Sẹo Facebook
1. Hôm qua thầy giáo cũ của tôi chính thức kết bạn với tôi trên
Facebook. Hai mươi năm trước, ai mà tưởng tượng nổi có ngày chúng tôi sẽ bình
luận một cách “dân chủ” về những vấn đề đời thường hay văn chương như bây giờ. Quả
thực, mạng xã hội đã làm phẳng các mối quan hệ thứ bậc. Nhưng từ mức độ “phẳng
hóa” đơn thuần đó đến mức độ các thành viên của mạng đánh đồng tâm lý của người
khác theo một kiểu áp đặt lại quá dễ dàng. Không ít hơn chục lần tôi thấy bạn
bè mình giật câu than thở là phải ngồi dọn danh sách bạn Facebook và hủy mối
quan hệ bạn bè ảo đó khi không tài nào nhớ nổi một người xa lạ kia đã làm quen
mình vì lẽ gì và “tại sao cô ả/gã này lại chễm chệ trên tường Facebook nhà
mình, phán những câu ngu xuẩn chẳng liên quan?”
Chưa hết. Nhiều người đã dọa dẫm, cãi cọ và tức tối với
những bình luận có khi là bông đùa thiếu tế nhị, có khi là sự nóng lạnh không
kiểm soát được trong tâm lý thường nhật, khi trạng thái trên Facebook càng lúc
càng nhất quán với đời thực. Facebook và các trang mạng xã hội sẽ là tuyệt vời
khi ta được thỏa mãn nhu cầu được chia sẻ, nhưng cũng là thảm họa khi ta bực
dọc với sự vô tình của nó. Chắc cũng có lần bạn đăng một bức ảnh đẹp hay một
ghi chép công phu lên Facebook nhưng chỉ nhận được rất ít lời bình luận và cú
“like”, trong khi một dòng trạng thái cảm thán nhạt nhẽo của kẻ khác lại đắt khách
như tôm tươi. Bạn thấy mình như bị rơi vào bẫy vậy.
2. Không phải đến giờ chúng ta mới biết điều đó, mà ngay từ khi
Facebook bắt đầu có ảnh hưởng, truyền thông đã có nhiều cảnh báo về sự ảnh
hưởng của chứng nghiện Facebook, sau khi đã có bài học của các mạng Yahoo 360!,
Twitter, v.v… Nhưng sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số, duyệt internet nhanh
hơn nhờ các dụng cụ truy cập cầm tay, đã khiến chứng nghiện Facebook nối đuôi
các chứng nghiện cổ điển như rượu chè, cờ bạc, và đã kịp cạnh tranh với chứng
nghiện cũng tân thời là video game. Nhà nghiên cứu người Na-uy Cecilie Schou
Andreassen đã chỉ ra, mặc dù Facebook không phải là hóa chất như rượu hay ma
túy, nhưng người dùng của nó hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn của các
chứng nghiện kia.
Cũng chính vì không có thực thể vật chất nên điều đáng buồn
là chúng ta chưa có cách nào chế ngự chứng nghiện này, trong khi chờ đợi sự suy
thoái của công nghệ mạng xã hội và trông mong sự hạ nhiệt của chính mình. Chúng
ta đã biết những tác hại từ những chuyện như vợ chồng lục đục vì vô tình thổ lộ
cảm xúc riêng tư, hay chuyện hội chứng “hội đồng” khi có một tin chưa được kiểm
chứng tung ra và lan truyền chóng mặt trên mạng. Nhưng rồi cái khả năng gây ảo
tưởng ai nấy đều có thể chế tạo hiện thực một cách “sạch sẽ” khiến ta không
ngại gì mà không nhảy vào can dự như khán giả của các chương trình truyền hình
thực tế.
3. Facebook không còn là câu chuyện nghiện của giới trẻ như có
thể thấy ở video game, mà là chuyện của mọi lứa tuổi biết đọc biết viết. Tỉ lệ
54% số người dùng Facebook toàn cầu trên 25 tuổi và 28% trên 35 tuổi cho thấy
khách hàng của Mark Zuckerberg không còn là đồng niên hay sinh viên như thời
anh ta học ở Harvard nữa. Nhân vật trẻ tuổi xuất chúng này thực ra đã nắm được
cái thóp của con người thời công nghệ số là sự cô đơn của họ. Bộ phim The Social Network (Mạng xã hội) làm về
người sáng lập ra Facebook đã chỉ ra sự cô độc và dị biệt trong hành xử của
chính anh này, một cá nhân lạnh lẽo và khắc nghiệt với bạn bè ngoài đời.
Và đến lượt chính chúng ta, những người trước đây vẫn kết
nối với nhau bằng những phương thức giao tiếp ngoài đời, đã lũ lượt rủ nhau tái
lập sự kết nối ấy trên mạng. Nó khiến chúng ta trở thành những kẻ có vẻ như là
vui đâu chầu đấy, khóc rồi cười ngay, hệt như người bị “thuốc”. Trong khi thực
tế chúng ta không hoàn toàn cô đơn, không thực sự thiếu kết nối ở đời thực.
Chúng ta bị hấp dẫn trước cái gọi là tính thời thượng của công nghệ. Nó gây ảo
tưởng chúng ta chạy bằng tốc độ của thế giới văn minh một cực. Nó độc tài đến
mức như nhà báo Thomas L. Friedman đã viết, “trừ khi bạn thoát khỏi Facebook và
gặp mặt ai đó, bạn thật sự không hoạt động gì hết.”
4. Nhưng vấn đề ở đây là, nếu không phải Facebook thì sao?
Chúng ta còn nhớ cơn sốt blog 360 của Yahoo mới vài năm trước đấy thôi, chúng
ta cũng tốn cả vài tiếng mỗi ngày ngụp lặn trong cái mạng xã hội hãy còn “thô
sơ” đó – kỳ thực hôm nay chúng ta đang lặp lại với cấp độ bị chi phối nặng hơn.
Facebook chỉ là một trong những ứng dụng trong rất nhiều ứng dụng mặc định đã
cài đặt sẵn trong điện thoại, Ipad, chúng ta chẳng phải là nhắn tin nhoay nhoáy,
mấy ngón tay lướt lướt đầy háo hức dưới gầm bàn những cuộc họp đó sao. Chúng ta
hủy hoại những cuộc gặp gỡ khi cả ta lẫn đối tác chốc chốc dí ngón tay check
xem có gì mới, bỏ rơi ngay cái người đang ngồi gần gũi trước mặt kia.
Nhưng cũng chính sự độc tài của công nghệ, theo các nhà
nghiên cứu như Andreassen, cũng là dấu hiệu chỉ ra rằng Facebook cũng sẽ bị
thay thế bởi những ứng dụng khác. Một thập niên trước, các ứng dụng của Yahoo
làm mưa làm gió, và giờ ứng dụng blog 360 của hãng này đã chính thức chấm dứt
hoạt động, trong khi Facebook lên tới 1 tỷ người dùng. Facebook chắc rồi cũng
như loài khủng long, sẽ tuyệt chủng vì quá cỡ? Điều đó nghe quá ư xa xôi nhưng
có vẻ hứa hẹn, song chắc chắn là chúng ta chưa hề chuẩn bị gì cho sự lụi tàn
của nó. Rồi chúng ta sẽ vội vã gia nhập một cộng đồng mới. Facebook và các mạng
xã hội đã làm sẹo vĩnh viễn trong đầu chúng ta.
Nguyễn Trương Quý
(Tuổi Trẻ cuối tuần 6-1-2013)
Nhận xét