"Biên niên" Hà Nội

Những ước lệ về mảnh đất kinh kì leng keng trong năm tháng cũ có lẽ đã mất hút. Một Hà Nội lãng mạn phe phẩy trong văn chương Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Vũ Bằng; trong nhạc Đoàn Chuẩn, Hoàng Dương và tranh Bùi Xuân Phái… dường như cũng nhạt dần. Và vẫn còn đó cái vẻ “hối hả, như cuống quýt giành lại những năm tháng chậm chạp đã qua” nhưng Hà Nội của Quý giờ đây đã suồng sã, tào lao, đôi khi dớ dẩn nữa. Nhưng kệ, Quý thản nhiên, Quý nhẹ nhõm, Quý “biên niên” Hà Nội theo cách của mình. 




Sao Nguyễn Trương Quý lại là người “biên niên” khi những gì của Hà Nội hằng trăm năm nay thiên hạ đã nói hết rồi? Còn gì để khai thác, mổ xẻ nữa đâu? Thế nhưng Quý vẫn “đào” ra cái để nói, lại nói một cách rất đương đại - mà nếu rơi vào tay của những nhà ưa cách tân thì họ sẽ gọi đó là “hậu hiện đại”. Tôi không chắc lắm về cái nhiễu sự hậu hiện đại kia. Nhưng rõ ràng, Hà Nội của Quý là một Hà Nội khác, sống động như thực thể diễn tiến ngoài kia. Một Hà Nội mang màu cộng sinh của thời chúng ta đang sống.

Hà Nội ấy đôi khi vớ va vớ vẩn với một “xe máy tiếu ngạo”, “forum nước chè”, “phố vẫy đủ mười khúc ngâm”, “phở hay là một chuyện vặt?”. Nhưng Hà Nội ấy cũng là nơi đi về của những người “cả phố biết mặt, cả phường biết tên” hay những người vô danh, “vò tóc chồng người” hoặc những người thích tụ bạ ở những quán nước chè vạ vật từ ngày này qua tháng khác chỉ để đánh dăm con đề và nói chuyện phiếm về cuộc đời. Đó là những người làm nên trạng thái sống cũng như nét hấp dẫn của nơi này.

Trong “Mỗi góc phố một người đang sống”, cuốn tản văn mới ra của mình, Trương Quý đã thôi băn khoăn về thể loại. Anh ung dung, nhàn tản và dừng lại ở lát cắt nào mà anh muốn. Sự giới hạn về con chữ, bó hẹp về đề tài cũng như những đơn đặt hàng đến từ các báo không còn là một điều gì ràng buộc với Quý nữa. Tất cả đã nhường cho cái sang trong đời của người cầm bút: viết về khoái cảm của mình.

Đó có thể là một nhân vật mà anh yêu thích, một bối cảnh không gian làm nên số phận của đô thị mà anh thấy ấn tượng. Hoặc chỉ là những cái nhỏ nhỏ, vặt vãnh như chiếc bản đồ gọi về một chân trời đã mất, hay “đồng nát sành điệu”, “khói biếc cuộn về chứa chan”, thậm chí cái mũi cao của Trung tá Luân – nhân vật trong bộ phim “Ván bài lật ngửa” tưởng chừng chẳng liên quan cũng là một gợi mở thú vị về sắc vóc nhân chủng người Việt. Quý viết thoải mái, tung tẩy, nhìn cuộc đời trên diện rộng và để ý xem trạng thái sống đó như thế nào, họ đã làm gì ở đó. Hay nói cách khác, anh quan tâm đến số phận nhân vật của mình hơn. Anh nghe ngóng và đi tới bến cơn rong ruổi của mình, của người. Điều đó cũng có nghĩa rằng Nguyễn Trương Quý đang thăng hoa thong dong một cõi. Anh đang tự do.

Nguyễn Trương Quý cũng đã thôi rụt rè như những ngày đầu đặt chân vào con đường chữ nghĩa. Từ “Tự nhiên như người Hà Nội”, cuốn tản văn ra đời hơn 10 năm trước cho đến “Xe máy tiếu ngạo” (2012) rồi mới đây nhất là “Mỗi góc phố một người đang sống”, Quý càng ngày càng “chín”. Nếu trước đây, đôi mắt của một người làm nghề kiến trúc sư chi phối vào văn thì dần dần chính Quý đã làm một cuộc “li khai” nhỏ để rồi giờ đây, anh làm chủ đôi mắt đó. Nó trở thành phương tiện để Nguyễn Trương Quý ngó nghiêng cuộc đời và “phơi bày cái tôi giữa những cái sặc sỡ của thế giới” như anh nói.

Anh nhìn Hà Nội thông qua những căn tính của nó với một hiện thực chồng lớp từ thời này sang thời khác mà ở đó các di chỉ văn hóa, những con người trộn lẫn đã kiến tạo ra một vùng đất đặc biệt. Anh bảo rằng, người ta thật buồn cười khi tranh luận rằng Hà Nội cũ hay Hà Nội bây giờ đẹp hơn. Và cứ đặt bút viết về Hà Nội, không hiểu vì sao nhiều người vẫn luyến tiếc một chút lá vàng bay, một chút liễu rủ lơ thơ… Quý không giỏi lí sự. Quý đứng ngoài cuộc tranh luận đó. Mới hay cũ, hoài niệm hay không hoài niệm với anh không quan trọng. Quan trọng, anh có thấy thú vị với điều đó không và câu chuyện, ký ức đó có vọng về, cùng “sóng” với mình không. Vì thế nên, sẽ chẳng có gì vô lí cả khi ai đó tìm thấy ở nhạc xưa một sự đồng điệu. Họ nghe nhạc xưa không phải họ là người cổ lổ sĩ, ăn mày dĩ vãng. Họ nghe vì họ tìm thấy ở đó một nhịp sinh học phù hợp với mình. Những người thích nghe nhạc rock, nhạc pop… cũng tương tự. Họ nghe vì sự thú vị vang lên trong mình. Quý bảo với tôi, đó là điều thú vị nhất trong những điều thú vị mà anh từng trải qua. Anh viết về người khác nhưng chính là đang viết về mình. Là bởi mình muốn nghe câu chuyện của mình, câu chuyện đó vang lên như thế nào, bằng cách gì… Nó gần như là một thôi thúc, một ám ảnh, một trải nghiệm đặc biệt.

Với Nguyễn Trương Quý, Hà Nội là một đô thị hiếu sự và lạ lùng. Nó đang trên đà sinh trưởng, không già cỗi và chết dần chết mòn như một số thành phố khác trên thế giới. Và lúc nào nó cũng có chuyện, sư vụ này vừa xảy ra chưa qua, sư vụ khác đã xảy đến. Từ câu chuyện giáo dục, câu chuyện chặt cây… cho tới mấy ngày gần đây, người ta lại râm ran chuyện bầu bán chủ tịch ở cấp Tiểu học… Tất cả làm nên hơi thở đương đại, làm nên sinh khí cho phố. Phố còn tồn tại la bởi phố có câu chuyện. Mà chủ nhân của phố, không ai khác chính là những con người sống trong phố bên sông.

Quý từng nói rằng: “Đã nhiều năm qua, nhiều người tìm đến tình yêu với Hà Nội – “hướng về thành phố xa xưa” ấy như một sự thoát ly thực tại, yêu một thứ thuộc về ký ức chứ không phải yêu một thực thể. Nhưng thực thể sẽ trở thành một phần của ký ức… Nhiều thế hệ sinh sống ở Hà Nội đã cho thấy những gì họ làm ra có tính chất cá nhân lại có sức sống lâu hơn những công trình vật chất của xã hội. Không phải phố cổ sinh ra họ, không phải hồ Gươm là nơi họ sống gần, không phải họ có mùa thu, mà họ tạo ra một phố cổ của họ, hồ Gươm khi qua tay họ hình như mới đẹp và họ đã mang lại những cơn gió heo may dịu dàng cho mảnh đất không hẳn đã dễ sống này”.

Tản văn của Nguyễn Trương Quý không bảng lãng và chảy tràn trên một mạch duy cảm lồ lộ thành câu chữ mà thiên về khảo cứu nhiều hơn. Quý thừa nhận lúc đầu Quý đã bị sự nhún nhảy và duyên dáng của câu chữ tha đi. Nhưng dần dần chính anh nhận ra rằng tất thảy những cảm xúc ấy không thể đưa mình đi xa hơn. Một mẩu tản văn cảm xúc vùn vụn thì hay nhưng mười mẩu như thế thì hóa ra dở và nhạt nhẽo. Vì vậy nên, đọc sách của anh, lượng thông tin tương đối nhiều. Đôi khi, có cảm giác như đang đi xem bảo tàng. Nhưng chắc chắn, tản văn của Quý không gây buồn ngủ. Bởi những thông tin “biên niên” ấy được đặt trong cái nhìn đương đại, với những câu chuyện về thời đại hôm nay. Xen lẫn vào đó là giọng điệu đôi khi tưng tửng, mỉa mai, chua cay, lắm lúc đầy dư vị của những bùi ngùi tiếc nuối.

Sau “Xe máy tiếu ngạo”, tôi có nghe ở đâu đó rằng anh muốn ra một tuyển tập truyện dài hơi. Nhưng tản văn dường như vẫn níu chân Quý. Quý lại là người nặng nợ với tình cũ trong khi tình mới chưa thành hình. Bằng chứng là “Mỗi góc phố một người đang sống” vừa ra mắt vẫn là tản văn – một thể loại mà nhiều người cho rằng nó là văn chương loại hai. Loại một hay loại hai có quan trọng không khi sách của anh ra cuốn nào cũng đắt khách. Có những cuốn tái bản 4 -5 lần. Và bây giờ, nhắc đến tản văn, ở trời Nam người ta nhắc nhiều đến Nguyễn Ngọc Tư thì ở đất Bắc không ai khác chính là hai cái tên Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý.

Tôi từng thắc mắc rằng vì sao Nguyễn Trương Quý lại dại dột đi theo văn chương khi có một tấm bằng kiến trúc sư trong tay? Lụi cụi với chữ nghĩa để làm gì? Thiên hạ vẫn nói “cơm áo không đùa với khách thơ”. Tôi cũng chưa hình dung sự đa đoan mà một người đàn ông tự đeo bám vào mình nó ra làm sao vì trước giờ, người ta chỉ dành hai chữ đó cho đàn bà viết văn. Nhưng trải qua nhiều công việc khác nhau mà chẳng có công việc nào giúp mình kiểm soát mình như việc viết văn nên anh đã chọn nó và thôi, cũng xem như một vui vầy trong đời sống có quá nhiều ồn ã, xô bồ và mỏi mệt. Quý đã mang chiếc bút chì cũ của mình, trở thành kẻ tay ngang bước vào văn chương và “biên niên” Hà Nội thị dân bằng những rung động của một gã 7x duy nhất sót lại ở đất này.

Và trong lúc ngồi nói chuyện với gã tay ngang 7x ấy vào một chiều muộn ở quán café nằm ngay ngã tư phố Liên Trì và Trần Quốc Toản, thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn xuống những viên gạch caro dưới nền nhà, nơi có một vài con nắng còn rớt lại rồi nhạt dần đi. Tôi tự hỏi, Quý có định viết tản văn nào liên quan đến những viên gạch một thời của Hà Nội?

Đậu Dung
(ANTG cuối tháng 7-2015)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm