Mặt đất và cao xanh
Đã có người hỏi tôi, in sách có dễ không? Câu trả lời
đương nhiên là vừa dễ vừa khó kèm theo tiếng thở dài của kẻ biên tập. Ở tư cách
biên tập viên, thao tác với sách là “làm”, nhiều phần mệt mỏi và dài dòng, lặp
đi lặp lại các công đoạn. Nhưng nhìn từ số đông người đọc (có đông thật không?)
thì việc số lượng sách in ra gần đây thật phong phú và sôi động. Nó rõ ràng là
một hiện thực tốt cho ngành xuất bản, và rộng ra cho cả xã hội đang dưới vòng ảnh
hưởng lấn lướt của truyền thông số, bao gồm mạng và truyền hình. Dĩ nhiên, trên
mạng cũng có sách điện tử, nhưng sách điện tử vẫn là một phiên bản muộn của các
ấn phẩm.
Không biết được số phận sách in có giống máy ảnh
phim trong tương lai không, nhưng hiện tại danh hiệu nhà văn có vẻ vẫn hấp dẫn
hơn nhiều so với nghệ sĩ nhiếp ảnh. Có điều sự dễ dàng của việc xuất bản các
trang viết từ mạng cũng tương tự khả năng quá tiện lợi của các máy điện thoại
thông minh trong việc “sáng tác ảnh”. Người ta dùng iPhone chụp ảnh bất cứ đâu
và mọi thứ, bằng vài thủ thuật chỉnh sửa là có những bức ảnh đẹp mắt mang vẻ
“nghệ thuật”. Văn chương hạ giới chưa đến mức rẻ như bèo như lời than của Tản Đà gần một thế kỷ trước nhưng nó đã
phải đương đầu với sự Pop hóa. Nó không còn là tháp ngà hay đền thiêng nào đó nữa,
nó đã giống một cái siêu thị. Trên quầy kệ, sách kinh điển gối đầu giường phải
chen vai thích cánh với sách bán chạy đọc một lần rồi bỏ. Ai chạnh lòng ở đây
nhỉ?
Tác
giả cũng là brand-name
Hiện tượng quá nửa Top 10 sách bán chạy Hội sách
TPHCM lần 8 – Hội sách lớn nhất Việt Nam diễn ra 2 năm một lần – thuộc dòng
sách của các tác giả trẻ của dòng sách lãng mạn cho tuổi mới lớn, mà họ hiện diện
tại hội sách như những ngôi sao Pop, ít nhiều gây tranh luận. Mà thực ra, mấy
cái tên như Iris Cao hay Hamlet Trương cũng là ca sĩ nhạc trẻ hay hot girl, hot
boy nhảy sang viết sách. Hiện tượng này thực ra chẳng mới. Vài năm trước, những
hot girl như Gào hoặc ca sĩ như Lê Kiều Như cũng gây bão truyền thông với vài
cuốn sách mang hơi hướng tự truyện. Thật khó mà kể lại nội dung những cuốn sách
đó hoặc nhận diện bút pháp văn chương của chúng, mà chỉ đọng lại những cái tên
được truyền thông nói đến. Tham vọng của họ cũng không phô bày nhiều ở các khía
cạnh chữ nghĩa, mà rất cụ thể: muốn làm một ngôi sao của công chúng.
Các nhà sách khôn ngoan biết khai thác hướng này
cũng có những thành công về thương mại. Có thể kể bài học trước đây của công ty
Domino với Chuyện tình New York đã
đưa tác giả Hà Kin thành một gương mặt sáng của dòng chick-lit. Hot girl Gào với
số lượng bản in đáng kể cũng có sức hút về doanh thu. Một bên là câu chuyện li
kì, có diễn tiến cổ điển của các sách văn học cho giới nữ với “niềm vui và nước
mắt”, mang dáng vẻ hiện đại và bối cảnh nước Mỹ hấp dẫn, một bên là những câu
chuyện tự sự của cô gái nổi loạn, rối rắm trong những dục vọng đàn-bà-vẫn-còn-trẻ-con,
đều có người hâm mộ đông như nhau. Nói chung nếu không phải là bối cảnh nước
ngoài, du học như một thành phố lớn New York hay đại học Oxford thì bút danh
cũng phải nửa Tây nửa Ta. Hoặc tên sách phải thấp thoáng vị ngôn tình ảnh hưởng
dòng văn trẻ Trung Quốc hay phim Hàn Quốc – dài như một câu châm ngôn hay lời
yêu đương đường mật, có chút than thở: Anh
sẽ cưới em lần nữa, Thương nhau để đó, Buồn làm sao buông, Người yêu cũ có người
yêu mới… Luôn luôn phải có những động từ liên quan đến quan hệ tình cảm:
thương, yêu, buồn, đợi…
Hãy nhìn hình ảnh tác giả trẻ Anh Khang xuất hiện ở
các buổi giao lưu ký tặng sách. Anh có khuôn mặt điển trai kiểu babyface, làn
da trăng trắng, răng đều, tóc vuốt keo, đeo kính gọng dày màu chói tương hợp quần
áo màu phấn pastel… Cách cười nói cũng cởi mở vừa phải và có chút kín đáo như
giấu gì đó, nghĩa là phải khó nắm bắt, từng trải mà vẫn ngây thơ như những nhân
vật trên phim truyền hình Hàn Quốc.
Hình ảnh đấy không phải mới. Cùng thời gian qua,
Nguyễn Nhật Ánh cũng có các buổi giao lưu thu hút hàng nghìn bạn đọc đến xin chữ
ký. Anh là một nhà văn có sức bền đáng kinh ngạc với tần suất mỗi năm ít nhất một
đầu sách ra đời, và cuốn nào cũng bán tốt. Về vị trí số một của người viết cho
thiếu nhi trong nước hiện giờ không ai tranh được với Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm
của anh được cả bạn đọc đông đảo lẫn giới văn chương đánh giá cao, nhưng chính
con người anh khi xuất hiện trước công chúng cũng là một cậu bé trong dáng vẻ
người đàn ông thư sinh: luôn mặc áo kẻ carô, đeo kính cận, và nhất là luôn nở nụ
cười dễ mến. Dáng vẻ này nhất quán với các nhân vật lạc quan và dễ thương trong
các tác phẩm của anh. Đôi khi sức hút của tác giả cũng đến từ những khía cạnh
cá nhân con người của họ như vậy. Nguyễn Việt Hà luôn mang theo bút máy Parker
để viết, và mãi gần đây mới dùng máy tính để gõ lại các sáng tác viết tay -
cũng là một câu chuyện nhận diện mà các độc giả đinh ninh.
Chường
mặt: Sự cám dỗ nhiều mặc cảm
Có phải tác giả nào cũng thích giao lưu không? Danh
tiếng và sự hâm mộ là một thứ khiến tác giả có động lực xuất hiện trước công
chúng, nhưng là thứ mà không phải nhà văn nghiêm túc đeo đuổi văn chương nào
cũng dám đánh cược. Để những buổi giao lưu thành công, cần rất nhiều khâu tác động.
Có nhiều cấp độ giao lưu. Thường các hội sách đều có dăm bảy cuộc giao lưu để
“tạo chiều sâu”, đơn giản thì ra mắt tác phẩm mới, cầu kỳ thì tọa đàm về giá trị
nội dung hay văn chương của sách, sang trọng thì có các sao showbiz hay lãnh đạo
ngành, lãnh đạo địa phương hoặc giới phê bình đến cho vài lời nhận xét. Cũng có
kiểu đơn giản vô cùng là bày một cái bàn ra, tác giả đợi bạn đọc đến xin chữ
ký, và ăn khách thì sẽ có hàng dài khách đứng đợi, sau đấy là chụp ảnh kỷ niệm.
Bất cứ ai muốn ký tặng cũng được, bên cạnh các buổi
đăng ký đủ lệ bộ với ban tổ chức thì nhiều khi đơn giản như hẹn một nhóm người
hâm mộ hoặc bạn bè trên mạng, ngày đó giờ đó nhà văn X sẽ có buổi ký tặng ở Hội
sách. Ở VN lâu nay quen với những buổi giao lưu rầm rộ, nên các tác giả cũng
chưa có vẻ thích nghi với những buổi có vẻ sơ sài. Lắm khi tác giả thuộc lứa
người cũ, bạn đọc cùng tầm tuổi thì đã chậm chạp, bọn trẻ thạo truyền thông mạng
lại không đọc họ, rút cục buổi ký tặng rất êm ả như văn của khổ chủ.
Không phải nhà văn nào cũng thích giao lưu, và có
giao lưu rồi mới biết là rơi vào tình thế no-win. Trước khi diễn ra sự kiện, nếu
may nhờ nhà xuất bản giỏi truyền thông mời mọc khắp nơi, số người đăng ký dự nhộn
nhịp, khiến tác giả cũng tự trấn an rằng sự xuất hiện của mình là hợp lý. Ngay
với các tác giả ăn khách, nhà xuất bản vẫn hồi hộp đến phút chót: bao nhiêu nhà
báo trong danh sách xuất hiện, sao đã quá 1 tiếng rồi mà cô Y ở báo T chưa đến?
Sắp hết người xếp hàng rồi à, gọi ngay con em bà bạn làm giáo viên văn cấp 3 điều
động cả lớp đến. Sếp lớn chắp tay sau đít, lừ lừ đi đi lại lại, hoặc hỉ hả vui
mừng hoặc gườm gườm nhìn thằng/con phụ trách truyền thông. Tác giả vặn vẹo người,
mỏi tay quá. Lập tức sếp lớn sếp bé lao đến, nào nước suối, nào cà phê, nào
bánh ngọt tea-break, xin phép các bạn đọc cho tác giả giải lao tí chút. May mà
được thế.
Còn lại thì cuộc giao lưu đa phần sượng sùng, tác giả
ngồi vêu mặt cùng MC trên salon sau một cái bàn, cố gắng nghĩ những câu hỏi
liên quan đến tác phẩm và cố gắng lái cử tọa vào tấn công nhân vật chính. Khổ nỗi
các cú ném không mấy đủ mạnh, có lẽ vì văn của ông/bà nhà văn chưa đủ dồn các bạn
đọc đến chân tường. Ừ thì cái từ "hit" là best-seller, bán chạy, khi ở
thể động từ thì cũng là "đâm chém, tấn công" mà. Các nhà văn tựa như
những võ sĩ hạng ruồi, ngồi chán nản muốn ù chạy ra khỏi khung cảnh này mà tự
do làm gì đó. Hoặc muốn tự tử ngay lập tức khi biết văn mình chẳng gây được cú
hích nào, hoặc lẩm nhẩm kiêu hãnh, ta viết cho ta thôi. Lần này là lần chót.
Ngôi
đền vắng vẻ
Sách được làm nóng bằng truyền thông, bằng các màn
giao lưu là vậy, nhưng các tác giả đeo đuổi văn chương vẫn mong đợi những bài
điểm sách trên những trang báo hay các trang review uy tín. Bởi vì trong mỗi
nhà văn, vẫn thấp thỏm một câu hỏi về giá trị của công việc họ đang đeo đuổi:
viết thế nào, viết cho ai, viết để làm gì. Để thỏa mãn chính mình thì rõ rồi,
nhưng còn đó một thế giới lúc nào cũng đầy thứ để viết và khổ nỗi, đã có bao
người viết.
Chẳng đơn giản để những nhà điểm sách chuyên nghiệp
có thời gian đọc hết ngần ấy sách in ra, và đôi khi phải có cơ duyên thì mắt của
họ mới có màu xanh chứ không trắng dã trước các tác phẩm. Có những cái khó là
đôi khi kẻ điểm sách thẳng cánh phang một cuốn sách, như thế đã đành, mà có lúc
viết như thể buông một tiếng thở dài, viết để trả nợ bạn bè, mà rồi người ta đọc
xong cũng chẳng biết là nên mua sách hay không. Người điểm sách nếu khen mạnh
thì cũng phải có cái phao nào đấy, nhỡ tác giả tịt đường viết sau đấy thì hố,
hoặc mang tiếng tâng bốc quá mức. Nhưng như thế còn hơn thời xưa, bài phê bình
sau khi khen xoa đầu cũng phải thòng đôi câu chê thiếu tính Đảng hay tính giáo
dục.
Không bàn tới các bài điểm sách trích lại từ thông
cáo báo chí do các nhà xuất bản hay nhà sách tung ra, mà nhiều khi cũng loằng
ngoằng câu chữ quá mức duyên dáng và phức tạp, thì điểm một cuốn sách cũng phụ
thuộc độ hấp dẫn của nó. Người đọc Hà Nội có thể khắt khe hơn, nhưng thái độ của
người đọc Sài Gòn ảnh hưởng mạnh hơn đến doanh thu sách. Vì thế, người điểm
sách thuộc vùng văn hóa nào cũng quyết định đến số phận cuốn sách ít nhiều, vì
rõ ràng anh ta đang nhắm đến đám người đọc trong vùng ấy. Khi báo Văn Nghệ Trẻ
chấm dứt bản in để chuyển sang online và báo Văn Nghệ có tirage chỉ vài nghìn bản
và chưa lên mạng, thì đất điểm sách trên báo giấy quá hẻo, ngoại trừ báo Tuổi
Trẻ vẫn cố gắng duy trì công việc nhọc nhằn này. Tờ Sài Gòn Tiếp thị vốn ưu ái
điểm sách cao cấp cũng đã chấm dứt phiên bản truyền thống, nhường sân cho các
báo mạng và vài blog điểm sách quen biết. Ưu điểm là chúng sẵn, thoải mái và
mang đậm tính cá nhân như cách viết của blog. Nhược điểm cũng chính là tính cá
nhân của chúng, thường phụ thuộc gu của blogger – vốn cũng dễ sa vào nâng lên
hay dìm xuống sách của tùy đối tượng.
Các salon văn hóa kết hợp với các trung tâm văn hóa
nước ngoài, hay một vài quán cà phê sách cũng cố gắng lấp khoảng trống đó bằng
các buổi nói chuyện chuyên đề. Quy mô mỗi buổi trên dưới 50 người dự đã nói lên
sự hạn chế của chúng xét về sức phổ biến.
Thế còn các buổi đông nghịt người hâm mộ đến dự kia?
Chẳng phải là Chuyện tình New York đã
vô cùng đình đám hay Sợi xích của ca
sĩ Lê Kiều Như có hẳn buổi ra mắt linh đình với khách mời toàn nhân vật showbiz
đó sao? Sau cuốn tiểu thuyết đầu tay nguồn gốc từ các phần đăng trên mạng, Hà
Kin cũng in đôi cuốn sách nữa, nhưng không thành công như mong đợi. Ngay cả việc
cô tham gia truyền thông cũng không tiếp nối được việc biến cô thành ngôi sao.
Còn cuốn tiểu thuyết mang cái áo “tình dục” của Lê Kiều Như gặp vô số rắc rối
khi bị ngưng phát hành và sự nghiệp ca hát của cô hiện giờ cũng im ắng và chẳng
liên quan gì đến thị trường sách vở, cho dù tuyên bố sẽ viết sách cho thiếu
nhi.
Có nhiều người phản ứng với danh sách sách bán chạy
của Hội sách TPHCM. Họ cho rằng tác phẩm ăn khách của tác giả trẻ quá hời hợt
và vô can trước hiện thực phức tạp bề bộn của xã hội và đất nước. Nhưng có lẽ
đó là một hiện thực hợp lý sau hai thập niên ảnh hưởng của Hallyu (Hàn lưu) của
văn hóa giải trí Hàn Quốc, hay những dòng văn học giải trí láng giềng phía Bắc
đã làm mưa làm gió từ đầu thế kỷ này. Chúng phát tán nhờ vào mạng xã hội, nơi
những status và note ngăn ngắn đã đẩy tốc độ viết và việc “đẻ ra văn” giản tiện
hơn rất nhiều thời trước. Có nên coi đấy là văn học – câu hỏi này đụng đến tự
ái của những người đang canh đền văn học. Ở Hà Nội thực ra cũng có một ngôi đền
văn chương là đền Ngọc Sơn, đừng nhầm với Văn Miếu là ngôi đền về học vấn. Trước
đền có Tháp Bút và đài Nghiên, trên tháp có ba chữ Tả Thanh Thiên – viết lên trời
xanh. Phải chăng vị trí của văn chương cao nhường ấy, trên cõi thăm thẳm ấy?
Nguyễn Trương Quý
(Đẹp số 6/2014)
Nhận xét