Sinh ra đã đỏ (P.4)

Vào cuối năm 2014, Đảng đã công bố lệnh trừng phạt hơn một trăm ngàn quan chức vì tội tham nhũng. Nhiều nhà quan sát nước ngoài hỏi liệu cuộc ra quân của Tập có thực sự nhằm vào loại trừ tham nhũng hay chỉ là một công cụ để tấn công các kẻ thù. Đây không phải là điều đơn giản hoặc vì lẽ khác: tham nhũng đã trở thành sự đe dọa tới tính hợp pháp của Đảng mà chỉ nhà lãnh đạo bàng quan nhất mới có thể tránh việc buộc nó quay trở lại mức độ kiểm soát được, nhưng hàng rào dựng lên ngăn chặn tham nhũng cũng là một công cụ hữu hiệu cho việc củng cố về mặt chính trị, và ở những tầng nấc cao nhất, Tập đã triển khai nó để chống lại các đối thủ. Geremie Barme, nhà sử học lãnh đạo Trung tâm Úc về Trung Quốc trong Thế giới, phân tích 48 trường hợp bị bắt cấp cao nhất, và đã phát hiện ra rằng không ai trong số đó thuộc “thế hệ đỏ” thứ hai. “Tôi không gọi đó là một chiến dịch chống tham nhũng,” một nhà ngoại giao phương Tây nói với tôi. “Đó là một cuộc chiến triệt tận gốc”.

Ngay sau khi nắm quyền, Tập đặt ra câu hỏi, “Tại sao Đảng cộng sản Liên Xô sụp đổ?” và tuyên bố, “Đó là một bài học sâu sắc cho chúng ta.” Các học giả Trung Quốc đã nghiên cứu vấn đề hóc búa đó từ hàng tá góc độ, nhưng Tập muốn hơn thế nữa. “Năm 2009, ông ta cho tiến hành một nghiên cứu dài hơi về Liên Xô được khởi từ một người làm việc trong văn phòng nghiên cứu chính sách,” nhà ngoại giao Bắc Kinh nói với tôi. “Nó kết luận rằng sự tan rữa bắt đầu dưới thời Brezhev. Trên giấy tờ, gã đó dẫn lại một truyện cười: Brezhev đưa mẹ lên Matxcơva. Ông ta tự hào cho bà thấy các căn hộ nhà nước trong điện Kremlin, chiếc limousine Zil [một loại xe hơi sang của Liên Xô tương ứng với Cadillac] của ông ta, và cuộc sống xa hoa mà ông ta đang hưởng. ‘Mẹ nghĩ sao,’ Brezhev hỏi, ‘mẹ sẽ không bao giờ còn phải lo lắng về món đồ gì nữa’. ‘Mẹ rất tự hào về con, Leonid Ilyich,’ bà mẹ trả lời, ‘nhưng nhỡ Đảng phát hiện ra thì sao?’ Tập rất thích câu chuyện này.” Tập dành sự khinh thị đặc biệt cho Gorbachev, vì đã thất bại trong việc bảo vệ Đảng khỏi các phe đối lập, và nói với các đồng nghiệp, “Không ai đủ dũng cảm để đứng dậy và kháng cự.”

Vào năm sau khi Tập cầm quyền, các cán bộ được yêu cầu xem một bộ phim tài liệu 6 tập về sự sụp đổ của Liên Xô, có chiếu những cảnh bạo động và mô tả một âm mưu của Mỹ nhằm lật đổ chủ nghĩa Cộng sản thông qua “diễn biến hòa bình”: sự xâm nhập chắc chắn của các tư tưởng chính trị phương Tây có tính lật đổ. Kể từ những diễn biến đầu tiên, khi “cách mạng màu” lan ra ở khối Xôviết cũ, những người cộng sản Trung Quốc đã nhắc đến nguy cơ lây truyền như một lý do để siết chặt đời sống chính trị. Nỗi sợ hãi dâng cao khi làn sóng bạo động dâng cao ở Tây Tạng năm 2008, ở Tân Cương năm 2009, và trong thế giới Ả Rập năm 2011. Tháng Chín năm ngoái, khi những người ủng hộ dân chủ xuống đường ở Hồng Kông, một ý kiến đăng tờ Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo nhà nước, đã buộc tội Tổ chức Quốc gia về Dân chủ và CIA đã đứng đằng sau cuộc biểu tình, nhằm “thúc đẩy Đài Loan độc lập, Tân Cương độc lập và Tây Tạng độc lập.” (Hoa Kỳ đã phủ nhận sự liên quan).

Chính quyền của Tập không có chỗ cho đối lập trung thành. Khi ông ban bố chiến dịch chống tham nhũng, các nhà hoạt động – như luật sư Xu Zhiyong, người đã làm việc như một nhà lập pháp địa phương ở Bắc Kinh – tham gia vào, kêu gọi các quan chức công khai thu nhập. Nhưng Xu và nhiều người khác đã bị bắt. (Sau đó ông bị xử bốn năm tù vì “tụ tập đám đông làm mất trật tự công cộng.”). Một trong số các đồng nghiệp của Xu, Teng Biao, nói với tôi, “Đối với chính quyền, ‘diễn biến hòa bình’ không chỉ là một khẩu hiệu. Nó là có thật. Sự ảnh hưởng của các nhà nước phương Tây đang trở nên hiển nhiên và nhiều sức mạnh hơn.” Teng đã dự một hội thảo ở Đức ngay sau khi Xu và đồng nghiệp khác bị bắt. “Người ta khuyên tôi không nên quay về Trung Quốc, nếu không cũng sẽ bị bắt.” Teng nói. Hiện ông đang là một học giả lưu trú của trường Luật Harvard.

Một biên tập viên giỏi ở Bắc Kinh bảo tôi rằng các nhà hảo tâm Trung Quốc cũng bị cảnh báo. “Anh không được đưa tiền cho NGO này hay NGO kia – cơ bản là mọi NGO.” Tháng 12, Ủy ban bảo vệ các nhà báo đếm được 44 nhà báo đang ở tù, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Các luật sư nhân quyền nổi tiếng - Pu Zhiqiang, Ding Jiaxi, Xia Lin – cũng bị tống giam. Đầu tháng này, Human Rights Watch gọi đây là sự đàn áp bất đồng chính kiến khắc nghiệt nhất trong vòng một thập niên.

Mặc dù Vladimir Putin đã bóp nghẹt xã hội dân sự Nga và trung lập hóa báo chí, các hiệu sách Matxcơva vẫn chứa sách có nội dung chỉ trích ông ta, và nhiều blog kiên nhẫn vẫn tìm cách tấn công ông. Tập thì ít ôn hòa hơn. Tháng Hai 2014, Yiu Mantin, một biên tập viên 79 tuổi ở tờ Morning Bell Press của Hồng Kông, người đã có kế hoạch tung ra một cuốn chân dung có tính phê phán Tập của nhà văn lưu vong Yu Jie, đã bị bắt trong một chuyến thăm đại lục. Ông đã nhận được một cú điện thoại cảnh báo ông không được tiến hành xuất bản cuốn sách. Ông đã bị xử tù 10 năm, với tội ăn cắp bảy thùng sơn.

Trong nhiều năm, các trí thức Trung Quốc đã phân biệt giữa lời nói và hành động: Các tư tưởng chính trị phương Tây có thể thảo luận ở Trung Quốc thoải mái chừng nào không ai tìm cách vận hành chúng. Năm 2011, bộ trưởng giáo dục Trung Quốc, Yuan Guiren, ca ngợi lợi ích của những trao đổi với nước ngoài. “Cho dù họ giàu hay nghèo, XHCN hay tư bản, chừng nào họ có lợi cho sự phát triển của chúng ta thì ta có thể học hỏi từ tất cả,” ông nói với tờ Kinh Hoa Thời báo, một tờ báo nhà nước.

Nhưng vào tháng Giêng, Yuan lại nói tại một hội nghị, “Các giáo viên trẻ và sinh viên là mục tiêu xâm nhập quan trọng của các thế lực thù địch.” Ông nói, “Chúng ta không có lý nào cho phép trong các lớp học lại có vật chất tuyên truyền cho các giá trị Tây phương.” Một bài báo trên trang web Cầu Thị [Qiúshì – Tìm kiếm Sự thật], một tạp chí chính thức của Đảng, cảnh báo chống lại những giáo sư “bôi đen tên đất nước Trung Quốc,” và chỉ đích danh riêng giáo sư luật He Weifang. Khi tôi nói chuyện với He vài ngày sau đó, ông nói, “Tôi vốn không được giới bảo thủ ưa thích, nhưng gần đây tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Quan điểm chính trị của lứa lãnh đạo mới này không giống như thời Hồ Cẩm Đào hay Giang Trạch Dân. Họ cấm đoán nhiều hơn. Họ không hề muốn cho phép bất cứ một thảo luận nào diễn ra.”

Cách ly Trung Quốc khỏi các tư tưởng Tây phương gây ra một số vấn đề thực tế. Đảng đã tuyên bố các cải cách “quy định của pháp luật” nhằm tăng cường quản lý từ trên xuống thông qua hệ thống pháp lý và bảo vệ tòa án trước sự can thiệp của địa phương. Vị giáo sư nói, “Nhiều đồng nghiệp làm việc trong lĩnh vực luật dân sự có phần lớn các bài giảng về luật Đức hay Pháp. Vì thế nếu anh muốn ngăn chặn các giá trị Tây phương để không lan truyền trong các trường đại học Trung Quốc, một điều anh phải làm là đóng cửa các trường luật và đảm bảo rằng chúng không bao giờ tồn tại nữa.” Về phần mình, Tập không thấy sự mâu thuẫn nào bởi vì bảo toàn Đảng là việc phải làm trước khi bảo toàn luật pháp. Tháng Giêng, ông nói rằng Trung Quốc phải “nuôi dưỡng một đội quân pháp lý trung thành với Đảng, trung thành với đất nước, trung thành với nhân dân, và trung thành với luật pháp.” Bắt chước Mao, ông nói thêm, “Phải đảm bảo rằng chuôi dao được cầm chắc trong tay của Đảng và nhân dân.”

Sự thận trọng của Tập trước ảnh hưởng của phương Tây phản ánh trong chính sách ngoại giao của ông. Trong một mức độ cá nhân, ông bày tỏ những kỷ niệm ấm áp về Iowa, và ông đã gửi con gái mình, Tập Minh Trạch vào trường Harvard. (Cô tốt nghiệp ngăm ngoái, dưới một cái tên giả, và đã trở về Trung Quốc). Nhưng Tập cũng thể hiện một cái nhìn có tính nền tảng của tính cách dân tộc rằng, theo như ông nói, lịch sử và khuôn khổ tạo nên xã hội Trung Quốc không phù hợp với nền dân chủ đa đảng hoặc một chế độ quân chủ hoặc bất kỳ một hệ thống phi Cộng sản nào khác. “Chúng tôi đã xem xét tới chúng, đã thử chúng, nhưng không cái nào thành công cả,” ông nói trước cử tọa tại Đại học châu Âu ở Bruges mùa xuân vừa rồi. Việc tiến hành một sự thay đổi, ông nói, “có thể dẫn đến những hệ quả thảm khốc,” và kết tội các công ty Mỹ như Microsoft, Cisco và Intel vì đã là “những tên lính” cho chính quyền Hoa Kỳ.

Đối với một tầm nhìn ngoại giao rộng, các lãnh đạo Trung Quốc kể từ Đặng Tiểu Bình đã trung thành với một nguyên tắc là “Giấu sức mạnh của bạn, chờ thời cơ của bạn.” Tập đã thay thế hiệu quả công thức đó bằng việc tuyên bố sự hiện diện của Trung Quốc. Ở Paris năm ngoái, ông đã dẫn ý của Napoleon rằng Trung Quốc là “một con sư tử đang ngủ” và nói rằng con sư tử “đã thức dậy rồi, nhưng đây là một con sư tử hòa bình, thân thiện và văn minh”. Ông nói với Bộ Chính trị hồi tháng 12 rằng ông dự định “làm cho tiếng nói của Trung Quốc được lắng nghe, và cấy nhiều thành tố Trung Quốc hơn vào các luật lệ quốc tế.”

Để tạo đối trọng với World Bank và Qũy tiền tệ quốc tế có căn cứ ở Washington, chính quyền của Tập đã lập nên Ngân hàng Phát triển Mới, quỹ hạ tầng cơ sở Con đường Tơ lụa, và Ngân hàng đầu tư Hạ tầng châu Á, vốn cùng nhau dự định lưu trữ 240 tỷ đôla tiền vốn. Tập đã tiến xa hơn hẳn những vị tiền nhiệm trong việc đòi quyền kiểm soát của Trung Quốc trên không và mặt đất, đưa dàn khoan thăm dò dầu vào vùng biển tranh chấp, và dựng nên các tòa nhà, các sân bay trực thăng, và nhiều cơ sở thiết bị trên các rạn đảo đá vốn được nhiều quốc gia khác tuyên bố chủ quyền. Ông cũng tiếp nhận ưu điểm của sự phát triển kinh tế độc lập của Putin; Tập đã gặp Putin nhiều hơn với bất cứ nhà lãnh đạo nước ngoài nào, và cuối tháng Năm vừa rồi, khi Nga đối mặt với các lệnh trừng phạt mới do việc chiếm Crưm, Tập và Putin đã đồng ý một hợp đồng 400 tỷ đôla để cung cấp gas cho Trung Quốc với giá thành hài lòng Bắc Kinh. Theo nhà biên tập, Tập đã nói với mọi người rằng ông ấn tượng trước việc chiếm lấy Crưm của Putin – “Ông ta đã có được một miếng đất lớn cùng những nguồn tài nguyên” và làm tăng lên số phiếu ủng hộ ở quê nhà. Tuy nhiên, khi cuộc chiến ở Ucraina kéo dài, Tập bắt đầu bớt khen ngợi Putin hơn.

Không vấn đề quan hệ ngoại giao nào đối với tương lai Trung Quốc quan trọng hơn là những thương thuyết của nó với Hoa Kỳ, và Tập đã giục Hoa Kỳ thu nhận một “hình thức mới của quan hệ siêu cường” – để coi Trung Quốc như một thực thể quân bình và công nhận sự tuyên bố chủ quyền của nó trên các vùng đảo tranh chấp và những lợi ích khác. (Chính quyền Obama đã từ chối tiếp nhận thuật ngữ này). Tập và Obama đã gặp nhau 5 lần. Các quan chức Mỹ mô tả mối quan hệ là tương đối công bằng nhưng không gần gũi. Họ có “những trao đổi thẳng thắn đến thô bạo trong những vấn đề khó khăn mà không làm hỏng các thỏa thuận chung,” một quan chức chính phủ cao cấp đã nói với tôi. “Vì thế có khác biệt so với thời Hồ Cẩm Đào, vốn có rất ít trao đổi.” Hồ vốn chưa từng nói gì ngoài những văn bản ghi chép của ông, và những đồng cấp Mỹ thường băn khoăn không biết ông ta tin vào những điểm ông nói ra ở mức độ nào. “Tập Cận Bình đọc những điều mà tôi chắc chắn là ông ta tin vào,” vị quan chức nói, cho dù những giao kèo của họ vẫn còn đầy cứng nhắc: “Vẫn còn đó một khoảng cách rất khó để tách bạch bản thân anh ra khỏi những trao đổi như thế… Chúng tôi muốn có một cuộc đối thoại.”

Trong nhiều năm, các lãnh đạo quân sự Mỹ lo ngại rằng có một nguy cơ tăng lên của một vụ đụng độ bất ngờ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, phần vì Bắc Kinh phản đối các chính sách của Hoa Kỳ bằng cách từ chối các cuộc gặp giữa các sĩ quan cao cấp. Năm 2011, Mike Mullen, sau này là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, thăm Tập ở Bắc Kinh, và đưa ra yêu cầu chính thức hợp tác kinh nghiệm quân sự, đã nói với ông ta rằng, như ông nhớ lại, “Tôi cần ngài dừng việc cắt đứt quan hệ quân sự là bước đầu tiên, mỗi khi ngài bực bội.” Điều đó đã được cải thiện. Ở Bắc Kinh tháng 11 vừa rồi, Tập và Obama đã dành năm tiếng để ăn tối, gặp gỡ và công bố sự hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu, một thương thảo thương mại tự do công nghệ cao mà Trung Quốc đã chống lại trước đó, và quân đội hai nước đã đồng ý việc khuyến khích kết nối giữa hai bên trong việc triển khai gần nhau trên các biển Nam và Đông Trung Quốc. Mullen, người đã gặp Tập lần nữa kể từ lần tiếp xúc đầu tiên, đã hi vọng: “Họ vẫn bực dọc, họ vẫn lấn tới, nhưng họ không cắt đứt quan hệ.”

Khi Trung Quốc từ chối các tư tưởng phương Tây, Tập cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng một hệ tư tưởng được chấp thuận để đưa ra tại quê nhà lẫn bên ngoài. Gần đây, tôi đã đi tuyến tàu điện ngầm số 1 ở hướng đông, bên dưới đại lộ Trường An – bên dưới tổng hành dinh Đảng, Bộ Truyền thông Trung ương, và các Bộ Thương mại, Công an – và rời tàu ở đường Vành đai 2, chỗ bức tường thành cũ từng ngự trị. Gần nhà ga, tại một quán Starbucks, tôi đã gặp Chương Lập Hoàn, một nhà sử học nổi tiếng. Ở tuổi 64, ông ngược lại với hình mẫu nhàu nhĩ thông thường của giới trí thức tự do; ông cao, với mái tóc lốm đốm bạc lịch lãm, và ông mặc một cái áo khoác cổ Tàu màu đen, đội một cái mũ mùa đông phủ lông đen mịn. Chương lớn lên giữa không gian chính trị; cha ông, một chủ ngân hàng trước cách mạng, đã trở thành một bộ trưởng trong những năm đầu của chính quyền Mao. Tôi đã hỏi ông thông điệp mà Tập đã hi vọng sẽ mang từ Trung Quốc đi quảng bá khắp thế giới. Ông nói, “Kể từ thời Mao, và khi bắt đầu cải cách và mở cửa, chúng tôi toàn nói về một ‘cuộc khủng hoảng niềm tin’,” ý niệm rằng sự phát triển quá nhanh và sự bất ổn chính trị đã đẩy Trung Quốc lìa khỏi lịch sử đầy đạo đức của nó. “Ông ấy đang cố gắng giải quyết vấn đề đó, vì vậy đây có thể là một ý thức hệ mới khác.”

Chương viết về chính trị, và ông thỉnh thoảng bị công an tới gặp để nhắc nhở ông tránh các chủ đề nhạy cảm. “Thỉnh thoảng, họ sẽ tạt qua và nói điều đó qua cánh cửa ra vào đã đóng,” Chương nói. Ông bình luận, “Họ cố gắng chặn tôi tới đây hôm nay đấy. Họ theo dõi tôi ở đây.” Ông khẽ chỉ một người đàn ông trẻ người gầy mặc áo gió, đang theo dõi chúng tôi từ một bàn bên cạnh. Ở những vùng sâu vùng xa, khi công an hiếm khi thấy sự xuất hiện của người nước ngoài, các nhà chức trách thường cố gắng ngăn cản người dân gặp các nhà báo. Nhưng trong một thập niên viết về Trung Quốc, đây là lần đầu tiên tôi gặp tình huống đó ở thủ đô. Tôi đã gợi ý chúng tôi hoãn cuộc trò chuyện lại. Ông lắc đầu. Bằng một giọng thầm thì kịch tính, ông nói, “Điều tôi nói và tôi viết giống nhau cả. Không có gì khác.”

EVAN OSNOS
(còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm