ‘từ chuyện này dẫn đến chuyện kia,’ làm sao mà từ một chuyện dẫn đến chuyện khác được, đó là đoạn mà tôi không hiểu. Tôi biết là ông em rể đến chơi rồi cả hai lên giường. Nhưng làm sao có thể đi từ đoạn đầu tiên đến đoạn cuối cùng ấy?”
“Quá đơn giản, Simon,” Jim nói.
“Thế hả, đơn giản thế nào?”
“Mày gặp một nàng.”
“Ừ.”
“Cô ta ở lại uống cà phê.”
“Ừ, sao nữa?”
“Hừm, từ chuyện này dẫn đến chuyện kia.”
Sau hai cốc trà, tôi hoàn toàn không tìm được lí do gì cho việc để cho bọn DD & G đợi thêm nữa nên nhặt lấy đĩa nhạc và đi ra ga tàu điện ngầm Balham. 30 phút sau, tôi dạo bước thong dong trên phố Berwick, chứng kiến một đôi học sinh người Pháp với chiếc máy ảnh dùng một lần trong tay, chăm chăm chú chú tạo dựng lại hình ảnh trong bìa đĩa hát “Có chuyện gì trong buổi sáng chói chang” mà suýt bị ô tô chẹt phải. Tôi rất thích đến khu Soho, nơi không khí lúc nào cũng nhộn nhịp và hối hả khiến cho một thằng như tôi cũng muốn phải giả vờ trong một thoáng, mình cũng là một phần của nhịp sống ấy. Có những người ở đây kiếm cả ngàn bảng mỗi ngày chỉ nhờ lồng giọng trong mấy đoạn quảng cáo rồi chính họ lại làm hỏng hình ảnh của mình bằng cách đi mua mấy cái sandwich tôm kẹp quả bơ và cafe trong cốc giấy, vừa đi vừa gặm rất mất tư cách.
Tôi liếc nhìn sang phía bên kia đường và phát hiện ra Hugo từ DD & G đang chăm chú nhìn vào cửa sổ một hàng ven đường. Đáng ngờ thật, tại sao Hugo lại nhìn vào cửa sổ của một cửa hàng bán sỉ đồ trang sức châu Á? Gã liếc trước liếc sau rồi chuồn gọn vào một lối đi trông rất rẻ tiền, trang trí nhằng nhịt những cây đèn trang trí đỏ chóe. Tôi thấy sốc quá nên lén lại gần phía cửa và nhìn vào. Một mẩu giấy với dòng chữ viết nguệch ngoạc được dính lên cửa bằng dải băng dính màu nâu nhạt: “Người mẫu mới. Dịch vụ thân thiện. Tầng 1.” Tôi nhìn xuống những bậc cầu thang trần trụi không trải thảm và tự hỏi không biết dưới đó có gì nhỉ. Có lẽ Hugo đến đây để thuyết phục khách hàng sử dụng cách thức quảng cáo hiện đại hơn, hoặc để gợi ý nên dùng mấy câu slogan nghe bắt tai hơn và ít ra là đánh vần từ “thân thiện” một cách chính xác. Tôi tiếp tục bước trên phố Berwich và cuối cùng cũng đến được quầy tiếp tân sáng sủa của DD & G. Ở ngay đó có treo một tấm bằng chứng nhận, khoe khoang rằng họ đạt giải nhì trong chiến dịch quảng cáo cho các Ngân hàng thương mại trên đài phát thanh năm ngoái. Hóa ra là Hugo tranh thủ chạy ra ngoài để mua thiệp sinh nhật cho vợ. Tôi để lại đĩa nhạc cho cô lễ tân xinh đẹp, duyên dáng ngồi sau khung cửa sổ được trang trí bởi những bông hoa tươi roi rói.
Thế là công việc trong một tuần của tôi đã hoàn thành. Đã đến lúc về nhà ở phía bắc của London. Đúng giờ cao điểm, tôi chen chân vào đống người vừa rời công sở. Hàng trăm nhân viên văn phòng chèn nhau như cá hộp mà vẻ mặt vẫn tỉnh bơ như không hề biết đến ai xung quanh. Những cánh tay uốn éo ở mọi tư thế không thể tưởng tượng nổi để đọc những cuốn sách bị bẻ cong bìa. Những chiếc cổ cố nghển lên để đọc lén báo của người ở phía trước. Những giáo dân ngoan đạo đọc nghiến ngấu Kinh thánh như chưa được đọc bao giờ. Bỗng dưng có một ghế trống và tôi nhón chân nhanh như sóc nhưng vẫn phải giả vờ là mình không vội vã gì. Tôi ngồi xuống, thở dài khoan khoái nhưng chưa ấm mông thì lại giật mình áy náy. Có một phụ nữ đứng ngay trước mặt tôi, bụng lù lù một đống. Không hiểu cô ta đang chửa sáu tháng hay là, hừm... béo quá? Thật phân vân. Tôi liếc nhanh cô ta từ đầu đến chân để đánh giá tình hình. Tại sao cô ấy không cho ta một dấu hiệu nào cả nhỉ? Cái váy có vẻ rộng ở mọi vị trí trừ chỗ cái bụng tròn tròn và căng căng. Tự hỏi chẳng biết thế nào thì tệ hơn, từ chối nhường ghế cho một phụ nữ mang bầu hay là nhường ghế cho một người mà mình tưởng là họ đang mang bầu? Có lẽ vì vậy mà đàn ông ngày trước thường nhường ghế cho bất cứ ai là phụ nữ, để tránh những câu hỏi nan giải và trái khoáy như thế. Mọi người xung quanh chẳng ai thèm bận tâm cả, nhưng sao mà tôi vẫn thấy áy náy quá.
“Xin lỗi, chị có muốn ngồi xuống không?” Tôi hỏi và dạm đứng dậy.
“Tại sao tôi lại muốn ngồi xuống?” Cô ta nói, giọng rất cáu kỉnh.
Chó chết thật, tôi thầm nghĩ. “À, chị trông có vẻ hơi mệt... ừm, mà đằng nào thì tôi cũng xuống ở bến tới,” tôi nói dối.
Tới đây thì hai bên có vẻ tạm hiểu nhau và cô ta ngồi xuống ghế còn tôi thì buộc phải rời toa tàu để minh chứng cho lời nói phét của mình. Chen chúc qua dòng người, tôi vừa kịp nhảy lên một toa khác, cách chỗ cũ vài toa. Người phụ nữ không-biết-có-phải-chửa-hay-không đã nhìn tôi lạ lẫm, nhưng cũng không bằng cái lườm quái gở khi cô ta nhìn thấy tôi cũng ra ở bến Kentish Town mười lăm phút sau đó.
Vừa bước ra hít thở khí trời, điện thoại của tôi ra hiệu có tin nhắn. Tin của Hugo. Gã xin lỗi vì đã nhỡ hẹn với tôi vì gã bận việc phải ra ra vào vào cả buổi chiều, (thế là hơi quá nhiều thông tin đối với tôi). Gã rất hài lòng với đoạn nhạc và khen rằng tôi đã sáng tác ra một tác phẩm “ngon đếch chịu được”. Cho dù bình thường thì tôi đánh giá Hugo là một kẻ dối trá và kém hiểu biết nhưng lần này thì tôi sẵn sàng coi đó là một ngoại lệ. Tôi chưa bao giờ tự tin rằng những mẩu nhạc ngắn tũn mà tôi viết là hay ho cả. Bất cứ lúc nào một tiết tấu hay xuất hiện trong đầu, tôi lại nghi ngờ rằng hẳn mình đã đạo nhạc ở đâu đó. Vì vậy, bất cứ lời khen nào cũng được tôi vồ lấy vồ để. Đáng tiếc là mẩu nhạc tôi viết cho Hugo cũng chỉ được dùng cho đoạn quảng cáo mà công ty của hắn đang cố ký kết. Nếu hãng quảng cáo quyết định không dùng công ty của Hugo thì tác phẩm của tôi cũng thành bỏ xó. Tôi đã biết trước thân phận cho tác phẩm của mình khi bắt tay vào làm, nhưng thôi thì cũng phải phủi tay làm cho nhanh để còn lấy tiền trả các loại hóa đơn và đồng thời cũng cho tôi vài ngày thảnh thơi trong cái ổ ấm áp mà tôi đã tạo dựng cho mình.
Tôi rẽ vào Bartholomew Close. Những thùng rác màu ghi to đùng, chắc chắn xếp dằng dặc trên phố, như những bức tượng ở Easter Island đang đợi chờ những người khách lạ. Bước đến số nhà 17, tôi tra chìa vào ổ khóa. Vừa mở cửa, tôi đã bị choáng bởi tiếng ồn ã và sự hỗn loạn.
“Bố về!” đứa con gái hai tuổi Millie của tôi hét toáng lên và chạy ra cửa ôm chầm lấy chân tôi. Có tiếng nhạc trẻ con phát ra từ đài và Alfie, con trai bé của tôi đang lúc lắc chân rất vui sướng trên tay của mẹ.
“Anh về sớm thế,” Catherine cười nói.
Tôi nhón chân tránh mấy cục đồ chơi bằng gỗ rải rác trên thảm, hôn chào vợ rồi đón lấy Alfie.
“Ừ, và em có đoán được không? Anh đã hoàn thành công việc và cuối tuần này không phải làm gì nữa.”
“Tuyệt,” Catherine nói. “Thế thì phải ăn mừng gấp đôi rồi. Bố có biết ai đi tè vào bô hôm nay không?”
“Thật á, Millie?”
Millie gật đầu lia lịa đầy tự hào, nhưng cũng không bằng mẹ nó đang đứng cạnh.
“Và con không són tí nào ra sàn, đúng không Millie? Còn giỏi hơn ông bố 32 tuổi của con đấy!”
Tôi chọc âu yếm vào bụng vợ. “Này, ghế lót toilet lúc nào cũng đặt xuống là không phải lỗi của anh đâu nhé!”
“Tất nhiên là lỗi của thằng ngốc nào đó đã lắp thế rồi,” nàng trả lời, ám chỉ đến cái buổi chiều mà tôi đã phải đánh vật gần ba tiếng đồng hồ chỉ để lắp cái phần ghế lót bằng gỗ sai chiều.
Millie hiển nhiên là phấn khích trước những lời khen ngợi nên cố tìm cách thu hút thêm sự chú ý. “Con vẽ con mèo này,” rồi xòe ra một đống giấy để tôi được dịp nghiên cứu kỹ lưỡng. Thật tình mà nói Millie vẽ như dở hơi. Để tạo hình con mèo, tiểu thư nhặt lấy bút sáp màu xanh rồi nguệch ngoạc vẽ đường lên đường xuống trên mặt giấy.
“Ôi, Millie, tranh đẹp quá. Con thật là thông minh.” Một ngày nào đó, Millie sẽ quay đầu lại và nói, “Đừng có mà nịnh bợ con nữa bố, cả hai chúng ta đều biết thừa rằng bức tranh đó thật vớ vẩn,” nhưng bây giờ thì nó có vẻ tin tôi. Tôi thích quay về nhà sau vài ngày vắng mặt; moi người đều hoan hỉ khi gặp lại tôi. Đó là sự trở về của một người hùng.
Catherine tranh thủ dọn dẹp phòng bếp trong khi tôi chơi với lũ trẻ. Tôi chơi trốn tìm với Millie. Trò này dễ ợt vì ba lần liên tục, Millie chỉ trốn ở sau rèm cửa. Sau đó tôi chọc cười Alfie bằng cách tung hứng nó cho đến khi Catherine quay lại để xem vì sao Alfie bỗng dưng lại khóc rống lên.
“Anh không biết,” tôi nói, cố không nhìn lên cái đèn chùm bằng sắt đang rung đi rung lại trên đầu vợ. Nàng đón lấy thằng con lè nhè, và đúng lúc đó, tôi thấy vợ trông có vẻ mệt mỏi nên nhận lấy việc dọn dẹp nốt. Tôi bước lên tầng, vừa đi vừa nhặt nhạnh mấy thứ đồ chơi vương vãi trên sàn. Tôi xả nước vào bồn tắm với xà phòng ngập đầy, tắt điện và thắp vài cây nến. Sau đó, tôi đặt cái đầu đĩa CD vào nhà tắm và bật bản Pastoral Symphony của Beethoven.
“Catherine, lên đây một chút được không,” tôi gọi với. Nàng bước lên và chiêm ngưỡng cái thiên đường mà tôi vừa tạo dựng.
“Để anh trông con, bật máy rửa bát và làm các việc khác cho. Em đi tắm đi. Anh sẽ mang lên cho em một ly rượu và em không được phép đi ra ngoài cho tới khi bản Khúc hát của người chăn cừu: Cảm xúc thảnh thơi sau cơn bão chấm dứt.”
Nàng ngả người vào tôi. “Ôi, Michael. Tại sao em lại may mắn thế này?”
“Ừ, thì em một mình trông con mấy ngày nay, chắc em cũng muốn có một phút thư thả?”
“Vâng, nhưng anh cũng làm việc vất vả rồi. Hẳn anh cũng muốn được nghỉ ngơi tí chút chứ?”
“Anh không làm việc cật lực như em,” tôi nói một cách thành thực. Sau vài cử chỉ từ chối miễn cưỡng, nàng bật lò sưởi rồi vặn tiếng nhạc to hẳn lên để át đi tiếng gọi đầy công phẫn “Mummy!” đã bắt đầu vọng lên từ dưới nhà bếp.
“Michael,” nàng vừa nói vừa hôn tôi lên má, “cám ơn anh, người chồng tốt nhất trên đời.”
Tôi cười nửa miệng. Khi vợ bạn đã nói như vậy, thật không nên nói cho nàng biết hết sự thật.
Nhận xét