Không gian hạnh phúc

Kiến tạo nên một không gian quần cư có chất lượng cao luôn là một ước muốn đặt ra khi con người chọn địa điểm sinh sống. Khi ở làng, người Việt muốn cái làng của mình:

Làng ta phong cảnh hữu tình

Dân cư giang khúc như hình con long

Khi ra phố, họ quan niệm “phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ” là đẹp. Những không gian ấy thể hiện khả năng tổ chức lối sống và gu sinh hoạt của người Việt.

Gần một thế kỷ trước, giữa vùng trù phú nhất của xứ Bắc Kỳ, một ngôi làng ven sông Nhuệ đã hình thành nên một trào lưu “nhà kiểu Tây”. Đó là làng Cự Đà thuộc huyện Thanh Oai, khi đó thuộc tỉnh Hà Đông, nay là địa phận Hà Nội. Mặc dù không phải là kết quả trực tiếp của sự cưỡng bức văn hóa, nhưng kiến trúc và quy hoạch cảnh quan của Cự Đà phản ánh sự ảnh hưởng của văn minh phương Tây thông qua kênh văn hóa Pháp, được sử dụng bằng thuật ngữ “tiếp biến văn hóa”. Cho đến giờ, mặc dù đã bị tàn tạ và thay đổi biến dạng nhiều, những dấu ấn còn lại của Cự Đà không chỉ nằm ở hình thức kiến trúc mà còn ở tinh thần ứng dụng của người Việt. Những ngôi nhà kiểu phố thị châu Âu ở vùng quê Bắc Bộ đã phần nào mang một vẻ đẹp nhập cuộc, đem lại những ấn tượng mỹ cảm cho dân cư.

hien-Tay-nha-xom-Hieu-De.jpg picture by nguyentruongquy

Thực tế, về mặt cơ cấu địa hình, bản thân làng Cự Đà không có nhiều nét khác biệt với các làng xóm xung quanh. Cự Đà điển hình cho cấu trúc làng ven sông quen thuộc của Việt Nam, với con đường huyết mạch bám theo dòng sông Nhuệ, cũng là đường giao thông thủy quan trọng của vùng Hà Đông xưa. Các công trình quan trọng nhất của một ngôi làng thường có, gồm đình, chùa, chợ, trụ sở hương thôn ở đây đều nhìn ra bờ sông. Ngôi làng gồm 8 xóm chạy theo hình xương cá, với những ngõ ăn từ đường bờ sông vào sâu độ hai ba trăm mét, cũng là một cấu trúc quá đỗi phổ biến. Dọc bờ sông có những bến nước để tiện cho thuyền bè cập bến chuyển hàng và người qua lại.

nha-oTuong-Dong-Nhan-Cat-1.jpg picture by nguyentruongquy

Điều làm nên dấu ấn của Cự Đà là sự đan xen có phần chật chội giữa những nếp nhà mái ngói truyền thống với những nhà “kiểu Tây”, cộng thêm sự giàu có và phong phú về chi tiết trang trí. Thẩm mỹ ở đây cũng là sự kết hợp rất nhịp nhàng giữa Đông và Tây, giữa những chạm trổ trên các vì kèo gỗ, những bức cốn hiên nhà với mặt tiền gờ phào cột kiểu Pháp. Điều kiện kinh tế khá giả đã giúp cho phần lớn các nhà cổ có được khả năng làm đẹp cầu kỳ, từ sàn gạch hoa năm màu nhập khẩu từ Pháp cho đến những chi tiết gốm sứ màu ốp mặt tiền. Nếu ta biết Cự Đà là một ngôi làng thuộc loại giàu có nhất xứ Bắc Kỳ, là làng đầu tiên ở xứ này có đèn điện vào năm 1926, rồi có cả đèn đường và cột đèn báo hiệu cho tàu bè sau đó, thì ta sẽ thấy khung cảnh kiến trúc của làng có gì đó nhang nhác với những phố buôn bán sầm uất Hàng Bông, Hàng Gai hay Hàng Đào ở Hà Nội. Nhiều người quê ở đây đã tỏ ra hơn thiên hạ ở chỗ sớm phát triển nghề buôn, có lúc trong số những nhà buôn có tiếng nhất Kẻ Chợ là dân Cự Đà, họ cũng lấy địa danh quê hương làm thương hiệu cho mình: Cự Nguyên, Cự Gianh, Cự Chân…

Cu-Chan.jpg picture by nguyentruongquy

Loanh quanh trong ngôi làng san sát nhà cửa, ngắm những chi tiết phản ánh một quá khứ vàng son hào hoa, người ta nghĩ về một thời người dân đã tự tổ chức với nhau thành làng xóm văn minh, như bây giờ ta gọi là xã hội hóa, biết khai thác những yếu tố thẩm mỹ ngoại lai để xếp đặt nên những đơn vị quần cư chất lượng. Mặc dù đến giờ chỉ còn 25 nhà kiểu Pháp và gần 100 nhà ngói đại khoa, phần lớn đã xuống cấp, nhưng chừng đó trên một diện tích nhỏ hẹp, người ta vẫn có thể nhận diện ra được một di sản. Những ngôi nhà Tây gây ấn tượng đặc biệt về những hoa văn đắp nổi, hoa sắt lan can và sự kết hợp Á-Âu rất trau chuốt. Những ngôi nhà mái ngói xếp lớp san sát nhau như khẳng định một tinh thần quy hoạch tự nhiên mà rất trật tự. Người ta thấy sự hài hòa và niềm kiêu hãnh trong việc tô điểm ngôi nhà của mỗi chủ nhân, từ chiếc cổng đắp câu đối dưới trán tường hình lá ô rô đến mái lầu cong điệu đà trước hiên, từ con cóc có lỗ đặt đèn trên lưng làm đèn hiệu bên bến sông đến chiếc vì vỏ cua chạm trổ hoa sen kỳ khu. Có thể nói không chỉ người Cự Đà mới có tiền, nhưng biết chơi và phô bày niềm hạnh phúc trong căn nhà đẹp của họ thì không phải đâu cũng có.

con-Coc.jpg picture by nguyentruongquy

Nếu so sánh với những nhà cửa hiện đại bây giờ, tiện nghi của những ngôi nhà này còn kém xa. Nhưng ở vào thời điểm làng xã Việt Nam vẫn bùn lầy nước đọng, mái tranh nghìn đời chiếm đa số, thì hình ảnh của Cự Đà thực sự gây thán phục. Dẫu cách bố trí không gian sinh hoạt còn chưa thoát được kiểu ba gian hai chái, khu phụ nằm riêng rẽ và không được chăm chút mấy so với tòa nhà chính, người ta vẫn thấy một ý tứ về quần thể xây dựng. Cho dù căn bệnh hình thức tô vẽ đẹp đẽ mặt tiền và gian giữa chứ không giải quyết triệt để công năng toàn nhà, ta vẫn thấy sự nhịp nhàng về vần luật kiến trúc và tinh thần nhà nối nhà tắt lửa tối đèn có nhau bao trùm lên. (Mà căn bệnh này thực tế ngày nay vẫn chưa giải quyết được!)

chu-thao-nha-oSinh.jpg picture by nguyentruongquy

Đến Cự Đà, người xem thán phục trước sự tinh tế và tài hoa của bàn tay những người thợ dựng nên những căn nhà thú vị như thế. Cho dù có thể đó là kết quả của làn sóng lính thợ trở về sau Thế chiến thứ nhất, hoặc ảnh hưởng của nhà phố Hà Nội khi Pháp tiến hành công cuộc quy hoạch lớn, thì ở một làng quê Bắc Bộ khi ấy hãy còn cách biệt với Hà Nội, người dân đã mau lẹ hưởng ứng. Cuộc “mưa Âu gió Á” này đã từng để lại dấu ấn đặc biệt trong ngôn ngữ, kiến trúc và văn hóa sống ảnh hưởng đến tận ngày nay. Vì lẽ đó, Cự Đà với hệ thống di sản kiến trúc của mình cũng cần có được một vị trí nổi bật hơn là cảnh tượng tàn tạ hiện thời. Những chủ nhân hiện tại của các ngôi nhà cổ Cự Đà phần nhiều là thế hệ sau, hoặc những người được cấp nhà sau khi chủ cũ đã rời đi sau năm 1954. Nhiều người vẫn có ý thức về giá trị của nơi cư trú của mình, nhưng do điều kiện kinh tế eo hẹp mà đành bất lực nhìn tòa ngang dãy dọc một thời xập xệ.

nha-ong-Thinh-1.jpg picture by nguyentruongquy

Tôi đã đưa bạn bè ba bốn lần đi thăm Cự Đà, mỗi lần đều khám phá thêm được một vài ngôi nhà cổ ở một ngóc ngách nào đấy. Ngôi làng bé nhỏ mà như một khối tinh thể rắn chắc, cứ bóc mãi thì vẫn còn những lớp trầm tích bên trong. Có điều sự tàn tạ và biến dạng công năng của những ngôi nhà này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc giữ gìn chúng. Cự Đà thực sự là một bảo tàng sống động về một giai đoạn giao thoa văn hóa mà nếu biết bảo tồn, sẽ là một điểm đến hấp dẫn ở nơi cách nội thành Hà Nội chưa đầy chục cây số. Cũng có thể là tôi ấn tượng về màu thời gian ngả lên những kiến trúc nơi đây, nhưng tinh thần tôn vinh không gian sống của mình một cách phục hưng như thế, thực không dễ tìm thấy ngày nay. Ngôi làng âm thầm thay đổi như những hạt tinh thể muối tan dần, cũng là một bi kịch trước thời gian của chúng ta.

nha-Cu-Da-2.jpg picture by nguyentruongquy

Tác giả Alain de Botton đã lấy từ ý niệm “cái đẹp là sự hứa hẹn cho niềm hạnh phúc” của Stendhal để viết trong cuốn “The Architecture of Happiness” rằng con người từ xưa đến giờ vẫn luôn cần và khao khát cảm hứng từ vẻ đẹp của công trình kiến trúc. Cự Đà dường như chính là chỉ dấu hạnh phúc một thời, thứ hạnh phúc đã từng bị bỏ quên ở đây mà nay trỗi dậy ở những miền quê giàu mới khác.

Nguyễn Trương Quý

(Bài đăng Tạp chí Hồn Việt)

Nhận xét

Titi đã nói…
Nhìn những ngôi nhà cổ bị cuộc sống lúi xùi vùi dập thương quá Q ơi :-(
Nguyễn Trương Quý đã nói…
Lứa ngoài 30 bọn mình là khổ nhất, vì cứ mãi thương những cái vẻ đẹp này chị ạ. Bọn 9x, 2Kx không khổ vì không vướng bận nữa...

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm