Bay đi tìm nhau



… Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau …

Khi đọc đến giữa truyện thứ hai trong tập Người lính kèn về làng của Trần Quốc Huấn, tôi khóc. Máy bay vẫn đang trong giai đoạn cất cánh nên tôi không hạ tấm che cửa sổ được, vì thế nắng miền Nam tháng Mười một vẫn chói chang rọi vào chỗ ngồi. Tôi cố quay ra cửa sổ, tránh khỏi làm phiền người phụ nữ da trắng bên cạnh. Ngoài cửa sổ mây trắng xóa. Bảo Ninh cũng từng có truyện Ngàn năm mây trắng, viết về một bà mẹ lần đầu đi máy bay vào Nam, khi lên trời ngang vĩ tuyến 17, bà bày lên bàn ăn một tấm ảnh, vài món đồ cúng và thắp hương. Dĩ nhiên công cuộc của bà gây phiền hà. Bà phân trần: “Non ba chục năm tôi mới lên được miền cháu khuất”. “Tấm ảnh được cắt ra từ một mảnh báo, đã cũ xưa, nhưng người phi công trong ảnh còn rất trẻ”. Tôi nhớ mang máng cái phim truyền hình dựa theo truyện khá là cải lương. Chắc cảnh tôi sụt sịt lã chã cũng cải lương lắm.

Truyện mà tôi vừa đọc lúc nãy là Mùa trái rụng nhiều. Viết không cầu kỳ, mộc mạc, nhưng nó đủ chi tiết đắt của thời chiến tranh, ở một không gian tù đọng như một cái làng Macônđô nào đấy, vừa hồ nghi duy lý vừa thành tâm dân gian. Một anh đàn ông hỏng một mắt, gọi thô là chột, không được đi bộ đội, nhưng học nghề cắt tóc rồi ngẫu nhiên thành họa sĩ truyền thần. Truyền thần là một cái nghề thịnh hành ở Việt Nam (hay chắc chủ yếu ở miền Bắc) thời việc chụp ảnh vẫn là xa xỉ, và đối tượng được truyền thần – tức vẽ và phóng ra hình lớn từ những bức ảnh nhỏ cỡ bao thuốc hay bao diêm – lại cũng oái oăm là những người đã chết. Những ông già bà cả đã khuất núi, và dĩ nhiên ở thời chiến tranh là những người lính đã ngã xuống. Chi tiết cây bàng rụng nhiều quả báo hiệu nhiều người chết để thân nhân ùn ùn mang ảnh đến cho Thịnh chột vẽ mặc dù hơi sáo, nhưng về mặt tâm trạng dân gian người Việt, nó có gốc rễ cảm xúc. Tình tiết người phụ nữ chỉ còn tấm ảnh tập thể lớp Ba gồm những đứa bé 7, 8 tuổi mà cái mặt anh chồng chỉ bé bằng hạt đậu, chính là cái gốc rễ khiến tôi khóc.

Có thể vì bố tôi mất cách đây mấy tháng. Có thể vì tác giả Trần Quốc Huấn mất mới đầy năm. Vì những người miền Bắc đã sống qua thời nhiều khổ đau trong chiến tranh chia sẻ chung những gốc rễ làng xóm cộng đồng vừa tù hãm vừa giằng díu những yêu thương trong sự tù hãm đó. Tôi đọc thấy đời bố tôi, mẹ tôi, những người thế hệ trước, chạy tới chạy lui trong cái khung vừa xộc xệch vừa đậm đặc sự chu toàn đắp đổi đó.

Tôi nhớ đến cái làng quê ngoại tôi, nơi cũng đã có những khung cảnh như truyện Trần Quốc Huấn. Bác tôi bị lòa sau khi biết tin người con cả hi sinh ở Tây Ninh năm 1972, cả cuộc đời dài dặc còn lại ông sống trong bóng tối. Nhưng bóng tối của ông lúc nào cũng có vẻ như ăm ắp các rường mối, như thể những hệ xà nhà đan cài khin khít trên mái những ngôi nhà xưa cũ. Với ông, những vị khách Hà Nội như bố mẹ tôi, chị em tôi lúc nào cũng là thượng khách. Với ông, cái làng Ngọc Trục ven sông Nhuệ mãi mãi mẫu mực cho một cộng đồng trong ấm ngoài êm, tắt lửa tối đèn có nhau. Nhưng lúc ông mất, không ai ngờ là ông không có một tấm ảnh nào! Mà có phải thời chiến tranh đói kém đâu, năm 2010! Và làng Ngọc Trục có xa gì, cách những hiệu ảnh Bờ Hồ chỉ mười cây số. Vậy mà lúc ông còn sống, con cháu quên mất việc chụp ảnh cho ông, dù chỉ là một bức cả gia đình. Bởi vì ông bị mù quá lâu, nên có khi ông không còn nhớ đến việc trên đời có thứ gọi là nhiếp ảnh. Người mù nào còn quan tâm được mình trông ra sao.

Vậy làm thế nào có ảnh thờ bây giờ.

Một chi tiết đắt giá của truyện ngắn đã xảy ra. Con cháu đè người đã chết ra chụp. Tôi biết chi tiết này quá ư đau lòng, và phũ phàng khi kể ra. Nhưng đọc đến truyện của anh Huấn, tôi không kìm được nước mắt. Tôi nhớ đến khuôn mặt xám lạnh ấy, dĩ nhiên mắt đã nhắm. Thế rồi một hai tiếng sau, người con chạy từ hiệu ảnh ở thị xã Hà Đông về, với bức ảnh hình như được vẽ vào hai con mắt đen láy. Bức ảnh vẫn là ảnh của người chết với đôi môi hơi há ra.

Tôi đã biết cảnh bác tôi cứ ngồi đó hóng khách đến chơi, ai đến cũng nắm tay nắm chân như muốn níu rịt lấy. Cảnh những người ốm nhiều năm, cứ loanh quanh đợi một cái kết nào đấy. Không biết khi anh Huấn ốm, và chắc là anh có nhiều khát vọng thì chúng có làm khổ anh không. Trần Quốc Huấn từng đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1987, sau lại đi làm phim với những phim có cái tên thật ám ảnh vận vào người: Phần đời không muốn nhớ, Người lính kèn về làng... Anh tham gia biên kịch và đạo diễn cả những phim đình đám như Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du, Đồng đội.

Tôi buồn bã nghĩ đến cuộc sống thời bao cấp ấy bởi anh biên tập viên vốn người miền Nam, nói với vợ anh Huấn rằng không hình dung ra người miền Bắc lại khổ thế. Tôi buồn vì đáng lẽ năm nay tôi sẽ gửi một truyện ngắn đăng báo Tết về cái đề tài vùng miền như thế, nhưng tôi cứ chán ngán khi mở facebook ra là nhan nhản những status và comment thành kiến về người Bắc. Tôi không còn hào hứng. Tôi không muốn nhập thêm mình vào cái bể sùng sục ngầu bọt ấy.

Quay lại với tập Người lính kèn về làng. Không phải cả 8 truyện trong tập tôi đều thích cả. Nhưng bỏ qua những lớp ngôn từ hay lớp nghĩa bề mặt đã bị thời gian khai thác cùn mòn, có những lớp ngôn từ và nghĩa ẩn tàng nằm trong cội rễ cảm xúc. Người viết không thấy có phút nào đứng cao hơn nhân vật, hay có dấu vết thời thượng kiểu nghiêng mình nhìn xuống những người bé mọn. Tác giả cứ thủng thẳng kể, kể một cách giản dị, mà rất tỉ mỉ. Mặc dù là những câu chuyện đã thuộc về thời đã cũ: anh lính phục viên đứng ra nhận làm cha cho đứa con của cô gái lỡ làng – một môtip thuộc loại “kinh điển” của phim ảnh truyền hình Việt Nam những năm 90, rồi những người trí thức “nghèo nhưng mà tốt” ở những cơ quan xí nghiệp thời tiền đổi mới… Nhưng ở đấy còn là những “vùng biển thẳm” (chính là tên truyện đầu tiên của tập, một truyện nhiều chất thơ), là những khoảng sực tỉnh của những người bị quá khứ quấy rầy, không yên hàn được với thực tại.

Tôi đọc xong tập truyện trên máy bay, cũng đủ nguôi ngoai nỗi niềm khi máy bay hạ cánh. Trên màn hình ở khoang hành khách, người ta chiếu cảnh đường băng. Những ánh phản chiếu của mốc đường băng dần tắt bớt, nhường chỗ cho những vệt đen của bánh cao su miết trên nền bê tông. Chúng đậm dần, đậm dần đến lúc chỉ còn là một dải đen chiếm trọn màn hình.

NTQ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến

Nhãn

Hiện thêm