Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương


"Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương" là tập truyện của những trải nghiệm độc đáo, lạ lùng cùng những phận giang hồ và hảo hán gác kiếm. Với giọng văn và lối viết rất riêng, tác giả Nguyễn Trí đem lại cho độc giả chất Nam Bộ “không lạ mà lạ” của lời ăn tiếng nói thông thường. Nguyễn Trí dường như thừa kế mạch văn của Sơn Nam, có chút kỳ bí xa xưa hơn của truyện đường rừng Thế Lữ, Thanh Tịnh. Những câu chuyện thô phác nhưng kỳ thực lại rất có ý thức về chữ, những con chữ cứ tự nhiên xô đẩy mà dậy gắt lên xung đột mạnh mẽ.

Ngay cuộc đời của người viết cũng đã là một câu chuyện ly kỳ. Tác giả ở độ quá tuổi năm mươi, quê gốc Quảng Bình, sinh ra ở Bình Định, phiêu bạt từ Huế lên Tây Nguyên, vào Sài Gòn, hiện định cư ở Đồng Nai. Ông trải qua nhiều nghề như đi tìm trầm, đào đãi vàng, tìm đá quý, chặt củi đốt than, dạy tiếng Anh… rồi bây giờ làm thợ ở Đồng Nai để nuôi hai cháu nội.

Chính chất liệu cuộc sống của một con người làm đủ nghề đó đã là thế mạnh để Nguyễn Trí dựng nên những nhân vật giang hồ khét tiếng nơi rừng sâu ma thiêng nước độc, ham vàng mà nợ ngãi, cho đến những số phận công nhân hay gái làng chơi dựa vào nhau để tìm chút hạnh phúc tạm bợ. Người đọc bị hút vào mê hồn trận của những mánh lới, những quy tắc dị thường của dân đào vàng hay đao búa phố thị, vắt từ thời chiến tranh cho đến thời kỳ nườm nượp người tứ xứ đổ về các khu công nghiệp miền Đông Nam Bộ kiếm ăn bây giờ.

Nhà văn Hồ Anh Thái đã nhận xét: “Chùm truyện Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương thực sự là nếm trải của người trong cuộc. Văn chương tưng tửng, tung tẩy đối đáp giữa nhân vật với nhân vật, giữa nhân vật với người đọc, giữa người viết với người đọc. Không cần rạch ròi phân định, bởi sự chồng mờ, chèn lấn tạo nên nhiều sắc độ hơn và mở rộng liên tưởng hơn. Nguyễn Trí đưa người đọc đi qua những cuộc đối thoại ấy, rồi cắt nghĩa từng khái niệm, cắt nghĩa từng hành vi và tâm trạng của dân giang hồ...”

Bìa: Kim Duẩn.
352 trang, giá 85.000VND.


Nguyễn Trí tự giới thiệu mình như sau:
Sinh năm 1956 tại Bình Định.
Nguyên quán Quảng Bình.
Từng qua các nghề: đãi vàng, đá quý, khai thác trầm hương, chặt củi đốt than, nấu đường lậu, cưa kéo, v.v. Dạy Anh văn hợp đồng được bảy năm, làm đồ tể chừng đó năm nữa, nghĩa là vừa dạy học vừa làm đồ tể.
Sau đó lên TP. HCM chạy ôm ở bến Bạch Đằng vài năm.
Về Đồng Nai làm công nhân đến tháng 12-2012, thì nghỉ việc vì có tuổi. Đang ở nhà “kẻ chân mày cho vợ”.

“Bãi nào Thành cũng có một tình nương.
Tình của Thành, thường là một đèm đẹp bị bi kịch. Chồng bỏ. Tình phụ. Có tí vốn liếng lên bãi mở quán bán cơm. Loại quán nầy rất dễ bị giang hồ quậy quọ. Đàn anh đến chơi chủ chẳng dám tính tiền. Nhờ bảo kê có mà chết sớm. Đã chung chi, ưng lên nó đòi ngủ với bà chủ là khốn. Đành chấp nhận, ai có xỉn đòi phá thì lạy lục van xin, cần thì quỳ gối. Chọn một thằng để gửi thân ư? Biết thằng nào? Như chồng cũ, như tình xưa thì bỏ mẹ cả đời, em dang dở rồi nên thận trọng cũng phải thôi. Thành đến những quán như vậy, suy tư và yên lặng ngắm nhìn đèm đẹp.” – Trích Bãi vàng.

"Minh Hai tuy không to nhưng cao ráo, tướng tá nhìn cũng thích. Dân chơi xà đơn nên ngực nở, xô bành như mang rắn hổ. Trào cũ Minh không bay xe rác, không tổ chức làm bậy kiểu Lục Đen. Minh hành nghề dẫn khứa cho gái. Anh viễn chinh nào cần người đẹp để quên buồn xa xứ là có Minh. Mười tám, có lẽ nghĩ cái nghề mình làm chả ra ôn gì, Minh vào Biệt động quân, nằm trong biệt đội Bóng ma biên giới, núi rừng Ban Mê Thuột lạnh quá, Minh đào ngũ. Không xiết với truy quét của cảnh sát và quân cảnh, Minh vào bộ binh. Năm bảy hai đơn vị báo mất tích, điều nầy có thể hiểu là chết nhưng không lấy được xác, gia đình được làm thủ tục nhận trợ cấp tử tuất. Sau đó Minh lù lù về, ngay lập tức bàn thờ dẹp… Với tư cách người về từ cõi chết. Minh la cà ở tất cả các quán, nói về cuộc đào thoát ngoạn mục mà mình trải qua. Kể rằng bị phía bên kia bắt, với mưu trí hơn người Minh đã cho quý ông một vố lừa, cùng hai người bạn băng rừng lội suối, may mà có tí võ nghệ, nếu không đã bỏ xác lại rừng xanh. Dân Thạnh Phú tin lắm, thổi thêm nhờ giỏi võ nên Minh đã bại cả toán lính thiện chiến của phía bên kia… Ở nhà đấu láo được thời gian, buồn quá Minh gia nhập Địa phương quân. Giải phóng xong khi ra trình diện chính quyền mới, Minh được vô đội du kích thị trấn làm trật tự, cũng có khẩu súng, nhưng không đạn, đeo chơi lấy lệ, thêm cái loa phát kiểu ấp chiến lược. Minh đi hết các vùng trong thị trấn alô alô đề nghị các anh em trong… ra trình diện… ai có vũ khí… vân vân. Chuyện võ nghệ thì chả ai rõ, nhưng chắc có. Giỏi dở ư? Chắc là giỏi rồi, nhìn Minh kéo xà đơn quay như chong chóng, liệu hồn đấy đừng có mà đụng vào. Có người còn nói:
- Thằng Minh kể hồi bị bộ đội bắt, nó làm đệ tử một tay lính đặc công, bao nhiêu ngón chân truyền nó học hết, tụi mày biết đó đặc công cánh mạng xuất quỷ nhập thần, họ ra đòn ma không biết quỷ không hay, không khéo thằng Ngọc ao chuyến đò nầy.
- Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Hãy đợi đấy.
Nhưng diễn tiến trận đấu nhanh như sao đổi ngôi. Chỉ một đòn cản, gót chân Ngọc Liên Thành quất một phát trí mạng vào giữa trán Minh Hai. Đầu đập ra sau đánh bộp một tiếng tưởng như vỡ sọ. Hiếu kì hết hồn vía, mấy đứa nhát gan đâm đầu bỏ chạy vì sợ liên lụy… Để đi đến trận đấu, cả nhóm phải rồng rắn lên mây từ nhà Liên Thành đến nhà thờ Thánh. Đường đến ngang qua Ủy ban nhân dân thị trấn. Mấy tay du kích đang ôm súng đứng gác cũng tò mò đi theo coi chơi. Sao không ngăn chặn mà theo coi? Chả là, mới thống nhất, ở rừng về, cán bộ chủ chốt còn thiếu trước hụt sau, nói chi đến những khâu không quan trọng mấy. Vậy nên những thành phần cỡ Minh Hai, Sơn ngọng, mới được ôm súng tạm làm nhiệm vụ trị an. Cả thằng Bào du thủ du thực một thời cũng cho vô du kích - chính Bào đốc khứa mạnh nhất cho trận đấu hình thành."
(trích Ngọc Liên Thành).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm