Biến mất khỏi bản đồ
(trích cuốn Mỗi góc phố một người đang sống)
Đối diện với một thành phố ở khía cạnh không gian sống, “người phiêu lưu hiện đại” thường phải có một kiến thức về hình học, thiết bị điện tử cầm tay, những thứ có chứa một sản phẩm rất cổ xưa: bản đồ.
Thiết bị điện tử đã làm tối tân hóa bản đồ, tạo ra nhiều lớp chỉ dẫn động, thay vì một tờ giấy phẳng bẹt quen thuộc. Sự ra đời của ứng dụng bản đồ với các loại thông số về khách sạn, quán ăn, nhà hát, điểm tham quan… có cả điểm đánh giá, là sự thích ứng của quá trình đô thị hóa hậu hiện đại. Quá trình này được các nhà nghiên cứu định nghĩa như một sự mô tả tổng hợp về những thay đổi chính xảy ra ở các thành phố trong 25 năm cuối của thế kỷ XX.
Hà Nội cũng nằm trong tiến trình số hóa dữ liệu của mình rất nhanh. Cơ sở dữ liệu đồ sộ về hình ảnh và tin tức nhiều ngôn ngữ được cập nhật thường xuyên. Song song với quá trình ấy là cuộc xây dựng thành phố trong bối cảnh hậu thuộc địa vẫn còn bao trùm, nhất là khi hơn 3/4 nhân loại ngày nay có cuộc đời bị định hình bởi trải nghiệm về chủ nghĩa thuộc địa. Những tác phẩm nghiên cứu về đề tài hậu thuộc địa đã đi đến nhận định: “Sản phẩm văn hóa của họ mang ảnh hưởng trong và sau thời kỳ thuộc địa hóa của thực dân châu Âu”.
Từ một Hà Nội thông tin hành chính dàn mỏng trên những tấm bản đồ cũ, đơn thuần kẻ đường và tên phố, cùng vài địa danh có tính cột mốc, hoặc nếu có đa sắc thì có tính hoa mỹ trang trí, các bản đồ thế hệ mới đã tiến tới hiển thị sát thực tế. Bản đồ Google Map và các loại không ảnh độ phân giải cao đã phơi bày hiện trạng của các ngôi nhà, con đường hay diện tích các mặt hồ. Không còn ngóc ngách “bí ẩn” như trước, hình dạng Hà Nội đã rõ ràng hơn với các khu vực khác nhau, thay vì tùy vào việc các nhà làm bản đồ tô màu. Lúc này những sự lập lờ vốn diễn ra trên các bản đồ quy hoạch như khu công viên – vườn hoa – trường học – khu dịch vụ công cộng không còn được tô xanh cả khối mát mắt nữa mà rõ hẳn ra ngần nào là cây, ngần nào là nhà hàng (có khả năng rất cao là chạy máy lạnh). Tóm lại Hà Nội phân biệt rõ ra bốn khu: phố cổ xúm xít trong các ô phố tứ giác xộc xệch tuy vẫn theo các tuyến mạch lạc; phố Pháp vuông bàn cờ điểm xuyết các đường chéo dẫn lối hội tụ về các quảng trường, phố xôi đỗ khu tập thể và ngõ ngách của thời bao cấp – một ma trận chứ chẳng chơi, phố mới ở ngoài đường vành đai 2 – cố gắng tái hiện các ô bàn cờ. Bốn khu này gần như tương ứng với bốn vòng tròn đồng tâm, và xen kẹt giữa chúng cũng như ra xa hơn nữa là thành phố bên rìa.
Từ tấm bản đồ mới này, soi vào không gian thực địa Hà Nội trên diện đứng, lại không dễ mà phân biệt. Phố xá Hà Nội thời đầu thế kỷ 21 gần như không có khối mà chỉ có những diện. Nghĩa là các dãy nhà chỉ có một mặt đứng. Hình thức kiến trúc tân cổ điển được đa số lựa chọn đã khiến cho bộ mặt chung na ná nhau. Ngay tại các khu phố Pháp vốn gồm các dinh thự và biệt thự cũng xảy ra tình trạng cơi nới, phá hàng rào mở kios, đẩy khối tích các công trình ra sát vỉa hè, góp thêm vào các mặt tiền trải dài như những mặt nạ bẹt.
Trên mỗi khu phố đã bị xô lệch trên bản đồ ấy, cái gì còn lại sau khi đã biến mất, cái gì đã chuyển đổi, bằng những nghiên cứu khảo cổ, người ta có thể so sánh được. Tuy nhiên, không khó để xác định xu thế hướng tâm của mạng lưới đường chính của Hà Nội, với trung tâm quen thuộc là Hồ Gươm và phiên bản lớn hơn của nó là Hồ Tây. Các đường vành đai và hệ thống cầu vượt sông Hồng mọc lên đã bao trọn lấy Hồ Tây, dần biến mặt hồ 500 hecta này thành một trung tâm mới của Hà Nội sau nhiều lần mở rộng về phía Tây lẫn phía Bắc và Đông, tức bên kia sông Hồng.
Ở những trung tâm này, đã tự nhiên hình thành nên hai cái hồ vàng của Hà Nội. Cái tên Kim Ngưu trâu vàng của thời cổ xưa đã quá đúng với trị giá những mét vuông quanh Hồ Tây (tuy nhiên một dòng sông cũng tên Kim Ngưu thì ngắc ngoải do ô nhiễm, dù giá đất nhìn ra sông cũng không rẻ). Còn Hồ Gươm và khu phụ cận của nó, có giá đắt để không thể tưởng tượng được ai đó mua nổi. Một mét vuông nhà ở phố Hàng Đào theo mức giá đền bù của UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 25/12/2013 được xem là cao nhất Hà Nội – và có thể là Việt Nam – là 81 triệu đồng/m2. Đấy là lý thuyết. Cây đời có màu vàng bốn con chín, gấp hơn 10 lần thế. Khu đất 22-24 Hàng Bài cạnh ngã tư Hai Bà Trưng, trông sang Tràng Tiền Plaza, đền bù đầu 2011 lên đến 1 tỷ đồng/m2. Quanh Hồ Gươm, giá đất chẳng bao giờ hạ như thể chứng minh vua Lê Lợi là vua Midas phiên bản Việt. Hơn mét vuông ở đây có thể mua được một căn hộ nhỏ ở Long Biên hoặc xa xa trong Hà Đông, tất nhiên cách Bờ Hồ vài dặm, nghĩa là nằm ở những vành đai xa hẳn. Một cây kiếm ném xuống hồ của vua Lê như cái búng tay của Midas biến mọi thứ xung quanh hóa vàng.
***
Những lớp vật chất ra đời trên bản đồ những thập niên qua: đường mới mở, khu đô thị mới, những cây cầu. Những gì mới xuất hiện thường kéo theo sự tăng giá của bất động sản quanh đấy. Cái mới ở Hà Nội đã trở thành thứ kích cầu hoặc giá trị gia tăng cho các gói hàng nhà đất, gần như một đối trọng với giá trị gia tăng của “gần Bờ Hồ, trung tâm phố cổ, v.v…”. Tuy nhiên, nếu các món đồ cổ thường đã rõ ràng giá trị thì các sản phẩm đô thị mới vẫn còn gây tâm lý rất hồi hộp.
Đã có thứ ra đời mới thì cũng có những thứ biến mất: nhiều ao hồ, các thửa ruộng và những con ngõ: vẫn còn trên thực địa nhưng không thấy được ghi tên trên bản đồ nữa.
Bản đồ Hà Nội năm 1986 ghi tên gần như đầy đủ các ngõ Hà Nội. Những lần phát hành sau đó, tên các ngõ dần ít được ghi, nhiều đoạn ngõ để trống, chỉ còn những đường trắng nhỏ hoặc bị lược bớt. Lý do là Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tờ bản đồ một mặt vừa to ra, một mặt thu tỉ lệ lại, có vẻ không còn chỗ để ghi chi chít ngõ nữa. Nhưng một lý do nữa, ngõ đã không còn quan trọng trong việc thể hiện mạng lưới giao thông bản đồ khi đã có nhiều đường lớn mở rộng, những cây số dài thườn thượt đi ra ngoại thành.
Đấy là trên bản đồ. Trên thực địa, ngõ lại chiếm ưu thế khi diện tích những căn nhà Hà Nội bé nhỏ, không đủ lớn để chiếm một phần tư ô bàn cờ tạo nên bởi hai đường phố. Những miếng đất nhỏ đủ để dựng những ngôi nhà hình ống tựa như những tinh thể muối đứng san sát bên nhau. Chúng rời rạc mà lại đông đặc một khối.
Ngõ hiếm khi là đường thẳng mà nhiều khi khúc khuỷu, cong queo, ngoằn ngoèo. Sự so le, khấp khểnh tạo ra một bố cục dễ gây cảm hứng cho nhiếp ảnh hay mỹ thuật. Bùi Xuân Phái vẽ những mái nhà không đều nhau là nghệ sĩ của một đô thị như thế. Sẽ là một Phái khác nếu ở một thành phố mà các dãy nhà đều tăm tắp như mạ cấy chăng dây. Cho đến giờ, những nhà chồng diêm, những phố Hàng Bạc, những ngõ Phất Lộc, vẫn còn được nhớ là nhờ tranh Phái cùng nhiều hậu duệ vẽ đi vẽ lại, cho dù đến nay hình hài phố cổ đã biến dạng. Như thế cũng là còn may mắn hơn những khu tập thể thời bao cấp cũng đã biến dạng và xuống cấp mà chẳng có nhà họa sĩ nào của nó vẽ lại vào danh tác cho đời sau. Ở các khu tập thể trước đây không tồn tại khái niệm ngõ, nhưng giờ đây dưới áp lực của dân sinh, của sự quản lý lỏng lẻo, chúng đã trở thành nhà ống biến hình từ căn hộ, chồng chất lên nhau và chia sẻ những lối đi ngoắt ngoéo hệt những con ngõ truyền thống.
Những con ngõ Hà Nội thực tế là sản phẩm để lại của đời sống đơn vị làng xã xưa kia, khi sinh hoạt dựa trên cơ sở sản xuất nông nghiệp hay thủ công, giao thông cơ bản là đi bộ, kết hợp với xe súc vật kéo hỗ trợ cho chở nông sản thu hoạch hay sản phẩm thủ công tại nhà. Chi phí để làm đường đi lại hoàn toàn dựa trên đóng góp của cư dân, vì vậy trong điều kiện vật chất hạn chế, hầu hết các con ngõ có một cữ bề rộng tối đa vừa một chiếc xe trâu. Những ngôi làng ban đầu gồm những gia đình có thửa đất sở hữu được tính theo đơn vị sào Bắc Bộ (360m2), qua thời gian, những sào đất ở và thậm chí đất vườn, ao được chia xẻ cho các con hay bán cho người ngoài. Những miếng đất không còn vuông vắn, chúng so le nhau để chừa lại những ngõ hẹp cho những miếng trong cùng có lối đi. Khi những ngôi làng được đô thị hóa, những miếng đất chỉ là nơi ở, và các con ngõ vốn dành cho cuộc sống làng xã đối diện với những mâu thuẫn của đời sống tiện nghi vật chất đô thị như xe cộ, đồ đạc – những thứ có kích thước cồng kềnh và chóng đổi mốt hơn nhiều so với những chiếc xe trâu hay những sập gụ, tủ chè hàng trăm năm không suy xuyển. Các ngôi nhà ba gian hai chái truyền thống trên các mảnh đất đủ rộng đã trở thành nhà ống ken nhau trong ngõ ngách.
Có thể thấy, vai trò của ngõ là dành cho một đời sống ít biến động, nặng tính cổ truyền. Sự biến đổi mau lẹ của quá trình đô thị hóa khiến cho hệ thống ngõ gặp nhiều bế tắc trong phát triển. Ở những đô thị cổ châu Âu, chẳng hạn Venice – nơi cũng tồn tại rất nhiều ngõ ngách, thì hình thái cư trú đã ổn định từ hàng trăm năm, lượng xe máy gần như không có, phương tiện giao thông trong ngõ duy nhất là các xe đẩy hàng. Thêm nữa, những nơi này thuộc về khu vực di sản kiến trúc và lịch sử, khác với hệ thống ngõ Hà Nội thường bị bỏ mặc trong quá trình bảo tồn và quy hoạch. Có một không gian rộng lớn của đô thị Hà Nội đặt ra vấn đề giải phóng quỹ đất và cơ cấu lại hình thái cư trú, kết hợp với tính toán giao thông, để chúng có thể tạo ra sức hấp dẫn cảnh quan, thay vì đang là những khu vực cằn cỗi nhất của thành phố.
Ngay các ngõ kiểu Pháp như Hà Hồi, Hội Vũ, Tức Mạc, vốn được người Pháp gọi là các “cité” cũng không còn được ghi tên bản đồ nữa, và trên thực địa, chúng cũng mất dần tính chất “xóm thượng lưu” khi các mảnh vườn bị lấn chiếm, các ngôi nhà xây dựng kín đất, và các biệt thự trở thành nhà ống. Mô hình thành phố vườn từng có ở Hà Nội (Trong thành phố có một vườn cây mát… Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về - Lưu Quang Vũ) đã không đủ sức hấp dẫn để các chủ nhân giữ lại so với sức hút của nền kinh tế nhà đất.
***
Việc phức tạp trong cải tạo đô thị cũ đã khiến cho việc thúc đẩy “thành phố mới” dọc các đường vành đai Hà Nội. Đầu tiên phải kể đến sự ra đời ngày một nhiều các trung tâm mua sắm dọc các đường này. Hệ thống chuỗi đô thị mới Vincom dọc đường vành đai 2, án ngữ các cửa ngõ, cùng các hệ thống siêu thị lớn tạo ra một vành đai cư dân trung lưu, tách ra khỏi khu vực lộn xộn của thành phố cũ (nhưng không đủ giá trị cổ như cái lõi trung tâm). Nó không phải là đặc sản của Hà Nội thời này, mà lặp lại đúng các diễn tiến đã được các nhà nghiên cứu phân loại từ thế kỷ trước. Một khu đô thị như vậy như Times City vốn xây từ khu đất giải tỏa của nhà máy dệt 8-3, đã khiến cho phường Vĩnh Tuy có số dân lên tới 6 vạn, gấp 3 lần một phường bình thường.
Các khu đô thị này mặc dù lặp lại công việc thiết lập khu dân cư mới, song khác với thiết lập đô thị của người Pháp hay xây dựng các khu tập thể trước đây với nguồn vốn của nhà nước, thì các khu đô thị mới do các công ty tư nhân đầu tư. Điều này quan trọng bởi hình thức kiến trúc và quy mô các đơn vị nhà ở được “may đo” theo phong cách và chỉ tiêu vừa ý khách hàng nhất. Dễ nhận thấy xu hướng kiến trúc tân cổ điển là trội bật, khuếch trương các giá trị của đời sống trung và thượng lưu, hoặc một phong cách “quốc tế”, từ các biệt thự cho đến các chung cư cao tầng. Đây chính là bộ mặt sôi động của đô thị hiện nay, phản ánh thị trường nhà đất không chỉ là vấn đề tích lũy tài sản cố định của người dân mà còn là mối quan tâm đến không gian sống theo nhu cầu. Cách thức hàng vạn người có chung tiến trình góp vốn mua căn hộ với mức giá họ chấp nhận được dần hút cư dân về ở theo giai tầng xã hội.
Sự biến mất dù là trên bản đồ của hệ thống các ngõ ngách kém quan trọng trong thị trường bất động sản Hà Nội để nhường chỗ cho các chỉ dẫn về các khu đô thị mới tạo nên một thành phố được “lọc”. Ngõ Văn Chỉ đã được mở rộng thành đường Lê Thanh Nghị, và dấu tích văn chỉ Thọ Xương chỉ còn nằm trong một ngôi nhà cũ trong ngõ bên cạnh thông ra phố Bạch Mai. Cư dân khu vực gần như không biết ý nghĩa của tên gọi con ngõ cũ. Trong khi đó, bản đồ quy hoạch năm 1943 của người Pháp đã từng nối đê Tô Hoàng với ngõ Cột Cờ thành một đường chéo từ Ô Cầu Dền tới cửa bệnh viện Bạch Mai, tạo thành một hệ đường hình tia ngôi sao theo kiểu Paris, tương ứng là một số đường khác đối xứng, nhưng đã không thực hiện được. Bây giờ hai con ngõ vẫn còn, nhưng chúng không hề gây ấn tượng đấy là dấu vết của một quy hoạch có tính “sang trọng”.
Có rất nhiều thứ đã biến mất khỏi các bản đồ quá khứ: đường tàu điện, các khu công nghiệp trong nội thành, những mặt nước, thậm chí một khúc sông Tô Lịch. Có những thứ hiện hữu trên mặt đất nhưng vẫn không có trên bản đồ như công trình lăng Hoàng Cao Khải gắn liền với cái tên Thái Hà Ấp. Có những vùng mênh mông nhà cửa nhưng thưa vắng chỉ dẫn như dải đất ngoài đê sông Hồng. Trong các cuốn sách hướng dẫn du lịch, họ có vẽ những walking tour (lộ trình đi bộ) hay biking tour (đi xe đạp) quanh các khu vực nhiều điểm tham quan nhất. Một bản đồ hấp dẫn có thể mời gọi du khách đi được nhiều không gian đa dạng nhất trong bán kính cho phép. Tôi đã từng đi theo dấu 6 tuyến xe điện xưa để tìm kiếm một vết tích nào của thứ đã đi vào ký ức tập thể người Hà Nội. Nhưng không còn gì, một đoạn đường ray - không, một cột điện treo dây – không, thậm chí công ty xe điện ở phố Thụy Khuê cũng nói rằng họ không còn giữ một đầu máy hay toa tàu nào cả. Những con đường cũ giờ trải nhựa nhẵn thín không có vẻ gì đã từng có những chuyến tàu điện chầm chậm, thứ trong đầu luôn đẹp đẽ hơn thực tế. Chỉ còn lại đôi ba người lái tàu kể cho chúng tôi nghe về nghề nghiệp cũ của họ. Hình như có một thứ bản đồ tồn tại dai dẳng trong trí óc con người, thay cho những tấm bản đồ bạc màu và thông tin không bao giờ là đủ.
Nguyễn Trương Quý
Nhận xét