Khi nhà báo kể phận mình

(Bài đăng báo Thời Nay số thứ Hai, 24.6.2013)

Mặc dù có duyên với các giải thưởng văn học, nhưng Thùy Dương vẫn chưa có vẻ đứng vào số những cây bút ăn khách. Nếu ở một giai đoạn khác, thì hẳn tình hình đã khác. Cũng lối viết ấy, hơi cổ điển, nhiều chiêm nghiệm nữ tính, ở vào lúc mở báo ra gặp cây bút nữ, thì chắc Thùy Dương sẽ may mắn hơn. Tiểu thuyết mới nhất của chị, Chân trần, tuy vậy có thể lại không cần đến “phong trào âm thịnh” đó. Nó có phẩm chất độc lập của một tiểu thuyết chắc tay. Nó thoát thai từ sở trường báo chí của một nhà báo (Thùy Dương là Phó Tổng biên tập báo Diễn đàn doanh nghiệp, một tờ báo không mấy liên quan đến văn chương), nên lẽ tự nhiên là nhân vật chính làm báo, và chất liệu đời sống làng báo thời gian qua cũng có chỗ trong tác phẩm.


Nhưng tác phẩm không dừng ở mức độ đó. Cùng với người đàn bà của thời hiện đại, trong công việc cũng có vẻ hiện đại là làm báo, là một người đàn bà vợ Ba của một ông đốc tờ Tây học những năm bốn mươi. Hai người chỉ có một mối dây liên lạc máu mủ rất xa xôi nhưng gần cận về đường dây tâm linh. Nhà báo nữ hay mơ những giấc mơ về người vợ lẽ kia, hay đúng hơn là tái hiện lại trong tiềm thức cả một chiều dài lịch sử thăng trầm của dòng họ. Kết nối với chuyện ân oán đời xưa, chuyện thời thế can qua, chuyện cải tạo tư sản, chuyện thời bao cấp ly loạn, là chuyện con người nháo nhào tranh đoạt cái lợi thời nay bằng mọi giá, từ đấu đá cơ quan, chạy chức quyền đến những dục vọng trồi lên không chút ngượng ngập.


Cuốn tiểu thuyết kể bằng nhiều giọng từ hai vai, đan xen liên tục, có bóng dáng của những cuốn tiểu thuyết dòng tộc kinh điển. Từ cuộc sống gia đình vừa phức tạp vừa hài hước của ông đốc tờ có năm bà vợ ở một tỉnh lỵ, trải qua dâu bể, còn lại mỗi người vợ Ba quán xuyến tất cả, như nơi neo giữ linh hồn của ngôi nhà, đến sự trần trụi của quan hệ họ mạc thời nay bị chi phối bởi đồng tiền. Song song đó là cuộc sống của giới viên chức văn phòng cũng được khắc họa sinh động.

Bằng ý thức của một người viết nữ đầy kinh nghiệm, tiểu thuyết Chân trần vừa gọn gàng, vừa hằn sâu cái nhìn về thân phận con người, bật lên những niềm khao khát vô hình mà tác giả ẩn sau những dòng văn giản dị. Mặc dù phần mở đầu mạch truyện khá rối rắm (có lẽ là chủ ý, nhưng cũng có lẽ là dụng công đồng hiện chưa được làm chủ hoàn toàn), càng về sau, diễn tiến câu chuyện càng cuốn hút. Nếu như tuyến cuộc sống đương thời chưa thật sự tinh tế lắm, hãy còn nhiều dấu vết thời sự và bàn luận nặng tính thông tấn, thì tuyến câu chuyện thời xưa và dòng tâm lý nhiều nhục cảm len lỏi đã có chất men của chúng. Đọc Chân trần, đôi chỗ thấy khá đau đớn khi viết về sự bất lực của người làm báo trước rất nhiều chuyện tồi tệ trong cuộc đời, những điều làm băng hoại các giá trị nhân văn mà tiếc thay, những trang báo tuyên chiến với những cái xấu ấy không phải lúc nào cũng ở thế thắng.


* Chân trần, tiểu thuyết của Thùy Dương, NXB Trẻ, 2013. Bìa và minh họa của Kim Duẩn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm